Trang chủ

Nâng cao lợi thế cạnh tranh thông qua công nghệ của các nền kinh tế Đông Á và một số bài học cho Việt Nam

Đăng ngày: 23-11-2022, 10:16 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 5

Đậu Xuân Đạt1

Tóm tắt: Môi trường toàn cầu hóa đang thay đổi, những áp lực cạnh tranh mới đang nổi lên, mạng lưới sản xuất theo chiều dọc đang mau chóng chuyển sang mạng lưới liên kết sản xuất theo chiều ngang. Cạnh tranh thông qua công nghệ đã giúp cho nền kinh tế của các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Á dễ dàng hơn để tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu trong nhiều năm qua. Bài viết phân tích môi trường cạnh tranh thông qua nền tảng công nghệ và sự vận dụng rất thành công của các nền kinh tế Đông Á trong mạng lưới sản xuất toàn cầu. Từ đó, tác giả đề xuất một số bài học rút ra cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Từ khóa: Lợi thế cạnh tranh, công nghệ, mạng lưới sản xuất toàn cầu, Đông Á, Việt Nam


1. Môi trường cạnh tranh đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Á[1]

Các nước và vùng lãnh thổ Đông Á phản ứng như thế nào trước những thách thức trực tiếp ảnh hưởng tới quá trình phát triển trong thế kỷ XXI? Có ba khía cạnh để phân biệt giai đoạn phát triển mới và những khó khăn ở thời kỳ hiện nay so với thời kỳ phát triển trước đây như sau:

1.1. Chiều hướng phát triển của lợi thế cạnh tranh động

Quá trình công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu thành công nhanh chóng ở Đông Á đã làm thay đổi chiến lược thị trường của các nhà sản xuất. Do hoạt động sản xuất ngày càng hiệu quả hơn, quy mô sản xuất được mở rộng nên giá cả hàng hóa đã giảm xuống. Nhiều sản phẩm sản xuất ra chỉ phục vụ cho tầng lớp dân cư có thu nhập cao đã được bán rộng rãi trên thị trường. Đối với một số loại hàng hóa từ xe đạp cho đến bộ nhớ máy vi tính, do rào cản thương mại giảm, hệ số co giãn về cung tăng lên nhanh đã làm cho mức chênh lệch về lợi nhuận giảm xuống. Trước tình hình này, các nhà sản xuất tại Đông Á một mặt phải tự nâng cấp các hàng hóa họ đang cung cấp, mặt khác phải tạo ra sự khác biệt với các loại hàng hóa cùng loại trên thị trường hoặc tạo ra các loại sản phẩm mới.

Một chiến lược được áp dụng rộng rãi cho các công ty Đông Á là nâng cấp các dây chuyền lắp ráp các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại cầm tay, máy quay phim, máy chụp ảnh kỹ thuật số. Nhiều nhà phân tích về năng lực cạnh tranh đều cho rằng giá trị gia tăng cao chỉ đạt được khi có đổi mới công nghệ trong quá trình sản xuất ra các hàng hóa tinh xảo và cung cấp các dịch vụ phức tạp. Hơn một thập niên qua, do phải vật lộn để leo lên nấc thang mới trong mạng lưới sản xuất toàn cầu, các công ty này đã thành công trong việc đa dạng hóa chủng loại sản phẩm. Một số công ty chỉ đổi mới công nghệ nhờ nguồn vốn đầu tư rất khiêm tốn từ tiền lãi, tiết kiệm trong hoàn cảnh quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ ngày càng bị thắt chặt. Việc đuổi kịp các công ty lớn là một quá trình khá dài, nhưng Đông Á đã nhận thức được vị trí của lợi thế động là năng lực công nghệ trong sản xuất.

Quá trình xây dựng nền tảng năng lực công nghệ đang trở thành vấn đề cấp thiết cho hầu hết các nền kinh tế Đông Á để thoát ra khỏi tình trạng tăng trưởng thấp khi đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu. Nguy cơ ngày càng rõ ràng và tăng cao trong hơn 20 năm qua kể từ năm 2000, khi các nhà sản xuất có chi phí thấp tại Trung Quốc mở rộng quy mô sản xuất, nhiều sản phẩm hàng hóa của họ tràn ngập thị trường thế giới thì nay đã giảm dần vai trò của họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung[2]. Ngoài ra cũng có một số mối đe dọa khác, thúc ép Đông Á phải nâng cao năng lực công nghệ, đó là sự thay đổi của hình thức sản xuất theo hợp đồng đa quốc gia trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tạo ra cuộc cách mạng mới trong mạng lưới sản xuất toàn cầu và chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay.

1.2. Sự phát triển của mạng lưới sản xuất toàn cầu

Trong suốt giai đoạn phát triển thứ ba của Đông Á, mạng lưới sản xuất toàn cầu đã mang lại cho các công ty kinh doanh đi đến thị trường thế giới theo con đường ngắn nhất và khá hiệu quả. Một công ty đáp ứng được các tiêu chí về sản phẩm, lịch trình giao hàng mà các công ty đa quốc gia cũng như những khách hàng đặt ra, sẽ có đủ tư cách thâm nhập vào thị trường quốc tế. Các công ty sẽ thu được lợi ích khi nhu cầu về sản phẩm của mình ngày càng tăng, tiếp nhận được các thông tin thị trường và sẽ được hỗ trợ về công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả quản lý. Nếu một công ty nào đó muốn xâm nhập thị trường nước ngoài nhưng lại không đủ khả năng để tiếp thị trực tiếp thì hệ thống sản xuất toàn cầu sẽ đưa ra các giải pháp thay thế thông qua trung gian với chi phí hợp lý để tạo ra cơ hội xuất khẩu. Hơn thế, những quan hệ với mạng lưới sản xuất toàn cầu còn tạo ra dòng luân chuyển thông tin hai chiều, đây chính là cơ hội để thu hút FDI và tri thức mà nhiều công ty Đông Á đang rất cần vốn và công nghệ hiện đại. Trong suốt những năm 1990, mạng lưới sản xuất toàn cầu đã tạo ra mức tăng trưởng cao trong các ngành công nghiệp và thương mại giữa các công ty xuyên quốc gia, các công ty vệ tinh. Cuối những năm 1990, tiêu chí tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu đã trở nên rõ ràng và chính xác hơn, đặc biệt là các tiêu chí dành cho các nhà cung cấp bậc 1.

Công nghệ thông tin đã giúp cho các hãng nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường toàn cầu đang thay đổi bằng cách hợp lý hóa các hoạt động của mình, cụ thể là duy trì những hoạt động hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao, tối thiểu hóa các nhà cung cấp bậc 1 và việc ký kết các hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp bậc 1. Hãng Toyota cuối năm 1990 đã mở rộng quy mô tài sản của mình cho ba nhà cung cấp phụ tùng lớn là Aishin Seiki, Denso và Toyota Gosei. Bằng cách giảm đi số lượng các nhà cung cấp, chỉ mua hàng từ một số nhà cung cấp bậc 1, các công ty lắp ráp có thể giảm chi phí sản xuất, đầu tư nhiều hơn vào quản lý chuỗi cung và đổi mới công nghệ để tạo ra khả năng cạnh tranh thông qua công nghệ mới. Động lực tăng tốc cạnh tranh trên thị trường thế giới chỉ có thể đạt được khi các công ty lớn chia sẻ trách nhiệm phát triển công nghệ với các nhà cung cấp hoặc với khách hàng. Khi quá trình đổi mới công nghệ trở thành hoạt động mà các công ty trong mạng lưới cùng gánh vác thì các công ty hàng đầu phải lựa chọn kỹ các đối tác tiềm năng của mình. Phát triển công nghệ và việc cung cấp các bộ phận chính cho hoạt động sản xuất luôn đi kèm với rủi ro, thất bại. Do vậy, để cạnh tranh với các hãng lớn khác, các công ty đa quốc gia thường chọn mua hàng của các nhà cung cấp độc lập, có khả năng hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động toàn cầu của mình. Thí dụ, các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực sản xuất ô tô, thiết bị truyền thông họ thường thích sử dụng các nhà cung cấp như Bosch, Johnson Controls Lear hoặc TRW.

Nhu cầu tìm kiếm các nhà cung cấp đáng tin cậy, có khả năng thực hiện chính xác các yêu cầu đang trở thành vấn đề cấp thiết, bởi vì các hãng lo ngại rằng sự phụ thuộc và chia sẻ công nghệ với các đối tác và các nhà cung cấp có thể làm tiêu hao năng lực công nghệ của một hãng. Một hãng dẫn đầu, chuyển giao công nghệ cho các nhà cung cấp sẽ gặp phải rủi ro, nếu nhà cung cấp này cho các đối thủ cạnh tranh cùng sử dụng công nghệ mới. Rủi ro hơn nữa, khi các nhà thầu phụ nắm được cả công nghệ và quy trình sản xuất sẽ thay thế hãng đứng đầu thị trường trong việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Vấn đề này đã từng xảy ra và làm đau đầu các nhà quản lý của Acer. Con đường đầy hứa hẹn là đổi mới công nghệ các hãng có thể tạo ra sản phẩm mới và huy động được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho hoạt động sản xuất và nghiên cứu và phát triển (R&D). Khi một hãng đã thành công trong quá trình đổi mới công nghệ, thì họ lập tức thay đổi cơ cấu tổ chức và mạng lưới quan hệ. Một số hãng đang áp dụng mô hình sản xuất theo chiều ngang, sử dụng các phụ kiện, dịch vụ do các hãng khác cung cấp. Một số hãng khác đầu tư cho quá trình tạo ra sản phẩm mới. Sự năng động này tiếp sức cho năng lực cạnh tranh tại thị trường Đông Á. Các hãng trong nước đang nỗ lực để trở thành các nhà cung cấp bậc 1 cho các công ty đa quốc gia, cho nên nguồn lợi nhuận thu được là cao hơn. Các nguồn lợi có được thực chất là từ quan hệ hợp tác phát triển công nghệ, cạnh tranh với các nhà cung cấp từ nước ngoài hoặc thành lập các cơ sở sản xuất đáp ứng nhu cầu của các hãng lớn tại khu vực này. Nhiều công ty Đông Á đang chuyển dần từ nhà cung cấp sang việc thiết lập mạng lưới sản xuất toàn cầu của mình khi năng lực công nghệ đã đủ mạnh như Haier, Hyundai…

1.3. Sự phát triển của các nhà sản xuất theo hợp đồng

Cạnh tranh đang nổi lên từ một khu vực khác, đó là các nhà sản xuất theo hợp đồng. Cùng với quá trình chuyển mạng lưới sản xuất theo chiều dọc sang mạng ngang của các công ty đa quốc gia hàng đầu, chúng ta chứng kiến xu thế phát triển của các nhà sản xuất đa quốc gia theo hợp đồng đang nổi lên. Năm hãng đặt trụ sở tại Bắc Mỹ là Celestica, Flextronics, Jabil Circuit, Sanmina và Solectron đang chiếm tỷ lệ lớn trong tổng sản lượng. Các hãng này đảm nhận nhiệm vụ như sử dụng các sản phẩm trung gian do nước ngoài sản xuất, phát triển, thiết kế và chế tạo các thiết bị điện tử, viễn thông. Dựa trên bản thiết kế sản phẩm mẫu hoặc các tiêu chuẩn thiết kế do khách hàng đưa ra, các hãng sản xuất theo hợp đồng đang sản xuất vô số các sản phẩm cho nhiều công ty khác nhau từ Microsof's Box cho đến Sony - Ericsson's Mobile hoặc máy in Hewlett - Packard. Trong một số trường hợp, các hãng này còn tiến hành tất cả các khâu trong chuỗi cung như lắp ráp, hoàn thiện sản phẩm, chuyển đến kho bãi cho khách hàng hoặc giao tận tay đến các nhà bán lẻ.

Các hãng sản xuất theo hợp đồng phát triển được là nhờ vào nguồn cung cấp các thiết bị có sẵn của các công ty đa quốc gia hoặc do các công ty này tiếp quản các hãng khác ở các nước đang tiến hành công nghiệp hóa, hoặc do đầu tư vào các nhà máy mới. Ví dụ như doanh nghiệp sản xuất thiết kế gốc (ODM) Flextronics (Hoa Kỳ) với hơn 150 nhà máy ở 30 nước, có doanh thu trên 25 tỷ USD năm 2019[3]. Thế mạnh cạnh tranh của các công ty ODM bắt nguồn từ quy mô kinh tế và phạm vi hoạt động trên toàn cầu. Các hãng sản xuất theo hợp đồng có thể chào mức giá thấp nhất vì doanh thu của các hãng hàng năm rất cao. Và nhiều thế mạnh khác nữa, như có thể chế tạo ra hàng loạt các sản phẩm điện tử, chuyển đổi sản xuất từ chủng loại sản phẩm này sang chủng loại sản phẩm khác, thu hút nhiều khách hàng. Ngoài ra, các sản phẩm của các doanh nghiệp ODM luôn đòi hỏi giao hàng đúng hạn với cước vận chuyển hợp lý để duy trì sự phát triển tại các thị trường chính như Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Á và Đông Nam Á.

Từ năm 2002 đến năm 2020, danh sách các hãng sản xuất theo hợp đồng đa quốc gia đã có mặt các công ty của Đông Á như: Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) là một nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) chủ yếu theo đơn đặt hàng của Apple (Hoa Kỳ), với hơn 100 công ty ở các nước có doanh thu hơn 210 tỷ USD hay các doanh nghiệp OEM khác của các quốc gia Đông Á khác như Precision[PCNA1] , Quanta, Asus… đã chiếm hơn 40% thị phần nhờ sản xuất hàng hóa điện tử theo hợp đồng. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 và thương chiến Mỹ - Trung trong những năm qua đã khiến nhiều công ty Đông Á phải đối mặt với các thách thức lớn: Thứ nhất, nhiều chuỗi cung ứng gián đoạn và đứt gãy khiến các công ty đa quốc gia đang chọn lựa các nhà thầu ở các quốc gia khu vực khác, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á, Ấn Độ, Bắc Mỹ và giảm đi số lượng lớn các nhà cung cấp bậc 1. Thứ hai, mạng lưới các nhà thầu sản xuất theo hợp đồng đang được cơ cấu lại với nhiều doanh nghiệp OEM, ODM đang dần chuyển ra khỏi Trung Quốc, một quốc gia được các doanh nghiệp ưu tiên đặt nhà máy trước đây. Từ năm 2019 đến nay, các nhà sản xuất hợp đồng lớn như Foxconn, Precesion… đã dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan. Thứ ba, những nhà sản xuất theo hợp đồng có uy tín đang tích cực mở rộng quy mô kinh tế, phạm vi hoạt động và tăng cường mối liên kết với các công ty đa quốc gia. Để đối phó với những thách thức này, các công ty Đông Á cần nỗ lực xây dựng nền tảng công nghệ và phát triển quy mô kinh tế. Thực tế cho thấy do năng lực công nghệ khá tốt nên đã có khá nhiều nhà sản xuất theo hợp đồng của các công ty đa quốc gia được thiết lập tại Đông Á như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Hồng Kông[4]. Từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đến nay thì các hãng sản xuất theo hợp đồng ở Đông Á đã mạo hiểm tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu và các hoạt động thiết kế để mang lại giá trị gia tăng cao.

2. Đông Á tích cực nâng cao lợi thế cạnh tranh qua xây dựng năng lực công nghệ

Kinh nghiệm của các công ty Đông Á cho thấy, trong ngắn và trung hạn, họ đã mua các bằng phát minh sáng chế, thiết bị công nghệ của các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên, để vượt qua đường giới hạn về công nghệ, các công ty Đông Á đã đề ra chiến lược đầu tư cho hoạt động R&D, hoặc thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, tiếp nhận công nghệ mới từ các công ty đa quốc gia. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh được rằng đầu tư nhiều hơn vào R&D có thể cho phép một hãng với tư cách là nhà sản xuất OEM có thể trở thành nhà sản xuất theo thiết kế riêng, đưa sản phẩm mới của mình ra thị trường. Cách tốt nhất để tránh khỏi tình trạng cạnh tranh gay gắt trên thị trường hàng hóa là phát triển những kỹ năng về thiết kế, đổi mới công nghệ từ đó sản xuất ra những hàng hóa khác biệt dựa vào bước nhảy về công nghệ.

So với các khu vực đang tiến hành công nghiệp hóa khác trên thế giới, Đông Á đang tăng đầu tư cho hoạt động R&D. Điều đặc biệt là các chi phí đầu tư tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực hợp tác với các hãng lớn trên thế giới. Thành quả lớn nhất trong thời kỳ 1991-2000 là của Trung Quốc, với chi phí cho hoạt động R&D tăng từ 0,6% GDP lên hơn 1% GDP, từ năm 2000 đến 2020 tăng từ 1% GDP lên 6% GDP (năm 2020 là hơn 21 tỷ USD). Nếu chi phí này được điều chỉnh theo ngang giá sức mua, thì đầu tư cho hoạt động R&D của Trung Quốc chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ. Trong thời gian tới, theo Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) Trung Quốc dự kiến sẽ chi mức kỷ lục cho R&D là khoảng 8% GDP. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng cường việc phát hành các ấn phẩm, tài liệu về khoa học công nghệ, ứng dụng phát minh sáng chế. Loại ấn phẩm này hàng năm tăng 26% trong cùng thời kỳ 2000-2020. Chính sách đầu tư của Trung Quốc khá hấp dẫn, với nhiều điều khoản ưu đãi, do đó đã thu hút được hầu hết các công ty đa quốc gia trong số 500 công ty lớn nhất thế giới đầu tư và thiết lập các trung tâm nghiên cứu. Những nỗ lực của Trung Quốc đã giúp nước này vượt qua nhiều quốc gia phát triển công nghệ và phá tan học thuyết “Đàn nhạn bay” của Amakatsu đưa ra. Nói khác đi là Trung Quốc không bay trong đàn do Nhật Bản dẫn đầu. Thực tế, đến năm 2020, Trung Quốc đã sở hữu nhiều công nghệ hiện đại, trong đó một số công nghệ có thể cạnh tranh được với Hoa Kỳ như 5G, AI… Tuy nhiên, thương chiến Mỹ - Trung, đại dịch Covid-19 và lợi thế cạnh tranh về nhân công, chi phí rẻ của Trung Quốc đã không còn như trước đây, điều này đã khiến khá nhiều tập đoàn dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc để giảm thiểu vai trò của Trung Quốc trong các chuỗi cung ứng hàng hóa, trong đó sản phẩm công nghệ cao như: máy tính, điện tử, điện thoại của các doanh nghiệp OEM, ODM, OBM như: Foxconn, Winstron, Qishda, Pegatron, Inventec, Apple, Intel… để xúc tiến đầu tư tại Ấn Độ, Mexico, một số nước Đông Nam Á từ năm 2019 đến nay.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), lợi nhuận ước tính của các hoạt động R&D từ 20% đến 40% tại các nước công nghiệp. Còn tại các nước có mức thu nhập trung bình hoặc thu nhập thấp lợi nhuận có thể lên tới 60%. Hình thức đầu tư này tại Hàn Quốc và Đài Loan luôn thu được cổ tức cao, đứng hàng thứ 5 và 3 trên thế giới. Theo số liệu của năm 2002, thì 2/3 số lượng sáng chế phát minh được đăng ký tại Hàn Quốc tập trung vào 5 tập đoàn hàng đầu, Samsung có nhiều bằng phát minh sáng chế nhất, đến năm 2017 Samsung Electronics Co. đã đệ trình 3.188 bằng sáng chế liên quan đến AI, LG Electronics Inc. có 889 bằng sáng chế. Về công nghệ trí tuệ nhân tạo thì Viện Nghiên cứu Điện tử và Viễn thông Hàn Quốc nộp 865 đơn xin cấp bằng sáng chế về AI, theo sau là LG Display với 350, Samsung Display Co. và Samsung Electro-Mechanics là 207. Còn ở Đài Loan, 5 tập đoàn hàng đầu đăng ký 1/4 tổng phát minh sáng chế, theo Trung tâm Sở hữu Trí tuệ Quốc tế thuộc Phòng Thương mại Mỹ đã công bố “Bảng xếp hạng Chỉ số Sở hữu Trí tuệ Quốc tế” lần thứ 7 năm 2019, Đài Loan với tổng số điểm là 28,05 điểm, xếp thứ 20 trong số 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới, xếp thứ 4 trong số các nước châu Á, chỉ sau Nhật Bản (xếp thứ 8), Singapore (xếp thứ 10) và Hàn Quốc (xếp thứ 13)[5]. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan các hoạt động R&D chủ yếu do các công ty lớn thực hiện. Các công ty đang tìm cách cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng dựa vào đổi mới.

Tính năng động về công nghệ đã kích thích những quyết tâm của các công ty Hyundai, LG, Samsung và giúp các công ty tạo ra được hình ảnh về thương hiệu. Một số công ty của Đài Loan, Hàn Quốc đã vượt qua các công ty thiết kế và chế tạo sản phẩm theo đơn đặt hàng (ODM) trong các lĩnh vực thầu phụ sản xuất hàng điện tử. Về cơ bản, nhiều công ty lớn ở Đông Á tập trung phát triển sản phẩm mới, hợp lý hóa sản xuất và yêu cầu các nhà cung cấp phải thay đổi công nghệ, quy trình sản xuất đáp ứng những đòi hỏi của công ty lớn. Còn các công ty nhỏ thì vẫn nặng về sao chép và cải tiến công nghệ.

Hiện nay các hãng có doanh thu lớn là những hãng có khả năng tiêu thụ hàng hóa của mình trên các thị trường quốc tế chính. Các công ty lớn hoạt động năng động trên toàn cầu có thể khai thác lợi thế từ các hoạt động mang tính quy mô quốc tế bằng cách tạo ra những mạng lưới sản xuất toàn cầu riêng của mình, tạo cho các công ty trong hệ thống đổi mới công nghệ, cung cấp chuỗi sản phẩm. Đầu tư vào các chi nhánh ở nước ngoài có thể thu được nguồn lợi nhờ vị trí sản xuất của các công ty này gần kề với các thị trường lớn. Mô hình này cũng được một số công ty ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan áp dụng tương đối thành công. Trong môi trường cạnh tranh toàn cầu, khi mà nhờ đổi mới, vai trò của công nghệ thông tin và các quan hệ kinh doanh, lợi thế động được xác định lại đang nghiêng về phía các công ty đầu tư cho R&D, cho kỹ năng thiết kế và mở rộng phạm vi hoạt động, thì các công ty nhỏ lẻ vẫn có thể tồn tại, song các công ty lớn hơn sẽ có nhiều triển vọng phát triển hơn. Các công ty Hyundai, LG, Samsung của Hàn Quốc, Haier, Huawei, Legend và ZTE ở Trung Quốc, Acer, HonHai, Mostek, Quanta, Asustek của Đài Loan đang bắt đầu thích ứng với môi trường toàn cầu luôn thay đổi bằng cách trở thành các công ty sản xuất nhãn hiệu gốc (OBM) thu lợi nhuận cao hơn. Mặc dù một số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc như ZTE, Huawei, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc đang phải đối diện với nhiều bất lợi trong cuộc chiến công nghệ với Hoa Kỳ khiến cho tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp này giảm khá mạnh giai đoạn 2019-2020. Tuy nhiên, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Dell'Oro (Mỹ), với năng lực công nghệ khá tốt, Huawei vẫn chiếm vị trí số một về doanh thu toàn cầu năm 2020, lớn hơn cả Ericsson, ZTE, Cisco, Ciena và Samsung[6].

Ngược với xu hướng phát triển mạng lưới sản xuất theo chiều ngang của phương Tây, một số công ty của Trung Quốc, Hàn Quốc lại chú trọng tới mô hình sản xuất theo chiều dọc. Đa dạng hóa các hình thức sản xuất chỉ là phương thức để tăng khả năng cạnh tranh, nhưng đa dạng hóa theo chiều dọc làm cho chi phí giao dịch, chi phí vận chuyển cao, thậm chí nếu thể chế yếu kém, năng lực cạnh tranh sẽ khó được cải thiện. Nhiều nhà nghiên cứu còn chờ đợi xem các công ty Đông Á có thể nâng cao năng lực cạnh tranh hay không, nếu như hậu Covid-19[PCNA2] , mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu được các công ty đa quốc gia chi phối/dẫn dắt cấu trúc lại? Mô hình theo chiều dọc mặc dù đã giúp Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới nhưng những yếu tố bất định từ niềm tin chiến lược giữa các siêu cường, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp đa quốc gia có ý định hoặc đã chủ động rời khỏi Trung Quốc để đến với các thị trường chủ động đón nhận các doanh nghiệp này như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam… Thực tế, Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp khá mạnh mẽ nhằm “giữ chân” nhà đầu tư, giảm thiểu việc dịch chuyển sản xuất và chuỗi cung ứng, như xây dựng các chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, nhất là các tập đoàn đa quốc gia của phương Tây; ban hành Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi; mở rộng các khu thí điểm tự do thương mại (FTZ) với nhiều ưu đãi; tăng cường hợp tác kinh tế với khu vực, trọng tâm là hợp tác khu vực Đông Bắc Á, thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); áp dụng một số rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế nhà đầu tư rút vốn, chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc… Mặc dù vậy, đã có khá nhiều tập đoàn chủ động rút khỏi Trung Quốc trong thời gian qua do đại dịch Covid-19[PCNA3] , thương chiến Mỹ-  Trung, chuỗi cung ứng toàn cầu và sự tích cực ủng hộ của các chính phủ (chẳng hạn như Chính phủ Nhật Bản dành ngân sách 2,2 tỷ USD, trong đó 2 tỷ USD hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản từ Trung Quốc về nước).

Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng “Chương trình tổng thể về xã hội 5.0”. Xã hội 5.0 của Nhật Bản không chỉ chú trọng mục tiêu tăng năng suất trong các ngành công nghiệp mà còn phát triển các hệ thống IoT (internet vạn vật) an toàn, tạo ra một xã hội an toàn, đảm bảo cho người dân. Hàn Quốc là quốc gia đi đầu ở Đông Á trong việc ứng dụng nhiều công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện việc chuyển đổi số vào các ngành kinh tế, các sản phẩm chủ lực của mình. Chính phủ Hàn Quốc đã và đang triển khai “Kế hoạch hành động cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” về kinh tế số tập trung vào 13 nội dung chính: dữ liệu lớn, viễn thông thế hệ mới, trí tuệ nhân tạo, xe tự hành, máy bay mini không người lái, chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu, thành phố thông minh, thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, robot thông minh, chíp bán dẫn thông minh, vật liệu tiên tiến, thuốc mới và năng lượng mới. Hàn Quốc còn thúc đẩy các nhà nghiên cứu, giáo viên ở các trường đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo hướng công nghệ số và đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ năm 2010 đến nay, Trung Quốc được xem là quốc gia thành công về chuyển đổi số. Bắc Kinh và Thượng Hải là hai địa phương nổi bật về phát triển kinh tế kỹ thuật số (chiếm gần 45% GDP). Thành công từ Trung Quốc đến từ nhiều yếu tố: (i) chính phủ đã bảo hộ thị trường công nghệ số trong nước để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển; (ii) đầu tư rất lớn vào các quỹ vốn mạo hiểm, đặc biệt là các công nghệ thực tế ảo, xe tự hành, in 3-D, robot, máy bay không người lái và trí tuệ nhân tạo (AI); (iii) để phát triển kinh tế số, Trung Quốc chú trọng việc phát triển, chuyển đổi các phương thức, giao dịch trong nền kinh tế sang sử dụng công nghệ số, tập trung vào việc phát triển chính phủ điện tử, ngân hàng điện tử và thương mại điện tử[7].

3. Bài học rút ra cho Việt Nam

Con đường phát triển của Đông Á không phải là hình mẫu duy nhất cho các nước đang phát triển đi sau, bởi điều này còn phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử và mức độ phát triển khác nhau của các nước Đông Á. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nền kinh tế Đông Á.

Thứ nhất, chính phủ và các doanh nghiệp nên chủ động phát triển các lợi thế động để phù hợp với các chuỗi cung ứng hậu Covid-19, đặc biệt là các chuỗi cung ứng sử dụng kỹ thuật số. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19[PCNA4] , cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng khó đoán định đối với chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy nhưng cũng nhiều chuỗi cung ứng đã thay đổi để phù hợp với bối cảnh, trong đó có các chuỗi cung ứng theo hướng số hóa để minh bạch, hiệu quả chi phí, tích hợp và phản ứng nhanh hơn để đáp ứng kỳ vọng người tiêu dùng.

Thứ hai, Việt Nam nên phát triển kinh tế số dựa trên nghiên cứu kinh nghiệm phát triển công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước khác về công nghệ AI, Big Data, cách thức triển khai 5G… để tránh bị tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam nên xác định các ngành công nghiệp và địa điểm thực sự tiềm năng để áp dụng chuyển đổi số. Kinh nghiệm của Hàn Quốc và Nhật Bản tập trung chuyển đổi công nghệ số ở các ngành công nghiệp, công nghệ cao, trong khi Trung Quốc lại tập trung chuyển đổi số thông qua phát triển chính phủ điện tử, ngân hàng điện tử tập trung ở các thành phố lớn. Vì vậy, Việt Nam nên xem xét kỹ lượng để lựa chọn ngành có lợi thế và địa điểm thực sự phù hợp để chuyển đổi số.

Thứ ba, tất cả các quốc gia Đông Á đều đã ký kết hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ. Do các nước này đang củng cố vị thế cạnh tranh trong tương lai bằng cách dựa vào đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao. Việt Nam nên chú ý quyền sở hữu trí tuệ được bảo đảm không phải lúc nào cũng thúc đẩy đổi mới. Thực tế kinh nghiệm Hàn Quốc đã cho thấy cạnh tranh mới là cơ chế thúc đẩy đổi mới công nghệ. Vì vậy, Việt Nam cần có các biện pháp tăng cường nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng góp phần nâng cao năng lực công nghệ. Từ đó sẽ đưa ra những sản phẩm khác biệt, tham gia vào các lĩnh vực sản xuất mới trong mạng lưới toàn cầu và thu được lợi nhuận cao hơn[8].

Thứ tư, các doanh nghiệp Việt Nam cho dù có liên doanh với nước ngoài, hiện nay chủ yếu vẫn đóng vai trò gia công, lắp ráp, hậu quả là hưởng lợi thấp. Để thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển dựa vào đổi mới công nghệ, Việt Nam cần tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư cho R&D ở mức cao hơn và nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở.

Thứ năm, Chính phủ Việt Nam cần sớm ban hành chương trình hành động cho Nghị quyết số 50-NQ/TW, năm 2019 của Bộ Chính trị về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030” để thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2021, những năm qua Việt Nam ưu tiên thu hút các doanh nghiệp điện năng lượng mặt trời nhiều hơn tất cả các nước Đông Nam Á và nhiều hơn các nước châu Phi cộng lại. Trong khi, các ảnh hưởng tiêu cực của dự án điện năng lượng mặt trời thì Việt Nam chưa tính hết được. Vì vậy, Việt Nam cần ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch với cách thức quản trị hiện đại thông qua các chương trình hành động từ Quyết định 749 của Chính phủ về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và các chính sách thu hút FDI công nghệ cao để có giá trị gia tăng cao.

Thứ sáu, Việt Nam tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, năng lực khoa học - công nghệ và tiếp tục thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu - phát triển, xây dựng các quy định phù hợp tiêu chuẩn công nghệ, môi trường, lao động, xuất xứ hàng hóa sản xuất. Từ đó, lựa chọn và sử dụng các công nghệ phù hợp như: công nghệ sản xuất thông minh, công nghệ thiết kế dây chuyền sử dụng công nghệ số, thiết kế bằng công nghệ 3D, kiểm soát chất lượng thông minh, điều hành dây chuyền may dạng tế bào ứng dụng công nghệ số, hệ thống xử lý ảo trên từng thiết bị và kết nối toàn nhà máy, áp dụng công nghệ nhận dạng RFID, kỹ thuật dệt 3D và công nghệ in 3D... để phát triển các sản phẩm và vật liệu mới từ nguồn gốc tự nhiên.

Kết luận

Toàn cầu hóa đã khiến các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Á giảm thiểu các lợi thế tĩnh về tài nguyên, nhân công rẻ để đầu tư phát triển các lợi thế cạnh tranh động, trong đó có lợi thế công nghệ. Thực tế kinh nghiệm phát triển thần kỳ của Đông Á cho thấy cạnh tranh mới là cơ chế thúc đẩy đổi mới công nghệ. Các biện pháp tăng cường nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng sẽ giúp nâng cao năng lực công nghệ. Mạng lưới sản xuất toàn cầu nở rộ trong nhiều năm qua khi các công ty vệ tinh hội tụ ở những khu vực đô thị. Sự hội tụ này đã tạo thế mạnh cho các ngành công nghệ cao ở các nước và vùng lãnh thổ Đông Á, bởi vì ở đó có thể thu hút được nguồn nhân lực tài năng, nguồn tài chính, hạ tầng cơ sở công nghệ hiện đại, sự hợp tác trong hoạt động công nghệ, tiếp cận nhanh chóng các chuỗi cung ứng hàng hóa. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19, niềm tin chiến lược giữa các siêu cường đã thay đổi trật tự của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Một sự tái cấu trúc chuỗi sẽ diễn ra mạnh mẽ hậu Covid-19 buộc Việt Nam phải chủ động thay đổi các lợi thế cạnh tranh động, đặc biệt là chú trọng đổi mới công nghệ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đậu Xuân Đạt (2013), “Một số quan điểm về tự do hóa thương mại và sự vận dụng thực tiễn ở một số quốc gia Đông Á”, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, Trường đại học Ngoại thương, số 55, 34-44.

2. Lê Viết Lâm (2020), “Cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc và một vài đề xuất tham chiếu cho Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/815933/canh-tranh-cong-nghe-my---trung-quoc-va-mot-vai-de-xuat-tham-chieu-cho-viet-nam.aspx.

3. Nguyễn Hoài Nam (2020), “Xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu dưới tác động của dịch bệnh COVID-19 và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, https://tapchicongsan.org.vn/web/ guest/kinh-te/-/2018/820437/xu-huong-dich-chuyen-dau-tu-va-chuoi-cung-ung-toan-cau-duoi-tac-dong-cua-dich-benh-covid-19-va-nhung-van-de-dat-ra-doi-voi-viet-nam.aspx.

4. Nguyễn Mạnh Hùng (2021), “Kinh nghiệm phát triển kinh tế số ở một số quốc gia và giá trị tham khảo với Việt Nam”, Hội đồng Lý luận Trung ương, http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/kinh-nghiem-phat-trien-kinh-te-so-o-mot-so-quoc-gia-va-gia-tri-tham-khao-voi-viet-nam--%E2%80%8B.html..

5. Jan Fagerberg (2002), Technology, Growth and Competitivness, Eward Elgar Publiched.

6. WB (2004), Global Change and East Asian, Policy initiatives, Oxford Univesity Press.

 

 


[1] TS., Khoa Kinh tế, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội

[2] Lê Viết Lâm, “Cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc và một vài đề xuất tham chiếu cho Việt Nam”, https://www.tapchicongsan.org.vn/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/815933/canh-tranh-cong-nghe-my---trung-quoc-va-mot-vai-de-xuat-tham-chieu-cho-viet-nam.aspx.

[3] Công ty  Flex Ltd, “Tóm tắt Tài chính FLEX”, https://vn.investing.com/equities/flextronics-intl-ltd-financial-summary.

[4] Thanh Hoa, “Việt Nam đón "sóng" dịch chuyển nhà máy sau dịch Covid-19?”, https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/viet-nam-don-song-dich-chuyen-nha-may-sau-dich-covid19-322900.html.

[5] Bạch Đằng, “Hàn Quốc có số lượng bằng sáng chế về AI lớn thứ 3 thế giới’’, https://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/2358375/han-quoc-co-so-luong-bang-sang-che-ve-ai-lon-thu-3-the-gioi.

[6] Phan Văn Hòa, “Huawei dẫn đầu thị trường thiết bị viễn thông toàn cầu năm 2020”, https://ictnews.vietnamnet.vn/ vien-thong/huawei-dan-dau-thi-truong-thiet-bi-vien-thong-toan-cau-nam-2020-279068.html.

[7] Nguyễn Hoài Nam, “Xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”, https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/ 820437/xu-huong-dich-chuyen-dau-tu-va-chuoi-cung-ung-toan-cau-duoi-tac-dong-cua-dich-benh-covid-19-va-nhung-van-de-dat-ra-doi-voi-viet-nam.aspx.

[8] Nguyễn Mạnh Hùng, “Kinh nghiệm phát triển kinh tế số ở một số quốc gia và giá trị tham khảo với Việt Nam’’, http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/kinh-nghiem-phat-trien-kinh-te-so-o-mot-so-quoc-gia-va-gia-tri-tham-khao-voi-viet-nam--%E2%80%8B.html.


[PCNA1]Precision

[PCNA2]Covid-19

0thảo luận