Trang chủ

Chiến lược phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo của Nhật Bản hiện nay

Đăng ngày: 21-11-2022, 09:10 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 4

Phạm Thu Thủy1

 

Tóm tắt:Nhật Bản là một trọng số nước tiên tiến hàng đầu thế giới trong phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong những thập niên cuối thế kỷ XX nhưng sau đó bị tụt hậu so với Trung Quốc, Mỹ và một số nước Tây Âu. Để hồi sinh vị thế tiên phong thế giới và khắc phục những vấn đề kinh tế, xã hội đang đặt ra cấp bách cho quốc gia này, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực hoạch định, hoàn thiện và triển khai chiến lược phát triển công nghệ AI trong những năm vừa qua. Bài viết góp phần làm rõ quá trình hoạch định và những điểm nổi bật về nội dung chiến lược trí tuệ nhân tạo của Nhật Bản, một số triển vọng triển khai và những liên hệ bước đầu với chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo của Việt Nam.

Từ khóa: Nhật Bản, chiến lược, trí tuệ nhân tạo

 

T

rí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence/AI) là sự tái tạo nhân tạo một phần hành vi trí tuệ của con người bằng cách sử dụng phần mềm. Bằng cách học hỏi kinh nghiệm và thích ứng với các đầu vào mới, AI có thể linh hoạt thực hiện các nhiệm vụ như con người.Với việcáp dụng các công nghệ này, người ta có thể huấn luyện máy tính thực hiện nhiều nhiệm vụ khó khăn trong kinh doanh và cuộc sống bằng cách nhận dạng các mẫu từ lượng lớn dữ liệu.Đây là một trong những lĩnh vực công nghệ phát triển nhất trong những thập niên gần đây, công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ.

Là một trong những cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới, Nhật Bản đang rất nỗ lực trong việc phát triển AI nhằm khắc phục nguy cơ tụt hậu và coi đó là chìa khóa để viết lại kế hoạch chi tiết của Nhật Bản cho tương lai.Điều này thể hiện rất rõ trong quá trình hoạch định chính sách, nhất là việc xây dựng và hoàn thiện nội dung chiến lược phát triển AI trong những năm vừa qua của Chính phủ Nhật Bản.

1.Quá trình xây dựng chiến lược AI của Nhật Bản

Nhật Bản đã quan tâm tới việc phát triển và ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng thông tin, của tự động hóa và điều khiển học vào trong sản xuất và đời sống sinh hoạt hàng ngày từ rất sớm. Ngay từ năm 1986, Hiệp hội Trí tuệ nhân tạo của Nhật Bản (The Japanese Society for Artificial Inteligence) đã được thành lập và Chính phủ Nhật Bản đã đầu tư nguồn ngân sách đáng kể từ thời điểm nàyđể phát triển công nghệ AI. Nhờ vậy, trong những thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, Nhật  Bản đã trở thành một trong những quốc gia ở vị trí tiên phong trong làn sóng trí tuệ nhân tạo diễn ra trên thế giới với những thành tựu nổi tiếng, như máy tính thế hệ thứ 5[2], robot làm việc...Tuy vậy, bước sang thế kỷ XXI, Nhật Bản lại bị tụt hậu trong lĩnh vực này so với Trung Quốc, Mỹ và một số nước Tây Âu do chưa có chính sách phù hợp trước những đòi hỏi mới của thực tiễn. Trong khi đó, trong đời sống kinh tế và xã hội Nhật Bản, hàng loạt vấn đề cấp bách vẫn tiếp tục đặt ra như nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực ngày càng trầm trọng do xu hướng giảm sinh và già hóa dân số, tình trạng kinh tế trì trệ và sức cạnh tranh trên trường quốc tế bị suy giảm… Để đối phó với tình trạng nói trên, năm 2013, chính quyền của Thủ tướng Abe Shinzo đã đưa ra "Chiến lược hồi sinh Nhật Bản"[3],trong đó từng bước đề cập đến tầm quan trọng của AI, nhằm đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại, trên cơ sở đó giải quyết các vấn đề xã hội.

Liên quan đến lĩnh vực phát triển AI, bắt đầu từ năm 2015, Chính phủ Nhật Bản mới thể hiện rõ những đường hướng quyết tâm chiến lược. Trong Chiến lược hồi sinh Nhật Bản sửa đổi năm 2015, việc xem xét cải cách cơ cấu công nghiệp và cơ cấu việc làm của quốc gia này đã coi Internet vạn vật (Internet of Things, IoT), Dữ liệu lớn (Bigdata) và Trí tuệ nhân tạo (AI) là nền tảng và đầu tư phát triển chúng như một trong những biện pháp chính. Trong “Kế hoạch cơ bản về khoa học và công nghệ lần thứ 5” (tháng 1/2016), Chính phủ Nhật Bản đã chính thức công bố kế hoạch hướng tới “Xã hội siêu thông minh”- Xã hội 5.0. Xã hội 5.0 được coi là một hình thức xã hội mới sau xã hội săn bắn (1.0), xã hội nông nghiệp (2.0), xã hội công nghiệp (3.0) và xã hội thông tin (4.0). Xã hội 5.0 được bắt đầu từ thập niên thứ hai của thế kỷ XXI với IOT, AI, Dữ liệu lớn, người máy… được sử dụng ngày càng phổ biến. Chính vì vậy, cần phải có chính sách phát triển AI một cách kịp thời và phù hợp để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn phát triển kinh tế- xã hội đặt ra, cần đầu tư nghiên cứu phát triển AI, cần sự phối hợp thực hiện các kế hoạch, chiến lược không chỉ của các bộ, ngành có liên quan mà cả sự cộng tác chặt chẽ của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản xác định đặc trưng cơ bản của Xã hội 5.0 là lấy con người làm trung tâm, đảm bảo sự cân bằng, hài hòa giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội thông qua hệ thống tích hợp cao giữa không gian mạng (cyberspace, không gian ảo) và không gian vật lý (physical space, không gian thực). Những đặc trưng này của xã hội 5.0 đều liên quan trực tiếp đến quá trình triển khai phát triển AI.

Tại Hội nghị Đối thoại công tư lần thứ 5 về đầu tư trong tương lai, được tổ chức vào tháng 4 năm 2016, Thủ tướng Abe Shinzo đã đưa ra ý tưởng thiết lập các mục tiêu nghiên cứu phát triển (R&D) và lộ trình công nghiệp hóa AI. Sau đó Hội đồng Chiến lược công nghệ AI được chính phủ thành lập đóng vai trò như một cơ quan quản lý tích hợp ở cấp quốc gia để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ AI. Hội đồng Chiến lược công nghệ AI đóng vai trò là tháp chỉ huy trên cơ sở quy tụ năm tập đoàn nghiên cứu và phát triển quốc gia thuộc quyền quản lý của Bộ Nội vụ và Truyền thông; Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ AI cũng như thiết lập mối quan hệ giữa các ngành sử dụng AI. Việc phát triển và ứng dụng công nghệ AI cũng được sử dụng như một nhân tố công nghệ quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển GDP của Nhật Bản với mức hơn 600 nghìn tỷ yên vào năm 2020 như được đề xuất trong Chính sách cơ bản về hoạt động kinh tế tài chính và cải cách 2016.

Tại Hội nghị Đổi mới khoa học và công nghệ toàn diện được tổ chức vào ngày 15 tháng 9 năm 2016, theo chỉ thị của Thủ tướng Abe, việc chia sẻ trách nhiệm giữa ba bộ như đã đề cập trên đã được xác định rõ hơn. Nhiệm vụ tổng thể là thực hiện nghiên cứu phát triển và thực nghiệm tập trung vào AI, định hướng các ứng dụng thực tế của xã hội IoT và thương mại, yêu cầu ba bộ triệu tập các cuộc họp có liên quan để cùng nhau xây dựng chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo trên cơ sở có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho từng bộ.

Tại Hội đồng Chiến lược công nghệ AI, Chiến lược công nghệ AI và lộ trình công nghiệp hóa của nó đã được biên soạn vào tháng 3 năm 2017, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên là "năng suất", "sức khỏe, chăm sóc y tế/điều dưỡng", "di chuyển trong không gian" và "thông tin"[4]. Ngoài ra, khu vực nhà nước và tư nhân đã quyết định hợp tác với nhau từ nghiên cứu và phát triển công nghệ AI đến thực hiện xã hội hóa. Tháng 12 năm 2017, Văn phòng Nội các; Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi; Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản;Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch đã được bổ sung vào các ban thư ký trước đó gồm có Bộ Nội vụ và Truyền thông; Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ; Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp và Hội đồng Chiến lược công nghệ AI. Chức năng của tháp điều khiển đã được tăng cường và một hệ thống đã được thiết lập trong đó các bộ và cơ quan phối hợp với nhau để thực hiện lộ trình công nghiệp hóa.

Vào tháng 8 năm 2018, Hội đồng Chiến lược AI đã đưa ra kế hoạch thực thi chiến lược với các nhiệm vụ cụ thể nhằm đưa Nhật Bản trở lại vị trí hàng đầu thế giới qua việc thực hiện 5 mục tiêu mà Chiến lược công nghệ AI đã vạch ra gồm: (1) nghiên cứu phát triển; (2) phát triển nguồn nhân lực; (3) cải thiện môi trường dữ liệu và công cụ làm việc tại các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, các cơ quan chính phủ; (4) hỗ trợ liên doanh; (5) thúc đẩy sự hiểu biết liên quan đến sự phát triển của công nghệ AI.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực công nghệ AI trong những năm gần đây, cuộc chiến giành quyền tối cao của các công ty công nghệ thông tin Hoa Kỳ và các công ty Trung Quốc đang ngày càng gay gắt. Trong khi đó, Nhật Bản đã ý thức được sự tụt hậu so với  các đối thủ như Hoa Kỳ và Trung Quốc về số lượng bài báo nghiên cứu, giới thiệu về kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực, liên kết dữ liệu, hỗ trợ mạo hiểm…Mặc dù vậy, sự cạnh tranh phát triển công nghệ AI được coi là mới chỉ bắt đầu. Chính vì vậy, Nhật Bản tiếp tục hoàn thiện và công bố Chiến lược phát triển AI vào tháng 11 năm 2019 nhằm nhanh chóng vượt qua những thách thức đang phải đối mặt, tận dụng thế mạnh của Nhật Bản để mở ra hướng phát triển mới của AI Nhật Bản trong tương lai. Có thể thấy, đây là bản chiến lược tiếp tục được hoàn thiện kịp thời, mục tiêu và các giải pháp triển khai của nó đem lại những triển vọng lớn về tương lai phát triển của công nghệ AI ở Nhật Bản.

1. Những nội dung cơ bản của Chiến lược AI của Nhật Bản

Như đã đề cập, chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo của Nhật Bản đã được Chính phủ Nhật Bản cập nhật thường xuyên trong những năm vừa qua với những nội dung đa dạng và phong phú. Để có được những thông tin cơ bản và cập nhật về chiến lược của Nhật Bản trong lĩnh vực quan trọng này, bài viết chỉ đề cập tới những điểm căn bản trong Chiến lược AI năm 2019[5].

Mục đích của chiến lược này là chỉ ra các biện pháp cải thiện môi trường để sử dụng AI trong tương lai nhằm khắc phục các vấn đề xã hội của chính Nhật Bản, đồng thời góp phần vào việc đưa ra giải pháp đối với các vấn đề toàn cầu thông qua việc hiện thực hóa Xã hội 5.0.

Để hiện thực hóa ý tưởng cơ bản “lấy con người làm trung tâm”, nghĩa là hướng tới một "xã hội bền vững và đa dạng" thì việc áp dụng các công nghệ mới bao gồm AI và tạo nên sự thay đổi hệ thống xã hội cho phù hợp với việc áp dụng các công nghệ mới đó là cần thiết. Hơn nữa, với ứng dụng công nghệ, mỗi người dân sẽ có trải nghiệm tiện ích cụ thể; trên cơ sở đó các công nghệ mới và hệ thống xã hội sẽ dần được chấp nhận rộng rãi.

Chiến lược AI năm 2019 của Nhật Bản nhấn mạnh 4 mục tiêu căn bản cần đạt tới, đó là:

Thứ nhất, Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia thu hút nguồn nhân lực từ khắp nơi trên thế giới bằng cách phát triển nguồn nhân lực tương thích nhất với kỷ nguyên AI trên cơ sở tỷ lệ dân số. "Nguồn nhân lực cho kỷ nguyên AI" là rất đa dạng bao gồm nhân lực cho việc thực hiện nghiên cứu AI tiên tiến, nhân lực hiện thực hóa ứng dụng trong các cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ, nhân lực sử dụng AI để tạo ra các doanh nghiệp mới.Nhật Bản sẽ xây dựng một cơ chế để hiện thực hóa mục tiêu này một cách bền vững.

Để tăng số lượng nguồn nhân lực cần phát triển và thu hút nguồn nhân lực đa dạng, bao gồm cả phụ nữ và những người đang hướng đến Nhật Bản từ nước ngoài. Do đó, điều quan trọng là phải xây dựng một chương trình giáo dục tiên tiến trong tương lai và phải nâng cao nó đến mức có thể áp dụng được ở nước ngoài.

Thứ hai,Nhật Bản phấn đấu sẽ trở thành nước đi đầu trong việc ứng dụng AI vào các ngành công nghiệp trong thế giới thực và có được sức cạnh tranh công nghiệp cao.

Trong “các ngành công nghiệp thế giới thực”, tức là các ngành cung cấp những giá trị trong thế giới thực như chăm sóc y tế, nông nghiệp, vật liệu, hậu cần và thiết bị sản xuất mà giá trị của nó được sản sinh ra trước hết thông qua sự tương tác giữa các yếu tố cứng như con người, thiên nhiên… chứ không phải được hoàn thành trong không gian mạng vẫn còn một khối lượng thông tin khổng lồ, vẫn chưa được thu thập một cách có hệ thống.Trong lĩnh vực này, điều quan trọng là thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang một ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao tập trung vào các nền tảng dịch vụ, do đó, cần xúc tiến việc hình thành cơ sở liên quan đến việc chi viện phát triển AI, thiết kế thể chế và ứng dụng những thành quả nghiên cứu vào đời sống xã hội. Điều này sẽ góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp và đảm bảo duy trì vị trí hàng đầu thế giới của Nhật Bản. Mặc dù đâylàmục tiêu cần được thực hiện cùng với các chính sách khác ngoài chiến lược AI, nhưng chắc chắn chiến lược AI đóng một phần quan trọng.

Thứ ba, Nhật Bản sẽ thiết lập hệ thống kỹ thuật để thực hiện một "xã hội bền vữngbao gồm sự đa dạng" và xây dựng một cơ chế để vận hành. Phụ nữ, người nước ngoài, người cao tuổi... được coi là những yếu tố rất quan trọng đối với sự đa dạng.Để những người có hoàn cảnh đa dạng, lối sống đa dạng… có thể tham gia đầy đủ vào đời sống xã hội.Nhật Bản sẽ thúc đẩy việc thiết lập các hệ thống kỹ thuật khác nhau dựa trên công nghệ AI và tạo ra các hệ thống và cơ chế xã hội để sử dụng chúng với mục đích cho phép mỗi người dân đều nhận được những lợi ích cụ thể.Ngoài ra, mục tiêu chiến lược này không chỉ dành cho Nhật Bản, mà là một kế hoạch cần được thúc đẩy thực hiện trên quy mô toàn cầu để góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ tư,với vai trò tiên phong, Nhật Bản sẽ đi đầu trong việc xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng xã hội, giáo dục và nghiên cứu mang tầm quốc tế trong lĩnh vực AI; đồng thời đẩy nhanh việc nghiên cứu và phát triển AI, phát triển nguồn nhân lực, đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững do Liên Hợp Quốc đề ra.

Đáng chú ý là quan điểm chiến lược coi việc đào tạo, đảm bảo nguồn nhân lực và phát triển công nghệ liên quan đến AI của Nhật Bản không chỉ giới hạn phạm vi hoàn thành trong nước mà phải có tầm nhìn quốc tế. Trong phát triển và đảm bảo nguồn nhân lực là ví dụ, Nhật Bản sẽ cung cấp nhiều cơ hội cho các nhà nghiên cứu và kỹ sư ở nước ngoài đóng vai trò tích cực tại Nhật Bản,đồng thời tăng cường nghiên cứu phát triển chung và các dự án chung giữa Nhật Bản và các nước khác. Ngoài việc tăng cường hợp tác với các tổ chức nghiên cứu, giáo dục và các công ty ở Bắc Mỹ và châu Âu, Nhật Bản sẽ hợp tác toàn diện với ASEAN, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi… nơi dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong tương lai.

Thứ năm, chủ trương phân công vai trò giữa khu vực công và khu vực tư nhân.Những nỗ lực tổng hợp của khu vực công và tư nhân là không thể thiếu để thực hiện chiến lược này.Chính phủ sẽ cải thiện môi trường để tạo ra một xã hội mới (xã hội 5.0) trong tương lai bằng cách thực hiện các biện pháp để khu vực tư nhân cải thiện năng suất, tạo ra các giá trị đa dạng và tạo đà cho các công ty mới thành lập.

Để đạt được mục đích và những mục tiêu vừa nêu, Chiến lược AI năm 2019 của Nhật Bản đề ra những nhiệm vụ cốt lõi như sau:

Thứ nhất, nuôi dưỡng và đảm bảo tài năng AI thông qua cải cách giáo dục.

Đào tạo và đảm bảo tài năng trí tuệ nhân tạo là nhiệm vụ được nhấn mạnh nhất trong bản chiến lược lần này với những chỉ tiêu cụ thể. Nhật Bản coi công nghệ kỹ thuật số, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo là những kiến thức cơ bản về xã hội kỹ thuật số, là kiến thức mà mọi công dân cần phải có và đặt ra các mục tiêu giáo dục phù hợp cho điều này. Về việc này,Nhật Bản đặt ra các chỉ tiêu cụ thể để đạt được vào năm 2025 như: tất cả học sinh Nhật Bản tốt nghiệp trung học có kiến thức cơ bản về toán học, khoa học dữ liệu số, trí tuệ nhân tạo;đào tạo 250.000 cá nhân tài có khả năng nắm vững khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo và có thể áp dụng chúng trong từng lĩnh vực chuyên môn mỗi năm; khám phá và phát triển nguồn nhân lực có thể đóng vai trò tích cực trên thế giới với năng lực đổi mới dựa trên khoa học dữ liệu và AI (khoảng 2.000 người/năm, trong đó loại ưu tú khoảng 100 người/năm); thực hiện giáo dục thường xuyên để bồi dưỡng toán học, khoa học dữ liệu và AI cho nhiều người đang làm việc (khoảng 1 triệu người/năm); thúc đẩy cơ hội cho sinh viên quốc tế nghiên cứu khoa học dữ liệu và AI...

Thứ hai, thúc đẩy nghiên cứu phát triển (R&D).

Để xây dựng một hệ thống nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo có thể bao gồm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và công nghiệp hóa, Nhật Bản đề xuất cải thiện môi trường nghiên cứu, xây dựng mạng lưới nghiên cứu cốt lõi, cải thiện cơ chế hỗ trợR&D. Về vấn đề này, Chiến lượcAI2019 tập trung vào các dự án nghiên cứu cơ bản về AI và phát triển công nghệ cơ bản, các dự án nghiên cứu công nghệ công nghiệp AI, các dự án nghiên cứu liên quan đến phát triển toàn diện thông qua trí tuệ nhân tạo, phát triển công nghệ mới với sự sáng tạo đa dạng và các dự án nghiên cứu sáng tạo trong các lĩnh vực mới.

Thứ ba, xây dựng nền tảng xã hội và công nghiệp.

Bằng việc kết hợp thế mạnh công nghệ của Nhật Bản với công nghệ AI, Chính phủ Nhật Bản hướng tới mục tiêu hiện thực hóa một "xã hội bền vững bao gồm sự đa dạng", đồng thời đóng góp vào giải pháp của các vấn đề toàn cầu, tạo ra giá trị gia tăng đáng kể, cải thiện năng suất và tăng cường hơn nữa khả năng cạnh tranh công nghiệp. Đặc biệt, khu vực công nghiệp thế giới thực là khu vực mà hiện nay các công ty Nhật Bản có sự hiện diện lớn trên thế giới. Vì vậy, trong việc hiện thực hóa ứng dụng công nghệ AI (AI cho thế giới thực) và AI hòa nhập (AI for Inclusion) vào lĩnh vực công nghiệp thế giới thực, Nhật Bản có thể chứng tỏ được ưu thế dẫn đầu của mình.

Trong việc xây dựng nền tảng cho xã hội và công nghiệp, có 5 lĩnh vực được chỉ định ưu tiên là: y tế - chăm sóc sức khỏe – điều dưỡng, nông nghiệp, khả năng phục hồi quốc gia (trước thảm họa), cơ sở hạ tầng giao thông - hậu cần và phục hồi khu vực. Điều này xuất phát từ ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản là tìm ra giải pháp cho các vấn đề xã hội mà đất nước đang phải đối mặt, chẳng hạn như trở thành quốc gia đầu tiên phải đối mặt với những tác động toàn diện của tỷ lệ sinh giảm và dân số già cùng với chi phí an sinh xã hội tăng nhanh; suy giảm lực lượng lao động và thiếu nhân viên chăm sóc sức khỏe và chăm sóc dài hạn; dân số già cực độ của lực lượng lao động nông nghiệp; sự gia tăng thiên tai và thiệt hại đối với nông, lâm, ngư nghiệp do biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt; và sự già cỗi và xuống cấp của cơ sở hạ tầng cũng như sự thiếu hụt nguồn nhân lực để duy trì cơ sở hạ tầng. Trong các lĩnh vực y tế, chăm sóc y tế và chăm sóc dài hạn, mục tiêu trung và dài hạn là đạt được sức khỏe tốt hơn cho cộng đồng, cải thiện trình độ chăm sóc y tế và chăm sóc dài hạn, và cải thiện môi trường làm việc cho người lao động liên quan đến y tế, đồng thời giảm gánh nặng cho người nộp thuế. Trong lĩnh vực phục hồi khu vực, Chiến lược AI quan tâm nhiều nhất đến các thành phố trong khu vực (không loại trừ các thành phố lớn).Trước hết là phải cải thiện chất lượng cuộc sống ở các thành phố và đô thị địa phương và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp địa phương, đồng thời hướng tới mục tiêu giảm gánh nặng về tài chính cho chính quyền địa phương.Khi làm như vậy, việc ưu tiên không phải hướng tới logic của cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ, mà nhấn mạnh vào quan điểm của các cư dân đa dạng và các doanh nghiệp địa phương. Điều này dựa trên ý tưởng về "một xã hội bền vững bao gồm sự đa dạng" và được cho là sẽ góp phần hiện thực hóa các dịch vụ giá trị gia tăng cao trong khu vực.

Thứ tư, xây dựng các chuẩn mực đạo đức trí tuệ nhân tạo.

Trong bối cảnh con người ngày càng quan tâm đến việc sử dụng AI, việc theo đuổi quá mức các tiện ích văn minh có thể sẽ làm tăng các mặt tiêu cực do AI gây ra. Để hạn chế điều này, việc xác lập quan điểm đạo đức với các chuẩn mực cao của nền tảng văn hóa hiện đại được xác định là rất quan trọng và việc thống nhất các nguyên tắc xã hội AI đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Hiện nay, Nhật Bản đang tiến hành nghiên cứu đạo đức trí tuệ nhân tạo và các cuộc thảo luận đạo đức liên quan cũng đang diễn ra trong khuôn khổ quốc tế như UNESCO, G7, nhất là các cuộc thảo luận của Nhật Bản với các đối tác hàng đầu như Liên minh châu Âu, Canada và Singapore. Điều này sẽ đem lại cơ hội và điều kiện thuận lợi để Nhật Bản có thể vươn lên vị trí tiên phong không chỉ trong lĩnh vực sáng tạo và ứng dụng công nghệ AI mà cả những đóng góp cho thế giới trong việc hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức trong lĩnh vực AI và xã hội 5.0 nói chung.

Trên thực tế, kết quả của việc triển khai chiến lược trí tuệ nhân tạo của Nhật Bản trong những năm qua đã bắt đầu tạo nên những chuyển động lạc quan.

Theo "Sách trắng về Thông tin và Truyền thông" do Bộ Nội vụ và Truyền thông  Nhật Bản công bố năm 2018,tình trạng phát triển AI của Nhật Bản mặc dùcòn thấp hơn so với các nước lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu, nhưnglại được đánh giá làcó nhiều tiềm năng phát triển và tăng trưởng trong những năm tới. Ngay trong năm 2018, Chính phủ Nhật Bản đã dành ngân sách ban đầu liên quan đến AI là 77 tỷ yên, thể hiện các bước nghiêm túc trong việc thực hiện chiến lược AI của nước này[6].Tính đến tháng 2 năm 2020, khoảng 390 tỷ yên đã được Chính phủ Nhật Bản phân bổ cho ngân sách liên quan đến AI và sẵn sàng hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực nhằm phát triển công nghệ AI, triển khai xã hộithông qua chiến lược quốc gia.Quy mô thị trường AI của Nhật Bản năm 2018 ​​là 530,1 tỷ yên. AI dự kiến ​​sẽ mở rộng ứng dụng trong nhiều ngành khác nhau và quy mô thị trường kinh doanh AI cho năm tài chính 2030 của Nhật Bản được dự báo là khoảng 2.128,6 tỷ yên, gấp 5,4 lần so với năm tài chính 2017[7].

Những con số thực tế và dự báo cho thấy những nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản qua triển khai chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo trong những năm qua. Đây sẽ là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của Nhật Bản, tiếp thêm sinh khí để Nhật Bản tái chiếm lĩnh đỉnh cao của làn sóng phát triển công nghệ AI thứ ba đang diễn ra sôi động trên phạm vi toàn cầu.

3. Một số liên hệ bước đầu với chiến lược trí tuệ nhân tạo của Việt Nam

Tại Việt Nam từ năm 2014, AI được đưa vào danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển. Chính phủ xác định đây là một trong các công nghệ đột phá, mũi nhọn của  Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần tổ chức triển khai nghiên cứu nhưng chưa xác định được những nội dung cụ thể thúc đẩy phát triển. Tháng 1 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.Chiến lược xác định rõ quan điểm coi AI là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng tạo bước đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.

Chiến lược đặt mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Mục tiêu đến năm 2030 đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam; phấn đấu Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; xây dựng được 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực; phát triển được 03 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; kết nối được các hệ thống trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán hiệu năng cao trong nước tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ AI[8].

Có thể thấy chiến lược đã thể hiện sự nhanh nhạy của Việt Nam trong việc nắm bắt xu hướng phát triển của khoa học công nghệ và kinh tế xã hội khu vực và thế giới trong quá trình đẩy nhanh hội nhập quốc tế và hiện đại hóa đất nước.

Với tư cách là đối tác chiến lược sâu rộng của Việt Nam, việc Nhật Bản triển khai  Chiến lược AI sẽ có những tác động tích cực giúp Việt Nam có thể có thêm những điều kiện thuận lợi đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược AI của mình.

Trước hết là việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao và tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo.Trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ chia sẻ các dự án, thể chế và thông lệ hàng đầu của Nhật Bản với cộng đồng quốc tế, tạo nên cơ sở cho việc hợp tác nghiên cứu, triển khai ứng dung AI trong cộng đồng quốc tế. Chính vì vậy, Việt Nam có thể thông qua đó để đồng bộ hóa những nguyên tắc chiến lược của mình để tạo nên sự đồng bộ trong hội nhập khu vực và quốc tế.

Việc đề cao nguyên tắc đạo đức cũng là một nội dung mà chiến lược của Việt Nam cần xem xét hướng tới hoàn thiện cụ thể hơn trong chiến lược nhằm nhấn mạnh triết lí vì con người trong quá trình phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để đối phó với những rủi ro và thách thức đặt ra trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, việc triển khai chiến lược trí tuệ nhân tạo của Nhật Bản cũng như các nước tiên tiến khác cũng đặt ra những thách thức nhất định cho các nước đi sau như Việt Nam trong vấn đề cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao. Một trong những phương châm chỉ đạo trong đào tạo và đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của phát triển trí tuệ nhân tạo của Nhật Bản là thu hút nhân tài từ các nước trên thế giới, trong đó khu vực Đông Nam Á (Việt Nam). Nếu Việt Nam không có chính sách thích đáng trong việc đãi ngộ và quản lí nguồn nhân lực sẽ dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” do bị hút về các nước có trình độ phát triển công nghệ tiên tiến như Nhật Bản.

Mặc dù vậy, những cơ hội thuận lợi đối với Việt Nam vẫn là chủ yếu. Việc tăng cường hơn nữa hợp tác, trao đổi kinh nghiệm xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện chiến lược AI giữa hai nước trong bối cảnh tăng cường quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng là rất cần thiết.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hồ Tú Bảo, “Trí tuệ nhân tạo và chặng đường 50 năm”, Viện Khoa học công nghệ tiên tiến Nhật Bảnhttp://www.jaist.ac.jp/~bao/Writings/AI50years.pdf.
  2. Nguyễn Thị Thu Hương, “Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách phát triển Trí tuệ nhân tạo”,  Tạp chí Quản lí nhà nước điện tử ngày05/05/2020,https://www.quanlynhanuoc. vn/2020/05/05/kinh-nghiem-quoc-te-trong-xay-dung-chinh-sach-phat-trien-tri-tue-nhan-tao/.
  3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 127/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo,Văn phòng Chính phủ,ngày 26 tháng 01 năm 2021.
  4. OECD.AI, “AI in Japan”, https://www.oecd.ai/dashboards/countries/Japan.
  5. Netherlands Enterprise Agency, “Artificial Interlligence in Japan 2020”, https://www.rvo. nl/sites/default/files/2020/12/Artificial-Intelligence-in-Japan-final-IAN.pdf.
  6. Strategic Council for AI Technology, “Artificial Intelligence Technology Strategy, March 31, 2017”,https://ai-japan.s3-ap-northeast-1.amazonaws.com/7116/0377/5269/Artificial_Intelligence_Technology_StrategyMarch2017.pdf.
  7. Strategic Council for AI Technology ,“AI Strategy 2019 - AI for Everyone: People, Industries, Regions and Governments”, June 11, 2019, https://www.kantei.go.jp/jp/singi/ai_senryaku/pdf/aistratagy2019en.pdf.
  8. 유재흥,일본의인공지능전략동향 : AI 전략 2019 (Jaeheung Yoo, Xu hướng chiến lược trí tuệ nhân tạo ở Nhật Bản: Chiến lược AI 2019),https://spri.kr/posts/view/22689?code= industry_trend.

 


Japan’s AI Development Strategy Today

Pham Thu Thuy

Japan was one of the leading countries in artificial intelligence (AI) technology development in the last decades of the 20thcentury, but then lagged behind China, the US and some Western European countries. Therefore, the Japanese Government is trying to implement AI technology development strategies in recent years to revive the world pioneer position and overcome the urgent socio-economic problems. This article contributes to clarifying the main contents of Japan’s AI strategy, giving some potential ideas for implementation and initial relationship with Vietnam’s AI strategy.

 

 



[1]ThS.,Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

[2] Máy tính thế hệ thứ 5 (FGCS) là một sáng kiến của Bộ Ngoại thương và Công nghiệp Nhật Bản (MITI) đưa ra vào năm 1982 nhằm tạo ra các máy tính sử dụng tính toán song song và lập trình logic. Nó là kết quả của một dự án nghiên cứu lớn của Chính phủ Nhật Bản được thực hiện trong những năm từ 1982 đến 1992 nhằm tạo ra một kiểu "máy tính vạch thời đại" với hiệu suất giống như siêu máy tính và cung cấp nền tảng cho những phát triển trong tương lai về trí tuệ nhân tạo.

[3] Chiến lược hồi sinh Nhật Bản (日本再興戦略) là một chiến lược tăng trưởng của Nội các Thủ tướng Abe Shinzo trong nhiệm kỳ thứ hai. Bản chiến lược này đã được Nội các phê duyệt vào ngày 14 tháng 6 năm 2013 và được sửa đổi vào các năm 2014, 2015 và 2016.

[4]Strategic Council for AI Technology, “Artificial Intelligence Technology Strategy”, March 31, 2017,https://ai-japan.s3-ap-northeast-1.amazonaws.com/7116/0377/5269/Artificial_Intelligence_Technology_StrategyMarch2017.pdf.

[5] Strategic Council for AI Technology, “AI Strategy 2019- AI for Everyone: People, Industries, Regions and Governments”, June 11, 2019, https://www.kantei.go.jp/jp/singi/ai_senryaku/pdf/aistratagy2019en.pdf.

[6]AI Start lab, “Hiện trạng và dự báo tương lai về quy mô thị trường AI Nhật Bản”, https://ai-start-lab.com/column/9.

[7] AI Start lab, “So sánh quy mô thị trường kinh doanh AI trên thế giới và Nhật Bản! Sự khác biệt giữa Hoa Kỳ/Trung Quốc và Nhật Bản là gì?”,https://ai-start-lab.com/column/15.

[8] Thủ tướng Chính phủ, Quyết định Ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, Văn phòng Chính phủ, Số 127/QĐ-TTg, ngày 26/01/2021.

0thảo luận