Trang chủ

Thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Nhật Bản

Đăng ngày: 28-11-2022, 08:11 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 5

Trần Kim Anh1

Tóm tắt: Xuất khẩu rau quả được coi là một trong những ngành hàng triển vọng của Việt Nam và đang đạt được những thành công trên một số thị trường khó tính như Nhật Bản. Bài viết tập trung phân tích tình hình xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản trong thời gian qua, đặc biệt dưới tác động của đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu; đồng thời đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế còn tồn tại, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp tăng cường hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam nhằm đáp ứng những yêu cầu của thị trường tiềm năng nhưng khó tính này, cũng như vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế y tế Covid-19.

Từ khóa: Nhật Bản,rau quả,thị trường,xuất khẩu


1. Nhu cầu nhập khẩu rau quả của Nhật Bản[1]

Người Nhật hàng ngày có nhu cầu cao trong việc sử dụng rau quả, chi phí cho nhu cầu rau quả tăng lên đáng kể trong tổng chi phí sinh hoạt của người dân Nhật Bản trong những năm qua[2]. Việc tiêu thụ rau quả ở Nhật Bản tăng là do chế độ ăn kiêng truyền thống, sự gia tăng ý thức về sức khỏe quốc gia và sự sẵn có của một loạt các loại trái cây và rau quả. Xu hướng tiêu dùng tiếp tục phát triển do sự tăng trưởng số lượng các hộ gia đình độc thân, dân số già và nhu cầu tăng mạnh mẽ về thực phẩm tiện lợi. Trong khi đó, sản xuất trong nước với giá thành cao, do chi phí lao động cao và năng suất sản xuất thấp[3]. Chính vì vậy, Nhật Bản cần nhập khẩu một lượng rau quả khá lớn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trong giai đoạn 2016-2018, mỗi năm Nhật Bản phải chi trả gần một trăm tỷ USD để nhập khẩu rau quả. Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Nhật Bản, tuy nhiên, mặt hàng rau quả vẫn giữ được tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu, ước đạt giá trị hơn 9 tỷ USD, trong đó mặt hàng hoa quả tươi và nhóm rau quả chế biến có xu hướng tăng lên so với năm 2019.

Về thị trường nhập khẩu, Nhật Bản chủ yếu nhập rau quả từ Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan, Mexico, Hàn Quốc. Nhìn chung, Trung Quốc là thị trường lớn nhất, có ưu thế cao nhất ở mặt hàng rau tươi và rau quả chế biến, chiếm hơn 1/2 tổng kim ngạch nhập khẩu rau tươi và 2/5 tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả chế biến của Nhật Bản  năm 2020 (Hình 1). Mỹ là nước thứ 2 với thế mạnh ở cả 3 loại sản phẩm. Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 7 trong số các quốc gia xuất khẩu rau quả chế biến sang Nhật Bản với hơn 72 triệu USD và đứng thứ 10 trong việc xuất khẩu rau tươi và trái cây tươi sang Nhật Bản, đạt gần 84 tỷ USD[4].


Hình 1: Cơ cấu thị phần của tốp 5 quốc gia và Việt Nam xuất khẩu rau quả

sang Nhật Bản năm 2020 phân theo nhóm sản phẩm

Thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Nhật Bản

Nguồn: Trademap ITC, 2020, List of supplying markets for the product imported by Japan

 

Về chủng loại rau quả nhập khẩu, đối với mặt hàng rau, Nhật Bản chỉ nhập khẩu rau tươi khi trái mùa hoặc khi sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu nội địa. Nhật Bản nhập khẩu nhiều loại rau từ nhiều nước khác nhau, nhưng nguồn cung chủ yếu là từ Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan,trong đó mặt hàng hành tươi được nhập khẩu nhiều nhất với 298.783 tấn, tương đương hơn 219 triệu USD năm 2020 (bảng 1). Ngoài ra, Nhật Bản cũng nhập khẩu nhiều loại rau khác như cà rốt, củ cải, bắp cải…Với mặt hàng trái cây, do người Nhật rất thích ăn chuối nên hàng năm đây là mặt hàng được nhập khẩu với số lượng lớn. Năm 2020, nước này nhập tới 1.068.680 tấn chuối, đạt giá trị gần 1 tỷ USD (bảng 1). Bên cạnh đó các loại quả tươi như kiwi, bơ, cam quýt, dứa cũng rất được ưa thích ở thị trường này.

 

Bảng 1: Kim ngạch nhập khẩu một số loại rau và trái cây vào Nhật Bản năm 2020

STT

Tên hàng

Mã HS

Khối lượng (tấn)

Trị giá (nghìn USD)

1

Chuối

0803

1.068.680

988.307

2

Hành, hẹ, tỏi, tỏi tây

0703

298.783

219.173

3

Dứa, bơ, ổi, xoài,..

0804

247.146

398.865

4

Trái cây có múi

0805

224.060

335.034

5

Cà rốt, củ cải

0706

128.661

58.687

6

Dâu tây, mâm xôi,..

0810

122.620

544.254

Nguồn:Tổng hợp từ https://www.trademap.org/Country_SelProductCountry_TS.aspx

 

2. Thực trạng xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Nhật Bản

Trong vài năm gần đây, ngành hàng rau quả Việt Nam đã có bước đột phá, có tốc độ xuất khẩu tăng trưởng tốt trong nhóm hàng nông, thủy sản và xuất khẩu rau quả. Ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, rau quả Việt Nam đã từng bước khẳng định chất lượng, chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU, Canada, Australia.Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt khoảng 3,26 tỷ USD năm 2020, so với năm 2019 đã giảm 0,48 tỷ USD, tương đương với mức giảm 13%.

Hình 2: Mức tăng/giảm trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng

năm 2020 so với năm 2019

Thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Nhật Bản

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Xuất khẩu rau quả năm vừa qua giảm mạnh bởi nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn giảm như: thanh long - mặt hàng chiếm thị phần cao nhất với khoảng 36% tổng giá trị xuất khẩu, giảm gần 10%; chuối chiếm trên 5%, giảm 13%; sầu riêng giảm 56%; vải giảm 22%; dưa hấu giảm 36%[5]. Điều này có thể được giải thích do dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên toàn cầu đã làm cho giao thương bị đứt gãy tại một số thị trường, việc xuất khẩu một số loại hàng hóa như xăng dầu, giày dép, dệt may và rau quả của Việt Nam bị giảm tốc cả về mặt giá trị và lượng xuất khẩu (hình 2).

Hiện nay, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam, chiếm khoảng 56% thị phần theo số liệu của Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên với tình hình dịch bệnh Covid-19, giá trị xuất khẩu rau quả giảm khoảng 25% so với năm 2019 do thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu mạnh. Tuy vậy, xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác vẫn tăng trưởng tốt như Hoa Kỳ tăng khoảng 11%; Thái Lan tăng trên 140%; Hàn Quốc tăng 11%; Nhật Bản tăng 5%.

Trong nhiều năm gần đây, Nhật Bản là một trong những thị trường xuất khẩu rau quả lớn của Việt Nam, thường xuyên nằm trong top 5 thị trường tiêu thụ rau quả, đồng thời Việt Nam cũng là quốc gia đứng thứ 15 trong số các nước xuất khẩu rau quả vào Nhật Bản. Sở dĩ Việt Nam có cơ hội xuất khẩu rau quả sang Nhật Bản là do sự khác biệt giữa các mùa vụ, khác biệt về vùng, vì nhiều loại rau củ Việt Nam cung ứng được thì Nhật Bản không tự trồng được.

Hình 3: Thị phần và giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Nhật Bản

giai đoạn 2015 - 2020

Thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Nhật Bản

Nguồn: Tổng hợp số liệu từ Tổng cục Hải quan

 

2.1. Về kim ngạch xuất khẩu

Hình 3 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Nhật Bản không ngừng tăng lên trong giai đoạn 2015-2020. Năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Nhật Bản đạt khoảng 74 triệu USD và chiếm thị phần khoảng 52,36% trong tổng kim ngạch xuất khẩu vào Nhật Bản, con số này tăng lên khoảng 127,67 triệu USD và 66,2% vào năm 2020. Theo lộ trình cắt giảm thuế quan của VJEPA, từ 01/4/2016, Nhật Bản tiếp tục cắt giảm thuế quan đối với một số mặt hàng rau quả khác như tiêu, rau chân vịt, ngô, khoai tây đông lạnh… Hơn nữa trong thời gian qua, những lô hàng như xoài, thanh long ruột đỏ của Việt Nam đã lần lượt được xuất khẩu sang Nhật Bản vào giữa năm 2016 và năm 2017.Đây là lí do tại sao kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng mạnh so với những năm trước và tăng kỷ lục vào năm 2017, cụ thể xuất khẩu rau quả của Việt Nam chiếm đến hơn 75% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào Nhật Bản với trị giá đạt hơn 127 triệu USD.


Bảng 2: Giá trị rau quả nhập khẩu của Nhật Bản từ Việt Nam

Mã HS

Nhóm sản phẩm

2017

(triệu USD)

2018

(triệu USD)

2019

(triệu USD)

So sánh (%)

18/17

19/18

07

Rau, củ, thân cây có thể ăn được

91,47

41,2

45,04

-55

9

08

Trái cây và vỏ có thể ăn được

38,55

40,64

39,9

5

-2

20

SP chế biến từ rau, quả, hạt và bộ phận của cây

41,07

48,04

64,29

17

34

Nguồn: Tổng hợp từ https://www.trademap.org/Country_SelProductCountry_TS.aspx

 

2.2. Các chủng loại rau quả xuất sang thị trường Nhật Bản

Các chủng loại rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản ngày càng đa dạng hơn, gần đây còn có sự gia tăng về sản lượng xuất khẩu của một số loại rau quả. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là rau tươi, rau quả đóng hộp, sấy khô, hoặc muối, đông lạnh, rau gia vị và nước quả cô đặc.

Trong cơ cấu xuất khẩu mặt hàng rau quả, nhóm sản phẩm chế biến từ rau, quả, hạt và bộ phận của cây có xu hướng gia tăng mạnh, từ hơn 41,07 triệu USD năm 2017 lên đến hơn 64 triệu USD năm 2019, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu mặt hàng rau quả với mức tăng trưởng cao, lần lượt là 17 và 34%. Trong khi đó, nhóm hàng rau củ thân cây có thể ăn được lại giảm mạnh, năm 2019 đạt mức giá trị là 45,04 triệu USD, giảm một nửa so với năm 2017. Nhóm hàng trái cây và vỏ có thể ăn được trong giai đoạn 2017-2019 tuy duy trì được mức trị giá cao nhưng tỷ trọng trong cơ cấu vẫn còn thấp, chưa xứng với tiềm năng (bảng 2).

Các mặt hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản khá đa dạng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Tuy nhiên các quy định về nhập khẩu rau quả của thị trường này rất nghiêm ngặt vì họ sợ lây lan dịch bệnh và sâu hại từ nước xuất khẩu nên là rào cản lớn hạn chế các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tính đến nay, mới chỉ có 4 loại quả được cấp phép nhập khẩu vào Nhật Bản là chuối, thanh long (ruột trắng và ruột đỏ), xoài và vải thiều do đã đáp ứng được các yêu cầu trong Luật Kiểm dịch thực vật của Nhật Bản. Cuối năm 2015, 80 tấn xoài tươi đầu tiên đã chính thức được xuất khẩu sang Nhật Bản, đến cuối năm 2016, con số này tăng lên 934 tấn, chiếm 34% tổng xuất khẩu xoài của Việt Nam. Tuy nhiên trong năm 2017, xoài nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 0,2% thị phần nhập khẩu xoài của Nhật Bản. Sau trái xoài, đến tháng 4/2016, Nhật Bản cũng đã chính thức nhập khẩu chuối của Việt Nam. Thị trường Nhật Bản có nhu cầu cao đối với mặt hàng chuối nhập khẩu, với sức tiêu thụ xấp xỉ 1 triệu tấn/năm. Theo thống kê, hiện nay, Philippines đang là quốc gia đứng đầu về lượng chuối nhập khẩu của Nhật Bản, chiếm tới 85% thị phần. Song chuối Việt Nam có một lợi thế, đó là vị ngọt phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng Nhật Bản và có mức giá cạnh tranh hơn. Trong năm 2020, sau khi chuyên gia Nhật Bản tiến hành trực tiếp kiểm tra hệ thống xử lý khử trùng vải thiều của Việt Nam, lô vải thiều chính vụ Bắc Giang đã lần đầu được xuất khẩu qua đường hàng không đến Nhật Bản. Trong ngày mở bán đầu tiên, lô vải thiều tươi này đã được bán hết chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ. Đáng chú ý, phía doanh nghiệp và người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá rất cao về chất lượng quả vải Việt Nam. Khởi đầu thành công đã mở ra cơ hội xuất khẩu rất lớn cho quả vải thiều tươi đến với thị trường khó tính này, đến nay, xuất khẩu quả vải sang Nhật Bản ước đạt 100 tấn[6]. Thời gian tới, bưởi, nhãn, vú sữa -  những loại trái cây Việt Nam có thế mạnh, cũng có nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường Nhật Bản khi các thủ tục nhập khẩu đang được nước này xem xét.

Mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, Nhật Bản vẫn đẩy mạnh nhập khẩu nhiều chủng loại trái cây, rau củ từ Việt Nam như chuối, thanh long, vải, khoai lang…, đây cũng là những mặt hàng được nhận định có tiềm năng xuất khẩu cao của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.Bên cạnh rau quả tươi thì rau quả sấy khô, muối đông lạnh, đóng hộp cũng từng bước vào thị trường Nhật Bản với nhiều chủng loại và cách thức chế biến. Tuy nhiên, đối với những mặt hàng này muốn xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản thì cần có chứng nhận vệ sinh kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền phía Việt Nam và chịu sự kiểm tra lấy mẫu ngẫu nhiên của cơ quan kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản, vì vậy việc xuất khẩu cũng gặp không ít khó khăn.

Tuy đã có nhiều tiến bộ trong việc đưa sản phẩm rau quả vào thị trường Nhật Bản, nhưng so với các quốc gia là thị trường nhập khẩu chính của Nhật Bản như Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan thì chủng loại và sản lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam còn thua kém rất nhiều, mới chiếm thị phần rất nhỏ. Ngoài ra, chúng ta còn đang phải cạnh tranh với Thái Lan, Philippines cũng như một số nước Đông Nam Á khác về các chủng loại rau quả phong phú của họ.

2.3. Đánh giá thực trạng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Nhật Bản

2.3.1. Kết quả đạt được.

Hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản giai đoạn 2015-2020 đã đạt được một số thành công sau đây:

Thứ nhất, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Nhật Bản không ngừng gia tăng trong những năm qua và nhìn chung luôn ở mức cao. Nhật Bản luôn nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Năm 2020, tuy chịu tác động của đại dịch Covid-19 nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Nhật Bản vẫn đạt mức cao 127,67 triệu USD và chiếm thị phần đến 66,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu vào Nhật Bản. Trong cả giai đoạn, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đã có sự tăng kỷ lục so với các giai đoạn trước, vượt qua nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác như hạt điều, hạt tiêu, cao su…

Thứ hai, về chủng loại, rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đa dạng hơn trước. Bước đầu đã xuất khẩu thêm nhiều loại trái cây tươi hơn như chuối, xoài Cát  Chu, thanh long và vải thiều. Điều này không chỉ giúp các loại trái cây Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên trường quốc tế mà còn mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu các trái cây này sang thị trường dễ tính hơn. Tuy nhiên, do các chủng loại cây trồng không đổi nên các loại rau quả tươi xuất khẩu thay đổi không nhiều. Nhưng nhờ sự tiến bộ của công nghệ, sự phối hợp giữa các loại rau quả và hương vị trong chế biến đã tạo ra các sản phẩm mới lạ, hấp dẫn.

Thứ ba, chất lượng rau quả đã được cải thiện do việc nâng cao nhận thức của người nông dân và các doanh nghiệp trong việc đầu tư, sản xuất, chế biến, bảo quản, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu trong quá trình sản xuất để đảm bảo duy trì chất lượng tươi ngon của rau quả. Nhiều doanh nghiệp chế biến hàng rau quả xuất khẩu đã nhận được các giấy chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, ISO, BRC…, tạo thuận lợi cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Nhật Bản. Đa số các doanh nghiệp đều ý thức được việc phải nâng cao chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm khi xuất khẩu sang thị trường khó tính bậc nhất thế giới như Nhật Bản.

Thứ tư, các doanh nghiệp Việt Nam cơ bản đã tiếp cận được tới hệ thống các kênh phân phối của Nhật Bản. Nếu như những năm trước đây, việc xuất khẩu phải qua trung gian như Hồng Kông, Singapore vì chưa hiểu biết rõ về thị trường Nhật Bản, thì hiện nay các doanh nghiệp đã có thể xuất khẩu trực tiếp cho các nhà nhập khẩu.

Thứ năm, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã phát huy khá tốt các lợi thế sẵn có trong sản xuất như điều kiện tự nhiên, nguồn nhân công và tận dụng các ưu đãi về thuế quan từ các hiệp định thương mại đem lại.

2.3.2. Những hạn chế.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Nhật Bản còn nhiều hạn chế như:

Thứ nhất, tuy kim ngạch xuất khẩu tăng đều qua các năm nhưng vẫn chiếm một tỷ trọng rất nhỏ. Trong cả giai đoạn 2015-2020, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng2% so với tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Nhật Bản (hình1). Đây là một con số rất khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế phát triển ngành rau quả của Việt Nam.

Thứ hai, các chủng loại rau quả xuất khẩu có đa dạng hơn nhưng xuất khẩu tươi vẫn còn ít, đặc biệt là trái cây tươi, mới chỉ có bốn loại được cấp phép nhập khẩu vào Nhật Bản. Trong khi đó, rau quả tươi lại được người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng hơn, giá cả vừa phải, còn rau quả chế biến tốn kém chi phí mà giá lại không cạnh tranh. Đây là điểm bất lợi của chúng ta so với các nước khác có khả năng cung cấp các loại rau quả tươi dồi dào, đa dạng hơn. Bên cạnh đó, chất lượng rau quả xuất khẩu tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh, thương hiệu chưa được biết đến rộng rãi, đặc biệt nổi cộm là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nên Việt Nam chưa thể khiến người tiêu dùng Nhật Bản bớt e ngại khi sử dụng sản phẩm rau quả nhập khẩu từ Việt Nam. Đối với các nhà xuất khẩu, điều này cũng gây ra các tổn thất như hàng đã xuất đi nhưng bị trả lại, bị đơn vị thu mua ép giá, giảm sút uy tín…

Thứ ba, giá cả rau quả xuất khẩu của Việt Nam thường cao hơn so với các nước khác có cùng mặt hàng rau quả xuất khẩu sang Nhật Bản như Mỹ, New Zealand… hay chính trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines. Một số sản phẩm có cùng chất lượng nhưng giá bán lại cao hơn. Giá bán cao trong khi chất lượng, mẫu mã, bao bì, thương hiệu… của Việt Nam lại chưa bằng đối thủ nên rất khó cạnh tranh. Ngoài ra, những quốc gia này hầu hết đều có thương hiệu, uy tín trên trường quốc tế. Những lợi thế cạnh tranh mà Việt Nam có cũng là lợi thế cạnh tranh của các quốc gia này, thậm chí, họ còn có lợi thế hơn.

Thứ tư, khả năng nắm bắt thông tin trên thị trường còn chậm, điều đó đã làm khả năng cạnh tranh rau quả của Việt Nam trên trường quốc tế thấp so với các đối thủ khác. Hơn nữa, chúng ta mới chỉ chú trọng đến sản lượng xuất khẩu mà chưa quan tâm tìm hiểu thông tin khác như về cơ cấu sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thời gian cung ứng, đối thủ cạnh tranh trên thế giới…, đặc biệt là ở mức độ nông hộ, người dân hoàn toàn thiếu thông tin thị trường.

Thứ năm, tuy đã tiếp cận được hệ thống phân phối của Nhật Bản nhưng Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu cho các công ty thương mại của Nhật Bản. Còn việc xuất khẩu trực tiếp cho các hệ thống bán lẻ, các công ty chế biến còn hạn chế, các đại diện công ty Việt Nam tại thị trường Nhật Bản còn ít.

Thứ sáu, những rào cản thương mại đang được Nhật Bản áp dụng (thủ tục nhập khẩu, thuế quan, các biện pháp kiểm dịch thực vật…) cũng gây ra những ảnh hưởng cho việc xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản. Thực tế, mức thuế quan đối với các loại rau quả nhập khẩu có giảm đáng kể nhờ vào các hiệp định thương mại, nhưng Nhật Bản lại tăng cường các hàng rào kỹ thuật nên đã làm giảm đáng kể nỗ lực xuất khẩu, cạnh tranh cho ngành rau quả của Việt Nam.

3. Một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Nhật Bản

3.1. Cải thiện năng lực chế biến của các doanh nghiệp

Mặc dù năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong các nhóm hàng chế biến có xu hướng giảm song đây lại là xu hướng tiêu dùng của Nhật Bản với các yêu cầu cụ thể về rau cấp đông, rau đóng hộp và các loại rau muối. Trong đó các loại hạt như hạt điều và hạnh nhân, sản phẩm truyền thống từ dứa có thể là thế mạnh cần quan tâm hơn. Tuy nhiên, cần bắt kịp với xu hướng tiêu dùng của người Nhật Bản cũng như công nghệ chế biến của các nước cạnh tranh để nâng cao năng lực chế biến của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt khi việc xuất khẩu của Việt Nam nói chung và xuất khẩu hàng hóa vào Nhật Bản nói riêng vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

3.2. Tuân thủ nghiêm ngặt quy định sản phẩm hàng hóa của Nhật Bản

Các doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu kĩ về các quy định hàng hóa của Nhật Bản để tránh các rủi ro thương mại cũng nhưảnh hưởng tới uy tín xuất khẩu của doanh nghiệp và toàn ngành rau quả Việt Nam. Như thế, việc sản xuất theo chuỗi và hình thành các vùng nguyên liệu ổn định với sự giám sát quy trình nghiêm ngặt, tăng cường truy xuất nguồn gốc từng loại rau quả là hết sức cần thiết và việc phổ biến các quy chuẩn này cần rõ ràng với người sản xuất để họ dần trở nên chuyên nghiệp và có trách nhiệm hơn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các ban ngành liên quan cũng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn trong phổ biến các quy chuẩn hàng hóa của Nhật Bản và kiểm tra nghiêm chất lượng các sản phẩm hàng hóa này. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh việc xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam, thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia, phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ xem kết quả xét nghiệm tồn dư về thuốc bảo vệ thực vật hoặc dư lượng kháng sinh, mà còn muốn biết cụ thể quy trình sản xuất, chế biến và đưa ra rất nhiều câu hỏi cũng như kiểm tra nhiều lần[7].Do đó, các doanh nghiệp lần đầu tạo quan hệ hợp tác với đối tác Nhật Bản phải kiên trì, đáp ứng được những yêu cầu ban đầu của họ và khi đã hợp tác được với họ thì việc thương mại sẽ dễ dàng hơn.

3.3. Tăng cường đàm phán và xúc tiến thương mại hàng nông sản tại Nhật Bản

Bên cạnh các hoạt động khuyến mại, quảng cáo thương mại, trưng bày, giới thiệu hàng hóavà tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại, việc thực hiện các tuần lễ văn hoá Việt Nam – Nhật Bản cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu rau quả tới người tiêu dùng và giúp các doanh nghiệp có những thông tin thiết thực về giá cả, mẫu mã, chất lượng sản phẩm, chiến lược khuyến mãi của các đối thủ cạnh tranh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp tại thị trường Nhật Bản. Đồng thời, Bộ Công thương và các ban ngành liên quan tiếp tục đàm phán và có các biện pháp tháo gỡ các rào cản kĩ thuật và rào cản thương mại khác.

3.4. Cải thiện logistics, giảm tổn thất sau thu hoạch

Tăng cường áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế nông sản. Bên cạnh đó cần có các nghiên cứu các công nghệ này nhằm giảm giá thành để có thể ứng dụng trong sản xuất. Đầu tư đồng bộ hạ tầng để giảm chi phí vận chuyển và phát triển ngành logistics theo chuỗi cho nông sản với giá thành thấp nhằm tăng tính cạnh tranh cho nông sản nói chung và rau quả nói riêng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bích Hồng, “Xuất khẩu rau quả sang thị trường “khó tính” tăng trưởng tốt”, https://www.vietnamplus.vn/xuat-khau-rau-qua-sang-thi-truong-kho-tinh-tang-truong-tot/650841.vnp.
  2. Đinh Cao Khuê, Trần Đình Thao, Nguyễn Thị Thủy (2019), “Tiềm năng và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Nhật Bản”, Tạp chí Khoa học nông nghiệp Việt Nam, số17(12), tr. 1014-1022.
  3. Nguyễn Thị Cẩm Thủy và Phan Thị Diệu Linh (2018), “Tăng cường xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản”, Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, số 196, tr. 57-69.
  4. Nguyễn Trọng Khương và Trương Thị Thu Trang (2017),“Thực trạng và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số14, tr. 42-54.
  5. Tổng cục Hải quan, Xuất khẩu hàng hóa sang một số nước/vùng lãnh thổ chia theo mặt hàng chủ yếu năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019, 2020.
  6. Chika Motomura, “Japanese Processed Vegetable Market Update 2019”, GAIN Report Number: JA9709, 2019.
  7. Kiyoko Ozawa, “Fresh fruit and vegetables to Japan - market trend and jaepa benefits”, Euromonitor International, Fresh Foods in Japan Report, Agriculture and Rural Areas in Japan, 2015.
  8. Trademap ITC (2020), List of supplying markets for the product imported by Japan.

 


[1]ThS., Trường Đại học Thương mại

[2] Chika Motomura (2019), “Japanese Processed Vegetable Market Update 2019”, GAIN Report Number:JA9709.

[3] Kiyoko Ozawa (2015),“Fresh fruit and vegetables to Japan - market trend and jaepa benefits”, Euromonitor International, Fresh Foods in Japan Report, Agriculture and Rural Areas in Japan.

[4]Nguồn:  https://www.trademap.org/Country_SelProductCountry_TS.aspx.

[5] Bích Hồng, “Xuất khẩu rau quả năm 2020 giảm 13% so với năm ngoái”, https://bnews.vn/xuat-khau-rau-qua-nam-2020-giam-13-so-voi-nam-ngoai/183521.html.

[6] Bích Hồng, “Xuất khẩu rau quả sang thị trường “khó tính” tăng trưởng tốt”, Vietnamplus, https://www.vietnamplus.vn/xuat-khau-rau-qua-sang-thi-truong-kho-tinh-tang-truong-tot/650841.vnp.

[7] Nguyễn Trọng Khương và Trương Thị Thu Trang(2017), “Thực trạng và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, 14: 42-54.

0thảo luận