Trang chủ

Phụ nữ tham chính ở Nhật Bản hiện nay

Đăng ngày: 28-10-2022, 08:14 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 3

Tóm tắt: Tham chính hay nói đầy đủ là tham gia chính trị bao gồm quyền bỏ phiếu, quyền ứng cử, quyền xây dựng và thực hiện các chính sách, tham gia vào bộ máy công quyền, các tổ chức xã hội và hiệp hội trong đời sống chính trị và cộng đồng của quốc gia. Mặc dù số lượng không nhiều, song hiện nay phụ nữ Nhật Bản đã có mặt ở tất cả các lĩnh vực, các hoạt động chính trị của quốc gia, địa vị chính trị của phụ nữ được nâng cao hơn rất nhiều so với thời kỳ trước. Tuy nhiên, do những quan niệm có thiên hướng bất bình đẳng giới về lĩnh vực chính trị, vai trò của phụ nữ ở Nhật Bản mờ nhạt hẳn so với nam giới. Bài viết đi sâu tìm hiểu thực trạng tham chính của phụ nữ Nhật Bản hiện nay, trên cơ sở đó đưa ra một vài nhận định về những thành công, hạn chế và lý giải một vài nguyên nhân dẫn đến hạn chế của công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao địa vị chính trị của phụ nữ Nhật Bản hiện nay.

Từ khóa: Phụ nữ Nhật Bản, tham chính, bất bình đẳng giới

 

1. Phụ nữ tham gia Quốc hội và chính quyền Trung ương[1]

Sau khi được công nhận quyền bầu cử và ứng cử bình đẳng như nam giới, từ cuộc tổng tuyển cử lần thứ 22 (năm 1946), chưa lúc nào Quốc hội Nhật Bản vắng bóng các nghị sĩ nữ. Phụ nữ Nhật Bản luôn duy trì và nâng cao vai trò tham gia chính trị Nhật Bản nói chung và Quốc hội Nhật Bản nói riêng thể hiện qua cả phương diện số lượng nữ nghị sĩ và các hoạt động tích cực của họ trên nghị trường. Không ít người trong số họ đã trở thành các thành viên Nội các[2], nắm giữ vị trí quan trọng trong bộ máy chính trị Nhật Bản như vị trí bộ trưởng, để qua đó có những đóng góp tích cực trong việc nâng cao tiếng nói và vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực này.

Tới năm 2005, tỷ lệ nữ nghị sĩ Nhật Bản đã tăng cao vượt mức năm 1946, đạt 8,9%, đặc biệt là vào năm 2009 đạt kỷ lục với 11,3% (54 người). Năm 2014, trong 475 thành viên Hạ nghị viện Quốc hội Nhật Bản có 45 nữ nghị sĩ, đạt 9,5%. Ở Thượng nghị viện, tỷ lệ nữ có sự gia tăng mạnh mẽ và có xu hướng ổn định hơn ở Hạ nghị viện. Nếu như năm 1947– năm đầu tiên bầu cử thượng nghị viện được tiến hành sau chiến tranh, chỉ có 10 phụ nữ Nhật Bảntrở thành thượng nghị sĩ, chiếm 4,5%; thì tới năm 2013 đã có 39 phụ nữ góp mặt trong Thượng nghị viện, chiếm 16,1%, tăng 3,6 lần. Trong cuộc bầu cử Hạ nghị viện năm 2017, 47 thành viên nữ đã được bầu vào Quốc hội, đây là mức cao nhất sau tỷ lệ kỷ lục 11,3% vào năm 2009[3].

Cùng với đó, trong những năm qua, tỷ lệ phụ nữ Nhật Bảntham gia Nội các đang tăng lên. Thời điểm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, với Nội các của Thủ tướng Ikeda (19/7/1960-11/9/1964), Nhật Bản chỉ có 2 nữ bộ trưởng, tới năm 2000 với Nội các của Thủ tướng Mori (4/7-5/12/2000) Nhật Bản có 8 nữ Bộ trưởng. Từ năm 2001 tới năm 2006, dưới sự lãnh đạo của Thủ Tướng Koizumi, Nhật Bản có tới 14 nữ bộ trưởng được bổ nhiệm. Thủ tướng Abe Shinzo cũng được coi là người rất chú trọng đến việc nâng cao tỷ lệ nữ tham gia Nội các. Ở nhiệm kỳ đầu của Thủ tướng Abe (2006-2007) có 9 nữ bộ trưởng đã được bổ nhiệm. Ở nhiệm kỳ tiếp theo của Thủ tướng Abe Shinzo, đã có tổng cộng 7 nữ bộ trưởng được bổ nhiệm. Chính Thủ tướng Abe là người đã đưa ra quyết tâm nâng tỷ lệ nữ trong Quốc hội Nhật Bản lên 30% vào năm 2020 và ông cũng là người tiên phong trong việc thực hiện mục tiêu này thông qua các nỗ lực duy trì số lượng nhất định các nữ bộ trưởng trong Nội các. Trong số 19 bộ trưởng đương nhiệm của Nhật Bản, có 2 người là nữ, đó là Bộ trưởng Nội vụ Seiko Noda và Bộ trưởng Tư pháp Yoko Kamikawa. Bà Seiko Noda đã mở một ngôi trường chính trị dành riêng cho phụ nữ với hy vọng tạo ra một thế hệ nữ lãnh đạo mới cho đất nước Nhật Bản.

Tuy phụ nữ Nhật Bản đã có được một số thành tựu quan trọng trong phong trào đấu tranh giành quyền tham chính song hiện nay, Nhật Bản vẫn là quốc gia mà sự tham gia của phụ nữ vào chính trị bị coi là mờ nhạt. Điều này không chỉ đúng khi so sánh với các nước cùng trình độ phát triển, mà so với các nước đang phát triển ở châu Á hay châu Phi, sự góp mặt trong lĩnh vực chính trị của phụ nữ Nhật cũng vẫn chưa được đánh giá cao.Theo tài liệu thống kê của Tổ chức Liên minh nghị viện thế giới (IPU), đến tháng 1 năm 2019, tỷ lệ nữ trong Hạ nghị viện của Nhật Bản đứng thứ 165 trong 193 quốc gia với tỷ lệ 10,2% (mức trung bình của thế giới là 24,3%); tỷ lệ nữ trong Thượng nghị viện Nhật Bản là 20,7% (mức trung bình của thế giới là 24,1%)[4].

Theo biểu đồ 1 về sự thay đổi tỷ lệ nữ trong Hạ nghị viện ở một số quốc gia, có thể thấy so với các quốc gia khác tỷ lệ nghị sĩ nữ Nhật Bản rất thấp. Tính đến tháng 1 năm 2020, tỷ lệ nữ trong Hạ nghị viện Nhật Bản chỉ là 9,9% (tỷ lệ nữ trong Thượng nghị viện là 22,9%). Đây là tỷ lệ rất thấp nếu so sánh với các quốc gia khác như Mexico (48,2%), Pháp (39,5%), Anh (33,8%). Không chỉ so với các nước phát triển như Mỹ, Thụy Điển... mà ngay cả khi so sánh với các quốc gia ở khu vực châu Á khác thì tỷ lệ này của Nhật Bảncũng ở mức thấp. Hàn Quốc là quốc gia mà sự tham gia chính trị của phụ nữ cũng bị đánh giá là mờ nhạt, song tỷ lệ nữ nghị sĩ là 17,3%, vẫn cao hơn nhiều so với Nhật Bản (Biểu đồ 1).

Biểu đồ 1: Sự thay đổi tỷ lệ thành viên nữ trong Hạ nghị viện ở một số quốc gia

Phụ nữ tham chính ở Nhật Bản hiện nay
Nguồn: Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) (1/2020)

 

Tỷ lệ nữ nghị sĩ trong Quốc hội Nhật Bản nhìn từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay tăng rất chậm, thậm chí nếu so sánh với thời điểm cuộc tổng tuyển cử năm 1946, thì tỷ lệ nữ nghị sĩ trong Hạ nghị viện thời điểm năm 2012 còn thấp hơn 0,5% (năm 1946 Nhật Bản có 30 nữ nghị sĩ, chiếm 8,4%, năm 2012 chỉ còn 38 người, đạt tỷ lệ 7,9%). Sau cuộc tổng tuyển cử lần thứ 22 tổ chức vào năm 1946, tỷ lệ nữ nghị sĩ trong Hạ nghị viện nhiều năm không những không tăng mà còn giảm đi. Từ năm 1947 tới năm 1993, tỷ lệ nữ nghị sĩ trong Hạ nghị viện luôn giữ ở mức thấp, chỉ từ khoảng 1,2% đến 3,2%. Từ năm 1996, tỷ lệ nữ nghị sĩ trong Quốc hội Nhật Bản tăng lên và đạt mức kỷ lục vào năm 2009 (11,3%), tuy nhiên sau đó tỷ lệ này không ổn định, hiện nay tỷ lệ nữ trong Hạ nghị viện chỉ còn 9,9%[5].

Theo bảng xếp hạng của IPU, tỷ lệ nữ nghị sĩ của Nhật Bảnđang ngày càng có xu hướng thấp dần khi so sánh với các quốc gia khác. Nếu vị trí của Nhật Bản vào năm 1997 là 83, năm 2000 là 98 thì năm 2012 tụt xuống thứ 143, năm 2019 là 165. Năm 1970 tỷ lệ nữ trong Quốc hội Thụy Điển cũng ở tương đối thấp, chỉ đạt 14%. Tuy nhiên, trong vòng khoảng 40 năm (từ 1970 tới 2010) trong khi tỷ lệ nữđại biểu Quốc hội của Thụy Điển đã tăng thêm khoảng hơn 30% để đạt tới 45% thì tỷ lệ này của Nhật Bản vẫn chỉ là 10%. Phải chăng sự tụt hạng đó là do những nỗ lực nhằm tăng tỷ lệ nữ của Nhật Bản vẫn còn “tụt hậu” so với các nước khác.

So với các quốc gia khác trên thế giới, tỷ lệ phụ nữ Nhật tham gia vào Nội các cũng rất thấp. Theo báo cáo của Cục bình đẳng giới, tỷ lệ nữ với tư cách là các ủy viên tham gia các phiên thẩm nghị của Nội các Nhật Bản tăng liên tục và khá nhanh từ năm 1975 đến năm 2010. Nếu năm 1975 tỷ lệ này chỉ đạt 2,4%, thì tới năm 2010 đã tăng thêm 31,4% và đạt 33,8%. Tuy nhiên, tới năm 2012 tỷ lệ này là 32,9% và sụt giảm 2 năm liên tiếp, thấp hơn 0,9% so với thời điểm cao nhất là vào năm 2010 với 33,8%[6]. Sự sụt giảm này báo động tình trạng không ổn định và nguy cơ thất bại trong các chương trình chính sách về bình đẳng giới, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị đang được thực thi tại Nhật Bản.

Tỷ lệ nữ trong các ngành lập pháp cũng tăng không đáng kể: số nữ thẩm phán năm 1998 là 10,2%, năm 2003 là 12,6%; công tố viên năm 1998 chiếm 5,2%, đến năm 2003 là 8,4%, số nữ luật sư năm 1998 là 7,9%, năm 2003 là 11,7%. Số lượng học viên cao học trong các trường luật ở Nhật Bản đang chiếm khoảng 30%[7]. Điều này được cho là tín hiệu về sự gia tăng số lượng các nữ luật sư và tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực tư pháp, tòa án. Mặc dù vậy, con số trên cũng thể hiện quan niệm phân biệt giới trong việc lựa chọn ngành học ở Nhật Bản.

Từ các số liệu thông kê trên, có thể thấy tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và các tổ chức chính trị của Nhật Bản nhìn chung có khuynh hướng tăng lên, song tăng chậm, không ổn định và vẫn đang giữ ở mức thấp. Chỉ số khoảng cách giới (GGI) là chỉ số thể hiện khoảng cách giới trong tiến bộ xã hội ở mỗi quốc gia, được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố hàng năm, dựa trên mức độ tham gia các hoạt động kinh tế và chính trị, trình độ học vấn, tỷ lệ sinh, tuổi thọ, sức khỏe…Năm 2018, GGI của Nhật Bản chỉ đứng thứ 110 trong số 149 quốc gia và thấp nhất trong các quốc gia thuộc nhóm G7. Trong 4 lĩnh vực bao gồm kinh tế, chính trị, giáo dục và sức khỏe, tỷ lệ phụ nữ Nhật Bản tham gia các lĩnh vực kinh tế và thu nhập của phụ nữ chỉ đứng vị trí thứ 117 trong số 149 quốc gia. Lĩnh vực chính trị thể hiện tiêu biểu qua tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội thậm chí còn khiêm tốn hơn rất nhiều, phụ nữ Nhật Bản chỉ đứng thứ 125 trong số 149 quốc gia.

2. Phụ nữ tham gia chính quyền địa phương

Biểu đồ 2 cho thấy những thay đổi về tỷ lệ nữ được bầu trong các cuộc bầu cử ở địa phương. Tại cuộc bầu cử địa phương trên toàn quốc diễn ra vào năm 2015, tỷ lệ nữ được bầu vào hội đồng địa phương cấp tỉnh là 9,1%; hội đồng địa phương cấp thành phố là 15%. Trong đó có 10% tỷ lệ nữ được bầu vào vị trí tỉnh trưởng và 1,8% cho vị trí thị trưởng[8]. So sánh với năm 1947, khi cuộc bầu cử hội đồng địa phương lần đầu tiên được tổ chức sau chiến tranh, tỷ lệ nữ trong hội đồng cấp tỉnh là 0,9%, tăng đến 10 lần; trong hội đồng thành phố là 0,4%, tăng đến 37 lần và có một thống đốc. Thậm chí thời điểm năm 1947 còn không có tỉnh trưởng hay thị trưởng là nữ.

Biểu đồ 2: Sự thay đổi tỷ lệ nữ trong các cuộc bầu cử địa phương

Phụ nữ tham chính ở Nhật Bản hiện nay

Nguồn: Ryohei Takahashi, Trung tâm Giáo dục Chính trị Nhật Bản

 

Nhìn nhận trong cả một khoảng thời gian dài, tỷ lệ nữ chính trị gia tại các địa phương ở Nhật Bản đã tăng đều đặn kể từ những năm 1980 và tăng nhanh kể từ năm 2000. Tỷ lệ này đã tăng gấp tám lần trong hơn 30 năm, từ 1983 đến 2015, khi số lượng nữ trong các hội đồng cấp tỉnh và thành phố bắt đầu tăng lên. Trong cuộc bầu cử địa phương tháng 4/2019 được tổ chức trên toàn quốc, 6 phụ nữ trong số 59 người đã giành chiến thắng để trở thành thị trưởng.

Tỷ lệ nữ là các ủy viên góp mặt trong những ban tư vấn của các tổ chức đoàn thể ở địa phương (地方公共団体の審議会) cũng đang tăng lên, năm 2012 tỷ lệ này ở cấp tỉnh là 34,7%, thành phố là 33%, cấp quận và cấp phường xã lần lượt là 27,6% và 23,3%[9].

Tỷ lệ nữ tham gia vào bộ máy chính quyền địa phương các cấp ở Nhật Bản đã tăng lên đáng kể qua các năm, song vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa bắt kịp mục tiêu xây dựng xã hội bình đẳng giới. Ở các địa phương tại Nhật Bản mặc dù phụ nữ chiếm một nửa dân số, song tỷ lệ phụ nữ tham gia chính quyền rất thấp, có rất ít phụ nữ là tỉnh trưởng hoặc chủ tịch thành phố. Tính đến tháng 1 năm 2020, tỷ lệ trung bình của phụ nữ tham gia các hội đồng cấp tỉnh trên toàn quốc chỉ chiếm 10,0%. Tính đến ngày 1/4/2019, chỉ có 2 trong số 47 tỉnh ở Nhật Bản có tỉnh trưởng là nữ, chiếm 4,3%; chỉ có 32 trong số 1.721 thành phố có thị trưởng là nữ, chiếm 1,9%[10].

Bảng: Phân bổ tỷ lệ thành viên nữ trong hội đồng địa phương

Phụ nữ tham chính ở Nhật Bản hiện nay

Nguồn: Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (31/12/2018)

Theo bảng phân bố tỷ lệ thành viên nữ trong hội đồng địa phương tính đến tháng 12 năm 2018, tỷ lệ thành viên nữ trong hội đồng cấp tỉnh, cấp thành phố và cấp thị trấn lần lượt là 10%, 15,3% và 10,1%, con số này thậm chí còn thấp hơn cả tỷ lệ nữ trong Quốc hội.

Theo “Báo cáo điều tra tình trạng công việc của cán bộ công chức” do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản tiến hành, năm 1991 tỷ lệ nữ trong bộ máy hành chính Nhật Bản là 15,3%, năm 2001 tăng lên 1,8% đạt mức 17,1%, nhưng  năm 2018 giảm chỉ còn 10%. Càng ở các chức vụ quản lý cao, tỷ lệ nữ càng thấp. Cũng theo báo cáo trên, năm 1986 tỷ lệ nữ nắm các vị trí quản lý trong bộ máy hành chính của Nhật Bảnchỉ ở mức 0,6%, sau một phần tư thế kỷ, tới năm 2011, tỷ lệ này chỉ tăng thêm 2%, đạt 2,6%.

Tỷ lệ nữ góp mặt trong các ban tư vấn của các lĩnh vực, cả ở trung ương và địa phương để bàn định các đường lối chính sách ở Nhật Bản cũng ở mức thấp và giảm liên tiếp trong nhiều năm gần đây. Năm 2012 tỷ lệ này ở nữ chỉ đạt 25,8%. Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ đảm nhiệm các vị trí “ủy viên chuyên trách” chỉ đạt 19%[11].

Tỷ lệ nữ trong hội đồng địa phương các cấp cũng có sự khác biệt giữa phụ nữ ở thành thị so với phụ nữ ở nông thôn và giữa các tỉnh, thành phố với nhau. Theo số liệu từ cuộc bầu cử hội đồng địa phương được tiến hành trên toàn quốc vào năm 2015, tỷ lệ thành viên nữ trúng cử vào các hội đồng cấp thành phố đứng đầu là Thủ đô Tokyo với tỷ lệ 28,3%, tiếp theo là 21,5% ở Chiba và 21,0% ở Saitama. Trong khi tỉnh Kagosima, phụ nữ chiếm gần 1/3 trong các tổ chức tự quản địa phương thì tỷ lệ trúng cử chỉ có 4,5%. Ở hội đồng cấp tỉnh, tỉnh Kyoto đứng đầu với 20% tỷ lệ nữ trúng cử, tiếp theo là các tỉnh Shiga (18,2%); Kanagawa (16,2%), Akita, Hokkaido… Nhìn vào khu vực, chính quyền địa phương có tỷ lệ thành viên nữ thấp thường thấy ở vùng Kyushu, Shikoku, Hokuriku… Chính quyền địa phương có tỷ lệ nữ cao thường thấy ở vùng Kanto và Kinki. Xét về tỷ lệ chung trên toàn quốc, tỷ lệ thành viên nữ trong hội đồng thành phố và hội đồng quận là 13,76%, nhưng trong hội đồng tỉnh vẫn còn ít, chỉ chiếm 8,92%. Ở cấp hội đồng thị trấn, thôn tỷ lệ này chỉ là 8,87%. Tỷ lệ nữ giữ vai trò người đứng đầu trong các hội đồng địa phương thậm chí còn thấp hơn rất nhiều. Theo số liệu từ cuộc bầu cử 2015, số lượng tỉnh trưởng nữ chỉ chiếm 4,35%, số lượng thị trưởng nữ là 2,09% và số lượng nữ đứng đầu hội đồng thị trấn, thôn chỉ là 0,65%[12] .

So với nông thôn, phụ nữ Nhật ở thành thị có điều kiện được tiếp xúc với lĩnh vực chính trị nhiều hơn. Họ cũng có nhiều cơ hội để giành quyền tham gia bộ máy chính quyền, góp tâm sức của mình vào công việc chính trị ở địa phương hơn. Do đó, việc nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách bình đẳng giới ở khu vực nông thôn, cũng như gia tăng các cơ hội để phụ nữ nông thôn có thể tham gia các hoạt động chính trị - xã hội trở thành một nhiệm vụ rất cần được chú trọng ở Nhật Bản.

3. Nhận xét, đánh giá

Nhìn chung, tỷ lệ phụ nữ Nhật Bản tham gia Quốc hội, hội đồng địa phương và các tổ chức chính trị những năm qua có tăng nhưng tăng chậm và chưa xứng với tiềm năng. Những con số trên là minh chứng sống động cho thấy bất bình đẳng giới vẫn đang tồn tại một cách rõ nét trong lĩnh vực chính trị ở Nhật Bản. So với nam giới, sự tham chính của phụ nữ là mờ nhạt hơn hẳn. Điều đó phản ánh quyền tham chính của phụ nữ Nhật Bản chưa được thực thi một cách phổ biến và rộng rãi trong thực tế.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho quyền lợi chính trị của phụ nữ Nhật Bản bị hạn chế là do các định kiến, quan niệm xã hội tác động đến nhận thức, hành vi của phụ nữ Nhật Bản. Định kiến cho rằng: “không gian của đàn ông là ở bên ngoài xã hội; không gian của phụ nữ là ở trong ngôi nhà của mình” hay “đàn ông thì công việc, phụ nữ thì gia đình”, “công việc nội trợ là thiên chức của phụ nữ”… đã và vẫn đang tồn tại sâu sắc trong xã hội Nhật Bản. Nhiều người Nhật Bảncho rằng, chính trị hoàn toàn không phải là lĩnh vực thế mạnh của phụ nữ. Suy nghĩ này ăn sâu vào tiềm thức đông đảo người Nhật Bản, khiến họ đưa ra cái nhìn thiên kiến về năng lực và vai trò của phụ nữ trong xã hội, khiến cho phụ nữ bị cản trở tham gia các hoạt động chính trị ngay cả với những người có nền tảng giáo dục cao.

Người phụ nữ Nhật Bản trong xã hội hiện đại dù là người ở nhà làm nội trợ toàn thời gian hay tham gia chính trị, xã hội đều phải đảm bảo vai trò chăm sóc và giáo dục con

 

cái từ việc nấu ăn, đưa đón con đi học, nói chuyện cùng với các con... Môi trường làm việc với thời gian làm việc dài, thời gian bắt buộc không theo quy tắc, cơ chế tạo điều kiện vừa chăm sóc con cái vừa làm việc còn thiếu, thiếu nơi gửi trẻ…khiến phụ nữ rất khó có thể tiếp tục công việc. Khi phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, đi bầu cử hoặc ứng cử họ sẽ gặp nhiều trở ngại như người chồng không giúp vợ bầu cử do bận công việc. Chưa nói đến việc nuôi dạy và chăm sóc con cái ở Nhật Bản chắc chắn phải tốn nhiều thời gian và chi phí rất cao khiến phụ nữ khó có thể tập trung thời gian và kinh tế cho các hoạt động chính trị. Đặc biệt, chính tác động của những định kiến xã hội như trên tác động đến nhận thức của phụ nữ đã khiến họ mang nặng định kiến về phái mình, chấp nhận “an phận thủ thường” với vai trò làm vợ, làm mẹ và trách nhiệm chăm sóc gia đình.

Cuộc sống gia đình bận rộn chiếm hầu hết thời gian và sức lực đã khiến đa số phụ nữ trong độ tuổi lao động phải nghỉ việc sau khi kết hôn hoặc sinh con, rời xa công việc lao động bên ngoài xã hội của mình và trở thành những “bà nội trợ chuyên nghiệp”–“sengyoushufu”(専業主婦). Không tham gia lao động bên ngoài xã hội, chuyên tâm chăm lo cho gia đình khiến phụ nữ mất nguồn thu nhập, trở nên phụ thuộc người chồng về kinh tế. Đồng thời mất đi những cơ hội xây dựng các mối quan hệ, tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, nhiều người trong số họ trở nên “lạc hậu” với những tình hình trong nước và các vấn đề quốc tế, lâu dần họ có thái độ “thờ ơ” với lĩnh vực chính trị, từ đó tự làm mất đi cơ hội học tập và nâng cao hiểu biết về lĩnh vực chính trị của chính mình.

Để các chính sách của Chính phủ Nhật Bản và sự quyết tâm hành động của các cấp chính quyền phát huy hiệu quả, sự thay đổi trong suy nghĩ của người dân về vai trò, năng lực của phụ nữ là rất quan trọng. Muốn thay đổi được định kiến xã hội, trước hết bản thân mỗi người phụ nữ cần có suy nghĩ tiến bộ, tự tin vào khả năng của bản thân, có nguyện vọng muốn tham gia vào lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước.

Không khó để có thể thấy sự thay đổi của đông đảo phụ nữ Nhật Bản trong xã hội ngày nay. Khoảng cách về trình độ học vấn, sức mạnh tri thức dường như không còn khi so sánh nữ giới với nam giới ở Nhật Bản. Không ít phụ nữ Nhật Bảnđã vượt qua được quan niệm về vai trò của người phụ nữ truyền thống để phấn đấu cho sự nghiệp của mình. Mặc dù vậy, nếu không được xã hội ủng hộ và hỗ trợ, sự “quyết tâm” trên của phụ nữ có nguy cơ đưa đến những hệ quả không mong muốn cho xã hội, làm nảy sinh các vấn đề như tình trạng kết hôn muộn, giảm thiểu trẻ em, già hóa dân số…Vì vậy, để phụ nữ có thể giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa sự nghiệp và gia đình, được phát huyhết khả năng để đóng góp cho xã hội, sự chỉ đạo sát sao và kịp thời chính quyền cùng sự ủng hộ của gia đình và xã hội là hết sức quan trọng. Việc xây dựng xã hội bình đẳng không thể không gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống cho phụ nữ. Điều này dường như càng đúng đắn với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

 

Vũ Thị Phương Hoa1

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Duy Dũng (2007), Kinh nghiệm giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc của Nhật Bản, Nxb Khoa học xã hội.
  2. 日本労働組合総連合会(連合)総合男女・雇用平等局、「2019年男女平等月間学習会資料女性の政治参画について」(Tổng Liên đoàn Lao động Nhật Bản (Công đoàn), Tổng cục Bình đẳng Giới và Việc làm, “Tháng bình đẳng giới năm 2019 – Tài liệu của nhóm nghiên cứu về sự tham gia chính trị của phụ nữ”).
  3. 内閣府男女共同参画局(2020),「諸外国の政治分野における男女共同参画の状況」(Văn phòng Bình đẳng giới – Văn phòng Nội các (2020), Thực trạng bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở các quốc gia).
  4. スティール若希 (2013),『日本の衆議院における女性代表』, Tohoku University (SteelWakaki (2013), Đại biểu nữ tại Hạ Viện Nhật Bản, Đại học Tohoku).
  5. 高橋亮平(2018),「女性政治家比率都道府県ランキング」,日本政治教育センター代表理事(Ryohei Takahashi(2018), Tỷ lệ nữ chính trị gia theo xếp hạng tỉnh, Trung tâm Giáo dục Chính trị Nhật Bản), https://news.yahoo.co.jp/byline/takahashiryohei/20180522-00085502/

 

Women’sPolitical Participation in Japan today

Vu Thi Phuong Hoa

Political participation includes the right to vote, the right to stand for election, the right to formulate and implement policies, to participate in the public apparatus, social organizations and associations in the political and community life of the country. Although the number is not much, Japanese women engage in all political activities, and the political status of women is much higher than in the past. However, due to gender inequality biases in the political field, the role of women in this field is weaker than that of men. The article explores the current state of Japanese women's political participation, on the basis of which gives a few assumptions about the successes and limitations and explains some reasons for limitations of the process promoting gender equality and raising the political status of Japanese women today.

 


[1] ThS., Viện Nghiên cứuĐông BắcÁ

[2] Trong Nội các Nhật Bản (内閣) đứng đầu là Thủ tướng (総理大臣); giúp việc cho Thủ tướng là các Bộ trưởng (大臣). Theo Hiến pháp Nhật Bản, Thủ tướng do Quốc hội bổ nhiệm, các Bộ trưởng được Thủ tướng lựa chọn và bổ nhiệm. Phần lớn thành viên của Nội các, bao gồm cả Thủ tướng phải là đại biểu của một trong hai viện Quốc hội.

[3]日本労働組合総連合会(連合)総合男女・雇用平等局、「2019年男女平等月間学習会資料女性の政治参画について」(Tổng Liên đoàn Lao động Nhật Bản (Công đoàn), Tổng cục Bình đẳng Giới và Việc làm, 「“Tháng bình đẳng giới năm 2019 – Tài liệu của nhóm nghiên cứu về sự tham gia chính trị của phụ nữ」”.

[4]内閣府男女共同参画局(2020),「諸外国の政治分野における男女共同参画の状況」(Văn phòng Bình đẳng giới – Văn phòng Nội các (2020), Thực trạng bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở các quốc gia).

[5]スティール若希(2013)『日本の衆議院における女性代表』, Tohoku University (SteelWakaki (2013), Đại biểu nữ tại Hạ Viện Nhật Bản, Đại học Tohoku).

[6]スティール若希 (2013),『日本の衆議院における女性代表』, Tohoku University (SteelWakaki (2013), Đại biểu nữ tại Hạ Viện Nhật Bản, Đại học Tohoku).

[7] Nguyễn Duy Dũng (2007), Kinh nghiệm giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc của Nhật Bản, Nxb Khoa học xã hội, tr.142.

[8] Nhật Bản có hai cấp chính quyền địa phương: cấp trên tương đương như tỉnh bao gồm to, do, fu và ken; mức thấp hơn tương đương như thành phố bao gồm shi, cho và son. Chính quyền địa phương có hội đồng địa phương bao gồm các ủy viên hội đồng được bầu trực tiếp. Số lượng tối đa của ủy viên hội đồng phụ thuộc vào dân số của địa phương. Các cơ quan điều hành của chính quyền địa phương bao gồm tỉnh trưởng (trong trường hợp của một tỉnh) và một thị trưởng (trong trường hợp của một đô thị, thành phố).

[9]高橋亮平(2018),「女性政治家比率都道府県ランキング」,日本政治教育センター代表理事(Ryohei Takahashi(2018), Tỷ lệ nữ chính trị gia theo xếp hạng tỉnh, Trung tâm Giáo dục Chính trị Nhật Bản),https://news.yahoo.co.jp/byline/takahashiryohei/20180522-00085502/

[10]内閣府男女共同参画局(2020),「諸外国の政治分野における男女共同参画の状況」(Văn phòng Bình đẳng giới – Văn phòng Nội các (2020), Thực trạng bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở các quốc gia).

[11]スティール若希 (2013),『日本の衆議院における女性代表』, Tohoku University (SteelWakaki (2013), Đại biểu nữ tại Hạ viện Nhật Bản, Đại học Tohoku).

[12]高橋亮平(2018),「女性政治家比率都道府県ランキング」,日本政治教育センター代表理事(Ryohei Takahashi(2018), Tỷ lệ nữ chính trị gia theo xếp hạng tỉnh, Trung tâm Giáo dục Chính trị Nhật Bản), https://news.yahoo.co.jp/byline/takahashiryohei/20180522-00085502/.

0thảo luận