Trang chủ

Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Myanmar dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình

Đăng ngày: 23-11-2022, 10:21 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 5

Hoàng Minh Hồng1

Tóm tắt: Với vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng, Myanmar từ lâu đã trở thành quốc gia láng giềng ưu tiên trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc. Sau khi Myanmar chính thức tiến hành cải cách chính trị năm 2011, Trung Quốc buộc phải cạnh tranh với các nhân tố khác như Ấn Độ, Mỹ trong việc gia tăng ảnh hưởng tại Myanmar. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, sự ra đời của Sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI) đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của Myanmar trong chính sách đối ngoại cũng như khả năng thành công của BRI của Trung Quốc. Bài viết đi vào phân tích ảnh hưởng của Trung Quốc tại Myanmar trên một số lĩnh vực nổi bật như chính trị - ngoại giao, kinh tế, quân sự… từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo Trung Quốc, đồng thời đưa ra một số đánh giá về quá trình này.

Từ khóa: Trung Quốc, Myanmar, quan hệ đối ngoại

 

 

N

hìn lại  thời kỳ bị cấm vận, Myanmar chịu nhiều sức ép từ Mỹ và EU. Tuy nhiên, nước này lại nhận được sự ủng hộ từ Trung Quốc. Quan hệ Trung Quốc – Myanmar cũng như ảnh hưởng của Trung[1]Quốc tại đây vẫn luôn được duy trì và phát triển khi quân đội nắm quyền. Hai nước thường ủng hộ lập trường của nhau tại Liên Hợp Quốc và các diễn đàn quốc tế khác. Khi tình hình chính trị ở Myanmar có sự thay đổi từ đầu năm 2011, quan hệ ngoại giao giữa Myanmar và Trung Quốc cũng có những dấu hiệu đi xuống. Nguyên nhân là bởi sự mở cửa của Myanmar đã được đón nhận thêm sự quan tâm của các nước lớn khác như Mỹ, Ấn Độ. Tuy nhiên, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã thể hiện mạnh mẽ quyết tâm giữ gìn và làm sâu sắc hơn ảnh hưởng của mình tại Myanmar.

1. Lợi ích chiến lược của Trung Quốc tại Myanmar

Trung Quốc với vai trò là cường quốc khu vực và đang trên con đường trở thành cường quốc toàn cầu, nỗ lực xây dựng một vành đai an ninh, kinh tế cũng như những lối mở để mở rộng kết nối ra bên ngoài. Với tư cách là một quốc gia láng giềng có vị trí địa chiến lược quan trọng, Myanmar giúp Trung Quốc kết nối ngắn nhất tới Ấn Độ Dương, mang lại cho Trung Quốc rất nhiều những lợi ích nếu nước này hoàn toàn nằm trong “vòng đồng thuận Bắc Kinh”.

1.1. Lợi ích về kinh tế

Trong quá trình phát triển, Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia “khát” tài nguyên thiên nhiên, phục vụ cho quá trình sản xuất trong nước. Do vậy, yêu cầu tìm kiếm nguồn tài nguyên bên ngoài trở nên vô cùng cấp thiết. Trong bối cảnh đó Myanmar đóng vai trò vừa có thể cung cấp nguồn tài nguyên, vừa trung chuyển trong quá trình vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu, đặc biệt là tài nguyên năng lượng từ Trung Đông và châu Phi về Trung Quốc, mà không cần phải đi qua vịnh Bengal do Mỹ kiểm soát. Năm 2019, xuất khẩu dầu thô, khí đốt của Myanmar đạt 6,42 tỷ USD, chiếm tới 28,6% tổng giá trị xuất khẩu của nước này, trong đó thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc với 5,47 tỷ USD[2]. Bên cạnh đó, Myanmar còn có tiềm năng thủy điện rất lớn, khoảng 100 GW, trong khi đó đến 2016 mới chỉ có 3 GW đã được phát triển[3]. Các con số này cho thấy khả năng mà Myanmar có thể trực tiếp cung cấp an ninh năng lượng cho Trung Quốc là rất lớn. Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ nhập khẩu từ Trung Đông, trong đó 80% buộc phải qua eo biển Malacca. Nếu vận chuyển dầu mỏ và khí đốt qua lãnh thổ Myanmar, Trung Quốc có thể khắc phục được sự lệ thuộc cùng những lo ngại về sự kiểm soát của Mỹ tại eo biển Malacca.

Bên cạnh đó, với dân số khoảng 60 triệu người có mức thu nhập tương đối thấp, các ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa lại chưa thực sự phát triển, Myanmar sẽ là một thị trường lớn tiêu thụ hàng hóa giá rẻ của các tỉnh miền Tây Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc mở rộng thị trường ra bên ngoài đối với các địa phương của Trung Quốc như Vân Nam – nơi có đường biên giới với Myanmar. Hơn nữa, thị trường sơ khai cần nhiều vốn đầu tư như Myanmar sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư của Trung Quốc đến làm ăn, giảm bớt tính cạnh tranh trong nước.

1.2. Lợi ích về địa chiến lược

Đối với việc cạnh tranh ảnh hưởng, với vị trí tiếp giáp cả Trung Quốc và Ấn Độ, Myanmar đã trở thành một địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng quan trọng của hai quốc gia này. Ngoài ra, sau cải cách chính trị, Mỹ cũng ngày càng chú ý hơn tới Myanmar. Rõ ràng, nếu Mỹ tạo được ảnh hưởng lớn ở Myanmar thì khả năng “kiềm chế” của Mỹ đối với quá trình gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn. Trước những cạnh tranh này, với vai trò là nước có ảnh hưởng truyền thống ở Myanmar, Trung Quốc đương nhiên cần Myanmar như một điểm chiến lược đảm bảo cho việc ổn định an ninh xung quanh, đồng thời là điểm kết nối giữa Trung Quốc với phần còn lại của Đông Nam Á, mặt khác thông qua Myanmar, kết nối với Tây Nam Á, kéo dài tới khu vực Trung Đông, tạo thành vành đai các quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của Trung Quốc.

Đối với chiến lược cường quốc biển, Myanmar được đánh giá là một phần trong chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc[4], cho phép Trung Quốc kiểm tra và giám sát những tuyến đường biển quan trọng ở châu Á. Nếu xây dựng thành công chuỗi ngọc trai, Trung Quốc có thể từ chối quyền tiếp cận của Mỹ đối với các vùng duyên hải châu Á cũng như ngăn chặn các cường quốc khu vực khác tại khu vực Thái Bình Dương. Thông qua Myanmar, Trung Quốc có thể vươn “cánh tay thứ hai” ra Ấn Độ Dương, khống chế được eo biển Malacca bằng ảnh hưởng vững chắc ở Myanmar.

Đối với vấn đề khu vực, là một thành viên của ASEAN cũng như Tiểu vùng sông Mekong, Myanmar là một hợp phần quan trọng trong quá trình mở rộng ảnh hưởng tại Tiểu vùng Mekong và rộng hơn là toàn khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh vấn đề Biển Đông còn nhiều phức tạp, sự ủng hộ của Myanmar trong các vấn đề như Biển Đông sẽ là thành công của Trung Quốc trong quá trình chia rẽ ASEAN và hướng từng thành viên đi theo hướng có lợi cho quốc gia này.

2. Quá trình gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Myanmar dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình

Một là, Trung Quốc gia tăng tiếp cận với các đảng phái của Myanmar, đồng thời sử dụng vấn đề xung đột sắc tộc, vấn đề Rohingya để kiểm soát Myanmar. Trung Quốc sử dụng cách tiếp cận riêng biệt đối với từng nhóm lực lượng chính trị của Myanmar.

Đối với Đảng Đoàn kết và Phát triển (USDP), Trung Quốc vốn coi đây là lực lượng chính trị có xu hướng thân thiện với Trung Quốc. Trong khoảng thời gian đảng này nắm quyền từ 2011 tới trước cuộc bầu cử năm 2015, Trung Quốc tích cực thể hiện sự quan tâm nhằm củng cố quan hệ với USDP. Tháng 11/2014, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã có chuyến thăm chính thức tới Myanmar, sau rất nhiều năm không có lãnh đạo cấp cao nào của Trung Quốc tới đây. Tuyên bố chung được đưa ra trong chuyến thăm này đã khẳng định nỗ lực của Trung Quốc trong việc cải thiện mối quan hệ hợp tác chiến lược với Myanmar trên các lĩnh vực như kết nối, nông nghiệp, tài chính, văn hóa – giáo dục…[5].

Đối với Đảng Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ (NLD), Trung Quốc có những điều chỉnh trong cách tiếp cận với NLD trong từng giai đoạn. Ở giai đoạn trước, Trung Quốc phần lớn thể hiện sự quan sát đối với chủ tịch đảng Aung San Suu Kyi khi bà được đánh giá là một biểu tượng cho các giá trị dân chủ toàn cầu. Tuy nhiên, sau chiến thắng áp đảo của NLD trong cuộc bầu cử năm 2015, Trung Quốc đã thể hiện rõ sự trọng thị đối với nhân vật này. Các chuyến thăm của bà Aung San Suu Kyi tới Trung Quốc đều có sự tiếp đón của các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. Ngoài chủ tịch Đảng NLD, Trung Quốc cũng nỗ lực thể hiện “thiện chí” với các nhân vật cấp cao khác của đảng này, như một bước tạo sự tin tưởng đối với NLD[6]. Đối với quân đội Myanmar, có thể nói đây là lực lượng chịu ảnh hưởng lớn nhất của Trung Quốc trong các phe phái chính trị của Myanmar. Trong hơn 20 năm nắm quyền, sự ủng hộ tuyệt đối của Trung Quốc dành cho chính quyền quân sự là một minh chứng rõ ràng nhất về quan hệ của Trung Quốc với quân đội Myanmar. Ngay cả khi Myanmar cải cách chính trị, Trung Quốc vẫn được coi là có “tiếng nói” với quân đội Myanmar. Đất nước chùa Vàng vẫn bị đánh giá tồn tại chế độ “nhà nước trong nhà nước”, khi chính phủ dân sự không thể có những tác động mạnh tới tướng lĩnh quân đội. Điều này có lẽ trở thành cơ sở để Trung Quốc duy trì song song mối quan hệ thân thiết với cả chính phủ dân sự và quân đội Myanmar. Gần đây nhất, “cuộc đảo chính” của quân đội nước này vào tháng 2/2021 đã làm dấy lên những nghi ngờ về vai trò của Trung Quốc trong sự kiện này. Bắc Kinh đã thể hiện thái độ không phản đối, cũng không ủng hộ chế độ quân sự ở Myanmar hiện nay. Tồn tại nhiều quan điểm cho rằng, do Myanmar đang phát triển một số dự án lớn với Ấn Độ, mở rộng quan hệ với Nhật Bản và Mỹ. Điều này khiến Trung Quốc “lo lắng” về vị thế của mình, và muốn có được sự kiểm soát đối với Myanmar. Chính vì vậy, Trung Quốc có khả năng đã ủng hộ quân đội giành chính quyền, để giữ Myanmar trong ảnh hưởng của mình[7].

Đối với vấn đề xung đột sắc tộc – tôn giáo, thực chất, Trung Quốc là nhân tố được hưởng lợi trong cả căng thẳng và hòa bình giữa Chính phủ Myanmar và các nhóm sắc tộc có vũ trang biên giới phía bắc. Hòa bình trong vấn đề sắc tộc của Myanmar giúp Trung Quốc duy trì quan hệ kinh tế xuyên biên giới, giảm thiểu dòng người tị nạn và mở rộng các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Myanmar. Tuy nhiên, sự căng thẳng trong nội bộ của Myanmar lại giúp Trung Quốc kiểm soát và giữ ảnh hưởng của mình tại đây. Chính vì vậy, Trung Quốc thực hiện chính sách vừa can dự theo hướng ủng hộ, vừa tạo sức ép đối với Myanmar trong vấn đề xung đột sắc tộc. Sau khi Myanmar cải cách chính trị, Trung Quốc đã thể hiện là một bên hòa giải tích cực giữa chính phủ bán dân sự Myanmar và Tổ chức độc lập Kachin (KIO). Trung Quốc đã cung cấp địa điểm đàm phán, đảm bảo an ninh cho cuộc đàm phán giữa hai bên, đồng thời đóng vai trò điều phối và hòa giải với định hướng “theo đuổi hòa bình và thúc đẩy đối thoại”[8]. Song song với đó, Trung Quốc cũng sẵn sàng tạo sức ép từ vấn đề này đối với Myanmar nếu tiến trình không đi theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Năm 2015, trong bối cảnh Myanmar tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh và xây dựng quan hệ trên toàn cầu sau cải cách chính trị, Trung Quốc được cho rằng đã tạo sức ép đối với các nhóm vũ trang khu vực biên giới hai nước, khiến Thỏa thuận Ngừng bắn trên toàn quốc của Myamar (NCA) không thể được kí kết[9]. Không chỉ vậy, để khẳng định tiếng nói của mình trong tiến trình đạt được NCA, Trung Quốc không ủng hộ việc các nước khác tham vấn cho tiến trình đàm phán này, đặc biệt là Mỹ. Trung Quốc đã phản đối các điều khoản trong thỏa thuận bao gồm sự tham gia của các quốc gia phương Tây và Nhật Bản với vị trí là các nhà quan sát quốc tế của NCA.

Đối với vấn đề Rohingya, rất nhiều tổ chức quốc tế, các nước phương Tây lên án mạnh mẽ chính sách của Chính phủ Myanmar, đặc biệt là các cuộc tấn công của quân đội và cảnh sát nước này nhằm vào cộng đồng Rohingya ở bang Rakhine vào tháng 8/2017. Quan hệ của Myanmar với các nước phương Tây và Mỹ vì thế đã trở nên căng thẳng. Trong bối cảnh ấy, Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ các nỗ lực đảm bảo hòa bình và ổn định cho bang Rakhine của Chính phủ Myanmar, đồng thời “bảo vệ” Myanmar trước áp lực quốc tế và các hành động trừng phạt tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trung Quốc đã khôn khéo khi tuyên bố coi vấn đề Rohingya là vấn đề nội bộ của Myanmar. Tháng 4/2019, Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar đã khẳng định, Trung Quốc tiếp tục đứng về phía Myanmar trong vấn đề Rohingya[10]. Trung Quốc đã coi đây là cơ hội để thiết lập lại vị trí của mình trong quan hệ đối ngoại của Myanmar, đồng thời thu hút sự ủng hộ của người dân ở Myanmar và khẳng định vai trò lãnh đạo của nước này trong các vấn đề khu vực.

Hai là, Trung Quốc gia tăng kết nối với Myanmar thông qua thương mại và đầu tư nhằm tạo sự phụ thuộc về kinh tế với Trung Quốc. Sau cải cách chính trị, Myanmar nhận thấy sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc là rất lớn. Giai đoạn sau đó, quốc gia này đã cho dừng một loạt các dự án đầu tư lớn của Trung Quốc tại Myanmar như dự án đập thủy điện Myitsone, dự án đường sắt Rakkhine – Côn Minh… Tình hình đó buộc Trung Quốc phải có những điều chỉnh nhằm lấy lại ảnh hưởng kinh tế tại Myanmar. Dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã linh hoạt cải thiện hình ảnh của mình bằng cách đầu tư nhiều hơn vào các công trình mang tính biểu tượng như trường học, bệnh viện, cơ sở hạ tầng giao thông… Các doanh nghiệp của Trung Quốc cũng tích cực hơn trong vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với địa phương sở tại. Những điều chỉnh này đã đem tới những kết quả theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc.

Về thương mại song phương, năm 2014, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Myanmar là 24,97 tỷ USD, tăng 144,9% so với năm trước. Có sự tăng trưởng đột biến này là bởi đây là năm Trung Quốc tuyên bố chiến lược BRI và thúc đẩy mạnh mẽ giao thương hàng hóa ra các nước láng giềng, trong đó có Myanmar. Mặc dù kim ngạch thương mại hai nước có giảm xuống sau năm 2014, nhưng xu hướng vẫn là tăng ổn định. Năm 2019, kim ngạch thương mại song phương giữa 2 nước đạt 18,7 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2020, con số này tăng nhẹ lên mức 18,89 tỷ USD, tăng 1% so với năm trước[11]. Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu các thiết bị và sản phẩm cơ điện, dệt may, phụ tùng xe máy và các sản phẩm hóa chất sang Myanmar, và nhập khẩu gỗ, nông sản và khoáng sản từ Myanmar. Trung Quốc cũng đã cung cấp thuế ưu đãi cho hơn 220 mặt hàng xuất khẩu từ Myanmar sang Trung Quốc[12]. Hiện Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar.

Về đầu tư của Trung Quốc tại Myanmar, ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc lựa chọn Myanmar là điểm đến đầu tư, tập trung trong lĩnh vực dầu khí, đường ống dẫn dầu và khí đốt, thủy điện và phát triển tài nguyên mỏ, cũng như các ngành công nghiệp chế biến và chế tạo. Chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Lý Khắc Cường vào tháng 11/2014 đã đánh dấu việc khởi động một số dự án lớn. Trung Quốc và Myanmar đã ký các thỏa thuận hợp tác với tổng giá trị là 7,8 tỉ USD. Đặc biệt, thông qua chuyến thăm, Trung Quốc cũng khởi động lại việc tăng cường kết nối cũng như kết hợp với Myanmar xây dựng các đặc khu kinh tế. Đóng vai trò là một điểm nối quan trọng của BRI, Trung Quốc đã tận dụng bối cảnh Myanmar bị Mỹ và các nước phương Tây cấm vận trong vấn đề Rohingya để thúc đẩy mạnh mẽ sáng kiến này, điển hình là việc xây dựng Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Myanmar (CMEC). CMEC sẽ tập trung vào việc xây dựng một số dự án trọng điểm như các đặc khu kinh tế, các tuyến đường kết nối và phát triển các thành phố lớn. Một dự án điển hình cho CMEC là tuyến đường sắt Côn Minh – Kyaukphyu, nhằm kết nối thành phố Côn Minh ở phía nam Trung Quốc và cảng Kyaukphyu của Myanmar trên vịnh Bengal, trị giá tới 20 tỷ USD. Sau thời gian dài đề xuất, Myanmar và Trung Quốc đã chính thức đồng ý tiến hành một nghiên cứu khả thi về tuyến đường sắt này vào tháng 1/2021[13]. Nếu toàn bộ dự án hoàn thành, nó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế, cho phép xuất nhập khẩu của Trung Quốc đi qua eo biển Malacca, tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ở tỉnh Vân Nam.

Ngoài các dự án lớn, Trung Quốc cũng tích cực đầu tư vào các dự án kinh tế xã hội khác ở Myanmar, nhằm tạo dựng hình ảnh thân thiện của Trung Quốc. Tháng 4/2019, Trung Quốc cam kết cung cấp cho Myanmar khoản vay 1 tỷ nhân dân tệ cho các dự án phát triển kinh tế xã hội nhằm cải thiện đời sống của người dân, hỗ trợ nhân đạo cho các chương trình phát triển quốc tế ở khu vực phía bắc Myanmar[14]. Tháng 8/2019, Trung Quốc và Myanmar ký biên bản ghi nhớ (MoU) về dự án rừng hữu nghị, trong đó Trung Quốc hỗ trợ Myanmar trồng 7,53 ha rừng tại thành phố Zabuthiri[15]. Cũng giống như một số quốc gia Đông Nam Á khác, Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng ngoại giao kinh tế là phương tiện chủ chốt để gia tăng ảnh hưởng của mình tại Myanmar.

Ba là, Trung Quốc tăng cường hợp tác quân sự với Myanmar nhằm kiểm soát Myamar và đảm bảo sự hiện diện mạnh mẽ tại Ấn Độ Dương. Trung Quốc trên thực tế có ảnh hưởng mạnh mẽ tại Myanmar về lĩnh vực an ninh – quốc phòng trong suốt thời kỳ nước này chịu cấm vận. Đây là nước bán vũ khí chủ yếu cho chính quyền quân sự của Myanmar[16]. Từ năm 2003, Trung Quốc là nước đầu tiên và duy nhất được phép xây dựng căn cứ quân sự tại đảo Coco của Myanmar ở Ấn Độ Dương, đối diện Ấn Độ[17]. Điều này đã tạo điều kiện cho Trung Quốc xây dựng chiến lược “chuỗi ngọc trai” ở khu vực Ấn Độ Dương. Trong suốt hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho Chính phủ quân sự Myanmar. Sau khi nước này cải cách chính trị từ năm 2011, vai trò của Trung Quốc trên lĩnh vực an ninh – quốc phòng không còn giữ vị thế “độc tôn” như trước nữa. Tuy nhiên, quân đội Myanmar vẫn được đánh giá là nhóm thân Trung Quốc nhất. Đây được coi là một phần di sản trong mối quan hệ đặc biệt của Trung Quốc với Chính phủ quân sự Myanmar.

Giai đoạn hiện nay, trong bối cảnh Myanmar chịu cấm vận từ Mỹ và phương Tây từ vấn đề Rohingya, Trung Quốc càng tích cực gia tăng hợp tác quốc phòng với quốc gia này. Myanmar được coi là một trong những thị trường chính của xuất khẩu vũ khí Trung Quốc, trong đó bao gồm cả máy bay chiến đấu phản lực, xe bọc thép và tàu hải quân… Giai đoạn 2011-2019, Trung Quốc đã bán cho Myanmar 2 khinh hạm lớp Jianghu-2, 76 xe bọc thép Type-92, 12 máy bay không người lái CASC CH-4 và 16 CAC/PAC JF-17, máy bay chiến đấu, với chi phí ước tính gần 1 tỷ đô la Mỹ[18]. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tích cực đào tạo nhân viên quân đội, không quân và hải quân cho Myanmar. Mặc dù bị cáo buộc là hỗ trợ cho các nhóm sắc tộc vũ trang chống lại chính phủ và quân đội Myanmar, Trung Quốc vẫn chủ động thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước bởi điều này sẽ giúp Trung Quốc tăng cường hiện diện và kiểm soát ở biên giới phía đông Ấn Độ, tạo áp lực với chính Ấn Độ, cũng như kiềm chế ảnh hưởng của nước này tại Myanmar.

3. Một số đánh giá

Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã có những thay đổi và lấy lại được ảnh hưởng tại Myanmar.

Trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao, Trung Quốc đã tận dụng rất tốt vấn đề Rohingya và vấn đề xung đột sắc tộc của Myanmar để trở thành “chỗ dựa vững chắc” cho quốc gia này, trong bối cảnh phương Tây và Mỹ quay lưng lại với Myanmar. Trung Quốc cũng đã thành công trong việc sử dụng cách tiếp cận riêng rẽ với từng lực lượng chính trị của Myanmar, nhằm đạt được mục đích và lợi ích của mình. Nền chính trị Myanmar vì thế cũng sẽ nhận những tác động mạnh mẽ từ nhân tố Trung Quốc.

Trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư được coi là mũi nhọn tiên phong cho quá trình tạo dựng sự phụ thuộc của Myanmar vào nền kinh tế Trung Quốc. Sau những giảm sút về số lượng cũng như tổng giá trị đầu tư của Trung Quốc tại Myanmar giai đoạn hậu cải cách chính trị, Trung Quốc đã nhanh chóng lấy lại vị thế dẫn đầu của mình khi nỗ lực thuyết phục Myanmar chấp nhận các siêu dự án trong khuôn khổ CMEC. Điều này cho phép Trung Quốc trở thành quốc gia nắm giữ các dự án huyết mạch, định hướng cho sự phát triển của nền kinh tế Myanmar. Đối với thương mại song phương, giá trị thương mại giữa Myanmar và Trung Quốc là 10,8 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2017 trong khi GDP danh nghĩa của Trung Quốc năm 2017 là khoảng 470 tỷ USD[19]. Điều này cho thấy mức độ kiểm soát mà Trung Quốc có thể gây ra đối với nền kinh tế Myanmar là rất lớn.

Trong lĩnh vực quốc phòng, sự cấm vận của phương Tây đã khiến Trung Quốc tiếp tục trở lại vị thế quan trọng số 1 trong các hợp tác quốc phòng cũng như nguồn tài trợ, cung cấp sức mạnh quân sự cho Myanmar. Mối quan hệ thân thiết giữa quân đội Myanmar và Trung Quốc cũng trở thành điều kiện thuận lợi giúp Trung Quốc có được khả năng kiểm soát Myanmar một cách chặt chẽ hơn.

Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng, trong quá trình gia tăng ảnh hưởng tại Myanmar, khó khăn lớn nhất của Trung Quốc là lòng tin của cả chính phủ và người dân Myanmar đối với Trung Quốc. Dưới thời chính phủ dân sự, Myanmar đã nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc đối với Trung Quốc. Theo Ngân hàng Thế giới, dư nợ của Myanmar đối với Trung Quốc là 3,34 tỷ USD vào cuối năm 2019, giảm 26% so với cuối năm 2015, ngay trước khi chính phủ NLD lên nắm quyền. Điều này trái ngược với mức tăng lần lượt là 72% và 34% ở các nước láng giềng Lào và Campuchia so với cùng kỳ[20]. Điều này cho thấy sự thiếu tin tưởng của chính phủ nước này đối với Trung Quốc. Một ví dụ điển hình là Myanmar đã chủ động thay đổi quy mô của dự án cảng Kyaukphyu từ tổng vốn ban đầu là 7,2 tỷ USD giảm xuống chỉ còn 1,3 tỷ USD. Đồng thời, các chi tiết của dự án đã được thay đổi theo yêu cầu của Myanmar.

Có thể thấy, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã có những điều chỉnh trong chính sách đối với Myanmar. Bằng cách thay đổi tiếp cận ngoại giao, tăng cường can dự vào các cuộc xung đột sắc tộc, Trung Quốc đang tìm cách sử dụng các nguồn lực và ảnh hưởng để thích ứng các nhu cầu của Myanmar. Từ đó Trung Quốc có thể bảo vệ các lợi ích quan trọng của mình tại Myanmar. Những cách tiếp cận và chính sách riêng rẽ của Trung Quốc đối với các trung tâm quyền lực chính trị khác nhau ở Myanmar cho thấy một chiến lược quốc gia tinh vi hơn, đa dạng hơn của nước này. Với vị trí là một quốc gia nền tảng cho quá trình vươn ảnh hưởng của Trung Quốc ra tới khu vực Ấn Độ Dương rộng lớn, Trung Quốc hiện tại và giai đoạn sau này chắc chắn sẽ nỗ lực giữ Myanmar trong vòng kiềm tỏa của mình./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chu Công Phùng (2011), Mianma: Lịch sử và hiện tại, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  2. Andrew Selth (2019), “Myanmar: pariah status no bar to defence modernisation”, The Interpreter, https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/myanmar-pariah-status-no-bar-defence-modernisation.
  3. “China role in Myanmar coup under scanner”, Free Fresh Journal, https://www. freepressjournal.in/world/china-role-in-myanmar-coup-under-scanner.
  4. “Dangers of a Chinese debt trap for Myanma Dangers of a Chinese debt trap for Myanmar”, Mizzima, https://www.mizzima.com/ article/dangers-chinese-debt-trap-myanmar.
  5. Moe Myint (2019), “Chinese Ambassador Says Beijing Stands with Myanmar on Rohingya Issue”, The Irrawaddy, https://www.irrawaddy.com/news/burma/chinese-ambassador-says-beijing-stands-myanmar-rohingya-issue.html.
  6. “Myanmar's debt to China decreases 26% under ousted Suu Kyi”, Nikkei Asia, https://asia.nikkei.com/Spotlight/Datawatch/Myanmar-s-debt-to-China-decreases-26-under-ousted-Suu-Kyi.
  7. Shoon Naing, Simon Lewis (2019), “Myanmar politicians take advantage of China's junket tours”, The Japan Times, https://www.ja pantimes.co.jp/news/2019/08/11/asia-pacific/ myanmar-politicians-take-advantage-chinas-junket-tours/#.XgsA5JA3vIU.
  8. Sui-Lee Wee (2015), “Myanmar official accuses China of meddling in rebel peace talks”, Reuters, https://www.reuters.com/article/us-myanmar-china/myanmar-official-accuses-china-of-meddling-in-rebel-peace-talks-idUSKCN0S22VT20151008.
  9. “Myanmar, China to Conduct Feasibility Study on Mandalay-Kyaukphyu Rail Link”, The Irrawady, https://www.irrawaddy. com/news/burma/myanmar-china-conduct-feasibility-study-mandalay-kyaukphyu-rail-link.html.
  10. “China to Provide 1 Billion Yuan Socioeconomic Grant to Myanmar”, The Irrawaddy, https://www.irrawaddy.com/news/ burma/china-provide-1-billion-yuan-socioeconomic-grant-myanmar.html.
  11. “Myanmar, China sign MoU for friendship forest project”, Xinhua, http://www.xinhuanet.com/english/2019-08/29/c_138348586.htm.
  12. Yun Sun (2013), “China's Intervention in the Myanmar-Kachin Peace Talks”, Brookingshttp://www.brookings.edu/research/articles/2013/02/20-china-myanmar-sun.
  13. 中国政府网 (2014), 李克强同缅甸总统吴登盛举行会谈:全面提升中缅战略合作水平, (Mạng chính phủ Trung Quốc (2014), Thủ tướng Lý Khắc Cường hội đàm với Tổng thống Myanmar Thein Sein: Nâng cấp toàn diện mức độ hợp tác chiến lược Trung Quốc – Myanmar), http://www.gov.cn/guowuyuan/2014-11/14/content_2778859.htm.
  14. 中华人民共和国商务部 (2021),  2020年1-12月中国—缅甸经贸合作简况 (Bộ Thương mại Trung Quốc (2021), Tóm tắt hợp tác thương mại Trung Quốc – Myanmar từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2020), http://yzs.mof com.gov.cn/article/t/202103/20210303042835.shtml.
  15. 中华人民共和国外交部(2020), 中国同缅甸的关系 (Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Quan hệ Trung Quốc – Myanmar), https://www.fmprc. gov.cn/web/gjhdq_676201/gj_676203/yz_676205/1206_676788/sbgx_676792/.

 



[1] ThS., Trường Đại học Ngoại thương

[3] International Hydropower Association (2016), Myanmar, https://www.hydropower.org/country-profiles/myanmar

[4] Căn cứ quân sự của Trung Quốc tại đảo Coco cùng với các quân cảng của Trung Quốc tại Gwada (Pakistan), Colombo (Sri Lanka), Chitagong (Bangladesh) tạo thành một vòng cung “chuỗi ngọc trai” nhằm thực hiện chiến lược bao vây Ấn Độ.

[5] 中国政府网 (2014), 李克强同缅甸总统吴登盛举行会谈:全面提升中缅战略合作水平 (Mạng Chính phủ Trung Quốc (2014), Thủ tướng Lý Khắc Cường hội đàm với Tổng thống Myanmar Thein Sein: Nâng cấp toàn diện mức độ hợp tác chiến lược Trung Quốc – Myanmar), http://www.govcn/guowuyuan/2014-11/14/content_ 2778859.htm.

[6] Shoon Naing, Simon Lewis (2019), “Myanmar politicians take advantage of China's junket tours”, The Japan Times, https://www.japantimes.co.jp/news/ 2019/08/11/asia-pacific/myanmar-politicians-take-advantage-chinas-junket-tours/#.XgsA5JA3vIU.

[7] Free Fresh Journal (2021), “China role in Myanmar coup under scanner”, https://www.freepressjournal.in/world/ china-role-in-myanmar-coup-under-scanner.

[8]Yun Sun (2013), “China's Intervention in the Myanmar-Kachin Peace Talks”,Brookings, http://www.brookings. edu/research/articles/2013/02/20-china-myanmar-sun.

[9] Sui-Lee Wee (2015), “Myanmar official accuses China of meddling in rebel peace talks”, Reuters, https://www.reuters.com/article/us-myanmar-china/ myanmar-official-accuses-china-of-meddling-in-rebel-peace-talks-idUSKCN0S22VT20151008.

[10] Moe Myint (2019), “Chinese Ambassador Says Beijing Stands with Myanmar on Rohingya Issue”, The Irrawaddy, https://www.irrawaddy.com/news/burma/chinese-ambassador-says-beijing-stands-myanmar-rohingya-issue.html.

[11] 中华人民共和国商务部 (2021),  2020年1-12月中国—缅甸经贸合作简况 (Bộ Thương mại Trung Quốc (2021), Tóm tắt hợp tác thương mại Trung Quốc – Myanmar từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2020), http://yzs.mofcom.gov.cn/article/t/202103/20210303042835.shtml.

[12] 中华人民共和国外交部(2020), 中国同缅甸的关系 (Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Quan hệ Trung Quốc – Myanmar), https://www.fmprc.gov.cn/web/gjhdq_ 676201 /gj_676203/yz_676205/1206_676788/sbgx_676792/.

[13] The Irrawady (2021), “Myanmar, China to Conduct Feasibility Study on Mandalay-Kyaukphyu Rail Link”, https://www.irrawaddy.com/news/burma/myanmar-china-conduct-feasibility-study-mandalay-kyaukphyu-rail-link.html.

[14] The Irrawaddy (2019), “China to Provide 1 Billion Yuan Socioeconomic Grant to Myanmar”, https://www.ir rawaddy.com/news/burma/china-provide-1-billion-yuan-socioeconomic-grant-myanmar.html.

[15] Xinhua (2019), “Myanmar, China sign MoU for friendship forest project”, http://www.xinhuanet. com/english/2019-08/29/c_138348586.htm.

[16] Trung Quốc và Myanmar đã đạt được thỏa thuận bán vũ khí cho Myanmar với trị giá khoảng 2 tỷ USD từ năm 1989-1991. Năm 1994, Trung Quốc bán tiếp cho Myanmar 400 triệu USD vũ khí. Chu Công Phùng  (2011), Mianma: Lịch sử và hiện tại, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 180.

[17] Chu Công Phùng  (2011), Tlđd, tr. 181.

[18] Andrew Selth (2019), “Myanmar: pariah status no bar to defence modernisation”, The Interpreter, https://www. lowyinstitute.org/the-interpreter/myanmar-pariah-status-no-bar-defence-modernisation.

[19] Mizzima (2020), “Dangers of a Chinese debt trap for Myanma Dangers of a Chinese debt trap for Myanmar”, https://www.mizzima.com/article/dangers-chinese-debt-trap-myanmar.

[20] Nikkei Asia (2021), “Myanmar's debt to China decreases 26% under ousted Suu Kyi”, https://asia.nikkei. com/Spotlight/Datawatch/Myanmar-s-debt-to-China-decreases-26-under-ousted-Suu-Kyi.

0thảo luận