Trang chủ

Phát triển kinh tế xanh ở Hàn Quốc: Một số kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam

Đăng ngày: 24-11-2022, 03:43 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 5

Lê Văn Tuyên1

 

Tóm tắt: Kinh tế xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Những nước dẫn đầu trong phát triển kinh tế xanh có Đức, Nhật Bản, Singapore và đặc biệt là Hàn Quốc. Với xuất phát điểm là một quốc gia nghèo về tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống bị hủy hoại nghiêm trọng do khí thải của các nhà máy, phương tiện giao thông,… Hàn Quốc đã nhận thấy sự cần thiết phải chuyển hướng sang con đường phát triển xanh và bền vững. Chính sách phát triển kinh tế xanh đã trở thành chiến lược phát triển quốc gia và hiện nay, Hàn Quốc gặt hái được nhiều thành công. Trong bài viết này, tác giả phân tích thực trạng và một số bài học kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh của Hàn Quốc. Trên cơ sở đó, đưa ra một số gợi ý chính sách nhằm phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: Công nghiệp xanh, kinh tế xanh, Hàn Quốc


1. Quan niệm phát triển kinh tế xanh của Hàn Quốc[1]

Ở Hàn Quốc, chiến lược thực hiện tăng trưởng xanh được Hội đồng Nhà nước Đại Hàn Dân quốc thông qua vào năm 2008 sau khi Tổng thống Lee Myung Park lên nắm quyền. Theo quan niệm của Chính phủ Hàn Quốc, phát triển kinh tế xanh là một chiến lược phát triển nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế gắn với bền vững về môi trường, thông qua tạo việc làm và những động lực tăng trưởng mới dựa trên công nghệ xanh. Chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc được coi là nền tảng cho tiến trình phát triển kinh tế của nước này với mục tiêu chuyển từ mô hình phát triển kinh tế phụ thuộc năng lượng hóa thạch, tăng trưởng theo chiều rộng sang mô hình phát triển dựa vào năng lượng tái tạo, tăng trưởng theo chiều sâu và bền vững, thân thiện với môi trường hơn. Theo Ủy ban Tổng thống Hàn Quốc về tăng trưởng xanh, nội dung phát triển kinh tế xanh ở Hàn Quốc là: bảo vệ môi trường, xây dựng xã hội carbon thấp; xây dựng nền kinh tế xanh, công nghệ xanh; cải thiện chất lượng cuộc sống theo hướng xanh hơn.

Bên cạnh đó, ủy ban này cũng đưa ra 10 tiêu chí để phát triển nền kinh tế xanh ở Hàn Quốc đó là: giảm hiệu ứng nhà kính; giảm tiêu dùng nhiên liệu hoá thạch, tăng sự độc lập về các nguồn năng lượng; tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển các công nghệ xanh; xanh hóa các ngành công nghiệp hiện có và thúc đẩy các ngành công nghiệp xanh; cơ cấu công nghiệp tiến tiến; xây dựng hệ thống buôn bán phát thải và thuế thân thiện với môi trường; xanh hóa đất đai, nguồn nước, xây dựng hệ thống hạ tầng vận tải xanh; xanh hóa cuộc sống; trở thành mô hình mẫu cho cộng đồng quốc tế về nền kinh tế xanh.

2. Thực trạng phát triển kinh tế xanh ở Hàn Quốc

- Bảo vệ môi trường, xây dựng xã hội carbon thấp

Để xây dựng xã hội carbon thấp, Chính phủ Hàn Quốc đã lập ra hàng loạt các kế hoạch và chương trình hành động khác nhau. Cụ thể là: cơ chế thực hiện Hiệp ước giảm khí thải tự nguyện (Voluntary Agreement); Chương trình giảm khí thải tự nguyện Hàn Quốc (Korea Voluntary emission reduction program –  VER); thành lập Trung tâm nghiên cứu và kiểm kê khí nhà kính (Greenhouse gas Inventory and research center (GIR) vào năm 2010; cơ chế quản lý chỉ tiêu (Target Management Scheme – TMS): thành lập năm 2010 nhằm giảm khí gây hiệu ứng nhà kính và sử dụng năng lượng trong các ngành công nghiệp và khu vực công; thiết lập Cơ chế mua bán khí phát thải nhà kính Hàn Quốc (Korea Emissions Trading Scheme – KETS) năm 2015... Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra các quy định tăng cường phát triển công nghệ cho các loại xe có hàm lượng carbon thấp và hiệu quả cao như ô tô xăng - điện, xe ô tô diesel sạch và xe điện, cùng với đó là xây dựng hệ thống vận tải xanh, chính phủ cũng có kế hoạch nâng tỷ lệ người đi xe lửa từ 18% hành khách lên 22% trong giai đoạn 2009-2013, tăng thị phần của hệ thống vận tải công cộng ở các thành phố lớn từ 50% lên 55% trong cùng giai đoạn.

Hình 1: Lượng giảm phát thải khí nhà kính mỗi năm của Hàn Quốc

Phát triển kinh tế xanh ở Hàn Quốc: Một số kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam

Nguồn: Public hearing data for Green House Emission trading act enforcement Ordinance.

Mặt khác, Hàn Quốc cũng xây dựng thị trường công nghệ mới trong các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng: xây dựng 48 nhà máy sản xuất nhiên liệu thải (RDF) với công suất 14.000 tấn/ngày và sản xuất khí sinh học để sản xuất năng lượng từ 3,86 triệu tấn (33% khối lượng sẵn có) chất thải hữu cơ vào năm 2013; xây dựng 200 làng năng lượng tái tạo và năng lượng mới; 600 làng carbon xanh thấp vào năm 2025, chủ yếu ở nông thôn và các thành phố nhỏ. Hơn nữa, Hàn Quốc có kế hoạch nâng tỷ lệ tái chế lên 90% bằng cách lắp đặt 94 cơ sở tái chế chất thải và sản xuất 2,70 MW điện mỗi tháng (tương đương với việc sử dụng điện trong tháng cho 9.000 hộ gia đình nông thôn) từ 15 cơ sở chăn nuôi vào năm 2017. Sau khi thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường, giảm khí phát thải nhà kính và thực hiện xã hội carbon thấp, lượng phát thải nhà kính của Hàn Quốc đã giảm dần (hình 1).

Tính đến năm 2020, Hàn Quốc có 18 nhà máy nằm trong tiêu chuẩn về tỷ lệ phần trăm vốn đầu tư theo Tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo (Reneable Portfolio Standard – RPS) do chính phủ yêu cầu. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Hàn Quốc tập trung phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Năm 2017, Hàn Quốc đã bổ sung vào tổng nguồn cung điện quốc gia khoảng 200 MW từ năng lượng gió. Theo Kế hoạch Cơ bản Năng lượng tái tạo lần thứ 4 (2014-2035), được thực hiện 5 năm một lần, “Hàn Quốc đặt mục tiêu tăng tỷ lệ phần trăm của năng lượng mặt trời trong gói năng lượng mới và năng lượng tái tạo 2,7% (2012) lên 14 % (2035), và tỷ lệ năng lượng điện gió sẽ là 18,2% (2035) trong tổng nguồn cung năng lượng tái tạo”[2].

- Xây dựng nền kinh tế xanh, công nghệ xanh.

Hàn Quốc đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong xây dựng nền kinh tế xanh. Chi tiêu nghiên cứu và phát triển (R&D) cho kinh tế xanh liên tục tăng lên. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ đầu tư R&D cho kinh tế xanh chiếm khoảng 16% tổng chi tiêu R&D của Chính phủ Hàn Quốc năm 2015. Số lượng các bằng phát minh sáng chế của Hàn Quốc trên thị trường quốc tế trong 5 năm qua (2015-2020) đã tăng lên 10,3%/năm. Các ngành công nghiệp xanh được hình thành một cách nhanh chóng. Tính theo Cơ chế cấp giấy chứng nhận xanh, năm 2020 Hàn Quốc cấp mới được 1.390 giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn ISO 14001, đưa tổng số doanh nghiệp được cấp ISO 14001 ở Hàn Quốc lên con số 8.018 doanh nghiệp, tăng nhiều so với 6.626 doanh nghiệp được cấp ISO 14001 của năm 2014.

Theo báo cáo thống kê của Chính phủ Hàn Quốc, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) xanh đã có sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp, từ 352 doanh nghiệp năm 2009 (chiếm 7,8% tổng số doanh nghiệp của Hàn Quốc) lên 619 doanh nghiệp vào năm 2013 (chiếm 9,7% tổng số doanh nghiệp). Đây là kết quả của các chính sách hỗ trợ của chính phủ cho các doanh nghiệp bắt đầu cập nhật mới thông qua các cơ chế tư vấn, đào tạo, hỗ trợ tài chính, xây dựng năng lực, cấp giấy chứng nhận xanh. Các SME Hàn Quốc đã nhận được số tiền chi tiêu R&D của chính phủ ngày càng cao, đạt 363 triệu won năm 2009, sau tăng lên đạt 510 triệu won năm 2013, chủ yếu dành cho SME xanh.

Đầu tư mạnh vào R&D đã làm cải thiện mạnh mẽ thứ hạng cạnh tranh toàn cầu về khoa học và công nghệ của Hàn Quốc (hình 2). Nếu như năm 1999, Hàn Quốc đứng thứ 36 về thứ hạng cạnh tranh quốc gia, đứng thứ 33 về cạnh tranh công nghệ và đứng thứ 26 trên thế giới về cạnh tranh khoa học, thì năm 2014 con số này đã thay đổi, đặc biệt là về cạnh tranh khoa học (đứng thứ 6 trên thế giới) và cạnh tranh công nghệ (đứng thứ 8 trên thế giới).


Hình 2: Sự thay đổi thứ hạng cạnh tranh toàn cầu của Hàn Quốc

về khoa học và công nghệ giai đoạn 1999-2014

Phát triển kinh tế xanh ở Hàn Quốc: Một số kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam

Nguồn: Deok Soon Yim và Jaewon Lee (2016), Hàn Quốc, đăng trong Báo cáo khoa học của UNESCO


- Cải thiện chất lượng cuộc sống theo hướng xanh hơn.

Hiện nay Hàn Quốc đang thực hiện lối sống xanh và tiêu dùng xanh rất phổ biến trong các hoạt động sinh hoạt và dần trở thành thói quen của người dân Hàn Quốc. Minh chứng cụ thể là tỷ lệ dân số đô thị phải chịu ô nhiễm không khí đã giảm dần, đặc biệt là ở 7 thành phố lớn. Không gian xanh trong các khu đô thị đã tăng lên. Năm 2011, không gian xanh trên đầu người ở các khu đô thị Hàn Quốc đạt 7,95 m2/người, tăng 0,95 m2/người (13,6%) so với năm 2007 và tăng nhiều so với mức 6,5 m2/người của năm 2005. Năm 2018, không gian xanh trong thành phố đạt 10,8 m2/người (OCED green growth indicators).

Các chính sách của chính phủ đã thực sự tạo nên cuộc cách mạng xanh trong cuộc sống người dân Hàn Quốc, “mức tiêu thụ nước bình quân đầu người giảm từ 340 lít/người/ngày vào năm 2007 xuống còn 332 lít/người/ngày vào năm 2012. Tính đến năm 2013, đã có 24,3% hộ sử dụng các thiết bị tiết kiệm nước như nhà vệ sinh và vòi hoa sen. Tỷ lệ rác thải tạo ra cũng giảm mạnh, xuống dưới mức 1 kg rác/người/ngày, liên tục giảm qua các năm và thấp hơn lượng phát thải trung bình của các nước OECD (khoảng 1,45 kg/người/ngày)”[3].

Mặc dù đạt được nhiều thành công, Hàn Quốc cũng gặp phải những thất bại trong phát triển kinh tế xanh, điển hình là dự án 4 con sông lớn ở Hàn Quốc: sông Hàn, sông Nakdong, sông Yeongsan và sông Geum. Dự án này được tạo ra nhằm kiểm soát lũ, quản lý nguồn nước, cải thiện chất lượng nước, tăng nguồn cung cấp nước cho nông nghiệp... Toàn bộ dự án tiêu tốn khoảng 22 nghìn tỷ won, tương đương 19,6 tỷ USD. Tuy nhiên, xã hội dân sự tại Hàn Quốc đã phản đối dự án vì công việc xây dựng đập chắn và nạo vét sông đã giết chết bốn con sông lớn thay vì khôi phục lại chúng. Nhiều người Hàn Quốc cho rằng quá trình lập kế hoạch là không dân chủ, thực hiện vội vàng các báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đây là dự án gây tranh cãi nhất trong phát triển kinh tế xanh ở Hàn Quốc.

3. Một số kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh của Hàn Quốc

3.1. Thiết lập các cơ sở pháp lý cho phát triển kinh tế xanh

Ở Hàn Quốc, cơ sở pháp lý cho phát triển kinh tế xanh phải được xây dựng và hoàn thiện trên nguyên tắc: tôn trọng và tuân thủ các nguyên tắc thị trường một cách nghiêm ngặt và thống nhất, giảm thiểu việc can thiệp, áp đặt hành chính lên thị trường; tôn trọng quyền tự do và nguyên tắc bình đẳng trong kinh doanh nhằm khuyến khích sự tham gia kinh doanh của tất cả các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân; quy định rõ ràng về chế độ sở hữu, cho phép tiếp cận công khai và bình đẳng các nguồn lực cơ bản như nguồn lực về đất đai, về tín dụng, cơ hội đầu tư, thông tin, nguồn nhân lực và hướng tới sự phân bổ nguồn lực hợp lý, hiệu quả và bền vững; thiết lập hệ thống tư pháp độc lập, cơ chế giải quyết khiếu kiện, tranh chấp hiệu quả, quy định chặt chẽ về giám sát thực thi pháp luật cũng như các chế tài xử phạt nghiêm minh nhằm bảo đảm tính ổn định, lâu bền của luật pháp, tránh sự thay đổi thường xuyên.

Theo đúng nguyên tắc này, ngay từ năm 2009 Hàn Quốc đã thành lập Ủy ban Tổng thống về tăng trưởng xanh (PCGG) đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập chính sách kinh tế xanh và thực hiện các kế hoạch 5 năm. Sau khi PCGG được thành lập, các chuyên gia trong chính phủ và khu vực tư nhân đã tập trung trao đổi và cho ra đời một loạt các luật để thực hiện thành công các chính sách tăng trưởng xanh. Cụ thể là Đạo luật khung về carbon thấp, tăng trưởng xanh (2010); Sắc lệnh về hiệu lực của Đạo luật khung về carbon thấp, tăng trưởng xanh (2010); Đạo luật kinh doanh và buôn bán khí thải nhà kính (2012); Sắc lệnh về hiệu lực của Đạo luật kinh doanh và buôn bán khí thải nhà kính (2014); Đạo luật về xây dựng và tạo điều kiện thuận lợi trong sử dụng lưới thông minh (2013); Đạo luật về hỗ trợ xây dựng các tòa nhà xanh (2013); Đạo luật phát triển vận tải và logistics (2013)… Có thể nói đây là nền tảng pháp lý để tạo điều kiện cho chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc được thực hiện một cách hiệu quả và bền vững.

Đối với nhiều quốc gia, việc xây dựng khung khổ pháp lý và các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế xanh thường đem lại lợi ích chung cho toàn bộ nền kinh tế, nhưng cũng có thể khiến một số nhóm lợi ích bị ảnh hưởng, có thể cản trở lại những đạo luật, chính sách, kế hoạch đã được ban hành. Bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy quá trình quản lý phát triển kinh tế xanh cũng có nhiều vấn đề cần quan tâm. Trong suốt quá trình thực hiện luật pháp và chính sách, Hàn Quốc đã ban hành nhiều đạo luật, sửa đổi một số đạo luật không phù hợp, thực hiện một số chính sách mới… để cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan, nhưng vẫn giữ được hiệu quả chính sách và luật pháp.

3.2. Phát triển kinh tế xanh cần sự đồng thuận cao của người dân

Trong quá trình tăng trưởng kinh tế, các chính sách phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường thường vướng phải sự xung đột lợi ích giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức dân sự. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn bao hàm vấn đề xã hội, cần phải được cân nhắc và giải quyết hợp lý. Ở Hàn Quốc, dự án phục hồi 4 con sông chính là một bài học đắt giá cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, bởi đây là những dự án phức tạp. Nó không chỉ đòi hỏi nguồn vốn lớn, mà còn đòi hỏi sự đồng thuận rất lớn của toàn xã hội. Khôi phục các con sông bị ô nhiễm sau một quá trình tăng trưởng vài thập kỷ của Hàn Quốc không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà nó còn có ý nghĩa về mặt xã hội bởi nó tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, bảo vệ sức khỏe cho người dân, thúc đẩy du lịch và nhiều lợi ích khác. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án này đã không tạo được sự đồng thuận của xã hội, gây ra những hiệu ứng tràn đáng tiếc. Khi dự án ban đầu được thực hiện, nó được coi là một dự án hợp tác phát triển xanh của Hàn Quốc nhằm phục hồi môi trường, ngăn ngừa thiên tai, cải thiện cảnh quan và góp phần phát triển khu vực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, những nghi ngờ về bản thân dự án đã xuất hiện. Các cuộc tranh luận thường xuyên xảy ra bởi có nhiều ý kiến cho rằng dự án này không đem lại những kết quả như đã vạch ra ban đầu, mà nó còn gây tổn hại môi trường bởi các đập nước không đảm bảo chất lượng, thiếu độ bền, chất lượng nguồn nước sông có thể bị ảnh hưởng. Chi phí bảo trì các đập nước này có thể cao hơn các chi phí ban đầu đã dự kiến… Theo ý kiến của các đảng đối lập, “nguồn ngân sách cho cải tạo 4 dòng sông này lên tới 22.000 tỷ won (19,6 tỷ USD) đã được giải ngân một cách vội vàng, cộng thêm nghi ngờ về việc thi công sai sót, đặc cách bất chính, thông đồng đấu thầu bất hợp pháp, phá hủy môi trường”[4]. Theo kết quả điều tra tiến hành vào năm 2013, dự án cải tạo bốn con sông lớn bị cho là đã có sai sót về mặt thiết kế, thi công gia cố các đập tràn, làm giảm chất lượng nguồn nước. Trong đợt điều tra vào năm 2015, “ủy ban giao dịch công bằng đã phát hiện ra hành vi thông đồng khi đấu thầu dự án cải tạo bốn con sông lớn, khởi tố 11 công ty xây dựng và 22 cá nhân, với số tiền phạt lên tới 120 tỷ won (107 triệu USD)”[5].

Dự án vấp phải sự chỉ trích quyết liệt từ các đảng đối lập và các đoàn thể dân sự vì họ cho rằng, dự án sẽ hủy hoại nghiêm trọng hệ sinh thái xung quanh các sông đó. Họ cũng cho rằng chính phủ đang lãng phí một khoản tiền thuế lớn của nhân dân vào một dự án vô ích. Năm 2010, một hội công dân Busan phản đối dự án cải tạo 4 sông đã tổ chức họp báo khẩn cấp trước tòa thị chính Busan hối thúc tạm ngưng dự án. Hiệp hội dân sự gồm 45 đoàn thể khác nhau từ các vùng Daejeon, Bắc và Nam Chungcheong, Bắc Jeolla cũng tổ chức họp báo trước văn phòng tỉnh ở Nam Chungcheong. Họ tuyên bố phản đối dự án. Sau nhiều năm vấp phải sự phản đối và biểu tình của người dân, ngày 22/5/2017, Tổng thống Moon Jae-in đã ra chỉ thị điều tra về quá trình ra quyết định và thực hiện dự án cải tạo bốn con sông lớn, một dự án trọng điểm được xúc tiến dưới thời Chính phủ cựu Tổng thống Lee Myung Park.

Như vậy, bài học rút ra là khi triển khai các dự án xanh liên quan đến bảo tồn vốn tự nhiên, các nước đang phát triển cần phải tính đến mục tiêu ban đầu là bảo vệ môi trường. Nhưng ngay từ giai đoạn lập kế hoạch, cần phải thu thập nhiều ý kiến khác nhau của các tầng lớp nhân dân, cần có kế hoạch quản trị dự án hiệu quả để tránh những thiếu sót và sai lầm có thể xảy ra.

3.3. Đảm bảo tài chính cho phát triển kinh tế xanh

Trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, Chính phủ Hàn Quốc đã huy động khu vực tư nhân tham gia tích cực, hỗ trợ nguồn vốn lớn để đảm bảo các mục tiêu tham vọng về kinh tế xanh được thực hiện thông suốt và hiệu quả. Điều 28 của Đạo luật khung về carbon thấp, tăng trưởng xanh đã có những quy định rằng chính phủ sẽ hình thành và hỗ trợ các quỹ để thúc đẩy nền kinh tế xanh và công nghiệp xanh; xây dựng các công cụ tài chính mới để hỗ trợ tăng trưởng carbon thấp và kích hoạt đầu tư tư nhân, tăng cường tiếp cận công khai thông tin về quản lý xanh của doanh nghiệp và mở rộng hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp thông qua việc quản lý xanh; vận hành một hệ thống thương mại về quyền phát thải khí nhà kính. Theo đó, các tổ chức tài chính của Hàn Quốc đã phát triển các công cụ mới liên quan đến tài chính xanh và các hệ thống thích hợp khác, từ đó tạo ra sự hỗ trợ cho các ngành công nghiệp phát triển xanh. Các ngân hàng, các tổ chức tài chính, các quỹ xanh đã tích cực tham gia hỗ trợ tài chính cho phát triển kinh tế xanh của Hàn Quốc. Song hành với đó, các tổ chức nhà nước như Korea Finance Corp. và Korea Eximbank đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho ngành công nghiệp xanh; Quỹ bảo lãnh tín dụng Hàn Quốc (KODIT) và Công ty Tài chính Công nghệ Hàn Quốc (KIBO) tích cực mở rộng bảo lãnh thanh toán dưới hình thức tài chính chính sách. KODIT và KIBO mở rộng bảo lãnh tín dụng cho các ngành công nghiệp phát triển xanh, tăng tỷ lệ thanh toán và miễn phí bảo lãnh. Đặc biệt, KIBO đảm bảo thông qua hợp đồng kinh doanh của mình với các ngân hàng.

Tóm lại, theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, trong giai đoạn đầu của tăng trưởng kinh tế, các chính sách phát triển kinh tế đều do chính phủ dẫn dắt và thực hiện. Tuy nhiên, khi nền kinh tế ngày càng phát triển, chính phủ chỉ hỗ trợ quá trình chuyển đổi này ở mức độ nhất định. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam hiện nay, năng lực cạnh tranh quốc tế của khu vực tư nhân còn yếu, các nguồn lực đầu tư không đủ, do đó đòi hỏi chính phủ phải đóng vai trò chủ đạo trong thiết lập và thực hiện chính sách. Hơn nữa, kinh nghiệm huy động tài chính cho phát triển kinh tế xanh của Hàn Quốc cũng cho thấy, cần thiết phải tạo ra một bầu không khí xã hội đồng thuận để khu vực nhà nước và tư nhân huy động hiệu quả nguồn tài chính cho phát triển kinh tế xanh.

3.4. Chú trọng đến hiệu quả kinh tế của các chính sách phát triển kinh tế xanh

Kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh của Hàn Quốc cho thấy, từ năm 2008 nước này đã công bố kế hoạch đầu tư 2% tổng GDP cho các ngành công nghiệp xanh. Hàn Quốc cũng tính toán các khoản đầu tư này đem lại tác động kinh tế đối với hoạt động sản xuất ước tính đạt từ 182-206 nghìn tỷ won và sẽ làm ảnh hưởng đến việc làm của 1,18-1,47 triệu người. Theo kế hoạch này, đầu tư cho kinh tế xanh là một khoản tiền vốn không hề nhỏ, việc dịch chuyển lao động từ các ngành kinh tế nâu sang các ngành kinh tế xanh cũng buộc phải có kế hoạch và lượng tài chính rất lớn để đào tạo lại nguồn nhân lực cho đất nước.

Phát triển kinh tế xanh đem lại nhiều lợi ích lâu dài và bền vững. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đúng là sự gia tăng đầu tư vào ngành công nghiệp xanh góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của họ. Mô hình thương mại toàn cầu và nhu cầu trên thị trường toàn cầu cho thấy tỷ lệ ngành công nghiệp xanh ngày càng tăng lên và trở thành xu hướng tất yếu. Hiện tượng này là do nhiều nước phát triển đã thực hiện nhiều chính sách thân thiện với môi trường và tăng cường nhập khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường. Do đó, đối với các nước đang phát triển, đầu tư vào ngành công nghiệp xanh tăng xuất khẩu nhiều hơn đầu tư vào ngành công nghiệp không xanh và chắc chắn sẽ liên quan đến tăng trưởng kinh tế. Nhưng với tiềm lực hạn hẹp về vốn, công nghệ, đồng thời lại phải giải quyết đồng thời hai mục tiêu tăng trưởng kinh tế và xoá đói giảm nghèo, nên các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) cần phải cân nhắc kinh nghiệm của Hàn Quốc. Đầu tư vào các dự án xanh quy mô lớn, toàn diện trong nhiều lĩnh vực, đương nhiên là sẽ đem lại những lợi ích tổng thể. Nhưng đối với các quốc gia như Việt Nam, kinh nghiệm đó nên làm từng phần, có thí điểm, trọng điểm, phân bổ rõ ràng trong cả 3 lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, chú trọng cả hai mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

4. Một số gợi ý chính sách phát triển kinh tế xanh cho Việt Nam

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức, xác định chính xác tiêu chí đánh giá nền kinh tế xanh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là cơ cấu lại ngành nghề, ưu tiên phát triển các ngành có công nghệ cao, phát thải carbon thấp; công nghệ thân thiện môi trường; sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên; không gây ô nhiễm môi trường; phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái. Hiểu thế nào là một nền “kinh tế xanh” hiện nay ở Việt Nam vẫn còn hết sức mới mẻ, đòi hỏi phải có những nghiên cứu và phổ biến rộng rãi kiến thức đối với các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người dân. Việc nhận thức rõ ràng, cụ thể của xã hội về nền “kinh tế nâu” (nền kinh tế chỉ chú trọng nhiều tới tăng trưởng kinh tế mà giảm nhẹ bảo vệ môi trường) sang nền “kinh tế xanh” sẽ góp phần tạo ra một sự đồng thuận cao trong xã hội từ lãnh đạo đến người dân và doanh nghiệp, từ đó thay đổi quan niệm và nhận thức về kinh tế xanh.

Thứ hai, cần tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ các văn bản pháp luật về tài chính, thuế và phí, môi trường, sử dụng năng lượng, khoa học và công nghệ, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực… liên quan đến phát triển kinh tế xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững. Từ đó, chỉ ra những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung, tránh dàn trải, lãng phí, chồng chéo giữa các chính sách. Tính đến nay, Việt Nam đã có trên 33 luật và hơn 22 pháp lệnh có nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường như Luật Đa dạng sinh học 2008, Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004; Luật Đất đai sửa đổi 2013, Luật Thủy sản 2003, Luật Tài nguyên nước sửa đổi 2012, Luật Khoáng sản 2010... Tuy nhiên, đối với chính sách phát triển “kinh tế xanh”, Việt Nam chưa có một văn bản chính thức nào, nhưng nội hàm của nó liên quan đến kinh tế xanh như “kinh tế carbon thấp”, “giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu”, “tăng trưởng xanh”, “công nghệ xanh”, “việc làm xanh”... đã được triển khai và đang trong quá trình hoàn thiện.

Thứ ba, chú trọng phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo để thực hiện phát triển kinh tế xanh. Việt Nam cần bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và ban hành giá phát thải khí CO2 trên cơ sở các tổ chức, cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho mục đích năng lượng phải trả phí phát thải để đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho năng lượng tái tạo; ban hành các yêu cầu phát triển bền vững và tiêu chuẩn của các dự án nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; sớm ban hành cơ chế hỗ trợ các dự án năng lượng mặt trời; điều chỉnh cơ chế khuyến khích phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo đã ban hành, nhằm khuyến khích và đẩy nhanh phát triển nguồn năng lượng này.

Thứ tư, cần ưu tiên phát triển các ngành kinh tế xanh mũi nhọn để tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế phát triển, thêm việc làm cho xã hội: tập trung vào các ngành kinh tế có thể phát huy lợi thế so sánh của Việt Nam như phát triển nông nghiệp hữu cơ; phát triển các mô hình kinh tế sinh thái; phát triển sản xuất hàng hóa và dịch vụ môi trường, tái chế chất thải; phát triển du lịch sinh thái, tái sinh rừng tự nhiên, trồng rừng ngập mặn, chắn sóng, chắn cát... Mặt khác, Việt Nam cũng nên xem xét sử dụng các gói hỗ trợ kinh tế trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh như giao thông công cộng, xây dựng nhà sử dụng hiệu quả năng lượng, hạ tầng cấp nước và vệ sinh môi trường.

Thứ năm, duy trì và phát triển nguồn “vốn tự nhiên” trong phát triển kinh tế. Việt Nam hội tụ những điều kiện thuận lợi, lợi thế so sánh để duy trì và phát triển nguồn vốn tự nhiên. Đó là lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, tính đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên phong phú, tiềm năng năng lượng tái tạo rất lớn, đặt biệt là năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt, năng lượng sinh khối. Cũng giống các dạng vốn khác (vốn vật chất, vốn tài chính và vốn con người), vốn tự nhiên cũng có thể bị suy giảm và suy thoái do sản xuất và tiêu dùng, cần phải được cân đối thông qua đầu tư vào vốn tự nhiên, quản lý hệ sinh thái, duy trì dòng hàng hóa và dịch vụ cho tương lai. Do vậy, việc thúc đẩy tăng trưởng xanh với trọng tâm đầu tư vào nguồn vốn tự nhiên được xem là cách tiếp cận quan trọng để hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, đồng thời tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác với Hàn Quốc để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kinh tế trong phát triển kinh tế xanh.

Một trong những mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế xanh của Hàn Quốc là sẽ trở thành mẫu hình cho các nước đang phát triển noi theo về phát triển kinh tế xanh. Chính vì vậy, Hàn Quốc đã tăng cường viện trợ ODA xanh cho các nước đang phát triển. Thông qua Ủy ban hợp tác phát triển quốc tế, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn quốc (KOICA) và Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Korea Eximbank) đã tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển trong việc phát triển các dự án xanh. Tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với Hàn Quốc trong phát triển kinh tế xanh sẽ giúp Việt Nam hiểu thêm được sự cần thiết và tầm quan trọng của việc thúc đẩy các chính sách phát triển kinh tế xanh. Các dự án hợp tác với Hàn Quốc sẽ giúp chúng ta rút ra các bài học kinh nghiệm thiết thực, có thêm nguồn vốn tài trợ của Hàn Quốc và công nghệ hỗ trợ của phía Hàn Quốc để phát triển kinh tế xanh hiệu quả hơn trong tương lai.

Phát triển kinh tế xanh của Hàn Quốc đem lại nhiều bài học quý giá đối với các nước đang  phát triển, trong đó có Việt Nam. Kinh nghiệm Hàn Quốc cũng cho thấy, phát triển kinh tế xanh đòi hỏi phải có sự huy động tổng lực cả về tiền vốn, công nghệ, sự đồng thuận xã hội, môi trường thể chế và nhiều vấn đề khác. Đây chính là một số gợi ý chính sách để Việt Nam thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết tiến bộ xã hội trong thời gian tới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Minh Chính (2013), “Kinh tế xanh - con đường phát triển bền vững đất nước”, Tạp chí Lý luận Chính trị, số 4, tr.30-35

2. Phạm Thành Công (2011) “Kinh tế xanh: định hướng phát triển bền vững trong thế kỷ mới”, Economic Studies, Vol 401, No 10, page 13-17.

3. Woo Hyun Chung (2014), Cities and green economy: comparative study of Korea, China and Japan, Korean Environment Institute, Vol.9.

4. Hwang Doo Hyong (2017), South Korea’s oldest nuke plant to close amid power supply concerns, Yonhap News Agency, June 15.

5. Kim Hyong Tae (2011), System architecture for effective green finance in Korea, Korea Economic Institute (KEI), 13 April.


 


[1] TS., Học viện Kỹ thuật quân sự

 

[2] Hwang Doo Hyong (2017), “South Korea’s oldest nuke plant to close amid power supply concerns”, Yonhap News Agency, June 15, page 9.

[3] Woo Hyun Chung (2014), Cities and green economy: comparative study of Korea, China and Japan, Korean Environment Institute, Vol. 9, page 27.

[4] Dae Seung Lee (2018), “The green road to growth in South Korea: the conditions for success”, Economics Review, Korea University. Vol.12, page 59.

[5] Choi Yeon Ok (2012), Korea’s green growth based on OECD green growth indicators, Statistics research institute, Korea, page 127.

0thảo luận