Trang chủ

Quan hệ hợp tác kinh tế Hàn Quốc - Campuchia: Thực trạng và triển vọng

Đăng ngày: 22-11-2022, 04:06 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 4

Trương Quang Hoàn1

Tóm tắt: Quan hệ Hàn Quốc – Campuchia ngày càng được mở rộng và sâu sắc hơn kể từ khi đôi bên tái lập quan hệ ngoại giao năm 1997 và sau đó là sự gia nhập của Campuchia vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1999. Trong lĩnh vực kinh tế, hợp tác Hàn Quốc – Campuchia đạt được những bước phát triển đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Bài viết  phân tích và đánh giá thực trạng quan hệ thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giữa Hàn Quốc và Campuchia chủ yếu trong thập niên vừa qua. Trên cơ sở đó, bài viết nhận diện các vấn đề tồn tại và đánh giá triển vọng hợp tác kinh tế giữa hai nước những năm tới đây.

Từ khóa: Hàn Quốc, Campuchia, thương mại, FDI, ODA

1.Thực trạng quan hệ kinh tế Hàn Quốc – Campuchia

1.1. Về thương mại[1]

Trao đổi thương mại hàng hóa giữa Hàn Quốc và Campuchia tăng mạnh từ 376,4 triệu đô la Mỹ (USD) năm 2010 lên 1,03 tỷ USD năm 2019; trong đó xuất khẩu của Hàn Quốc sang Campuchia mở rộng từ 333 triệu USD lên 695,5 triệu USD, nhập khẩu của Hàn Quốc từ Campuchia tăng từ 43,4 triệu USD lên 335,9 triệu USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan mạnh tại khu vực và toàn cầu, tổng trao đổi thương mại song phương giữa hai quốc gia giảm mạnh vào năm 2020, chỉ còn 885,3 triệu USD (xem Hình 1). Trong quan hệ thương mại với Campuchia, Hàn Quốc luôn là nước đạt thặng dự thương mại, lần lượt đạt 289,6 triệu USD năm 2010 và 249,1 triệu USD năm 2020.

So sánh với các quốc gia khác thuộc tiểu vùng sông Mê Kông, vào năm 2020, trao đổi thương mại hàng hóa Hàn Quốc - Campuchia lớn hơn nhiều thương mại Hàn Quốc – Lào (93,7 triệu USD), thấp hơn đôi chút thương mại Hàn Quốc – Myanmar (1,07 tỷ USD). Tuy thế, thương mại Hàn Quốc – Campuchia thấp hơn rất nhiều lần thương mại Hàn Quốc – Thái Lan (12,04 tỷ USD), thương mại Hàn Quốc – Việt Nam (69,08 tỷ USD[2]). Ngay cả khi xem xét sự khác biệt về quy mô dân số (Campuchia bằng khoảng 1/4 lần Thái Lan và 1/6 lần Việt Nam) và quy mô kinh tế (Campuchia bằng 1/10 Việt Nam và 1/20 Thái Lan), chênh lệch về trao đổi thương mại hàng hóa Hàn Quốc - Campuchia là rất lớn so với thương mại của Hàn Quốc với Thái Lan và Việt Nam.

Hình 1: Thương mại hàng hóa Hàn Quốc – Campuchia

(đơn vị: triệu USD)

 

Quan hệ hợp tác kinh tế Hàn Quốc - Campuchia:  Thực trạng và triển vọng

 

Nguồn:Tính toán của tác giả từ dữ liệu của Korean Customs Service,https://unipass.customs.go.kr/ets/index_eng.do

Xét trên bình diện toàn cầu, vào năm 2019, các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Campuchia là Hoa Kỳ (4,41 tỷ USD), Nhật Bản (1,14 tỷ USD), Đức (1,08 tỷ USD) và Trung Quốc (1,01 tỷ USD). Trong khi đó, Hàn Quốc không nằm trong danh sách mười quốc gia xuất khẩu lớn nhất của Campuchia. Về nhập khẩu, Hàn Quốc là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ bảy của Campuchia, tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều lần ba đối tác lớn nhất là Trung Quốc (7,58 tỷ USD), Thái Lan (3,23 tỷ USD) và Việt Nam (2,72 tỷ USD). Ở chiều ngược lại, Campuchia đóng vai trò không đáng kể trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Hàn Quốc với quốc tế và khu vực[3].

Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, vào năm 2010, vải dệt kim hoặc móc là nhóm hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất, gần 40%, theo sau là nhóm hàng phương tiện giao thông vận tải và linh phụ kiện, chiếm 12,3%. Đến năm 2020, phương tiện giao thông vận tải và linh phụ kiện, vốn yêu cầu hàm lượng khoa học công nghệ phức tạp và lao động kỹ năng cao, trở thành nhóm hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Hàn Quốc sang Campuchia, chiếm 18,6%[4]. Theo sau là nhóm hàng đồ uống (18,3%), vải dệt (11,8%) và nhôm (8,4%). Về nhập khẩu, vào năm 2010 các mặt hàng may mặc, phụ kiện quần áo chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu hàng nhập khẩu của Hàn Quốc từ Campuchia (31,2%). Đến năm 2020, hai mặt hàng nhập khẩu quan trọng nhất từ Campuchia vẫn là các sản phẩm may mặc, với tổng tỷ trọng lên tới 53,3%. Các mặt hàng nhập khẩu quan trọng khác bao gồm giày dép (15,0%) và máy móc thiết bị điện (14,4%[5]). Như vậy, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Campuchia ngày càng phụ thuộc vào nhóm hàng dệt may, vốn thâm dụng yếu tố lao động chi thấp. Thực tế này chỉ ra sự khác biệt rõ nét về trình độ phát triển về khoa học và công nghệ giữa Hàn Quốc và Campuchia.

1.2.  Về đầu tư

Trong lĩnh vực đầu tư, có sự thay đổi tương đối lớn về dòng vốn FDI thực hiện từ Hàn Quốc tại Campuchia, nhất là sau khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN- Hàn Quốc (AKFTA) có hiệu lực vào năm 2007. Cụ thể, vào năm 2005, tổng vốn FDI thực hiện của Hàn Quốc đạt 32,5 triệu USD. Sau khi AKFTA có hiệu lực, FDI từ Hàn Quốc vào Campuchia tăng mạnh lên 121,9 triệu USD vào năm 2010. Tuy nhiên, dòng vốn này giảm mạnh những năm sau đó, chỉ đạt 47,0 triệu USD năm 2015. Sang năm 2016, FDI từ Hàn Quốc phục hồi mạnh, đạt 215 triệu USD. Dù chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19, FDI vào Campuchia từ Hàn Quốc năm 2020 vẫn tăng mạnh so với năm 2019, đạt 314,9 triệu USD.[6]

So sánh với các nước tiểu vùng sông Mê Kông khác, Hình 2 cho thấy, vào năm 2020, FDI từ Hàn Quốc tại Campuchia cao hơn tại Thái Lan và Lào nhưng thấp hơn đáng kể Myanmar và đặc biệt là Việt Nam. Điều này cho thấy, cùng với thương mại, hoạt động đầu tư của Hàn Quốc tại khu vực chủ yếu tập trung vào đối tác Việt Nam. Mặc dù vậy, các kết quả đạt được trong thu hút FDI từ Hàn Quốc vào Campuchia vẫn là tương đối khả quan khi so sánh với một số quốc gia khác của tiểu vùng Mê Kông, nhất là trong năm 2020 khi dịch bệnh lây lan mạnh tại khu vực.

Về lĩnh đầu tư, năm 2010, vốn FDI thực hiện của Hàn Quốc tại thị trường Campuchia được phân bổ khá đồng đều giữa các lĩnh vực: bất động sản (24,2%), tài chính và bảo hiểm (22,3%), xây dựng (18,5%) và sản xuất chế tạo (13,5%). Đến năm 2020, FDI của Hàn Quốc vào Campuchia tập trung cao vào lĩnh vực tài chính và bảo hiểm, chiếm 57,3% tổng FDI. Lĩnh vực khác thu hút FDI từ Hàn Quốc là xây dựng, chiếm 25,4%, trong khi ngành sản xuất chế tạo chiếm tỷ trọng rất nhỏ (3,4%[7]) Việc tập trung quá mức vào ngành tài chính và bảo hiểm thay vì lĩnh vực sản xuất chế tạo như trên sẽ khó tạo ra các động lực thúc đẩy cải thiện cơ cấu và chất lượng hàng hóa xuất khẩu của Campuchia sang thị trường Hàn Quốc và thế giới.

1.3. Về hỗ trợ phát triển

Song song với đầu tư và thương mại, Hàn Quốc còn ưu tiên cung cấp ODA cho Campuchia, chủ yếu thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Nhìn chung, ODA song phương của Hàn Quốc cấp cho Campuchia không ổn định kể từ năm 2011 đến nay. Cụ thể, vốn ODA tăng mạnh từ 78 triệu USD năm 2011 lên tới 222,7 triệu USD năm 2014. Tuy nhiên, ODA từ Hàn Quốc dao động mạnh kể từ năm 2015, đến năm 2019 đạt 102,6 triệu USD. So sánh với các quốc gia khu vực tiểu vùng sông Mê Kông, ODA Hàn Quốc cấp cho Campuchia thấp hơn Myanmar và Lào nhưng lớn hơn Thái Lan và Việt Nam (xem Hình 3).

 

Hình 2: FDI thực hiện của Hàn Quốc tại các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông

(đơn vị: triệu USD)

 

Quan hệ hợp tác kinh tế Hàn Quốc - Campuchia:  Thực trạng và triển vọng

 

Nguồn:Tính toán của tác giả từ dữ liệu của Overseas Investment Statistics (Korea Eximbank), https://stats.koreaexim.go.kr/en/enMain.do


Hình 3: ODA song phương của Hàn Quốc cho các nước Tiểu vùng Mê Kông

(đơn vị: triệu USD)

 

Quan hệ hợp tác kinh tế Hàn Quốc - Campuchia:  Thực trạng và triển vọng

 

Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ OECD Stats, https://stats.oecd.org/Index.aspx?QueryId= 62983#

Về lĩnh vực hỗ trợ, năm 2011 phần lớn vốn ODA của Hàn Quốc cho Campuchia là vào lĩnh vực dịch vụ và cơ sở hạ tầng kinh tế như năng lượng và giao thông (72,4%), theo sau là dịch vụ và cơ sở hạ tầng xã hội như giáo dục và cung cấp nước sạch (17,9%). Đến năm 2019, dịch vụ và cơ hạ tầng kinh tếvẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng ODA của Hàn Quốc cho Campuchia nhưng đã giảm mạnh xuống còn 57,4%, theo sau là lĩnh vực dịch vụ và cơ sở hạ tầng xã hội (21,2%[8]).

Trong năm 2020, KOICA tích cực hỗ trợ Chính phủ Campuchia trong việc chống lại Covid-19 cũng như giải quyết các tác động của đại dịch này. Các hoạt động chính là hỗ trợ ngành y tế Campuchia thông qua: (1) xây dựng và thực hiện sớm lộ trình 5 năm Chương trình nghị sự về an ninh y tế toàn cầu (GHSA); (2) Hiệp hội bạn bè Thế giới của Hàn Quốc và Hiệp hội Cựu du học sinh Campuchia-Hàn Quốc; (3) Đại sứ quán Hàn Quốc và KOICA hỗ trợ Campuchia 300 nghìn USD, trong đó gồmtrợ cấp 200 nghìn USD tiền mặt và 100 nghìn USD dưới hình thức cung cấp bộ dụng cụ thử nghiệm Covid-19; (4) Chương trình ABC (Xây dựng khả năng phục hồi ứng phó với Covid-19); (5) Tăng cường hệ thống y tế của Campuchia để ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm; và (6) Chương trình Cải thiện chất lượng và công bằng y tế[9].

2. Những vấn đề tồn tại trong quan hệhợp tác kinh tế Hàn Quốc – Campuchia

Để thực hiện mục tiêu trở thành cường quốc tầm trung, Hàn Quốc đã tự thể hiện mình là một nhân tố thiện chí sẵn sàng hỗ trợ các nước đang phát triển đạt được các mục tiêu phát triển thông qua kinh nghiệm thành công của mình. Trong khi đó, Campuchia cần nguồn vốn đầu tư, kiến thức, công nghệ, hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị từ Hàn Quốc để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Và thực tế cho thấy, Hàn Quốc đã và đang đóng một vai trò tích cực trong việc góp phần giúp Campuchia thực thi chiến lược phát triển, duy trì tăng trưởng kinh tế cao và xóa đói giảm nghèo trong những năm qua. Tuy thế, quan hệ hợp tác kinh tế Hàn Quốc – Campuchia còn tồn tại nhiều hạn chế, cụ thể là:

Thứ nhất, trong quan hệ thương mại với Hàn Quốc, Campuchia luôn là nước nhập siêu, đã và đang hạn chế đóng góp của hoạt động ngoại thương đến phát triển kinh tế - xã hội của Campuchia. Nói cách khác, lợi ích Campuchia nhận được từ tăng trưởng thương mại với Hàn Quốc là chưa lớn.

Thứ hai, Hàn Quốc chưa phải là đối tác thương mại lớn với Campuchia, tụt hậu xa so với các cường quốc châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản. Do quy mô nhỏ, Hàn Quốc không thể cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc và Nhật Bản trên thị trường Campuchia và nhiều nước Đông Nam Á khác.Thực tế đó buộc Hàn Quốc phải tìm cách tạo sự khác biệt so với các nước lớn ở Đông Á trong việctăng cường hợp tác kinh tế với khu vực.

Thứ ba, trong khi đã cố gắng xây dựng mối quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ với một số ít nước ASEAN (nhất là Việt Nam), thì Hàn Quốc dường như lại kém thành công hơn trong gia tăng hợp tác kinh tế với Campuchia và nhiều thành viên ASEAN khác.

Thứ tư, chất lượng hàng hóa xuất khẩu của Campuchia sang Hàn Quốc vẫn còn thấp, chủ yếu vẫn là các sản phẩm giản đơn, dựa nhiều vào yếu tố tự nhiên, công nghệ và lao động kỹ năng thấp, nhất là trong ngành dệt may. Hệ quả là, hoạt động xuất khẩu của Campuchia chịu nhiều rủi ro khi thị trường thế giới biến động cũng như trong trường hợp xảy ra những bất ổn chính trị tại thị trường đối tác. Cùng với đó, kinh tế của Campuchia dễ mắc phải “căn bệnh Hà Lan”, rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, tức càng xuất khẩu nhiều lợi ích thu được càng giảm. Ngoài ra, do lĩnh vực công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, Campuchia hiện phải nhập khẩu phần lớn nguyên vật liệu từ bên ngoài để phục vụ cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu.Thực tế trên khiến giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu của Campuchia sang Hàn Quốc và ra thế giới vẫn còn thấp.

Thứ năm, so sánh với nhiều quốc gia thành viên ASEAN khác, FDI từ Hàn Quốc vào Campuchia vẫn còn khiêm tốn. Campuchia chưa thu hút được nhiều các dự án đầu tư công nghệ cao hoặc công nghệ trung bình từ Hàn Quốc, đặc biệt tại khu kinh tế đặc biệt (EEZ). Đây cũng là một trong các yếu tố khiến cho chất lượng hàng hóa xuất khẩu của Campuchia sang Hàn Quốc chưa cao.

Cuối cùng, ngoại trừ thông qua ODA, vai trò của Chính phủ Hàn Quốc cho đến nay vẫn còn hạn chế trong việc hỗ trợ mở rộng liên kết kinh tế giữa Hàn Quốc và Campuchia. Sự hiện diện và hoạt động kinh tế của Hàn Quốc ở Campuchia chủ yếu là kết quả từ các sáng kiến của khu vực tư nhân, vốn được thúc đẩy bởi các điều kiện kinh doanh hấp dẫn tại khu vực cũng như nỗ lực giảm sự phụ thuộc (hay tính dễ bị tổn thương) vào thị trường Trung Quốc. Và vì chủ yếu được dẫn dắt bởi khu vực tư nhân, nên quan hệ kinh tế của Hàn Quốc nghiêng hẳn về một số quốc gia Đông Nam Á nơi các doanh nghiệp Hàn Quốc đã thiết lập được mạng lưới sản xuất vững chắc.

Bên cạnh yếu tố Hàn Quốc chưa chú trọng vào thị trường Campuchia, nguyên nhân khác của những vấn đề tồn tại trong quan hệ hợp tác kinh tế Hàn Quốc - Campuchia thập niên qua, bao gồm:

Một là,môi trường kinh doanh của Campuchia dù đã cải thiện nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế.Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019 của Ngân hàng Thế giới, dù có cải thiện đáng kể so với năm 2018 (vị trí 153/190), chỉ số môi trường kinh doanh của Campuchia đứng ở vị trí rất thấp, 144/190 quốc gia được khảo sát. So sánh với các quốc gia khác của khu vực, môi trường kinh doanh của Campuchia tốt hơn Myanmar (vị trí 165) và Lào (vị trí 154) nhưng thấp hơn nhiều của Việt Nam (vị trí 70), và Thái Lan (vị trí 21[10]).

Hai là,chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistic và nguồn nhân lực của Campuchia còn hạn chế. Theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả logistic (LPI) 2019 của World Bank, chỉ số LPI của Campuchia năm 2018 là 2,58, đứng ở vị trí thấp, 98/160 quốc gia được khảo sát. Để so sánh, ngoại trừ Myanmar (vị trí 137), thứ hạng trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistic của Campuchia thua kém nhiều quốc gia thành viên ASEAN khác như Lào (vị trí 82), Philippines (vị trí 60), Indonesia (vị trí 46), Malaysia (vị trí 41), Việt Nam (vị trí 39) và Thái Lan (vị trí 32)[11]. Vì thế, về dài hạn, nếu không cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistic, chất lượng nhân lực để tăng năng suất lao động và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, Campuchia sẽ khó thu hút FDI và duy trì được tốc độ phát triển khả quan như hiện nay.

Ba là, ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 và sự cạnh tranh thu hút FDI và xuất khẩu hàng hóa ngày càng gay gắt hơn giữa Campuchia và các quốc gia khu vực khác. Các hoạt động thương mại và đầu tư giữa Hàn Quốc và Campuchia chịu tác động bất lợi từ việc đình trệ các hoạt động sản xuất và xuất khẩu cũng như lĩnh vực du lịch trước sự lây lan của đại dịch Covid-19. Trong khi đó, cạnh tranh thu hút FDI từ Hàn Quốc giữa Campuchia và các quốc gia khu vực ngày càng gay gắt hơn, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia thực hiện nhiều ưu đãi để đón đầu sự dịch chuyển dòng vốn FDI ra khỏi thị trường Trung Quốc. Các quốc gia phát triển hơn trong khu vực có nhiều lợi thế hơn Campuchia trong thu hút FDI từ Hàn Quốc như dung lượng thị trường lớn, lực lượng lao động dồi dào và lành nghề hơn; khả năng kết nối thị trường quốc tế cao hơn do tham gia vào nhiều FTA.

3.Triển vọng quan hệ hợp tác kinh tế Hàn Quốc – Campuchia thời gian tới

Triển vọng hợp tác kinh tế Hàn Quốc – Campuchia thời gian tới có thể được thúc đẩy bởi những yếu tố sau đây:

- Chính phủ Hàn Quốc tăng cường thực hiện chính sách “phương Nam mới” (NSP).

Vào tháng 11/2017, Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in khởi xướng NSP. Theo đó, Hàn Quốc chủ trương tăng cường hợp tác với ASEAN, nâng tầm mối quan hệ lên tương đương với bốn cường quốc là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU)[12]. Đây là yếu tố thuận lợi, được kỳ vọng góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế Hàn Quốc – tiểu vùng Mê Kông[13], Hàn Quốc  - Campuchia thời gian tới.

- Hàn Quốc và Campuchia được kỳ vọng sớm thực thi FTA song phương.

Vào ngày 03/2/2021, Hàn Quốc và Campuchia đã đạt được thỏa thuận về thiết lập FTA song phương[14].FTA Hàn Quốc - Campuchia là thỏa thuận đạt được trong thời gian ngắn nhất trong số các FTA mà Hàn Quốc đã ký (7 tháng). Chính phủ Hàn Quốc kỳ vọng việc ký kết FTA sẽ giúp mở rộng hơn nữa mạng lưới FTA với các nước trong NSP của Hàn Quốc, giúp các doanh nghiệp nước này có thể thiết lập thị trường đầu tư và thương mại ổn định. Trên cơ sở FTA này và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà cả hai nước cùng tham gia, Campuchia sẽ dỡ bỏ 95,6% loại thuế đối với hàng hóa Hàn Quốc, trong khi Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ thuế đối với 93,8% hàng hóa của Campuchia. Đặc biệt, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc sang Campuchia sẽ được dỡ bỏ thuế, như xe tải (hiện đang áp thuế 15%), ôtô con (35%), xe phục vụ xây dựng (15%), hay các mặt hàng nông sản như dâu tây (7%), rong biển khô (15%)[15]. Trong khi đó, Campuchia kỳ vọng thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào Campuchia, đặc biệt ở các lĩnh vực công nghệ, thương mại điện tử, các sản phẩm nông nghiệp chế biến, thiết bị điện tử và phụ tùng ô tô cũng như gia tăng xuất khẩu của Campuchia vào thị trường Hàn Quốc.

- Vai trò quan trọng của nhân tố bên ngoài đối với phát triển kinh tế Campuchia.

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển thương mại quốc tế của Campuchia, các doanh nghiệp FDI, đặc biệt các doanh nghiệp tới từ các nền kinh tế Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc) đóng vai trò không nhỏ. Vì thế, Campuchia được cho sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế với đối tác bên ngoài, bao gồm Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Campuchia có lực lượng lao động trẻ, chi phí thấp, tăng trưởng kinh tế cao là điều kiện thu hút đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc trong tương lai.

- Hàn Quốc tiếp tục đa dạng hóa đối tác kinh tế trước sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc.

Không phủ nhận, Hàn Quốc đã tận dụng rất tốt sức tăng trưởng nhanh chóng về nhu cầu hàng hóa và dịch vụ của kinh tế Trung Quốc để gia tăng xuất khẩu và các hoạt động đầu tư vào thị trường này.Tuy nhiên, kinh tế của Hàn Quốc cũng ngày càng phụ thuộc vào những biến động của thị trường Trung Quốc. Vì thế, Hàn Quốc đã và đang điều chỉnh chiến lược đối ngoại kinh tế để giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc, thông qua tăng cường hợp tác kinh tế, đặc biệt thiết lập FTA với các quốc gia ASEAN, trong đó có Campuchia. Với sự điều chỉnh này, hợp tác kinh tế Hàn Quốc – Campuchia được kỳ vọng có những bước phát triển mới

- Hàn Quốc, Campuchia và các quốc gia thành viên thúc đẩy thực thi RCEP.

Một khi có hiệu lực, quy mô của RCEP sẽ vượt qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để trở thành FTA có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn nhất toàn cầu[16]. Dù các mục tiêu đề ra của RCEP có thể là không cao khi so sánh với CPTPP, nhưng thỏa thuận này được hy vọng mang lại cho các doanh nghiệp thành viên, gồm Campuchia cơ hội tiếp cận thị trường Hàn Quốc lớn hơn và ngược lại, cũng như tăng cường mạng lưới sản xuất xuyên quốc gia và từ đó cho phép người tiêu dùng Campuchia và Hàn Quốc hưởng lợi nhiều hơn.

- Cuối cùng, Hàn Quốc tăng cường gia tăng ảnh hưởng quốc tế.

Với mục tiêu đảm nhận vai trò lớn hơn trong cộng đồng quốc tế, hợp tác giữa Chính phủ Hàn Quốc với khu vực Đông Nam Á sẽ ngày càng tăng lên đáng kể.Hàn Quốc đã đạt được nhiều thành công từ nước đượcnhận viện trợ quốc tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai.Đến nay, trở thành nước viện trợ sau đó, Hàn Quốc có động lực để mở rộng nguồn vốn ODA vào khu vực tiểu vùng Mê Kông trong tương lai.

Bên cạnh đó, triển vọng hợp tác kinh tế Hàn Quốc - Campuchia thời gian tới có thể chịu tác động không tích cực từ những yếu tố sau đây:

- Hàn Quốc dường như chưa chú trọng đúng mức phát triển quan hệ kinh tế với các nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng (ngoại trừ Việt Nam).

Dù mục tiêu của NSP là đa dạng quan hệ đối tác của Hàn Quốc với các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ, sẽ là thách thức lớn để Chính phủ Hàn Quốc kêu gọi khu vực tư nhân của nước này đa dạng hóa các danh mục đầu tư tại khu vực, bao gồm Campuchia. Lý do là bởi các doanh nghiệp tư nhân luôn coi đảm bảo lợi nhuận là yếu tố quan trọng đầu tiên khi thực hiện đầu tư.

- Các vấn đề tồn tại trong nền kinh tế Campuchia.

Hiện nay và thời gian tới, Campuchia sẽ tiếp tục đối mặt với những “nút thắt cổ chai”ngăn cản sự phát triển của đất nước như chất lượng nguồn nhân lực thấp, môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều rào cản, nạn quan liêu, hay hệ thống tài chính và hệ thống cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Thêm vào đó, quy mô, thu nhập bình quân đầu người của Campuchia còn thấp khi so sánh với nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á khác, là yếu tố bất lợi trong nỗ lực thu hút đầu tư từ Hàn Quốc và tăng cường xuất khẩu sang quốc gia Đông Bắc Á này của Campuchia.

- Hàn Quốc đối mặt với những vấn đề kinh tế và xã hội của riêng mình.

Dân số Hàn Quốc ngày càng già hóa gây áp lực lớn đến duy trì lực lượng lao động cũng như áp lực lên ngân sách quốc gia cho các khoản trợ cấp an sinh xã hội. Tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc có xu hướng chậm lại thời gian gần đây, nhất là trong giai đoạn Covid-19 lây lan. Thực tế này có thể khiến chính phủ và doanh nghiệp Hàn Quốc phải dành nhiều nguồn lực cho thị trường nội địa hơn, ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư ra bên ngoài và các khoản hỗ trợ phát triển cho những quốc gia còn nhiều khó khăn như Campuchia.

- Sự ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại Campuchia được dự báo tiếp tục vẫn rất lớn.

Viễn cảnh trên khiến cho Campuchia khó có khả năng chủ động hoàn toàn trong việc đưa ra các chính sách hợp tác kinh tế với bên ngoài, bao gồm Hàn Quốc. Mặt khác, sự ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc có thể khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc cảm thấy khó tìm kiếm lợi ích, và mất đi động lực để gia tăng đầu tư vào Campuchia.

- Những tác động nhiều chiều của đại dịch Covid-19.

Tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Hàn Quốc, Campuhia và khu vực thời gian tới có thể sẽ tiếp tục diễn ra nhiều chiều: (1) Hàn Quốc, Campuchia và nhiều quốc gia Đông Á có độ mở về thương mại, đầu tư cũng như du lịch rất cao và toàn bộ các lĩnh vực này đều đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch;(2)sự sụt giảm mạnh về nhu cầu nội địa do phong tỏa và các biện pháp y tế cộng đồng khác tiếp tục sẽ có tác động lớn, nhiều tầng nấc đến các nền kinh tế khu vực, nơi tiêu dùng ngày càng đóng vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân; (3)đại dịch Covid-19 có thể tiếp tục dẫn đến đến dòng chảy ra bên ngoài của vốn tại Campuchia và khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, hợp tác kinh tế Hàn Quốc – Campuchia có thể đối mặt với các thách thức khác bao gồm: kinh tế thế giới chậm phục hồi, căng thẳng, bảo hộ thương mại gia tăng, xung đột chính trị giữa các nước, khu vực còn diễn biến phức tạp, sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ.

Nhìn chung, khi xem xét các yếu tố tích cực (đặc biệt là Hàn Quốc triển khai chính sách NSP và khả năng sớm ký kết FTA song phương Hàn Quốc - Campuchia) và yếu tố không tích cực, có thể đánh giá triển vọng hợp tác kinh tế Hàn Quốc – Campuchia trong trung và dài hạn là tương đối khả quan. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn từ hai phía.Theo đó, Campuchia được khuyến nghị tiếp tục cải thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh.Việc khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc mở rộng liên kết với các doanh nghiệp nội địa Campuchia trong sản xuất và thương mại là rất cần thiết. Đặc biệt, hai bên nên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực mà Campuchia có nhu cầu phát triển, Hàn Quốc có thế mạnh như các ngành công nghiệp điện tử, nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, các ngành công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp xanh, trong đó phạm vi hợp tác không chỉ bó hẹp trong cấp độ chính phủ mà cần mở rộng ra cộng đồng doanh nghiệp của hai nước. Trong bối cảnh đa dạng hóa hoạt động kinh tế bên ngoài, Chính phủ Hàn Quốc có thể xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc dịch chuyển đầu tư sang thị trường Đông Nam Á, nhất là các quốc gia có nguồn lao đông trẻ và chi phí thấp như Campuchia.

Hàn Quốc có thể tăng cường hỗ trợ Campuchia phát triển và áp dụng công nghệ và thương mại kỹ thuật số; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm khởi động và phục hồi nền kinh tế ngay khi các biện pháp phong tỏa, hạn chế đối phó với Covid-19 được dỡ bỏ cả ở Campuchia, Hàn Quốc và các đối tác thương mại khác. Hàn Quốc và Campuchia có thể tăng cường hợp tác trong thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực của Campuchia. Các biện pháp này có thể được thực hiện cấp độ song phương cũng như trong khuôn khổ NSP của Hàn Quốc. Hàn Quốc, Campuchia và các quốc gia trong khu vực cũng cần nỗ lực thực thi các cam kết trong RCEP và đặc biệt hai nước nên đẩy nhanh việc thông qua và thực hiện các cam kết trong FTA song phương Hàn Quốc - Campuchia, để từ đó tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc mở rộng hoạt động đầu tư và thương mại giữa hai bên thời gian tới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. “Hàn Quốc-Campuchia đạt thỏa thuận FTA sau 7 tháng đàm phán trực tuyến”, https://www.vietnamplus.vn/han-quoccam puchia-dat-thoa-thuan-fta-sau-7-thang-dam-phan-truc-tuyen/693348.vnp.
  2. Nguyễn Thị Thắm (2018), “Chính sách ngoại giao đa phương và tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên dưới chính quyền Tổng thống Moon  Jae-in”, Đặc san kỷ niệm 25 năm thành lập Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 9 (211), tr. 8-15.
  3. Nguyễn Thị Thắm (2018), “Những điều kiện thuận lợi đưa quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc trở thành trọng tâm của hợp tác Hàn Quốc – Mê Kông”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 7 (209), tr. 3-12.
  4. ASEAN - Korea Center (2021),“2020 ASEAN & Korea in Figures”, https://www. aseankorea.org/eng/Resources/publication.asp.
  5. “ASEAN 35 chưa thế có bước độ phát lớn?”, Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới, số 252 – TTX, ngày 04/11/2019, tr. 4 – 6.
  6. “KOICA lays out plan for pandemic support”, Khmer Times, October 22, 2020, https://www.khmertimeskh.com/50775595/koica-lays-out-plan-for-pandemic-support/.
  7. Chea Vanyuth (2021), “Kingdom’s free trade pact talks with South Korea concluded”, Khmer Times, 3 February 2021, https://www. khmertimeskh.com/50810013/kingdoms-free-trade-pact-talks-with-south-korea-concluded/.
  8. World Bank (2019a), “Doing Business 2019”, http://www.doingbusiness.org/en/data.
  9. World Bank (2019 b), “The logistics performance (LPI) 2019”, https://lpi.worldbank. org/international/scorecard.


South Korea – Cambodia Economic Cooperation Relation: Situation and Prospects

Truong Quang Hoan

Korea-Cambodia relations have been expanded and deepened since the reestablishment of diplomatic relations in 1997 as well as the accession of Cambodia to the Association of Southeast Asian Nations (ASEAN) in 1999. In the economic field, the Korea-Cambodia economic cooperation has gained certain results. However, there are still many limitations in the economic relations between the two sides. This article analyzes and evaluates the current situation of trade, foreign direct investment (FDI), and official development assistance (ODA) relations between Korea and Cambodia mainly in the past decade. The article then analyzes the issues and the prospects of economic cooperation between Korea and Cambodia in the coming years.

 

 

[1] TS., Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2]Tính toán của tác giả từ dữ liệu của Korean Customs Service.

[3] ASEAN - Korea Center (2021), “2020 ASEAN & Korea in Figures”, https://www.aseankorea.org/eng/Resources/ publication.asp.

[4]Tính toán của tác giả từ dữ liệu của Korean Customs Service.

[5]Tính toán của tác giả từ dữ liệu của Korean Customs Service.

[6]Tổng hợp của tác giả từ dữ liệu của Overseas Investment Statistics (Korea Eximbank).

[7]Tính toán của tác giả từ dữ liệu của Overseas Investment Statistics (Korea Eximbank).

[8]Tính toán của tác giả từ OECD Stats.

[9]“KOICA lays out plan for pandemic support”, Khmer Times, October 22, 2020, https://www.khmertimeskh. com/50775595/koica-lays-out-plan-for-pandemic-support/

[10]World Bank (2019a), “Doing Business 2019”.

[11]World Bank (2019b), “The logistics performance (LPI) 2019”.

[12]Nguyễn Thị Thắm (2018), “Chính sách ngoại giao đa phương và tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên dưới chính quyền Tổng thống Moon  Jae-in”, Đặc san kỷ niệm 25 năm thành lập Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 9 (211), tr. 8-15.

[13]Nguyễn Thị Thắm (2018), “Những điều kiện thuận lợi đưa quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc trở thành trọng tâm của hợp tác Hàn Quốc – Mê Kông”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 7 (209), tr. 3-12.

[14] Chea Vanyuth (2021), “Kingdom’s free trade pact talks with South Korea concluded”, Khmer Times, 3 February 2021, https://www.khmertimeskh.com/50810013/king doms-free-trade-pact-talks-with-south-korea-concluded/

[15] “Hàn Quốc-Campuchia đạt thỏa thuận FTA sau 7 tháng đàm phán trực tuyến”, https://www.vietnamplus.vn/han-quoccampuchia-dat-thoa-thuan-fta-sau-7-thang-dam-phan-truc-tuyen/693348.vnp

[16] “ASEAN 35 chưa thế có bước độ phát lớn?”, Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới, số 252 – TTX, ngày 04/11/2019, tr. 4 – 6.

0thảo luận