Trang chủ

Phật giáo cận đại Nhật Bản và vấn đề tự do tín ngưỡng

Đăng ngày: 21-11-2022, 08:49 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 4

PhạmThị Thu Giang1

 

Tóm tắt:Minh Trị duy tân của Nhật Bản thường được nhìn nhận là một cuộc cải cách sâu rộng trong xã hội Nhật Bản bằng cách tiếp thu văn minh phương Tây, đưa nước Nhật từ chế độ phong kiến lên chế độ quân chủ lập hiến. Tuy nhiên, về mặt tư tưởng chính trị thì chính phủ đương thời lại theo phương châm phục cổ và tôn Thần đạo lên làm quốc giáo. Chỉ qua việc khảo cứu quá trình đưa quy định về “tự do tín ngưỡng” vào Đại Nhật Bản đế quốc hiến pháp và phản ứng của các tăng ni Phật giáo, có thể thấy những mâu thuẫn trong việc lựa chọn tư tưởng chính trị, sự lúng túng của cả chính phủ lẫn giới Phật giáo trong việc tiếp thu những khái niệm, tư tưởng mới từ phương Tây. Từ đó có thể làm rõ cách thức cận đại hóa riêng của giới Phật giáo Nhật Bản đương thời.

Từ khóa: Phật giáo, cận đại, Minh Trị duy tân, Đại Nhật Bản đế quốc hiến pháp, tự do tín ngưỡng


N

hư đã biết, một trong những thành tựu lớn lao của quốc gia cận đại Nhật Bản là xây dựng và ban hành “Đại Nhật Bản[1]đế quốc hiến pháp” vào năm 1889. Có thể nói, đây là bản hiến pháp đầu tiên ra đời ở châu Á thời cận đại, để từ đó Nhật Bản bước vào con đường xây dựng chế độ quân chủ lập hiến, hướng đến việc sánh vai với các cường quốc phương Tây.

Điều đáng chú ý là, trong bản hiến pháp đó đã có riêng một điều khoản đề cập đến vấn đề “tự do tín ngưỡng”.Đây được xem là khái niệm khá mới mẻ trong xã hội Nhật Bản. Vậy vấn đề đặt ra là khái niệm “tự do tín ngưỡng” đã được lý giải như thế nào từ góc độ chính phủ và giới tôn giáo, đặc biệt là giới Phật giáo, quá trình tiếp thu, luật hóa diễn ra ra sao và việc quy định trong hiến pháp có ảnh hưởng như thế nào đến giới Phật giáo Nhật Bản đương thời. Thông qua đó, bài viết hy vọng có thể làm sáng tỏ cách thức du nhập và biến dung văn minh phương Tây trong quá trình cận đại hóa của giới Phật giáo nói riêng và xã hội Nhật Bản nói chung.

1.Chính phủ Minh Trị và quá trình đưa “tự do tín ngưỡng” và Đại Nhật Bản đế quốc hiến pháp

1.1. Quá trình tiếp thu khái niệm “Tự do tín ngưỡng”

1.1.1. Quan điểm của Ito Hirobumi về tôn giáo và “tự do tín ngưỡng”.

Như đã biết, Ito Hirobumi[2] là người đóng vai trò trung tâm trong việc soạn thảo văn bản Đại Nhật Bản đế quốc hiến pháp. Trước đó, ông đã có thời gian đi lưu học tại các nước châu Âu và tiếp nhận những ảnh hưởng từ các nhà luật học nổi tiếng lúc bấy giờ như Lorenz von Stein (1815-1890) hay Heinrich Rudolf Hermann Friedrich von Gneist (1816-1895)...

Mặc dù đưa ra ý tưởng về sự lựa chọn quốc giáo khác nhau, nhưng cả Stein và Gneist đều dựa trên tình hình thực tế của nước Đức và chủ trương một mặt duy trì quốc giáo, mặt khác vẫn đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng cho những người không theo quốc giáo đó. Ban đầu, khi được tiếp xúc với tình hình tôn giáo phương Tây, Ito đã cho rằng, tự do tín ngưỡng là “thành quả lớn lao của văn minh thời cận thế[3], nhưng lại đưa ra nhận định: “việc dùng quốc giáo để cưỡng chế tín ngưỡng một cách thiên lệch là cản trở sự phát triển tự nhiên của nhân trí và sự tiến bộ của học thuật”[4]. Vì vậy, ông đã đưa quy định này vào Đại Nhật Bản đế quốc hiến pháp mà không xây dựng thể chế quốc giáo. Lý tưởng của Ito Hirobumi là quốc gia lập hiến văn minh, trong khi việc quy định về quốc giáo là lạc hậu, cản trở sự phát triển như đã nêu trên.

Về quy định trong Điều 28, Đại Nhật Bản đế quốc hiến pháp, Ito đã giải thích như sau:“Bên trong thì tự do tín ngưỡng hoàn toàn không bị hạn chế, nhưng sự tự do về hình thức lễ bái, truyền giáo bên ngoài thì phải bị hạn định bởi những quy định của phá­p luật”[5]. Qua đó, có thể thấy, mặc dù Ito không tiếp thu ý tưởng xây dựng quốc giáo, nhưng trong quan điểm về tự do tín ngưỡng đã có sự phân định về mức độ trao quyền tự do cho hoạt động lễ bái, truyền giáo mang tính quốc gia với các tôn giáo khác. Mặc dù Ito đã có những nhận thức tiến bộ về tự do tín ngưỡng, nhưng đúng như Shinooka Hiroshi đã nhận định, đây là “thứ được nhà nước ban cho người dân” mà không phải là quyền cơ bản của con người. Từ hạn chế này đã dẫn đến những định hướng trong chính sách đối với tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng của chính phủ Minh Trị, khiến quy định về tự do tín ngưỡng trong Đại Nhật Bản đế quốc hiến pháp càng trở nên thiếu thực chất.

1.1.2.  Quan điểm của Inoue Kowashi về tôn giáo và “tự do tín ngưỡng”.

Inoue Kowashi[6] cũng là một trong những nhân vật quan trọng tham gia vào quá trình soạn thảo Đại Nhật Bản đế quốc hiến pháp. Trong “Thuyết phê phán thói bắt chước châu Âu”[7], Inoue cho rằng, “nếu chính quyền chi phối tôn giáo thì sẽ đến lúc tôn giáo chi phối lại chính quyền”. Từ đó, ông đưa ra ý kiến chính quyền không nên can thiệp vào tôn giáo.

Tuy nhiên, Inoue lại đánh giá cao vai trò của Thần đạo với tư cách là “quốc lập chi bản”, “phong tục chi nguyên” và cho rằng, chính phủ cần phải sử dụng Thần đạo như một công cụ hữu hiệu, còn các tôn giáo khác thì có thể phó mặc cho hoạt động tự do. Theo Inoue thì “về mặt luật pháp cần công bố về quyền tự do tông chỉ, nhưng về mặt hành chính thì phải phân biệt giữa tôn giáo được công nhận và tôn giáo không được công nhận”[8]. Nghĩa là, về cơ bản, quan điểm tự do tín ngưỡng của Inoue Kowashi không khác với Ito Hirobumi, tức là thứ tự do trong khuôn khổ quản lý của chính quyền, mà không phải là tự do trọn vẹn và đương nhiên.

1.2. Chính sách đối với tôn giáo của chính phủ Minh Trị và Điều 28, Đại Nhật Bản đế quốc hiến pháp

1.2.1. Chính sách đối với tôn giáo của chính phủ Minh Trị.

Như đã biết, từ đầu thời Minh Trị, giới tôn giáo đã chứng kiến những chuyển biến lớn về mặt chủ trương, chính sách đối với tôn giáo của chính phủ Minh Trị. Trong phần này, tác giả sẽ trình bày rõ hơn về vị trí của các tôn giáo, đặc biệt là của Thần đạo và Phật giáo, trong chính sách của chính phủ Minh Trị để thông qua đó có thể hiểu được về thực chất của quy định “tự do tín ngưỡng” trong Điều  28, Đại Nhật Bản đế quốc hiến pháp.

Trước hết cần phải khảo cứu về cách nhìn nhận đối với Thần đạo của những nhân vật quan trọng trong việc hoạch định chính sách tôn giáo lúc bấy giờ như Ito Hirobumi, Inoue Kowashi...Như đã nói ở trên, Ito Hirobumi đã tiếp thu tư tưởng tự do tín ngưỡng, nhưng không chấp nhận đề xuất về quốc giáo từ các nhà luật học phương Tây. Tuy nhiên, trong ý tưởng xây dựng chính quyền mới thì Ito lại khẳng định vai trò của Thiên hoàng với tư cách là “cơ trục”, tức trụ cột của quốc gia như sau:

châu Âu, mầm mống chính trị lập hiến đã có từ hơn 1000 năm, nên người dân đã quen với chế độ này. Hơn nữa, họ còn có tôn giáo đóng vai trò là trụ cột, thấm sâu vào tinh thần của người dân và quy tụ họ về một mối. Tuy nhiên, ở nước ta thì tôn giáo yếu ớt, không thể trở thành trụ cột quốc gia. Phật giáo đã có thời kỳ hưng thịnh, kết nối được nhân tâm từ trên xuống dưới, nhưng hiện nay lại đang trên con đường suy vong. Thần đạo thì  dựa trên những lời giáo huấn của tổ tông, có thể coi đó là lời răn dạy của tiên tổ, nhưng lại không quy tụ được nhân tâm về một mối với tư cách là tôn giáo. Vì vậy, ở nước ta chỉ có Hoàng thất là có thể trở thành trụ cột[9].

Mặc dù không đánh giá cao vai trò của Thần đạo và không chấp nhận quốc giáo, nhưng khi xây dựng chính quyền quân chủ lập hiến, Ito Hirobumi và chính phủ đương thời đã vấp phải vấn đề về hệ tư tưởng cho chính quyền mới. Vì vậy, họ đã lựa chọn Thần đạo với tư cách là hệ thống tế tự quốc gia.

So với Ito Hirobumi, Inoue Kowashi đánh giá cao vai trò của Thần đạo trong chính quyền hơn khi khẳng định Thần đạo là “nền tảng xây dựng đất nước” (quốc lập chi bản) hay là “nguồn gốc của phong tục” (phong tục chi nguyên). Từ đó, Inoue khẳng định, “cần phải chỉ rõ Thần tự không phải là tôn giáo”[10]. Quan điểm“Thần đạo = Phi tôn giáo” này đã thấy trong ý kiến nêu trên của Stein và có lẽ không chỉ được tiếp thu bởi Inoue Kowashi mà đã trở thành quan điểm chung của các yếu nhân trong chính phủ Minh Trị lúc bấy giờ. Vì vậy, càng về sau này chính sách của chính phủ Minh Trị càng thể hiện rõ trong phương châm đó.

Đồng thời, chính phủ đã triệt để thực hiện đào tạo Giáo đạo chức, phổ biến nghi thức tế tự Thần đạo ở các trường học, công sở, buộc mọi người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt. Qua đó có thể thấy rõ một sự thực là một mặt “tự do tín ngưỡng” được đưa vào trong Đại Nhật Bản đế quốc hiến pháp, nhưng mặt khác chính phủ Minh Trị lại tăng cường hoàn thiện thể chế Thần đạo quốc gia và cưỡng chế một cách mạnh mẽ đối với việc thực hiện những nghi thức Thần đạo của người dân.

Ngược lại, với chính sách tôn vinh Thần đạo với tư cách là quốc giáo, chính phủ đương thời đã dần từng bước tước đoạt uy thế của giới Phật giáo trong xã hội và loại trừ vai trò của Phật giáo trong thể chế quốc gia. Ngay từ năm Minh Trị thứ 4 (1871), chính phủ đã ban hành “Thượng chi lệnh”, trong đó quốc hữu hóa toàn bộ ruộng đất mà đền chùa sở hữu. Ngoài ra, với Bố cáo số 133 năm Minh Trị thứ 5 (1872) và Bố cáo số 26 năm Minh Trị thứ 6 (1873), chính phủ đã tỏ rõ thái độ không bảo hộ Phật giáo như trước đây, nên đã gây một cú sốc không nhỏ đối với giới Phật giáo. Nghĩa là, khác với Thần đạo, đối với Phật giáo, chính phủ Minh Trị thể hiện quan điểm Chính giáo phân ly, tách tôn giáo ra khỏi chính trị và chính quyền không can thiệp vào hoạt động của giới Phật giáo như Mạc phủ Edo trước đây.

Hơn nữa, với hàng loạt chính sách thể hiện quan điểm coi tăng ni không còn là đẳng cấp đặc biệt như trước đây mà hạ thấp ngang bằng như những thường dân khác, chính phủ đương thời đã tạo đà cho những phong trào như Phá Phật hủy Thích...và đặt giới Phật giáo trước nguy cơ suy vong hơn là phát triển trong thể chế mới theo tinh thần “tự do tín ngưỡng” của Điều 28, Đại Nhật Bản đế quốc hiến pháp.

1.2.2. Điều 28, Đại Nhật Bản đế quốc hiến pháp và vấn đề “tự do tín ngưỡng”.

Như đã đề cập ở trên, trong Điều 28, Đại Nhật Bản đế quốc hiến pháp đã quy định như sau:

Thần dân Nhật Bản có tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong giới hạn không làm tổn hại đến trật tự, an ninh xã hội và không đi ngược lại với nghĩa vụ của một thần dân.

Tuy nhiên, đây không phải là văn bản đầu tiên của chính phủ đề cập đến vấn đề tự do trong tôn giáo. Từ năm Minh Trị thứ 8, Giáo bộ tỉnh đã ban hành “Thông báo về tự do tín ngưỡng, tôn giáo” với nội dung như sau:

Chính phủ quyết định ban hành quy định đảm bảo sự tự do về tín ngưỡng, tôn giáo của Thần đạo, Phật giáo cũng như các tôn giáo khác và sẽ đảm bảo để không làm ảnh hưởng đến sự đóng góp của các tôn giáo về mặt hành chính. Điều này là vì các nhà hoạt động tôn giáo. Các nhà hoạt động tôn giáo sẽ được tự do tín ngưỡng và được chính phủ đảm bảo về mặt hành chính. Tuy nhiên, không chỉ cần phải theo chiếu chỉ và chú ý không làm tổn hại đến chính trị, mà còn phải song hành giữa việc hướng thiện và giáo hóa cho người dân [11].

Trong văn bản này, sự tự do cũng là trong khuôn khổ như trong Điều 28, Đại Nhật Bản đế quốc hiến pháp. Qua khảo cứu về chính sách tôn giáo của chính phủ Minh Trị ở trên, có thể thấy sự lúng túng trong việc lựa chọn “công cụ” về mặt tinh thần để quy tụ người dân vào một thể chế quốc gia thống nhất. Trong suốt thời Minh Trị, chính phủ đã phải ban hành hơn 300 văn bản quy định khác nhau để quản lý tôn giáo. Và một điều đáng chú ý là cácvăn bản pháp quy với số lượng đồ sộ như vậykhông thống nhất theo một phương châm nhất quán, mà thay đổi theo từng năm. Thậm chí luật định của năm sau mâu thuẫn với năm trước. Điều này chứng tỏ chính phủ Minh Trị đã rất khó khăn trong việc quản lý giới tôn giáo.

Trước hết, có thể thấy sự lúng túng của chính phủ mới trong việc trọng đại nhất của quốc gia là xác định trụ cột quốc gia. Như Ito Hirobumi đã chia sẻ về mục đích xây dựng hiến pháp: “Khi chế định hiến pháp lần này thì trước hết phải đi tìm trụ cột quốc gia và phải xác định trụ cột quốc gia là gì”[12]. Và chính Ito sau đó đã xác định được trụ cột chỉ có thể là Hoàng thất. Điều trăn trở tiếp theo là việc trang bị hệ tư tưởng cho trụ cột quốc gia đó. Mặc dù Ito phủ nhận việc xây dựng thể chế quốc giáo, nhưng dường như đã không còn lựa chọn nào khác ngoài việc khoác lên Hoàng thất chiếc áo cũ của những nghi thức tế tự Thần đạo với chủ trương Vương chính phục cổ. Điều này đã tạo ra hai dòng chảy ngược nhau trong đường hướng Minh Trị duy tân. Trong khi về khoa học, kỹ thuật..., chính phủ Minh Trị ra sức cử các đoàn sứ giả sang phương Tây để tiếp thu những thành tựu tiên tiến, hô hào khai hóa văn minh thì về mặt tư tưởng, đáng tiếc là với chủ trương Vương chính phục cổ nêu trên, tư duy về chính trị lại bị quay ngược dòng thời gian. Hơn nữa, điều đáng nói ở đây là, theo nhận định của nhà nghiên cứu Sueki Fumihiko thì đây lại chỉ là thứ “cổ tầng giả ảo”[13].

Có thể thấy rõ mâu thuẫn nêu trên trong quy định về “tự do tín ngưỡng” của Điều 28, Đại Nhật Bản đế quốc hiến pháp. Mặc dù Ito Hirobumi và các yếu nhân của chính phủ đã nhận thức được “tự do tín ngưỡng” là thành quả lớn lao của văn minh, là điều kiện cần thiết để xây dựng một quốc gia văn minh và đưa vào trong hiến pháp nhằm khẳng định với các nước phương Tây rằng, Nhật Bản là đất nước có chủ quyền, văn minh và có thể sánh vai với các nước phương Tây, từ đó tác động đến quá trình sửa đổi Hiệp ước bất bình đẳng. Có thể nói, sức ép từ các nước phương Tây cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy việc đưa quy định về “tự do tín ngưỡng” vào Đại Nhật Bản đế quốc hiến pháp.

Có nghĩa là, chính phủ Nhật Bản đương thời đã không thực hiện một cuộc cách mạng xã hội triệt để, khi lựa chọn trụ cột quốc gia dựa vào thể chế cũ. Vô hình trung, họ đã đặt mình vào tình thế khó xử khi vấp phải sự lựa chọn giữa văn minh phương Tây và thể chế cũ. Chính sự “hữu danh vô thực” của quy định “tự do tín ngưỡng” trong Điều 28, Đại Nhật Bản đế quốc hiến pháp là hệ lụy đáng tiếc của sự lựa chọn đó.

Đây chính là hạn chế lớn trong chính sách đối với tôn giáo nói riêng, cải cách xã hội nói chung của chính phủ Minh Trị, làm quá trình cải biến nhận thức về xã hội bị đẩy lùi. Đối với giới Phật giáo Nhật Bản đương thời, điều này đã có những ảnh hưởng không nhỏ và dẫn đến sự xuất hiện của những phản ứng khác nhau từ phía các giáo đoàn.

2.Cách nhìn nhận và phản ứng của giới Phật giáo đối với phương châm “tự do tín ngưỡng” của chính phủ Minh Trị

2.1. Cách nhìn nhận về “tự do tín ngưỡng” của giới Phật giáo Nhật Bản thời cận đại

2.1.1. Cách nhìn nhận của Shimaji Mokurai về tôn giáo và “tự do tín ngưỡng”.

Shimaji Mokurai được coi là một trong những vị tăng đã sớm nhận thức về vấn đề cần phải tách bạch giữa chính trị với tôn giáo và sự tự do trong tôn giáo. Năm Minh Trị thứ 4 (1871), ông đã được chi phái Hongan-ji, Tịnh độ chân tông cử đi thị sát ở châu Âu (từ tháng 1 năm Minh Trị thứ 5 đến tháng 7 năm Minh Trị thứ 6), tận mắt chứng kiến tình hình tự do tôn giáo, chính giáo phân ly của các nước châu Âu và thấy cần thiết phải thiết lập tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Nhật Bản. Tuy nhiên, ngược lại với những kỳ vọng của Shimaji Mokurai, ông lại được nghe tin từ trong nước rằng, Giáo bộ tỉnh chủ trương “xây dựng một tôn giáo thống nhất trên cơ sở Nho giáo, Phật giáo, Thần đạo” và buộc người dân noi theo. Hơn nữa, Giáo bộ tỉnh còn quy định về Giáo đạo chức, chia thành 14 cấp độ khác nhau và bổ nhiệm chức vụ đó đối với các tăng ni Phật giáo và thần chức Thần đạo để giáo hóa dân chúng theo Tam điều giáo tắc, tức là “Kính thần ái quốc”, “Thiên lý nhân đạo”, “Triều chỉ tuân thủ”. Theo đó, giới tăng ni Phật giáo không được thuyết giảng về Phật giáo, mà phải theo chủ trương trên của chính phủ. Vì vậy, Shimaji đã gửi “Kiến nghị về sự hợp nhất tam giáo”[14], trong đó có thể hiện quan điểmtôn giáo liên quan đến vấn đề tâm linh của cá nhân con người và nên tách bạch hẳn với chính trị.

Trên cơ sở quan sát, nghiên cứu tình hình tôn giáo ở các nước phương Tây, Shimaji đã rút ra được cách nhìn nhận về “tôn giáo” của mình và phân biệt giữa mê tín và tôn giáo. Theo Shimaji thì Thần đạo và các hình thức tín ngưỡng dân gian là biến thể của đa thần giáo, nên không phải là thứ tôn giáo hoàn chỉnh, mà chỉ là dạng thức của thần thoại hoặc mê tín. Tuy nhiên, quan điểm này khác hẳn với quan điểm coi Thần đạo là “phi tôn giáo” của chính phủ đương thời.

Năm Minh Trị thứ 8, Shimaji Mokurai đã gửi “Kiến nghị sửa đổi giáo pháp”, trong đó chủ trương tự do tôn giáo, tín ngưỡng với lý do: “Việc phó mặc cho người dân được quy y theo tôn giáonào chính là quy định của các quốc gia văn minh”[15]. Hơn nữa, ông còn phân biệt giữa Phật giáo với tư cách là “tôn giáo” với Thần đạo với tư cách là “trị giáo” và cho rằng, chỉ “trị giáo” mới cần giáo hóa cho người dân theo chính sách của chính phủ, còn các tôn giáo có thể được hoạt động tự do. Quan điểm này khá gần với chủ trương của chính phủ đương thời.

Như vậy, có thể thấy Shimaji Mokurai là một trong những vị tăng đã có những đóng góp nhất định trong việc tiếp thu những cách nhìn nhận mới, khái niệm mới về tôn giáo  phương Tây và đã có những kiến nghị nhằm cải cách giới tôn giáo nói chung, giới Phật giáo nói riêng, trong đó có vấn đề về tự do tín ngưỡng. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là mặc dù Shimaji đã có những sự thỏa hiệp nhất định với chính quyền khi đưa ra các chính kiến của mình, nhưng không hẳn đã được chính phủ đương thời tiếp thu theo chiều hướng có lợi cho giới Phật giáo.

2.1.2. Phong trào đòi công nhận Phật giáo nhìn từ quan điểm “Tự do tín ngưỡng.

Phong trào vận động chính quyền công nhận Phật giáo (仏教公認運動) đã diễn ra khoảng từ năm Minh Trị 32 (1899), tức là 10 năm sau khi Đại Nhật Bản đế quốc hiến phápđược ban hành với vai trò trung tâm của InoueEnryō[16] và Ōuchi Seiran[17]. Phong trào này xuất phát từ việc sửa đổi hiệp ước bất bình đẳng đối với phương Tây, cho phép người phương Tây được lưu trú tại Nhật Bản và công nhận sự tự do tôn giáo của họ. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản đương thời đã đẩy mạnh việc xây dựng quốc giáo hóa đối với Thần đạo. Trước nguy cơ bị mất địa vị xã hội, trong nội bộ giới Phật giáo đã diễn ra phong trào yêu cầu chính phủ công nhận Phật giáo với tư cách là tôn giáo vì sự nghiệp chung, có thể giúp ích cho công cuộc duy tân đất nước lúc bấy giờ và có vai trò không kém Thần đạo. Mục đích chính của phong trào là đòi đặc quyền cho giới tăng ni và yêu cầu chính phủ phải bảo vệ đặc quyền đó.

Trong phong trào này, “Công nhận giáo được định nghĩa là “tôn giáo được chính phủ công nhận là mang lại lợi ích cho quốc gia, không đi ngược lại với chủ trương của quốc gia về giáo lý, tổ chức, tăng đoàn, giáo hội[18]. Trong văn bản “Ý kiến đóng góp cho Luật tôn giáo do đại diện một số tông phái soạn thảo và gửi cho chính phủ vào năm 1899[19], giới tăng ni đã khẳng định,  Phật giáo đóng vai trò quan trọng cho đất nước, nên chính phủ cần công nhận và có chính sách bảo hộ riêng. Vào ngày 8 tháng 5 năm 1899, Toàn quốc Phật giáo đồ đại hội đã được tổ chức ở Chion-in, Kyōto và  hai ngày sau đó, tức ngày 10 tháng 5 Công nhận giáo chế độ kỳ thành đồng minh hội được thành lập và phong trào đòi công nhận Phật giáo đã lan rộng ra cả nước.

Trong văn bản phúc đáp yêu cầu của giới Phật giáo ban hành vào ngày 31 tháng 7 năm 1899, Bộ trưởng Bộ nội vụ Saigō Jūdō cho rằng: “Về tín giáo, trong Điều 28 của Hiến pháp đã quy định trong chừng mực không cản trở an ninh, trật tự và không đi ngược lại với nghĩa vụ của thần dân thì sẽ được ban cho quyền tự do đó. Thần dân sẽ được hưởng ân huệ đó”[20].

Mặc cho cảnh báo từ chính phủ, phong trào đòi công nhận Phật giáo ngày càng lên cao. Trong đại hội diễn ra vào ngày 5 tháng 2 năm Minh Trị thứ 33 (1900) đã có đại diện của khoảng 300 tổ chức Phật giáo với tổng cộng 5.000 người tham gia. Khi đó, một trong những người đại diện của phong trào đã khẳng định chủ trương cho rằng, chế độ Công nhận giáo là “dựa trên nguyên tắc tự do tín ngưỡng, thể hiện đúng chủ trương chính giáo phân ly, nhưng không phải phân ly hoàn toàn mà là chế độ có trật tự rõ ràng, trong đó giải quyết vấn đề lớn là Chính giáo tương quan[21]. Theo đó, giới Phật giáo sẽ xây dựng tổ chức, tập hợp lực lượng, truyền bá giáo lý và xây dựng giáo hội mà không đi ngược lại với quy định của chính phủ. Hơn nữa, với bề dày lịch sử và số lượng Phật tử lớn trên cả nước, giới Phật giáo sẽ cống hiến trong việc xây dựng phong tục, tập quán, đạo đức cho người dân. Tuy nhiên, những nguyện vọng đó của giới Phật giáo đều không được chính phủ đương thời tiếp nhận và không được phản ánh trong Luật tôn giáo.

Điều đáng chú ý là, ngay trong thời kỳ này đã xuất hiện ý kiến phê phán phong trào từ những người có quan điểm cho rằngcần xây dựng một nền Phật giáo mới. Họ cho rằng, “yêu cầu được công nhận bởi công quyền chính là việc yêu cầu được chính quyền giám sát”, là “muốn được sự can thiệp của chính quyền”, nhưng “rủi thay, nguyện vọng đó lại không được chính phủ tiếp nhận[22]. Quả thực, nếu nhìn từ góc độ tự do tín ngưỡng thì chủ trương của phong trào đòi công nhận Phật giáo là đi ngược dòng và thể hiện tư duy cũ, muốn được chính quyền bảo hộ, tức là lệ thuộc vào chính quyền. Chính từ thất bại này mà trong giới Phật giáo đã xuất hiện ý tưởng cải cách mới, hướng đến xây dựng một nền Phật giáo độc lập với chính quyền của những tăng ni theo phong trào Phật giáo mới như đã nêu trên.

2.2.Phản ứng của giới Phật giáo Nhật Bản về quy định “tự do tín ngưỡng

2.2.1. Hoạt động vận động và phê phán chính sách của giới Phật giáo Nhật Bản trước khi Đại Nhật Bản đế quốc hiến pháp ra đời.

Không chỉ hoạt động một cách đơn lẻ, trong nội bộ Phật giáo thời kỳ này còn dấy lên phong trào lập các hiệp hội nhằm tạo sự đoàn kết nội bộ, nâng tầm ảnh hưởng đối với chính quyền và xã hội. Ngay từ năm Minh Trị thứ 2, Chư tông đồng đức hội minh đã được thành lập bởi những nhà sư đứng đầu các tông phái với khẩu hiệu giương cao ý thức hộ pháp trì giới. Chủ tịch đầu tiên của Hội là Tōkoku của chùa Dairyū-ji, Lâm Tế tông. Ngay từ đầu Hội đã đưa ra 8 nội dung cần bàn thảo. Mặc dù không dễ dàng để đi đến thống nhất và giải quyết các vấn đề đó, nhưng sự hình thành của Chư tông đồng đức hội minh đã tạo nên khối đoàn kết vững mạnh trong nội bộ, giúp giới Phật giáo có thể đứng vững trong những biến chuyển của thời đại.

Ngoài hiệp hội của toàn thể giới Phật giáo như Chư tông đồng đức hội minh, trong từng tông phái cũng hình thành những đoàn thể riêng. Khởi đầu là xuất hiện của Tào Động tông giáo hộiChân tông giáo hội vào năm Minh Trị thứ 9 (1876). Sau đó lần lượt các tông phái khác như Tịnh độ tông, Thiên thai tông, Chân ngôn tông…cũng lập hội riêng. Điều đặc biệt cần chú ý ở đây là những hội này không chỉ cósựtham gia của các tăng ni mà cả của các Phật tử, thậm chí là Phật tử đến từ các tông phái khác nhau, từ đó làm dấy lên phong trào Phật giáo mới.

Nghĩa là, mặc dù trong nội bộ giới Phật giáo đương thời vẫn có những ý kiến phản đối chính sách phục cổ, đưa Thần đạo lên thành Thần đạo quốc gia, nhưng trước nguy cơ tồn vong của giới Phật giáo, các tăng ni vẫn phải tỏ ra đồng tình với chính sách của chính phủ, hợp tác với Thần đạo trong công tác giáo hóa dân chúng. Điều này một mặt đã giúp chính phủ mới củng cố vị trí của Thần đạo, nhưng mặt khác đã thể hiện hạn chế của giới Phật giáo đương thời khi vẫn lệ thuộc vào quyền lực chính trị.

2.2.2. Phản ứng của giới Phật giáo Nhật Bản đối với Điều 28, Đại Nhật Bản đế quốc hiến pháp.

Sau khi Đại Nhật Bản đế quốc hiến pháp được ban hành, trong giới Phật giáo đã xuất hiện những phản ứng khác nhau về quy định liên quan đến tự do tín ngưỡng. Như đã khảo cứu ở phần 2.1.2 về phong trào đòi công nhận Phật giáo, không phải ngay từ đầu bản thân các tăng ni đã nhận thức đúng về quyền tự do tín ngưỡng của mình. Tâm lý lệ thuộc vào chính trị từ Phật giáo trấn hộ quốc gia thời cổ đại hay lý luận “Phật pháp Vương pháp tương ỷ” đã bám rễ sâu vào cơ cấu tổ chức, vận hành của các giáo đoàn, khiến họ cảm thấy lạc lõng và như bị bỏ rơi khi chính phủ Minh Trị thực hiện chính sách chính giáo phân ly, mà không thấy đó như là một cơ hội để phát triển độc lập với chính quyền.

Sau những thất bại trong quá trình vận động chính sách, yêu cầu chính phủ đưa ra những quy định quản lý, giới Phật giáo đã tự đứng ra soạn thảo các “Tông quy”, tức quy định của riêng tông phái nhằm thiết lập, chỉnh đốn lại tổ chức, hoạt động theo hướng mới. Đây chính là một trong những phương sách mà giới Phật giáo Nhật Bản đã tích cực thực hiện nhằm tái cơ cấu tổ chức để thích nghi với bối cảnh chính trị, xã hội mới. Mặc dù Tông quy của mỗi chi phái, tông phái đề cập đến những nội dung khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là những quy định về tổ chức nội bộ như quan hệ giữa bản tự và mạt tự, quy định về việc đắc độ, thụ giới, về hoạt động đào tạo tăng ni...

Ngoài ra, trong những năm Minh Trị thứ 30 đã xuất hiện nhiều tổ chức và phong trào Phật giáo mới. Ví dụ như, tổ chức Phật giáo thanh đồ đồng chí hội đã được kết thành vào tháng 2 năm Minh Trị thứ 32 với chủ yếu những thành viên tu tại gia, trong đó có Sakai-no-Kōyō và Sugimura Kōtarō... Hơn một năm sau đó, vào tháng 7 năm Minh Trị thứ 33, báo “Tân Phật giáo” đã được phát hành số đầu tiên và đã đăng tải “tuyên ngôn” của hội như sau: “Chúng tôi là những người phản đối Cựu Phật giáo, cải cách Cựu Phật giáo, nhưng không phá hủy Cựu Phật giáo mà xây dựng và cổ vũ cho tín ngưỡng mới”. Với họ, Cựu Phật giáo là “Cựu Phật giáo theo hủ tục”, “Cựu Phật giáo mang tính hình thức”, “Cựu Phật giáo mê tín”, “Cựu Phật giáo yếm thế”, “Cựu Phật giáo không tưởng”…Đặc biệt, ở số báo đầu tiên này, những người sáng lập còn cho đăng tải “Cương lĩnh”, trong đó có nêu “chúng tôi từ chối mọi sự can thiệp, bảo hộ về mặt chính trị”. Qua đó có thể hiểu được phương châm có tính chất cách tân mạnh mẽ của Phật giáo thanh đồ đồng chí hội cũng như tạp chí “Tân Phật giáo”. Tuyên bố từ chối mọi sự can thiệp, bảo hộ về mặt chính trị, nghĩa là theo đúng tinh thần chính giáo phân ly, tự do tín ngưỡng, điều chưa từng thấy trong giới Phật giáo Nhật Bản thời kỳ trước đó. Đến lúc này, đã bắt đầu xuất hiện những tăng ni nhận thức được về quyền tự chủ, tự do của mình và can đảm khẳng định trước chính quyền quốc gia.

Kết luận

Thông qua cách hiểu và phản ứng của giới Phật giáo đương thời về “tự do tôn giáo” cũng có thể hiểu được về con đường gập ghềnh, gian truân mà họ đã trải qua trong quá trình cận đại hóa. Để có thể vượt qua những thử thách của thời đại, giới Phật giáo đã có nhiều hoạt động cải cách theo nhiều xu hướng khác nhau. Bằng cách này hay cách khác, các tông phái đã thử nghiệm, dấn thân, có khi thất bại và cũng có những trường hợp thành công, góp phần định hướng cho sự phát triển của tông phái nói riêng và toàn thể giới Phật giáo Nhật Bản nói chung.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ định rằng, giới Phật giáo Nhật Bản đã vấp phải một số hạn chế nhất định như xu hướng chạy theo chính trị, kinh tế, tham gia vào việc truyền bá tư tưởng Hoàng quốc, đẩy nhanh quá trình hình thành chủ nghĩa dân tộc cực đoan...

Như vậy có thể thấy, Minh Trị là thời kỳ chứng kiến nhiều chuyển biến lớn về mặt chính trị, xã hội và tôn giáo của Nhật Bản. Người ta dễ phán đoán một chiều về sự thành công của công cuộc cận đại hóa ở Nhật Bản thời kỳ này, nhưng qua thực tiễn của riêng giới Phật giáo cũng có thể thấy chính phủ và giới Phật giáo đã gặp không ít lúng túng trước những biến chuyển của thời đại. Mặc dù về các mặt như kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục..., Nhật Bản đã thực hiện khai hóa văn minh, chuyển mình mạnh mẽ, nhưng đã gặp phải vấn đề cốt yếu là những lựa chọn trong việc xây dựng thể chế quốc gia.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Phạm Thị Thu Giang, “Hoạt động cải cách tôn giáo của giới Phật giáo Nhật Bản trong công cuộc Minh Trị duy tân (1868-1912)”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, Số 4, 4/2017.
  2. 林淳、大谷栄一編集、『特集 近代仏教』、『日本思想史』、ぺりかん社、2000年(Hayashi Makoto, Ōtani Eiichi (đồng chủ biên), Lịch sử tư tưởng Nhật Bản, “Số đặc biệt - Phật giáo cận đại”, Nxb Perikan, 2000).
  3. 柏原祐泉『『日本仏教史- 近代-』吉川弘文館、 1990年』(Kashiwahara Yūsen, Lịch sử Phật giáo Nhật Bản - Cận đại, Nxb Yoshikawa Kōbunkan, 1990).
  4. 大谷栄一『近代仏教という視座―戦争・アジア・社会主義 』、ぺりかん社、2012年Ōtani Eiichi, Cách tiếp cận mới trong nghiên cứu Phật giáo cận đại - Chiến tranh, châu Á, chủ nghĩa xã hội, Nxb Perikan, 2012).
  5. 篠岡博、「自由の信教について」、大谷学報、1965年 (Shinooka Hiroshi, Luận về tự do tín ngưỡng, Báo cáo học thuật Đại học Otani, 1965).
  6. 林淳「近代日本の「信教の自由」―世俗化ではなくライシゼイション―」、『宗教研究』、<特集>第74回学術大会紀要、2016年(Hayashi Makoto, “Tự do tín ngưỡng“ thời cận đại ở Nhật Bản – Sự phân tách giữa chính trị với tôn giáo (Laicisation) mà không phải là thế tục hóa, Đặc san- Kỷ yếu nhân kỷ niệm hội thảo lần thứ 75, Hội nghiên cứu Lịch sử tôn giáo, 2016).

 

Modern Japanese Buddhism and Religious Freedom Problem

Pham Thi Thu Giang

The Meiji Restoration is often seen as a radical reform of Japanese society by absorbing Western civilization and leading Japan from feudalism to a constitutional monarchy. However, from the perspective of political ideology, the Meiji government saw ancient times as an ideal era and changed Shinto to state religion. In this paper, I analyzed the process of introducing the provision of "Freedom of Religion" into the Meiji Constitution and the reaction of Buddhist monks and nuns to it. Then I examined how both Japanese government and the Buddhist community have become confused during the process of absorbing new concepts and ideas from the West. Through these discussion, I tried to clarify the modernization of the Japanese Buddhist in the Meiji era.



[1]PGS. TS., Chương trình Nhật Bản học, Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội

[2]Ito Hirobumi (1841-1909) là chính trị gia thời Minh Trị của Nhật Bản. Ông từng 4 lần được cử làm Nội các tổng lý đại thần, tương đương với chức vụ Thủ tướng Nội các hiện nay. Trong nhiệm kỳ làm Nội các tổng lý đại thần lần thứ nhất (1885-1888) đồng thời là Nội các tổng lý đại thần đầu tiên của chính phủ Minh Trị, ông đã đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng Đại Nhật Bản đế quốc Hiến pháp.

[3]Ito Hirobumi, Hiến pháp nghĩa giải, Iwanami Bunko, 1940, tr. 59 (伊藤博文『憲法義解』岩波文庫、1940年、59頁).

[4]Ito Hirobumi, “ Hiến pháp nghĩa giải“, Iwanami Bunko, 1940, tr. 59 (伊藤博文『憲法義解』岩波文庫、1940年、59頁).

[5]Ito Hirobumi, Hiến pháp nghĩa giải, Iwanami Bunko, 1940, tr. 60(伊藤博文『憲法義解』岩波文庫、1940年、60頁).

[6]Inoue Kowashi (1844-1895) là võ sĩ xuất thân từ vùng Kumamoto, Nhật Bản. Sau Minh Trị duy tân, ông đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng của chính phủ như Bộ trưởng Bộ Giáo dục...và tham gia khởi thảo nhiều văn bản quan trọng của chính phủ đương thời như Đại Nhật Bản đế quốc Hiến pháp, Hoàng thất điển phạm, Giáo dục sắc ngữ...

[7]Nguyên văn trong tiếng Nhật là “ 欧州模倣ヲ非トスル説”.

[8]Kiến nghị xóa bỏ Giáo đạo chức, Quyển 3, tr. 391-392 (『教導職廃止意見案』第三書、391~392頁).

[9]Viện xu mật biên soạn, Biên bản các cuộc họp của Viện xu mật, Quyển 1, Hội xuất bản Đại học Tōkyō, 1984, tr. 157 (枢密院編『枢密院会議議事録』第1巻、東京大学出版会、1984年、157頁).

[10]Tự truyện Inoue Kowashi, Sử liệu, Quyển 6, 1977, tr. 162-171(『井上毅伝』史料編第6、1977年、162~171頁).

[11]Tài liệu điều tra chế độ tôn giáo, Tập 2, Cục tôn giáo, Bộ Văn hóa Giáo dục, 1921, tr.199.

[12]Viện xu mật biên soạn,  “Biên bản các cuộc họp của Viện xu mật”, Quyển 1, Hội xuất bản Đại học Tōkyō, 1984, tr. 156 (枢密院編『枢密院会議議事録』第1巻、東京大学出版会、1984年、156頁).

[13]Sueki Fumihiko (2011), Lịch sử tôn giáo Nhật Bản, Phạm Thu Giang dịch, Nxb Thế giới & Công ty sách Alpha.

[14]“Shimaji Mokurai toàn tập” Tập 1, Nxb Hongan-ji, 1973, tr. 11(『島地黙雷全集』、第1巻、本願寺出版協会、1973年、11頁).

[15]Shimaji Mokurai, “Kiến nghị việc sửa đổi giáo pháp”, “Tuyển tập kiến nghị thời Minh Trị”, Tập 2, Nxb Chikuma Shobō, 2000(『明治建白書集成』、第2巻、筑摩書房、2000年).

[16]Inoue Enryō (1858-1919), nhà sư, nhà triết học Phật giáo, nhà giáo dục thời Minh Trị.

[17]Ōuchi Seiran (1845-1918), nhà Phật học, nhà tư tưởng thời Minh Trị.

[18]Tông báo, Số 1, Ngày 13 tháng 10 năm Minh Trị thứ 31(『宗報』第1号、明治31年10月13日)。

[19]Tông báo, Số đặc biệt, Ngày 1 tháng 5 năm Minh Trị thứ 32 (『宗報』号外、明治32年5月1日).

[20]Tông báo, Số 11(『宗報』第11号).

[21]Tông báo, Số 15 (『宗報』第15号).

[22]Phật giáo, Số 148, Ngày 15 tháng 3 năm Minh Trị thứ 32(『仏教』第148号、明治32年3月15日).

0thảo luận