Trang chủ

Tác động của đại dịch Covid-19 đến thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản

Đăng ngày: 22-11-2022, 03:50 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 4

Phan Cao Nhật Anh1, Nguyễn Phong Vũ2

 

Tóm tắt: Đại dịch Covid-19 lây lan tại Nhật Bản từ tháng 1 năm 2020 khiến nền kinh tế nước này suy giảm. Trong bối cảnh đó, nhóm thực tập sinh Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều mặt trong cuộc sống.Tình trạng kinh doanh của các công ty xấu đi khiến việc làm bất ổn, thu nhập giảm, thậm chí có người bị mất việc làm. Môi trường sống trong tình hình dịch bệnh không đảm bảo, điều kiện sinh hoạt bị hạn chế và đặc biệt nhiều người dù muốn cũng không thể về nước. Điều này đặt ra vấn đề hỗ trợ thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản trong tình hình lây nhiễm Covid-19 có khả năng vẫn còn kéo dài.

Từ khóa: Nhật Bản, thực tập sinh, Covid-19, việc làm, Việt Nam

 

1. Kinh tế Nhật Bản suy giảm[1][2]

Đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát từ tháng 1 năm 2020 tại Nhật Bản và tác động xấu tới nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP thực trong quý 2 năm 2020 giảm xuống mức -28,1% so với cùng kỳ năm trước (giảm 7,9% so với quý trước)[3]. Lợi nhuận công ty giảm mạnh, doanh số bán hàng trên toàn ngành trong quý 2 giảm 10,7% so với quý trước, mức giảm lớn nhất kể từ khi bắt đầu thống kê. Nhu cầu trong và ngoài nước giảm mạnh do sự lây lan của Covid-19, doanh số bán hàng ở cả lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất đều giảm đáng kể[4].Sau đó, GDP quý 3 tăng đáng kể là 22,7%, GDP quý 4 năm 2020 là 12,7%, tăng trưởng dương hai kỳ liên tiếp.Tăng trưởng GDP Nhật Bản năm 2020 là -4,8% so với năm 2019, lần đầu tiên tăng trưởng âm sau 11 năm, kể từ năm 2009, thời điểm sau cú sốc Lehman[5].

Hậu quả rõ nhất là nhiều công ty phá sản, số lượng việc làm suy giảm.Theo điều tra của công ty Tokyo Shoko Research, doanh nghiệp đầu tiên tại Nhật Bản bị phá sản do dịch Covid-19 vào ngày 25/2/2020, và tăng lên 504 trường hợp tính tới thời điểm ngày 18/9/2020. Trong đó, tháng 6/2020 ghi nhận số doanh nghiệp phá sản nhiều nhất với 103 trường hợp, tháng 7/2020 và tháng 8/2020, số doanh nghiệp phá sản do dịch Covid-19 có dấu hiệu giảm xuống mức lần lượt là 80 và 67. Tuy nhiên, chỉ trong nửa đầu tháng 9/2020, số doanh nghiệp bị phá sản do dịch Covid-19 đã là 63 trường hợp[6]. Tính tới đầu tháng 3/2021, có 1.100 công ty đã hoàn thành hoặc đang chuẩn bị thủ tục pháp lý để đệ đơn xin phá sản do Covid-19[7].

Hầu hết các doanh nghiệp phá sản thuộc ngành nhà hàng ăn uống, tiếp đó là trong lĩnh vực khách sạn và bán lẻ quần áo. Nhiều công ty có thể sẽ phải ngừng hoạt động nếu dịch bệnh không chấm dứt sớm. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản điều tra về những trường hợp bị sa thải hoặc không được gia hạn hợp đồng vì chủ lao động gặp khó khăn, kinh doanh yếu kém trong đại dịch Covid-19. Kết quả, có 60.439 người thất nghiệp trong khoảng thời gian từ cuối tháng 1 đến ngày 23/9/2020, song con số thực tế có thể còn cao hơn. Trong năm 2020, số người mất việc do Covid-19 đã vượt quá con số 10.000 người vào ngày 22/5, vượt 30.000 người vào ngày 1/7 và vượt 50.000 người vào ngày 31/8 và sau đó tiếp tục gia tăng. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản yêu cầu các doanh nghiệp duy trì việc làm thông qua sử dụng các chương trình trợ cấp của chính phủ. Giới chức cũng có kế hoạch giúp những người thất nghiệp tìm việc làm mới[8].

Trong khoảng thời gian từ cuối tháng 1 đến ngày 6 tháng 11 năm 2020, 70.242 người đã hoặc sắp thất nghiệp. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản nhận định con số thực tế có khả năng còn cao hơn, vì con số trên mới chỉ gồm các trường hợp mà phòng lao động địa phương và văn phòng giới thiệu việc làm công cộng nắm được[9].

Có kỳ vọng rằng lối sống mới sau Covid-19 sẽ tạo ra nhu cầu mới chưa từng có trước đây, songtình hình kinh tế chịu ảnh hưởng bởi diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, trong thời gian ngắn rất khó để phục hồi mức cầu thông thường đã bị sụt giảm. Nếu vắc-xin trở nên phổ biến và có tác dụng lớn trong việc kiểm soát lây nhiễm, kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng, nhưng cũng có khả năng vắc-xin sẽ không đủ hiệu quả trong việc kiểm soát lây nhiễm. Do đó, cân bằng giữa kiểm soát lây nhiễm và hoạt động kinh tế tiếp tục là vấn đề trong thời gian tới.

2. Thực tập sinh tại Nhật Bản

2.1. Chế độ thực tập sinh

Chương trình tu nghiệp sinh kỹ thuật (thực tập sinh) được thiết lập vào tháng 4 năm 1993 như một cơ chế mới với mục tiêu chuyển giao công nghệ sang các nước đang phát triển. Đây là một chương trình dành cho tu nghiệp sinh người nước ngoài đến Nhật Bản theo hình thức cư trú “tu nghiệp sinh”. Những người này được đào tạo trong một khoảng thời gian xác định (thường là 9-12 tháng), sau đó được đánh giá dựa trên kết quả đào tạo và các nhân tố khác.Nếu đạt được tiến bộ tới một mức độ nhất định và đáp ứng được các yêu cầu khác, họ sẽ được tiếp tục nâng cao kỹ năng và trình độ kỹ thuật của mình, chủ yếu thông qua đào tạo tại chỗ trong khi làm việc.Tổng thời gian đào tạo và tu nghiệp kỹ thuật của tu nghiệp sinh là từ 3 năm trở xuống.

Luật Kiểm soát nhập cảnh và thừa nhận người tị nạn được sửa đổi vào tháng 7 năm 2009 trên cơ sở các chương trình đào tạo ngành và tu nghiệp sinh kỹ thuật, và chế độ cư trú mới dưới dạng “tu nghiệp sinh kỹ thuật” đã được thiết lập. Luật sửa đổi này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2010.


Hình 1: Số lượng thực tập sinh

Đơn vị: người

Tác động của đại dịch Covid-19 đến thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản

Nguồn: Bộ Tư pháp Nhật Bản

 

Mục đích ban đầu của chế độ thực tập sinh nước ngoài là để chuyển giao công nghệ cho nước ngoài. Tuy nhiên, với tình hình thực tế thì dường như đó là hệ thống mà các công ty có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ dùng để đối phó với việc thiếu hụt nhân lực mà họ không có khả năng vượt qua. Những công ty chấp nhận học viên và thực tập sinh thường thuộc những lĩnh vực mà công nhân Nhật Bản không muốn làm vì năng suất thấp và thu nhập không cao. Hơn nữa, thông qua chế độ thực tập sinh nước ngoài, các công ty có thể đảm bảo được lực lượng lao động có thể dự tính đã được thiết lập chắc chắn trong vòng 3 năm[10]. Đặc biệt, các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi gia cầm, may mặc, đóng gói thực phẩm đang trong vòng xoáy suy thoái kinh tế. Trong đó, với những công việc 3K (kiken, kitsui, kitanai, nghĩa là khó khăn, khắc nghiệt và không sạch sẽ) thiếu nhân lực, đòi hỏi giảm chi phí lao động, sử dụng thực tập sinh là phương pháp giải quyết hiệu quả.

Thực tế, tại các cơ sở tiếp nhận, khái niệm thực tập sinh rất mơ hồ và làm công việc giản đơn. Có thể cho rằng chế độ thực tập sinh là để tuyển dụng được lao động giản đơn người nước ngoài giá rẻ.Chính phủ Nhật Bản luôn nhất quán tư tưởng rằng ngoại trừ người gốc Nhật, không chấp nhận lao động giản đơn không có kĩ năng. Khái niệm lao động giản đơn người nước ngoài trên danh nghĩa không tồn tại. Theo đó, để không phá vỡ nguyên tắc của chính phủ, đồng thời đảm bảo nguồn lao động cho công việc giản đơn, chế độ thực tập sinh có vai trò quan trọng.

2.2. Thực tập sinh Việt Nam

Số liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản về tình hình tuyển dụng lao động nước ngoài cho thấy, tính đến cuối tháng 10/2019, số lượng lao động Việt Nam tại Nhật Bản là 401.326 người, cao thứ hai sau Trung Quốc, và tốc độ gia tăng là 26,8% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng lớn nhất trong nhóm người lao động nước ngoài. Số lượng lao động Việt Nam tại Nhật Bản đã tăng gần 20 lần từ 26.828 người năm 2012. Theo quốc tịch, lao động Việt Nam chiếm 24,2% tổng số người lao động nước ngoài, với 401.326 người, chỉ đứng sau lao động Trung Quốc với 418.327 người (25,2%). Tiếp theo là Philippines 179.685 người (10,8%), Brazil 135.455 người (8,2%) và Nepal 91.770 người (5,5%). Xét về tốc độ gia tăng lao động, Việt Nam dẫn đầu với mức tăng 26,7%, vượt qua Indonesia với mức tăng 23,4% và Nepal với mức tăng 12,5%[11]. Về số lượng thực tập sinh tại Nhật Bản, ngườiViệt Nam đông nhất(53,2%), tiếp theo là người Trung Quốc, Philippines và Indonesia (hình 2).

3. Những khó khăn của thực tập sinh Việt Nam

3.1. Công việc bất ổn

Đại dịch Covid-19 đã tác động đến nền kinh tế Nhật Bản tồi tệ hơn so với dự đoán ban đầu với mức suy giảm GDP -28,1% trong quý 2 năm 2020, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1980, khi Chính phủ Nhật Bản bắt đầu lưu trữ dữ liệu so sánh. Trong bối cảnh này, nhóm người lao động nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn do công việc bấp bênh, thu nhập suy giảm. Tại văn phòng tư vấn của các tổ chức phi lợi nhuận, một số người lao động nước ngoài đã chia sẻ với tư vấn viên về tình trạng cắt giảm ca làm, thu nhập giảm mạnh. Những người khác cho biết người quản lý viện lý do giảm doanh thu để gây sức ép buộc họ thôi việc. Đối với một số người, thu nhập giảm đồng nghĩa với việc họ không thể trang trải cuộc sống tại Nhật Bản[12].

Tính đến cuối tháng 12 năm 2019, có khoảng 410.000 thực tập sinh kỹ năng nước ngoài làm việc ở Nhật Bản[13].Theo thống kê, số lượng thực tập sinh bị mất việc tính đến tháng 9/2020 là 3.627 người, cao gấp 4 lần so với thời điểm tháng 5 và có xu hướng liên tục tăng. Trong số này, 1.378 người không tìm được nơi làm việc tiếp theo, chiếm gần 40% tổng số thực tập sinh bị sa thải[14].

 

Hình 2: Thực tập sinh theo quốc tịch năm 2019

Đơn vị: %

Tác động của đại dịch Covid-19 đến thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản

Nguồn: Bộ Tư pháp Nhật Bản


Hình 3: Số vụ thực tập sinh bị sa thải do Covid-19 (5/2020-9/2020)

Đơn vị: người

Tác động của đại dịch Covid-19 đến thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản

Nguồn: Đài Phát thanh truyền hình Nhật Bản(NHK)

 

Hình 3 là thống kê số lượng thực tập sinh kỹ năng nước ngoài bị sa thải vì công ty gặp khó khăn về tài chính trước tác động của dịch Covid-19. Nhưng thống kê này không bao gồm các trường hợp báo xin thôi việc (không loại trừ khả năng bị ép phải thông báo như vậy).Truyền thông NHK từng viết về trường hợp thực tập sinh Việt Nam đang làm việc ở Tokyo, do không có việc làm bị công ty ép ký giấy "Xác nhận nguyện vọng" có nội dung tự nguyện dừng chương trình thực tập và về nước.Các công ty lo ngại rằng nếu thừa nhận sa thải nhân viên vì khó khăn tài chính thì sau này khi tuyển thực tập sinh sẽ bị chính phủ xét duyệt nghiêm ngặt hơn.

Điều tra của nhà báo Sunai Naoko, chuyên nghiên cứu về thực tập sinh, cho thấy 63% thực tập sinh Việt Nam cảm thấy có vấn đề với công việc hiện tại do tác động của Covid-19. Theo giới tính, tỷ lệ nữ thực tập sinh trả lời rằng họ gặp khó khăn trong công việc do ảnh hưởng của Covid-19 cao hơn nam.

 

Hình 4: Các vấnđề tại nơi làm việc

Đơn vị: %

Tác động của đại dịch Covid-19 đến thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản

Nguồn:在日ベトナム人調査(1)技能実習生・留学生らの約7割「コロナ受け仕事面の問題ある」、仕事減り収入縮小(Điều tra người Việt Nam tại Nhật Bản (1) nhiều vấn đề trong cuộc sống, không thể vềnước, không mua đồ, mất cơ hội học tiếng Nhật)https://news.yahoo.co.jp/byline/sunainaoko/20200619-00183997/.


Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, ít việc làm là vấn đề lớn của thực tập sinh kỹ năng Việt Nam.Không phải chỉ trong một ngành nghề cụ thể mà nhiều nghề khác đều giảm việc làm. Tình trạng xấu hơn khi công ty chủ quản thực tập sinh đứng trước nguy cơ phá sản do đại dịch Covid-19.

Trong nhóm người trả lời công việc bị ảnh hưởng bởi Covid-19, 90,2% cho rằng giờ làm giảm do ít việc. 49% người được hỏi trả lời rằng thu nhập của họ đã giảm. Vấn đề không phải là chậm lương mà là tương lai có thể mất việc làm, không có thu nhập. Ngoài ra, 19,6% trả lời rằng "không có đủ các biện pháp đối phó với lây nhiễm tại nơi làm việc". Tình trạng công ty chủ quản, cơ quan giám sát chưa đảm bảo đầy đủ về chăm sóc y tế chống lẫy nhiễm vẫn còn tồn tại. Người lao động còn gặp khó khăn trong việc làm thủ tục nhận trợ giúp do không thạo tiếng Nhật để có thể điền vào đơn xin hỗ trợ[15].

Việc làm ít kéo theo hệ quả thu nhập giảm. Đối với thực tập sinh kỹ năng, lương thường được trả sau khi trừ tiền ký túc xá, thuế, bảo hiểm xã hội.Lương của các thực tập sinh kỹ năng thường ở mức lương tối thiểu và có sự suy giảm rõ rệt so với trước thời điểm xảy ra Covid-19. Trước đại dịch, phần lớn thực tập sinh Việt Nam có thu nhập khoảng 10-15 vạn yên, song trong đại dịch phần lớn ở trong khoảng 5-10 vạn yên[16].

Luật Tiêu chuẩn Lao động của Nhật Bản quy định các công ty phải trả cho nhân viên ít nhất 60% lương trung bình trong trường hợp họ buộc những người này phải nghỉ làm. Điều khoản này được áp dụng đối với tất cả người lao động, không phân biệt quốc tịch, nhân viên chính thức hay không chính thức. Tuy nhiên, nhiều người lao động nước ngoài không biết quy định này nên không nhận được khoản tiền trên.

3.2. Cuộc sống không đảm bảo

Cuộc sống người lao động Việt Nam tại Nhật Bản chịu tác động mạnh bởi Covid-19 trên nhiều mặt, trong đóđáng quan tâm nhất là việc trở về nước.Đối phó với đại dịch toàn cầu Covid-19, các quốc gia đã thắt chặt kiểm soát biên giới và nhiều công ty hàng không đã ngừng hoạt động. Trong hoàn cảnh như vậy, có rất nhiều người lao động không thể trở về Việt Nam.Ngoài ra, 30,2% số người được hỏi trả lời rằng họ gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày do ảnh hưởng của Covid-19. Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, nhiều thực tập sinh Việt Nam tự nấu ăn. Nhiều thực tập sinh kỹ năng làm việc toàn thời gian tự mang bữa trưa đến nơi làm việc hoặc trở về ký túc xá vào giờ ăn trưa để ăn do số lượng người được hỗ trợ bữa trưa từ công ty có hạn. Mặt khác, do phải tự hạn chế di chuyển nhằm tránh lây lan Covid-19, một số người gặp khó khăn trong việc mua nhu yếu phẩm hàng ngày.

Điều tra cho thấy 25,6% cho rằng các biện pháp chống sự lây nhiễm trong ký túc xá hay nhà ở không đảm bảo.Thực tập sinh thường sống trong ký túc xá do công ty chủ quản thu xếp, hầu hết sống chung với người khác. Trong hoàn cảnh 5 người trở lên sống chung trong một phòng, hay 10 người sống trong cùng một ngôi nhà thì nguy cơ lây nhiễm một loại bệnh nào đó trong phòng/nhà khi có một học viên bị nhiễm là rất cao[17].

Hiện tại, xu hướng làm việc tại nhà đang lan rộng trong nhóm những người lao động làm việc tại văn phòng tại Nhật Bản, song hình thức này đối với các thực tập sinh là rất khó. Những ngành nghề thực tập sinh kỹ năng như may, xây dựng, đúc nhựa, sản xuất thực phẩm, chế biến thủy sản, nông nghiệp, chăn nuôi, chăn nuôi bò sữa, máy móc/kim khí,… đều là những nghề chỉ có thể làm khi ra thực địa.

Về vấn đề tiếp cận thông tin, thực tế nhiều người lao động Việt Nam không hiểu tiếng Nhật để truy cập thông tin liên quan đến Covid-19. Tình trạng lây nhiễm Covid-19 và các biện pháp của chính phủ liên tục được cập nhật, nhưng nhiều thuật ngữ chuyên môn rất khó đối với người lao động nước ngoài. Có trường hợp công ty chủ quản không lắp đặt thiết bị internet trong ký túc xá và thực tập sinh kỹ thuật phải đến cửa hàng tiện lợi để có sóng wifi.Trong một số trường hợp, thực tập sinh kỹ năng bị cấm sử dụng internet hoặc điện thoại di động.Công ty chủ quản thường cung cấp ti vi cho ký túc xá của thực tập sinh, nhưng vẫn có trường hợp không có, hoặc đơn thuần là thực tập sinh không muốn sử dụng internet, ti vi để tiết kiệm chi phí.


Hình 5: Tác động Covid-19 đến các mặt đời sống

Tác động của đại dịch Covid-19 đến thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản

Nguồn:在日ベトナム人調査(1)技能実習生・留学生らの約7割「コロナ受け仕事面の問題ある」、仕事減り収入縮小, (Điều tra người Việt Nam tại Nhật Bản (1) nhiều vấn đề trong cuộc sống, không thể về nước, không mua đồ, mất cơ hội học tiếng Nhật) https://news.yahoo.co.jp/byline/sunainaoko/20200619-00183997/.


Đánh giá tình hình thực tập sinh hiện nay, Phó Giáo sư Yoshihisa Saito, Trường Đại học Kobe cho rằng, tổ chức giám sát sẽ hỗ trợ cho đến khi thực tập sinh trở về nước, nhưng hiện nay có nhiều công ty khó tiếp tục tuyển dụng vì tình hình khó khăn, đặc biệt là không thể đưa họ về nước ngay. Cho đến khi thực tập sinh có thể quay trở về nước, cần hỗ trợ tích cực như bằng cách cho họ ở tại nhà tạm trú.

Về nguyên tắc, thực tập sinh được hỗ trợ bởi đơn vị quản lý, cơ quan giới thiệu người lao động đến các công ty để đào tạo. Đơn vị quản lý sẽ giới thiệu việc làm mới và hỗ trợ các thực tập sinh muốn quay về nước ngay cả khi điều kiện kinh doanh của công ty xấu đi và thực tập sinh bị sa thải. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, tình hình kinh doanh của các công ty nhận thực tập sinh kỹ năng ngày càng sa sút, số lượng thực tập sinh bị sa thải tăng nhanh, nên có trường hợp không nhận được hỗ trợ của đơn vị quản lý.

*

*    *

Đại dịch Covid-19 còn kéo dài, nguy cơ bùng phát mạnh vẫn có thể xảy ra ở Nhật Bản cũng như trên thế giới. Kinh tế trì trệ và sụt giảm về tiền lương kéo theo vòng luẩn quẩn là sụt giảm thu nhập sẽ dẫn tới giảm chi tiêu, khiến các điều kiện kinh doanh trở nên tồi tệ hơn, và tiền lương lại tiếp tục giảm sút. Tình trạng khó khăn khiến nhiều thực tập sinh bị giảm việc làm, thậm chí mất việc.Trong đó, có hiện tượng công ty buộc thực tập sinh phải ký giấy tự nguyện thôi việc. Chính phủ Nhật Bản đang cố gắng mở rộng hỗ trợ bằng cách mở rộng phạm vi ngành nghề mà các thực tập sinh bị sa thải có thể thay đổi công việc và kéo dài thời gian lưu trú của những thực tập sinh không thể quay trở về nước. Song thực tế là có nhiều thực tập sinh không được hỗ trợ tốt.Thực tập sinh khó trở về Việt Nam, có nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19, cuộc sống không đảm bảo,… trong khi cơ quan kiểm soát xuất nhập cảnh Nhật Bản không nắm bắt được thông tin chi tiết của từng người. Trước tình hình lây lan Covid-19 khó đoán định trong tương lai, rõ ràng là khả năng phục hồi còn lâu dài và khó khăn. Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam cần phối hợp nắm bắt thực tế để hỗ trợ lực lượng thực tập sinh vốn đóng vai trò quan trọng trong việc bù đắp sự thiếu hụt nguồn nhân lực tại đất nước mặt trời mọc hiện nay.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hirowaki Watanabe (2010), “Concerning Revisions in the Foreign Trainee and Technical Intern System”, Japan Labour Review, Vol 7, No 3, Summer 2010.
  2. 経済指標の要点(8/19~9/15 発表統計分)(Các chỉ số kinh tế chính, thống kê 19/8-15/9), https://www.dir.co.jp/report/research/economics/japan/20200915_021767.pdf.
  3. 日本経済展望 (Triển vọng kinh tế Nhật Bản),  https://www.jri.co.jp/MediaLibrary/file/report/japan/pdf/12130.pdf.
  4. 2020・2021年度経済見通し (Triển vọng kinh tế 2020-2021), https://www.nli-research.co.jp/report/detail/id=65680?site=nli.
  5. Yasuda Koichi (安田浩一) (2010), ルポ差別と貧困の外国人労働者 (Báo cáo người lao động nước ngoài trong sự phân biệt và nghèo khổ).
  6. 日本のベトナム人労働者数は40万人超、国籍別では第2位で、増加率はトップ (Số lao động Việt Nam hơn 40 vạn, về quốc tịch đứng 2, tỷ lệ gia tăng số 1), https://deha.co.jp/magazine/vietnamese-wokers-in-japan/.
  7. 在日ベトナム人調査(1)技能実習生・留学生らの約7割「コロナ受け仕事面の問題ある」、仕事減り収入縮小 (Điều tra người Việt Nam tại Nhật Bản (1) 70% thực tập sinh-lưu học sinh “vấn đề việc làm do Corona” việc làm giảm thu nhập ít), https://news. yahoo.co.jp/byline/sunainaoko/20200619-00183997/.
  8. 在日ベトナム人調査(2)コロナで生活面も課題山積、帰国困難・買い物に行けない・日本語学習機会失う (Điều tra người Việt Nam tại Nhật Bản (2) nhiều vấn đề trong cuộc sống, không thể về nước, không mua đồ, mất cơ hội học tiếng Nhật), https://news.yahoo.co.jp/byline/sunainaoko/20200620-00184270/.

 

Covid-19 Impact on Vietnamese Trainees in Japan

Phan Cao Nhat Anh, Nguyen Phong Vu

The Covid-19 pandemic has spread in Japan since January 2020 and made its economy decline. In that context, Vietnamese trainees are affected in many aspects of their lives. Firstly, the companies’ business status worsen, which makes jobs unstable, leading to decrease income, even some people lose their jobs. The living environment in the epidemic situation is not guaranteed, living conditions are limited and especially many people who want to go back to the country cannot return. This raises the issue of assisting Vietnamese trainees in Japan in the situation that Covid-19 infection is likely to persist.

 



[1] TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[2] ThS., Ủy ban chứng khoán Nhà nước

[3]経済指標の要点(8/19~9/15 発表統計分)(Các chỉ số kinh tế chính, thống kê 19/8-15/9), https://www.dir.co.jp/report/research/economics/japan/20200915_021767.pdf.

[4]日本経済展望(Triển vọng kinh tế Nhật Bản),  https://www.jri.co.jp/MediaLibrary/file/report/japan/pdf/12130.pdf.

[5]GDP 経済指標は立ち直りの動きも去年1年間は11年ぶりマイナス(Chỉ số kinh tế GDP đang phục hồi, nhưng năm ngoái lần đầu tiên âm sau 11 năm), https://www3.nhk.or.jp/news/html/20210215/k10012863481000.html?utm_int=detail_contents_news-related_001.

[6]“Số doanh nghiệp Nhật Bản phá sản do dịch COVID-19 có xu hướng tăng”, https://bnews.vn/so-doanh-nghiep-nhat-ban-pha-san-do-dich-covid-19-co-xu-huong-tang/170541.html.

[8]新型コロナ影響の失業者全国で6万人超実際はさらに多いか(Hơn 6 vạn người thất nghiệp do ảnh hưởng của Covid-19, thực tế có thể còn nhiều hơn), https://www3.nhk.or.jp/news/html/20200924/k10012632061000.html?utm_int=word_contents_list-items_029&word_result=%E6%96%B0%E5%9E%8B%E3%82%B3%E3%83%AD%E3%83%8A%20%E7%B5%8C%E6%B8%88%E5%BD%B1%E9%9F%BF.

[9]新型コロナ影響の失業者 7万人超える厚生労働省, (Hơn 7 vạn người thất nghiệp do Covid-19, Bộ Lao động Phúc lợi xã hội),https://www3.nhk.or.jp/news/html/20201109/k10012702051000.html?utm_int=word_contents_list-items_012&word_result=%E6%96%B0%E5%9E%8B%E3%82%B3%E3%83%AD%E3%83%8A%20%E7%B5%8C%E6%B8%88%E5%BD%B1%E9%9F%BF.

[10] Hirowaki Watanabe (2010), “Concerning Revisions in the Foreign Trainee and Technical Intern System”, Japan Labour Review, Vol 7, No 3, Summer 2010, pp. 48.

[11]日本のベトナム人労働者数は40万人超、国籍別では第2位で、増加率はトップ(Số lao động Việt Nam hơn 40 vạn, về quốc tịch đứng 2, tỷ kệ gia tăng số 1), https://deha.co.jp/magazine/vietnamese-wokers-in-japan/

[12] “Khó khăn của người lao động nước ngoài tại Nhật trong đại dịch”, https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/vi/news/backstories/1024/.

[13] “Công ty Nhật để thực tập sinh kỹ năng nước ngoài bơ vơ trong đại dịch”, https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/vi/news/backstories/1316/.

[14]彼は駅に捨てら…(Anh ta bị bỏ rơi tại ga…),  https://www3.nhk.or.jp/news/html/20201022/k10012672371000.html?utm_int=detail_contents_news-related_003.

[15]在日ベトナム人調査(1)技能実習生・留学生らの約7割「コロナ受け仕事面の問題ある」、仕事減り収入縮小, (Điều tra người Việt Nam tại Nhật Bản (1) nhiều vấn đề trong cuộc sống, không thể về nước, không mua đồ, mất cơ hội học tiếng Nhật),https://news.yahoo.co.jp/byline/sunainaoko/20200619-00183997/.

[16]在日ベトナム人調査(1)技能実習生・留学生らの約7割「コロナ受け仕事面の問題ある」、仕事減り収入縮小, Tlđd.

[17]在日ベトナム人調査(2)コロナで生活面も課題山積、帰国困難・買い物に行けない・日本語学習機会失う(Điều tra người Việt Nam tại Nhật Bản (2) nhiều vấn đền trong cuộc sống, không thể về nước, không mua đồ, mất cơ hội học tiếng Nhật), https://news.yahoo.co.jp/byline/sunainaoko/20200620-00184270/.

 

0thảo luận