Trang chủ

Chiến lược của Trung Quốc đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Đăng ngày: 3-10-2022, 08:10 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 3

Tóm tắt: Bài viết phân tích những chiến lược của Trung Quốc đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương từ sau Đại hội Đảng lần thứ XVIII(năm 2012) đến nay. Đó là các chiến lược “Ngoại giao nước lớn”, “Ngoại giao láng giềng”, “Vành đai - Con đường”, “Cộng đồng vận mệnh nhân loại”, “An ninh châu Á mới”… Từ đó, bài viết đưa ra các hàm ý chính sách cho Việt Nam dưới góc độ đối tác, đối tượng và giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ.

Từ khóa: Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Trung Quốc, ngoại giao nước lớn

 

1. Chiến lược của Trung Quốc đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ sau Đại hội Đảng lần thứXVIII(2012) đến nay[1]

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có vị trí chiến lược, tiềm năng kinh tế vô cùng quan trọng. Vì vậy tại khu vực này đang diễn ra sự cạnh tranh vô cùng mạnh mẽ của 6 cường quốc gồm: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Australia. Trong đó, nổi bật nhất là sự tranh giành ảnh hưởng quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc trên các lĩnh vực địa chiến lược, kinh tế, an ninh quân sự,... Riêng đối với Trung Quốc, kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ XVIII(2012), Trung Quốc đã thực hiện điều chỉnh chiến lược từ "giấu mình chờ thời", "trỗi dậy hòa bình" sang "hành xử nước lớn" thực hiện mục tiêu "giấc mộng Trung Hoa", xây dựng trật tự thế giới mới, muốn cùng Mỹ trong G2 lãnh đạo khu vực, tiến dần tới thay thế Mỹ lãnh đạo thế giới vào năm 2050. Sự điều chỉnh chiến lược đối ngoại của Trung Quốc đối với khu vực này ngày càng nổi rõ, đặc biệt thể hiện qua chiến lược "Vành đai, con đường", cùng với chính sách ngoại giao nước lớn và ngoại giao láng giềng...

1.1. Chiến lược “ngoại giao nước lớn”

Sự thay đổi của Trung Quốc trong chiến lược đối ngoại thực ra được khởi đầu từ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIV(năm 1992), khi Trung Quốc đưa ra khái niệm chiến lược ngoại giao nước lớn. Đến Đại hội XV(năm 1997), khinước này công khai tuyên bố "Trung Quốc là một nước lớn có trách nhiệm trong xã hội quốc tế", thì chiến lược ngoại giao nước lớn chính thức trở thành phương châm chiến lược chỉ đạo đối ngoại[2]. Từ năm 2010, Trung Quốc có GDP đứng thứ haithế giới (sau Mỹ), với thực lực lớn mạnh không ngừng về chính trị, kinh tế, quân sự quốc phòng an ninh, đến Đại hội lần thứ XVIII(2012), Trung Quốc mới thực sự đưa ra các nội dung đầy đủ về chiến lược “ngoại giao nước lớn”.

Chiến lược “ngoại giao nước lớn” của Trung Quốc tập trung vào các vấn đề sau:

(i) Xây dựng khuôn khổ quan hệ ổn định lâu dài với nước lớn, từng bước mở rộng dư địa chiến lược của Trung Quốc. Trong đó, Trung Quốc đặt quan hệ Trung - Mỹ lên vị trí hàng đầu, đồng thời tăng cường quan hệ với các nước lớn khác như Nga, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Ấn Độ để tạo thế đối trọng và kiềm chế vai trò, ảnh hưởng của Mỹ. Việc triển khai chính sách đối ngoại với các nước lớn được tiến hành đồng bộ theo ba hướng: (1) ưu tiên số mộtlà ổn định quan hệ với Mỹ, tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ, dùng quan hệ kinh tế và hợp tác trong vấn đề an ninh chiến lược để ổn định quan hệ chính trị Trung - Mỹ. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên cầm quyền (2017) với chiến lược “nước Mỹ trên hết”, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã ngày càng xấu đi nghiêm trọng. Cùng với những tác động xấu của đại dịch Covid-19, hai nước đã thực thi những chính sách đối địch trên tất cả các lĩnh vực: chính trị - ngoại giao; kinh tế (thương mại, đầu tư); an ninh - quốc phòng. Người ta đã dự báo về 4 bước của chiến tranh kinh tế Mỹ- Trung từ thương mại, đầu tư đến công nghệ cao; tài chính tiền tệ và toàn bộ nền kinh tế. Tuy mất lòng tin vào nhau, nhưng cả hai nước đều cố gắng kiềm chế đến mức thấp nhất,không để nổ ra xung đột, chiến tranh giữa hai bên. Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 3/11/2020, Trung Quốc vẫn đang hy vọng rằngsự hợp tác với chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden nhằm giải quyết bất đồng giữa hai nước, cùng Mỹ duy trì vai trò nước lớn sẽ có những tác động, ảnh hưởng đến thế giới và khu vực trong tương lai;(2) củng cố quan hệ với các nước lớn khác, các tổ chức hợp tác khu vực và liên khu vực; tạo sự đan xen về lợi ích, qua đó nâng cao vai trò của Trung Quốc; (3) từng bước cạnh tranh ảnh hưởng với các nước lớn khác ở khu vực, trước hết là ở châu Á.

(ii) Thúc đẩy xu thế đa cực, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế, vừa tăng cường tập hợp lực lượng để Trung Quốc trở thành một cực trên thế giới, vừa chia rẽ phân hóa các tập hợp lực lượng kiềm chế Trung Quốc.

(iii) Tích cực đấu tranh nhằm tạo ra luật chơi mới trong quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ kinh tế quốc tế nói riêng, phấn đấu xây dựng thể chế kinh tế quốc tế mới có lợi cho Trung Quốc; nhanh chóng đưa vốn ra bên ngoài để nắm thị trường thế giới, trước hết là thị trường năng lượng, tài chính, chứng khoán.

(iv) Xây dựng hình ảnh nước lớn có trách nhiệm, tích cực tham gia vào giải quyết các vấn đề toàn cầu và các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, chống khủng bố, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, giảm đói nghèo, giải quyết các điểm nóng khu vực, nhất là vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Iran...

(v) Chú trọng phát huy sức mạnh mềm, đưa ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa ra bên ngoài.

(vi) Đẩy mạnh tập hợp lực lượng và mở rộng ảnh hưởng ở Trung Á, Đông Nam Á, châu Phi, Mỹ Latinh.

Với từng nước lớn, Trung Quốc có những đánh giá và áp dụng những sách lược, biện pháp cụ thể khác nhau, mục tiêu là làm giảm sức mạnh, kiềm chế các nước lớn, để Trung Quốc không ngừng lớn mạnh, phát triển trở thành lãnh đạo khu vực vào năm 2035 và lãnh đạo thế giới vào năm 2050.

1.2. Chiến lược "ngoại giao láng giềng"

Chiến lược "ngoại giao láng giềng"được xếp ở vị trí thứ hai, sau phần quan hệ với các nước phát triển, nhưng nội dung của nó rất phong phú, có xu hướng vận động nổi bật hơn, thể hiện ở các điểm sau:

(i) Mở rộng thêm nội hàm "phú lân" (láng giềng giàu có): trên cơ sở chính sách tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định phục vụ mục tiêu hiện đại hóa của Trung Quốc (an lân, mục lân) (láng giềng an ninh hòa bình) của giai đoạn trước. Tại Đại hội Đảng lần thứXVII (2007) Trung Quốc phát triển thêm nội hàm "phú lân" với phương châm"hợp tác cùng thắng", "cùng phát triển, cùng phồn vinh". Điểm đáng chú ý là Trung Quốc muốn mở rộng thêm nội dung "hợp tác cùng thắng" không chỉ trong vấn đề kinh tế, mà cả trong các vấn đề nhạy cảm như biên giới lãnh thổ.

(ii) Mở rộng các lĩnh vực hợp tác theo hướng toàn diện và cân bằng hơn. Từ chỗ chỉ chú trọng quan hệ chính trị, chuyển sang coi thúc đẩy toàn diện cả quan hệ chính trị, kinh tế-thương mại, quân sự, an ninh và văn hóa, cả song phương và đa phương.

(iii) Thay đổi phương thức thực hiện từ "giấu mình chờ thời" sang tranh thủ chủ động giành và mở rộng ảnh hưởng; gắn chiến lược "ngoại giao láng giềng" với “ngoại giao nước lớn", "ngoại giao năng lượng", "chiến lược biển"(chủ trương gác tranh chấp, cùng khai thác); bề ngoài có vẻ mềm dẻo, nhưng thực chất Trung Quốc vẫn kiên quyết bảo vệ “lợi ích cốt lõi” đó là khôn khéo chuyển từ ưu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn”, chuyển sang ưu sách “Tứ sa” thể hiện nhất quán qua việc tranh giành tài nguyên, năng lượng ở các khu vực Trung Á, Nam Á, Đông Nam Á trên biển.

Trong triển khai chiến lược “ngoại giao láng giềng” xuất hiện trọng tâm, trọng điểm khá rõ ràng:

Về trọng điểm, với khu vực Đông Bắc Á, Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng khu vực ổn định về chính trị - an ninh, tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại với các nước trong khu vực, tìm cách phá thế kiềm chế của liên minh Mỹ - Nhật - Hàn, thiết lập các cơ chế đối thoại hợp tác Trung - Nhật- Hàn về chính trị, kinh tế và loại bỏ các nguy cơ đối với an ninh ở khu vực Đông Bắc Á, chủ động phát huy vai trò chủ động trong tất cả các vấn đề ở khu vực, kể cả trong quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc và vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên.

Với khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc ra sức tranh thủ các nước ASEAN. Với phương châm "cầu đồng, tồn dị" (tìm kiếm điểm tương đồng, gác lại các điểm bất đồng) "lấy kinh tế thúc đẩy chính trị",thông qua nhiều biện pháp tổng hợp về chính trị, kinh tế,đầu tư, viện trợ, Trung Quốc đẩy mạnh việc nâng cấp quan hệ với các nước, tranh thủ mở rộng ảnh hưởng sâu rộng ở khu vực, kể cả với các nước vốn là đồng minh của Mỹ (Philippines, Thái Lan, Singapore), đồng thời tăng cường ảnh hưởng về chính trị, kinh tế với các nước khác như Indonesia, Lào, Campuchia, Mianma, Đông Timo…

Về đa phương, Trung Quốc tiếp tục ủng hộ các sáng kiến của ASEAN trong các lĩnh vực chính trị,an ninh, kinh tế, chủ động tham dự các cơ chế đối thoại về chính trị, kinh tế và an ninh trong khu vực, kể cả hợp tác quốc phòng để đối phó với nguy cơ về an ninh truyền thống và phi truyền thống; đề cao vai trò của ASEAN trong các cơ chế đối thoại, ASEAN+1, ASEAN+3, đối thoại châu Á và các cơ chế không có Mỹ tham gia.

Với các nước Trung Á,Trung Quốc hợp tác chia sẻ ảnh hưởng với Nga, cùng Nga thúc đẩy sự hợp tác trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), tạo sự gắn kết về chính trị, an ninh, kinh tế, lôi kéo thêm các nước khác ở khu vực nhằm tạo thế đối trọng với Mỹ và các nước phương tây, đồng thời tập trung triển khai chiến lược "ngoại giao năng lượng" và đảm bảo an ninh ổn định cho khu vực biên giới phía Tây, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của cuộc "cách mạng màu" ở Trung Á đối với vấn đề ly khai, sắc tộc của Trung Quốc.

Với khu vực Nam Á, Trung Quốc điều chỉnh chiến lược theo hướng giữ cân bằng quan hệ, một mặt tăng cường hợp tác hữu nghị với Ấn Độ. Nếu xảy ra tranh chấp biên giới, Trung Quốc cũng cố gắng tìm kiếm giải pháp đàm phán hòa bình, tránh biến Ấn Độ trở thành kẻ thù, gây thiệt hại cho Trung Quốc trong quan hệ quốc tế. Trung Quốc cũng tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác truyền thống với Pakistan và các nước trong khu vực

Về trọng tâm chiến lược,Trung Quốc ưu tiên ba trọng tâm chủ yếu là kinh tế, an ninh và tăng cường sức mạnh mềm.

Đối với trọng tâm kinh tế, Trung Quốc chú trọng tăng cường quan hệ kinh tế,thương mại, đầu tư; đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, viễn thông, xây dựng cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh hợp tác đảm bảo an ninh năng lượng, khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao, bảo vệ môi trường sinh thái với các nước láng giềng có trình độ phát triển cao (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...) và tăng cường liên kết kinh tế khu vực.

Đối với trọng tâm an ninh, tại khu vực Đông Bắc Á, sau thất bại của đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên, Trung Quốc tích cực thúc đẩy các bên liên quan tiến tới thành lập cơ chế an ninh chung khu vực, tiếp tục ủng hộ Triều Tiên duy trì sức mạnh quân sự làm vùng đệm an ninh cho Trung Quốc. Trong bối cảnh hợp tác giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc về loại trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc tích cực ủng hộ các cuộc đảm phán, làm trung gian để giúp đỡ Triều Tiên trong đàm phán với Mỹ vì lợi ích chung, và lợi ích của Trung Quốc.

Với Nga và các nước Trung Á,Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ quân sự với Nga, nhất là trong lĩnh vực buôn bán và chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí, thiết lập đường dây nóng giữa hai Bộ Quốc phòng, tăng cường tập trận chung song phương và đa phương thông qua SCO.

Với Đông Nam Á,Trung Quốc tham dự đầy đủ các cơ chế an ninh khu vực như Diễn đàn khu vực (ARF), diễn đàn Shangrila, đề xuất các ý tưởng tăng cường quan hệ quân sự song phương, đa phương, trong đó có cả tập trận chung với một số nước ASEAN[3]. Tuy vậy, với việc đưa ra đường lưỡi bò 9 đoạn ở Biển Đông, Trung Quốc đã bồi đắp và xây dựng 7 đảo nhân tạo chiếm đoạt của Việt Nam ở Trường Sa để biến thành căn cứ quân sự nhằm kiểm soát, chi phối các tuyến đường thông thủy trên Biển Đông, tất cả những việc làm này đã xâm phạm trắng trợn chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đe dọa an ninh, hòa bình của Việt Nam và các nước trong khu vực. Gần đây, việc Mỹ tuyên bố sẽ đưa tàu đi lại trong khu vực Trung Quốc chiếm, kể cả ở Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đã khiến Trung Quốc đứng ngồi không yên, tìm mọi cách chống lại Mỹ. Những hành động của Trung Quốc đã gây tổn hại đến hòa bình hợp tác trong khu vực.

1.3. Chiến lược “vành đai, con đường”

Để tạo sự đột phát chiến lược phát triển quốc gia, đặt trong bối cảnh Mỹ sẽ tham gia thực thi hiệp định TPP (trước kia) và xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (hiện nay), Trung Quốc đã đề xuất sáng kiến chiến lược “vành đai, con đường” (BRI) (vành đai kinh tế, con đường tơ lụa trên bộ và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI). Sáng kiến này đã trở thành hiện thực, là chiến lược “vành đai, con đường” nhằm kết nối các lục địa Á - Âu- Phi, cả trên bộ và trên biển, do Trung Quốc khởi xướng xây dựng và lãnh đạo, chi phối toàn diện. Mục tiêu của chiến lược “vành đai, con đường” này là: (i) mở rộng không gian chiến lược và tạo dựng một khu vực sân sau của Trung Quốc để kiểm soát lục địa Á -  Âu - Phi; (ii) tạo đối trọng với chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương; (iii) chi phối khu vực Ấn Độ Dương và khu vực nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; (iv) kiểm soát đường vận tải biển liên quan và hệ thống cảng biển khu vực, chi phối các nguồn cung cấp dầu khí, tạo lập các căn cứ quân sự tại những khu vực mà những con đường này đi qua; (v) tạo môi trường kinh tế- xã hội cho việc “mở rộng sức mạnh mềm” của Trung Quốc; (vi) xây dựng vành đai an ninh xung quanh Trung Quốc để ngăn chặn Mỹ và đồng minh tiếp cận thâm nhập vào khu vực mà Bắc Kinh coi là “sân sau” của mình; (vii) dựa vào hợp tác kinh tế để thúc đẩy quan hệ chính trị, tạo chất xúc tác để giải quyết các tồn tại trong quan hệ của Trung Quốc với các nước khu vực, ngăn chặn sự “co cụm” của các quốc gia trong khu vực có tranh chấp với Trung Quốc, kể cả vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo; (viii) thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực; (ix) tăng cường vai trò bàn đạp của kinh tế khu vực xung quanh Trung Quốc; (x) hậu thuẫn cho Trung Quốc đi ra thế giới; (xi) thông qua “5 thông” (thông chính sách, thông tuyến (trên bộ, trên biển), thông thương, thông tiền tệ, và thông lòng người) để tiếp cận, thâm nhập, kiểm soát kinh tế khu vực “láng giềng mở rộng” nhằm tiến tới nắm quyền chủ đạo mậu dịch quốc tế, quyền đánh giá và quyền phân phối tài nguyên quốc tế; (xii)  giải quyết vấn đề dư thừa năng lực sản xuất, tìm kiếm thị trường cho hàng hóa ứ đọng; (xiii) tìm thị trường đầu tư, sử dụng hiệu quả dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc, tìm thị trường cho đồng nhân dân tệ, đẩy mạnh tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ; (xiv) tiếp cận các nguồn tài nguyên, năng lượng, nhất là dầu khí; (xv) tận dụng môi trường xung quanh để tạo điều kiện phát triển đồng đều hơn giữa các vùng, miền trong nước, đặc biệt là khu vực biên cương, miền tây Trung Quốc[4].

Ngoài ra, Trung Quốc còn đưa ra những sáng kiến về lĩnh vực nhưthành lập Hiệp định đối tác toàn diện RCEP (gồm 10 nước ASEAN cùng 5 nước là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, NewZealand); xây dựng khu vực mậu dịch tự do châu Á- Thái Bình Dương (FTAP) gồm 21 nước thành viên APEC; thành lập Ngân hàng Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

1.4. Những điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc sau Đại hội XIX(10/2017)

Văn kiện đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIXchỉ rõ những định hướng lớn trong chiến lược đối ngoại của Trung Quốc là: (i) thúc đẩy xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới (bao gồm quan hệ nước lớn kiểu mới, quan hệ xung quanh kiểu mới, quan hệ chính đảng kiểu mới, quan hệ quân sự kiểu mới...), mở rộng điểm giao nhau về lợi ích, thúc đẩy hợp tác và hài hòa giữa các nước lớn. Cùng với các nước bắt tay xây dựng  cộng đồng vận mệnh nhân loại. Cụ thể, Trung Quốc với tư cách là nước lớn sẽ tích cực tham gia vào xây dựng, cải cách hệ thống quản trị toàn cầu, tham gia giải quyết chính trị các điểm nóng ở khu vực và thế giới, cùng các bên bắt tay ứng phó với những thách thức toàn cầu, nâng cao ảnh hưởng và địa vị quốc tế của mình trong giải quyết các vấn đề của khu vực và thế giới, xây dựng “cộng đồng vận mệnh nhân loại” (bao gồm cộng đồng vận mệnh Trung Quốc- ASEAN, cộng đồng vận mệnh Lan Thương - Mê Kông...), “cộng đồng vận mệnh châu Á” (năm 2014, Trung Quốc đưa ra quan điểm “an ninh châu Á mới” nhằm tìm kiếm vai trò chủ đạo của Trung Quốc trong hệ thống an  ninh khu vực. Đây là nội dung của sự điều chỉnh tư duy an ninh chiến lược của lãnh đạo Trung Quốc, theo đó, Trung Quốc chủ trương“công việc của châu Á sẽ do nhân dân châu Á tự giải quyết”, khác với những lần tuyên bố trước đây rằng Thái Bình Dương đủ rộng để dung nạp cả Trung Quốc và Mỹ)... (ii) Đẩy mạnh “ngoại giao láng giềng”, thân thiện láng giềng, coi láng giềng là bạn, với quan niệm “thân, thành, huệ, dung” (thân thiện, chân thành, ưu đãi nhau, dung hòa, thôn tính). Cụ thể, Trung Quốc giành quyền chủ động với các nước xung quanh và các nước đang phát triển, dùng sức mạnh kinh tế, chính trị, quân sự, sử dụng chính sách phân biệt đối xử để lôi kéo, trấn áp, uy hiếp các nước láng giềng. Với chiêu bài thực hiện việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia,Trung Quốc đã thể hiện thái độ cứng rắn với các nước mà họ cho là đã làm tổn hại đến chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Văn kiện Đại hộiXIXđã khẳng định những thành tích 5 năm “lấp biển xây dựng đảo tích cực” để “nhanh chóng xây dựng cường quốc biển”, với mục tiêu kiểm soát thực tế ở Biển Đông. Do hệ lụy của cuộc chiến tranh kinh tế Mỹ - Trung (từ năm 2017 đến nay), tác động của đại dịch Covid-19, trước xu thế Mỹ và phương Tây liên minh chống lại đường lối bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, cắt giảm dần dần thương mại, đầu tư với Trung Quốc, làm gia tăng đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu giữa Trung Quốc với thế giới, Trung Quốc đã đưa ra nhiều đường lối, chính sách mới, nhằm chống lại những chính sách của Mỹ và phương Tây; đồng thời đẩy mạnh sự hợp tác mới trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Họ đã cử nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao tới thăm viếng các nước trong khu vực, đề nghị hợp tác mới, ủng hộ quan điểm lẫn nhau, lôi kéo các nước chống “chọn bên”, mà thực chất là chống Mỹ và liên minh Mỹ với các đồng minh trong khu vực.

Bên cạnh đó, họ thực thi “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 với nhiều đường lối, chính sách cho giai đoạn 2021-2025. Nếu như “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13” (2016-2020) có nội dung đưa Trung Quốc thành “xã hội ôn hòa hưng vượng”, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, đầu tư và đảm bảo phát triển bền vững về cả xã hội và môi trường, thì với “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” (2021-2025), Trung Quốc sẽ hướng tới mục tiêu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 100 nghìn tỷ nhân dân tệtrong năm 2021, với chủ trương đến năm 2035, Trung Quốc sẽ trở thành “quốc gia phát triển ôn hòa”, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 30.000USD, gấp 3 mức hiện tại. Cụ thể, Trung Quốc sẽ thực hiện các nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế đất nước như sau:

(i) Thực thi chiến lược “tuần hoàn kép”,có nghĩa là Trung Quốc muốn tăng trưởng trong tương lai dựa chủ yếu vào sản xuất, tiêu dùng, phân phối hàng hóa và dịch vụ nội địa. Khi phải đối mặt với chiến tranh thương mại với Mỹ, việc Trung Quốc tập trung vào kinh tế nội địa không phải là điều bất ngờ, một phần bởi nước này có tới 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu. Đồng thời, Trung Quốc sẽ không quay lưng với thế giới bên ngoài và sẽ tiếp tục duy trì thương mại quốc tế. “Tuần hoàn kép” vừa là lưu thông kinh tế trong nước, vừa lưu thông kinh tế quốc tế.

(ii) Trung Quốc tiếp tục thực thi chiến lược “công nghệ cao”. Một trong những điểm nhấn cuả “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13” là “Made in China 2025” với xu hướng phát triển 10 lĩnh vực  trọng điểm trong công nghệ cao. “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” cũng hướng tới duy trì chiến lược này, đặt đổi mới vào trọng điểm hiện đại hóa của Trung Quốc. Bởi vì có đạt được đột phá trong lĩnh vực then chốt của công nghệ cao thì Trung Quốc mới trở thành quốc gia tiên phong dẫn đầu về sáng tạo. “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” sẽ hướng tới củng cố chuỗi cung ứng sản xuất, lưu thông đã gián đoạn trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Có nghĩa rằng, Trung Quốc sẽ bổ sung thêm các chính sách thúc đẩy chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển trong những năm tới, đặc biệt trong các lĩnh vực chiến lược mới hiện nay như công nghệ sinh học, chất bán dẫn và phương tiện năng lượng mới.

(iii) Trung Quốc sẽ đẩy mạnh phát triển xanh. Cụ thể, Trung Quốc sẽ giảm lượng khí thải carbon với mục tiêu “đến năm 2035 xây dựng Trung Quốc xanh đẹp”.

(iv) Trung Quốc sẽ giảm bất bình đẳng. Đây là một mục tiêu quan trọng trong “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” của Trung Quốc, đó là giảm khoảng cách chênh lệch trong mức sống giữa thành thị và nông thôn. Chủ tịch Tập Cận Bình đang hướng tới tái sinh nông thôn Trung Quốc với việc đưa hàng tỷ USD về các làng quê, thực hiện kế hoạch hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn đến năm 2035 và 2050 nhằm thay đổi hoàn toàn nông thôn Trung Quốc.

Nói tóm lại, trước bối cảnh Mỹ và phương Tây đang thực thi các chính sách chống Trung Quốc, đặc biệt là cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung lên đến cao trào, đồng thời để ứng phó với đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã xây dựng “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” (2021-2025) với nhiều chiến lược, chính sách mới như vòng “kinh tế tuần hoàn kép”, đề cao tăng trưởng chất lượng, thúc đẩy đổi mới (đối nội) và tiếp tục mở cửa nền kinh tế và nâng lên “một cấp độ mở cửa cao cấp hơn” (đối ngoại). Những chiến lược của Trung Quốc đã có tác động sâu sắc đến khu vực và các nước trong khu vực.

2. Hàm ý chính sách cho Việt Nam

Trước những điểu chỉnh trong chiến lược đối ngoại của Trung Quốc hiện nay, Việt Nam hơn bao giờ hết cần nhận thức sâu sắc cả phần đối tác và đối tượng của Trung Quốc, trên cơ sở đó đưa ra những hoạt động chính sách phù hợp, đúng đắn. Cụ thể là:

Dưới góc độ đối tác, Việt Nam cần nhận rõ các mặt sau:

(i) Về an ninh, Trung Quốc là đối tác quan trọng để giữ gìn an ninh trên biển, trên biên giới, đối phó với những  thách thức an ninh phi truyền thống. Kể cả vấn đề tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, Việt Nam cũng cần nhận thức rõ mặt “đối tác” của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không có lợi ích, không có quyết sách chính trị và cả thiện chí hợp tác thì ta không thể đạt được Hiệp định hòa bình về biên giới với Trung Quốc.

(ii) Về kinh tế, Trung Quốc trỗi dậy về kinh tế cũng là một cơ hội khá lớn cho phát triển thương mại và đầu tư hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc. Quan hệ kinh tế phát triển sẽ làm gia tăng sự đan xen lợi ích và củng cố lòng tin lẫn nhau. Việt Nam là một nước láng giềng, cửa ngõ quan trọng vào Trung Quốc, các nước, các tập đoàn lớn của thế giới sẽ quan tâm đầu tư vào Việt Nam để hướng sản phẩm vào Trung Quốc.

(iii) Về vị thế quốc tế, Trung Quốc càng lớn mạnh thì nguồn “tài nguyên địa - chính trị” của Việt Nam có khả năng tăng nhanh. Các nước muốn hợp tác hay cạnh tranh với Trung Quốc sẽ chú ý nhiều hơn đến nhân tố Việt Nam. Trong khi Việt Nam và Trung Quốc cũng đang phải xử lý một số thách thức liên quan đến “diễn biến hòa bình”, vấn đề dân chủ, nhân quyền do Mỹ và phương Tây áp đặt thì việc phối hợp giữa hai nước này trên các diễn đàn quốc tế là điều cần thiết.

Dưới góc độ đối tượng, Trung Quốc là đối tượng trực tiếp nhất, phức tạp nhất trên cả ba góc độ: an ninh, kinh tế, vị thế quốc tế.

(i) Về an ninh,Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trung Quốc chính thức đưa ra yêu sách đường lưỡi bò từ năm 2009, cũng như ban hành hàng loạt các văn bản pháp lý khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại vùng Biển Đông, đe dọa trực tiếp không gian sinh tồn của Việt Nam. Không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ gây ra xung đột vũ trang lớn ở Biển Đông nhằm chiếm đóng mới, quấy rối các vị trí Việt Nam đang sở hữu. Trung Quốc đã đặt giàn khoan ở khu vực Tư Chính, Hoàng Sa, gây sức ép với công ty nước ngoài làm ăn trên thềm lục địa của Việt Nam, bắt giữ ngư dân, đẩy Việt Nam vào tình trạng luôn “bất ổn” về an ninh.

(ii) Về kinh tế, Trung Quốc có thể là một thách thức lớn đối với nền sản xuất hàng hóa của Việt Nam. Do cơ cấu ngành nghề tương đối giống nhau và khả năng cạnh tranh của Việt Nam còn thấp, nên hàng hóa của Trung Quốc có thể bóp chết nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam. Việt Nam có thể trở thành “thuộc địa”, thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp và cung cấp nguyên liệu thô cho Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc có thể sử dụng quan hệ kinh tế (xuất nhập khẩu, đầu tư) để tạo sức ép kinh tế, chính trị và ngược lại.

(iii) Về vị thế,Trung Quốc không muốn Việt Nam có vai trò lớn ở Lào, Campuchia. Trung Quốc cũng không muốn Việt Nam có vị trí lãnh đạo trong ASEAN (do quan ngại Việt Nam tác động để ASEAN độc lập hơn đối với Trung Quốc và nhất là tập hợp ASEAN thành một khối chống lại yêu sách của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và sông Mê Kông).

Chính vì Trung Quốc vừa là nước láng giềng, vừa là nước lớn, vừa là đối tác, vừa là đối tượng lớn nhất, phức tạp nhất của Việt Nam, nên chiến lược đối ngoại  của Việt Nam từ nay đến năm 2025 cần coi việc xử lý quan hệ với Trung Quốc là hướng chính và cần có sự quan tâm đặc biệt. Trước hết cần quán triệt phương châm khai thác tối đa khía cạnh đối tác để đẩy lùi và hóa giải mặt đối tượng. Theo đó, mục tiêu tổng quát của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc là tiếp tục hợp tác trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi, hóa giải những mâu thuẫn để duy trì môi trường hòa bình và củng cố tình hữu nghị quan hệ láng giềng.

Về hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ, Việt Nam tích cực mở rộng hợp tác trong lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống, tăng cường các cuộc tiếp xúc giữa các cơ quan an ninh, quốc phòng, sử dụng có hiệu quả đường dây nóng đã được thiết lập giữa hai bên. Tuy nhiên, đây là vấn đề đặc biệt  nhạy cảm, nên cần có bước đi thích hợp để mang lại tính hiệu quả, tránh hình thức. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các hiệp định đã ký về biên giới và thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển vịnh Bắc Bộ và vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Tăng cường các biện pháp bảo vệ các công  ty dầu khí nước ngoài đang hợp tác với Việt Nam thăm dò và khai thác dầu khí trong thềm lục địa và vùng biên của Việt Nam. Kiên quyết giữ vững lập trường và đấu tranh với Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền, biển đảo, nhất là về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tránh mắc mưu của Trung Quốc trong việc họ đưa ra lập luận “chống quốc tế hóa Biển Đông” (muốn gạt Mỹ ra khỏi vấn đề giải quyết Biển Đông), “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)sẽ giải quyết trong vòng 3 năm tới” (đợi đến khi Campuchia làm chủ tịch luân phiên ASEAN để thông qua COC), “chống lại phán quyết tòa án quốc tế về giải quyết vụ kiện của Philippines về biển Đông”[5].

 

Ðinh Công Tuấn1

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bùi Quảng Bạ (2019), “Sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn tác động đến độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ở Việt Nam”, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia ngày 11/1tại Bộ Công an.
  2. Nguyễn Bá Dương (chủ biên)(2019), Sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn và ứng phó của Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  3. Hoàng Văn Đồng (2019), “Chiến lược của các nước lớn đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện nay”, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia ngày 11/1tại Bộ Công an.
  4. Nguyễn Bình Giang (2018), “Thế và lực về kinh tế của Trung Quốc hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc số (197), Hà Nội.
  5. Phạm Sao Mai (2012), “Trung Quốc và chiến lược đối ngoại đến 2020”, trong Phạm Bình Minh (chủ biên), Cục diện thế giới đến 2020, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  6. Lê Văn Mỹ (2018), "Những điều chỉnh chiến lược ngoại giao của Trung Quốc từ cải cách mở cửa đến nay (1978 - 2018)", Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 12 (208).
  7. Nguyễn Thị Quế (2019), “Chủ trương và đối sách của Việt Nam trước tác động cạnh tranh Mỹ - Trung ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI”, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia ngày 11/1 tại Bộ Công an, tr. 281-292.
  8. Nguyễn Quang Thuấn (2016), Chiến lược toàn cầu của Trung Quốc trong bối cảnh mới, Đề tài cấp Bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội.
  9. Nguyễn Quang Thuấn, "Điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc: tác động đến thế giới, khu vực và Việt Nam", http://khxh.vas.gov.vn/dieu-chinh-chien-luoc-cua-trung-quoc-tac-dong-den-the-gioi-khu-vuc-va-viet-nam-n50128.html.
  10. Đinh Công Tuấn (2019), 40 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc nhìn lại và triển vọng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

 

China's Strategy toward the Indo – Pacific Region and Policy Implications for Vietnam

Dinh Cong Tuan

The article analyzes China's strategies for the Indo-Pacific region since the 18th National Congress of the Chinese Communist Party (2012) up to now. Those are "Big country diplomacy", "Neighbor diplomacy", "Belt - Road", "Human destiny community", "New Asia security" strategies... Since then, the article makes policy implications for Vietnam in terms of partners, subjects and resolving of territorial border issues.



[1]PGS. TS.,Trường Đại học Đại Nam

[2]Lê Văn Mỹ (2018), "Những điều chỉnh chiến lược ngoại giao của Trung Quốc từ cải cách mở cửa đến nay (1978-2018)",Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 12 (208), tr. 28.

[3] Phạm Sao Mai (2012), “Trung Quốc và chiến lược đối ngoại đến 2020”, trong Phạm Bình Minh (chủ biên), Cục diện thế giới đến 2020, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 437-445.

[4]Hoàng Văn Đồng (2019), “Chiến lược của các nước lớn đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hiện nay…” và Bùi Quảng Bạ (2019), “Sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn tác động đến độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ở Việt Nam”, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia ngày 11/1 tại Bộ Công an, tr. 83-98 và tr. 99-110.

[5]Nguyễn Thị Quế (2019), “Chủ trương và đối sách của Việt Nam trước tác động cạnh tranh Mỹ - Trung ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI”, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia ngày 11/1 tại Bộ Công an, tr. 281-292.

0thảo luận