Trang chủ

Gyenyeoga – Gasa giáo huấn phụ nữ Joseon trước hôn nhân

Đăng ngày: 27-09-2022, 04:06 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 2

Tóm tắt: Gyubanggasa là một loại hình văn học lấy đời sống của phụ nữ quý tộc chốn khuê phòng thời Joseon làm đề tài. Trong loại hình này có nhiều thể loại khác nhau, mỗi thể loại phản ánh những khía cạnh khác nhau của đời sống người phụ nữ, tập trung chủ yếu vào đời sống hôn nhân. Bài viết sử dụng tác phẩm “Gyenyeoga” thuộc Gyubanggasa để phân tích về những điều giáo huấn phụ nữ Joseon trước khi họ kết hôn. Từ đó, khắc họa một cách khái quát những vấn đề xã hội tác động lên đời sống người phụ nữ quý tộc nói riêng và đời sống người phụ nữ Joseon nói chung.

Từ khóa: Văn học Hàn Quốc,Gyubanggasa, Gyenyeoga, phụ nữ Joseon

 


J

oseon (조선, Triều Tiên 1392-1910), là thời đại phát triển nhất và tồn tại lâu nhất trong lịch sử bán đảo Triều Tiên.Trong[1]hơn 500 năm hình thành và phát triển, vương triều Joseon đã chọn cho mình một lối đi riêng biệt và điều này đã giúp cho vương triều I (이, Lý)đứng vững và thành công hơn hẳn các vương triều khác. Sau khi lên ngôi, I Seong Gye (이성계, Lý Thành [NT1] Quế) cùng thế lực quan lại cấp tiến đã chọn Hanyang (한양, Hán Giang, tức Seoul ngày nay) làm kinh đô, xây dựng và củng cố vương quyền theo mô hình nhà nước phong kiến trung ương tập quyền, đưa ra chủ trương đức trị theo lý luận và quan niệm của Seongnihak (성리학, tính lý học) và thực hiện một nền chính trị lý tưởng mang đậm tính Nho giáo. Tư tưởng Nho giáo được vận dụng một cách rộng rãi không chỉ về mặt pháp luật mà còn được quan niệm hóa, lý tưởng hóa vào đời sống hàng ngày. Vì thế, bách tính sống trong thời kỳ này đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ tư tưởng ấy.

Về cơ bản, xã hội thời kỳ này chia thành bốn tầng lớp chính là yangban (양반, lưỡng ban), jungin (중인, trung nhân), sangmin (상민, thường dân) và cheonmin (천민, tiện dân). Mỗi tầng lớp đều có địa vị, quyền và nghĩa vụ nhất định trong xã hội, tầng lớp càng cao địa vị và quyền lợi càng lớn. Yangban hầu như nắm địa vị và của cải trong xã hội, còn cheonmin là tầng lớp đáy của xã hội, chịu sự chi phối của những tầng lớp trên.

Đời sống phụ nữ Hàn Quốc thời kỳ này cũng không nằm ngoài guồng quay của chế độ phong kiến. Nhìn chung, phụ nữ từ tầng lớp yangban tới tầng lớp cheonmin phải gánh chịu nhiều bất công hơn so với đàn ông. Mặc dù phụ nữ yangban thuộc dòng dõi quý tộc là tầng lớp có địa vị cao nhất và nhiều quyền lợi nhất, nhưng bên cạnh vẻ hào nhoáng che phủ lớp vỏ bên ngoài, đời sống tinh thần họ cũng chịu nhiều ngang trái. Tuy nhiên, chế độ mang nặng tư tưởng Tống Nho không cho phép phụ nữ được lên tiếng nên họ gửi gắm tâm tư của mình vào nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Hangeul (한글, chữ Hàn) ra đời năm 1443 đã giúp họ có một công cụ mới trao gửi tâm tư vàlên tiếng phê phán những bất công của chế độ. Từ đó, Gyubanggasa- thế giới văn học của phụ nữ đã ra đời.

Gyubanggasa (규방가사, ca từ khuê phòng) hay còn được gọi bằng các tên khác như Naebanggasa (내방가사, ca từ nội phòng), Yeoryugasa (여류가사, ca từ nữ lưu), Bunyeogasa (부녀가사, ca từ phụ nữ), Yeoseonggasa (여성가사, ca từ nữ giới), là loại hình văn học cổ điển của Hàn Quốc, được phát triển từ Gasa (가사, ca từ), thể thơ dài gồm nhiều cặp ngữ đoạn song hành. Nữ thi sĩ vĩ đại Hur Nan Seol Heon (허난설헌, Hứa Lan Tuyết Hiên) là người đã khơi nguồn sáng tạo loại hình văn học này. Gyubanggasa gồm ba thể loại tiêu biểu với ba nội dung chính là Gyenyeogaryu (계녀가류, loại Giới nữ ca) dùng để giáo huấn những đạo lý phụ nữ phải thực hiện sau khi kết hôn, Tansikgaryu (탄식가[GL2] [NT3] 류, loại Than tứcca) là những bài ca oán về thân phận và đời sống hôn nhân của người phụ nữ và Hwajeongaryu (화전가류, loại Hoa tiên[GL4] [NT5] ca) kể về những trải nghiệm của phụ nữ khi thoát ra khỏi gia đình chồng để chơi Hwajeon cùng những phụ nữ khác.

Gyenyeogađược coi là những bài gasa viết về giai đoạn trước hôn nhân của người phụ nữ. Đối tượng giáo huấn thường là người lớn tuổi trong gia đình như ông bà, cha mẹ, còn đối tượng nhận giáo huấn là con gái chưa kết hôn. Thông thường, một bài Gyenyeoga có cấu tạo gồm 13 phần, trừ phần mở đầu và phần kết, nội dung chính gồm 11 phần giáo huấn như sau: (1) phụng dưỡng cha mẹ chồng (사구고);(2) phụng dưỡng chồng (사군자);(3) hòa thuận với anh em (목친척);(4) thờ cúng tổ tiên (봉제사);(5) tiếp khách (접빈객);(6) thai giáo (태교);(7) giáo dục con cái (육아);(8) quản lý nô tỳ (어노비);(9) quản lý sản xuất (치산);(10) việc đi lại (출입);(11) những điều lưu tâm khác (항심). Dưới đây tác giả sử dụng “Gyenyeoga” – tác phẩm tiêu biểu trong thể loại cùng tên của Gyubanggasa để làm rõ những điều phụ nữ yangban được giáo huấn trước khi kết hôn.

1. Giáo huấn vai trò của người phụ nữ trong gia đình

1.1. Vai trò của người mẹ

Điểm đặc biệt của Gyenyeoga là người phụ nữ vừa là đối tượng giáo huấn, vừa là đối tượng tiếp nhận sự giáo huấn ấy. Trước khi kết hôn, người phụ nữ nhận giáo huấn chủ yếu từ bà hay mẹ, sau khi kết hôn, họ giáo huấn lại con gái mình bằng những kiến thức đã học và trải nghiệm. Giáo huấn con cái trở thành vai trò rất quan trọng của người phụ nữ, đặc biệt là đối với con gái. Ngay từ khi con còn là bào thai trong bụng, người mẹ đã biết thai giáo và gìn giữ những hành động tốt đẹp để con cái sinh ra khỏe mạnh và thông minh:

침석을바로앉고사색을보지말고

귀울게지말고틀리게눕지말고[2]

Ngồi đúng tư thế ngay ngắn trên giường, đừng nên nhìn những thứ không hay

Chớ đứng nghiêng người sang một bên, nhớ đừng nằm lệch sang một hướng “Ngồi đúng tư thế”, “chớ đứng nghiêng người”, “đừng nằm lệch sang một hướng”và còn rất nhiều điều khác nữa người phụ nữ cần nhớ. Những điều này hẳn là sự đúc kết kinh nghiệm từ ngàn đời, thậm chí là từ nhiều nền văn hóa khác nhau[3].

Khi sinh con ra, dạy con ngay từ khi còn nhỏ là điều cần thiết để uốn nắn nhân cách:

두세살먹은후의지각이들거들랑

장난을엄금하고의식을존절하고

썩은음식주지말고상한고괴먹게말라

귓타고안을바다버릇업게하지마라

밉다고과장하여정신일게하지마라

Dạy con khi lên hai ba tuổi có ý thức tự giác bản thân

Cần nghiêm khắc với việc đùa gin, luôn chú ý điều chỉnh thói quen

Đừng đưa con những thứ ôi thiu, đừng cho ăn những đồ hư thối

Đừng nghĩ rằng vì quý vì yêu mà có thể cưng chiều vô lối

Đừng phóng đại việc mình không thích, làm tinh thần con trẻ hoang mang

Người mẹ cần phải biết kết hợp hài hòa giữa yêu thương và giáo dục: “cưng chiều” một cách “nghiêm khắc” để con trẻ có ý thức tự giác nhưng không bị “hoang mang” tinh thần.

1.2. Vai trò của người vợ, người con dâu

Người phụ nữ ghi dấu ấn vào cuộc đời từ khi kết hôn về gia đình chồng sinh sống. Kể từ đây, với tư cách là một người vợ, người con dâu, vai trò của người phụ nữ rất quan trọng. Việc phụng dưỡng cha mẹ là việc ưu tiên hàng đầu họ phải thực hiện. Họ được dạy rằng phải vấn an, chăm sóc mẹ cha bằng tấm lòng hiếu tử mọi lúc mọi nơi:

자주자주나아가서기운을살핀후에

안색을화케하며소리를낮초와서

문안을드린후에음식을묻자오며

잠죽히기달려서묻난말삼대답하고

음식을공궤하되구미를맞초와서

찾기를기대말고때맞초와드리오며

없다는칭탁마라.의복을받아오되

한서를살펴봐서철철이때를찾아

생각전에바치오며품맞고길이맞고

일념에조심하고기운이첨상되야

황황한이모양이주야에전읍이라

잠시도잊지말고탕로를친집하며

급한중정신차려약물을조심하라

효성이극진하면복상이쉽사오니

Con nhớ hãy thường xuyên lui tới, chú ý xem sắc mặt của Người

Khuôn mặt hãy tỏ ra niềm nở, hạ giọng và nói năng nhẹ nhàng

Sau khi đã vấn an cha mẹ, hãy hỏi về thức uống đồ ăn

Nhớ kiên nhẫn lặng im đợi chờ, nhẹ nhàng trả lời từng câu họ hỏi

Đồ ăn, uống khi làm cố gắng cho thật vừa vị của bề trên

Tìm thời cơ thích hợp mang lên, đừng đợi đến khi mẹ cha tìm tới,

Đừng bao biện rằng đồ ăn đã hết. Khi con mang y phục tới

Hãy suy xét trời nóng hay lạnh đúng theo thời tiết, hợp với từng mùa

Trước khi mang lên hãy xem xét kỹ độ rộng, độ dài thích hợp hay chưa

Nhớ lúc nào cũng luôn cẩn thận, khi họ bệnh cơ thể suy nhược

Hãy tỏ ra lo lắng đêm ngày bằng vẻ mặt rối bời, hốt hoảng,

Dù gấp gáp nhưng tinh thần tỉnh táo, cẩn thận khi mang thuốc nước dâng lên

Chỉ cần mình lo lắng tận tâm, cha mẹ sẽ nhanh phục hồi như trước.

Người mẹ chỉ dạy rất kỹ từ những việc nhỏ nhặt như chuẩn bị đồ ăn, quần áo, tới việc lớn như chăm sóc cha mẹ khi ốm đau. Họ tin rằng tấm lòng chân thành sẽ làm mẹ cha xúc động và yêu thương mình nhiều hơn:

성효가지성하면얼음속에잉어나고

설중에죽순이라...

Nếu thật lòng hiếu thảo từ tâm, cá chép sẽ hiện ra trong băng giá[4]

Măng cũng mọc trong tuyết mùa đông[5]

Với cha mẹ, dường như người con chỉ có sự tuân thủ một chiều, không được phép thể hiện ý kiến cá nhân của mình. Đây chính là một hệ quả của tư tưởng Nho giáo, áp đặt người dưới tuân theo, phục vụ người trên vô điều kiện.

Là người vợ, người phụ nữ phải biết chăm lo đời sống gia đình như chuẩn bị mâm cỗ cúng tế hay tiếp khách, quản lý nô bộc và chi tiêu, chăm lo sản xuất của cải,...Thời đại phong kiến, việc cúng tế ông bà tổ tiên rất được coi trọng. Người phụ nữ chỉ gián tiếp thực hiện thông qua việc chuẩn bị đồ thờ phụng. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng vì mâm cúng thời bấy giờ vô cùng phức tạp với rất nhiều quy tắc cần tuân thủ, bản thân người chuẩn bị mâm cúng cũng phải “trai giới” nghiêm ngặt:

제일이당하거던전기에조심하야

의복을씻어입고재계를정히하되

부정지색보지말며부정지성듣지말고

각자가제수등물정결토록조심하야

한가지나잊을세라차차로생각하야

Sắp đến ngày giỗ kỵ trong nhà, nhớ cẩn thận từ những ngày trước đó

Giặt sạch squần áo để mặc, thực hiện việc trai giới[6] thật nghiêm

Tránh nhìn những thứ gai mắt, tránh nghe những thứ trái tai

Đồ thờ cúng cố gắng làm sao được thanh cao, tinh khiết nhất có thể

Chớ để quên bất cứ thứ gì, cẩn thận nghĩ suy từng điều, từng việc

Để đảm bảo sự “thanh cao, tinh khiết” nhất có thể, người chuẩn bị thờ cúng phải “tránh nhìn những thứ gai mắt”, “tránh nghe những thứ trái tai”. Thông thường, những ngày hành lễ như vậy sẽ tiếp đón rất nhiều anh em họ hàng hay khách quý phương xa. Người phụ nữ phải chuẩn bị mâm cỗ để đón tiếp họ thật chu đáo, bởi vì việc này có liên quan trực tiếp tới thanh danh của gia hộ. Kể cả khi có khách tới đột xuất không báo trước, người phụ nữ cũng cần cố gắng chuẩn bị tốt nhất có thể để giữ tiếng thơm cho gia đình.

반찬이유무간에먹도록대접하면

아모집아모댁이안흠세도없거니와

Dù đồ ăn có sẵn hay không, hãy nhiệt tình mang ra tiếp đãi

Khách trở về không tiếc lời ca ngợi, nhà nọ nhà kia đón khách ân cần

Khi làm những công việc này, phụ nữ yangban thường có cheonmin (nô tì) giúp sức. Trong bài “Gyenyeoga”, người mẹ dạy con gái phải biết quản lý để nô bộc biết cách làm và tôn trọng gia chủ:

비복은사령이라수족과같으니라

귀천이다르나마그도또한현육이니

살뜩이거두우되은위를병시하라위엄이지중하면중성이전로없고

은애를과히하면버릇없기쉬우니라 의식을살펴보와기한이없게하며

Nô bộc chính là người giúp việc, giống như thể tay chân của mình

Tuy thân phận có sự khác nhau, họ cũng là thành viên gia chủ

Thắt chặt chi tiêu là việc nên làm nhưng phải cho vừa uy nghiêm, ân hu

Nếu mình tỏ ra quá nghiêm khắc, tự nhiên sẽ mất sự trung thành

Nhưng nếu dành tình cảm quá nhiều, tự nhiên họ dễ bề hư tính

Đừng để tôi tớ bị đói bị lạnh, nhớ chăm cái ăn cái mặc hàng ngày.

Dẫu biết họ chỉ là người giúp việc, nhưng cũng là “thành viên” của gia đình, là “tay chân” giúp đỡ trong mọi việc nên phải vừa mềm mỏng thương yêu, vừa phải nghiêm khắc để họ làm việc một cách trung thành với gia chủ. Trong chi tiêu sản xuất, phụ nữ phải biết tính toán để không quá lãng phí tiền bạc vào những việc không đáng nhưng lại không quá tằn tiện để bị người đời chê bai.

근검이으뜸이나알봐가며할것이며

절용이좋다해도쓸때야 안쓸쏘냐

범백을요량하야중도에맞게하라

못할일을한다하면남에게천히뵈고

쓸데를아니쓰면 남에게득담한다

Cần kiệm là một đức tính tốt, nhưng phải tùy vào từng việc khác nhau

Tiết dụng là việc nên làm nhưng khi cần lẽ nào không dùng tới

Hãy suy nghĩ thấu suốt mọi việc, làm cho vừa vẹn cả đôi đường

Khi đầu tư việc gì không đáng, sẽ thành tầm thường trong thiên hạ

Khi cần dùng mà lại không dùng, sẽ bị người đời lên tiếng chê bai

Thời phong kiến, kinh tế hầu như tự cung tự cấp. P[NT6] hụ nữ phải tham gia vào việc trồng trọt, chăn nuôi, dệt vải, may vá, thêu thùa và các sản phẩm thủ công khác trong gia đình. Người mẹ dạy con không chỉ biết quản lý nô bộc giúp sức trong công việc mà còn phải biết chi tiêu, chăm lo cho từng việc nhỏ nhặt trong gia đình. Như vậy, phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong gia đình như phụng dưỡng chồng và cha mẹ, chuẩn bị cúng tế, tiếp đón khách, quản lý nô học hay chăm lo đời sống sản xuất,…

2. Giáo huấn về hành thất người phụ nữ phải giữ gìn

2.1. Trong gia đình

Người phụ nữ với vai trò là người vợ thì phải biết tôn trọng chồng, cung kính và phụng dưỡng cha mẹ chồng đúng mực. Trong tầm ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo phong kiến, vị thế đàn ông được nâng lên tầm cao hơn phụ nữ:

가장은하늘이라하늘같이중하여라

언어를조심하고사사이공경하고

미덥다고방심말고친타고아당말라

음식을먹더라도훈반에먹지말고

의복을둘지라도한데에걸지말라

내외란구별하여혼란하게마라스라

Người đàn ông trụ cột trong nhà, là Trời cao, hãy tôn trọng họ

Luôn cẩn thận lời ăn tiếng nói, phải cung kính bất kỳ lúc nào

Đừng tin tưởng quá tỏ ra chủ quan, đừng tưởng thân quen thành ra lấn lướt

Dù là khi ăn hay là khi uống, chớ ngồi chung bình đẳng một bàn

Khi cất giữ quần áo trong nhà, không móc chúng ở cùng một chỗ

Trong và ngoài cần phân biệt rõ, đừng quên dùng đồ lẫn lộn với nhau

Người đàn ông được tôn vinh như “Trời”, vì là “Trời” nên phụ nữ phải luôn tỏ vẻ tôn kính, khiêm nhường mọi lúc mọi nơi, không được tỏ vẻ thân mật. Dù là vợ chồng nhưng quan hệ giữa họ không bình đẳng, không gian sinh hoạt phân biệt rõ ràng: đàn ông là không gian bên ngoài (밖), phụ nữ là không gian bên trong (안) nên họ không ngồi ăn chung, không móc quần áo cùng chỗ,… Vì thế, “vợ chồng đôi khi chỉ tìm đến với nhau khi có nhu cầu quan hệ tình dục hay vì trách nhiệm sinh con nối dõi”[7].

Người mẹ cũng chỉ cho con những kinh nghiệm bản thân mình đã trải qua, rằng đối với cha mẹ chồng, hãy làm thật tốt nhưng “đừng tỏ ra giỏi giang”, nếu chẳng may gây ra lỗi hãy thành tâm “tự nhận sai” và “ăn năn sửa chữa”:

시키신일있삽거든물러가진작하되

자망으로하지마라내난것이자망이요

그르거된자죄하되속속히개과하여

Khi có việc mẹ cha sai bảo, cần nhanh chóng chạy tới hỏi thăm

Những gì không biết đừng tỏ giỏi giang, chỉ nên cho xem những điều làm tốt

Tự nhận sai những gì mắc lỗi, kết hợp ăn năn sửa chữa lần sau

Không những thế,phụ nữ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ gìn hòa khí với anh em trong gia đình:

형제가기흡하면화락차심하나니라

인간애우애보전내간에도매였으니

우애만생각하니재물을의론마라

재물끝에의상하면형제가남과같다

천륜으로생긴우애나날이솟아나니

형우제공각각하면목족도되려니와

Tình nghĩa anh em nếu tốt đẹp, gia đình sẽ hòa thuậnan vui

Việc giữ gìn nghĩa tình nhân gian, xưa nayphụ thuộc người phụ nữ

Chỉ nên nghĩ tới tình cảm anh em, đừng tính đến hơn thua của cải

Vì của cảinghi ngờ lẫn nhau, tình anh em cũng chẳng khác người ngoài

Tình anhem trong nghĩa nhân luâncàng ngày càng cao vút

Nếu biết kính trên nhường dưới, gia đình hòa thuận an vui

Người mẹ dạy rằng, chính hành vi của người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối tình cảm anh em, giữ gìn ấm êm hòa thuận trong gia đình. Đừng “vì của cải mà nghi ngờ lẫn nhau” mà phải biết “kính trên nhường dưới”. Để thể hiện đúng mực thước đo phẩm hạnh của người phụ nữ với chồng, cha mẹ hay anh chị em chồng như phân tích ở trên, người phụ nữ phải biết sử dụng ngôn từ đúng nơi, đúng lúc, bởi vì:

부녀소리높이하면가도가불길하니

빈계신명옛경계는규범에유순하기가으뜸이다

Phụ nữ mà cất lời to tiếng ắt trong nhà cũng gặp vận đen

Người xưa dạy “tẫn[GL7] [NT8] kê thần minh”[8] có liên quan tiết lễ phụ nữ

Dù không thể chân thiện chân mỹ, nhưng ngoan hiền cũng là cách hay.

Những lời ca từ trên nhắc nhở phụ nữ nên “ngoan hiền” trong lời ăn tiếng nói. Ngoài ra, tục ngữ Hàn Quốc cũng đã từng dạy phụ nữ không nên nói nhiều khi về làm dâu: “câm ba năm, điếc ba năm, mù ba năm”(벙어리 3년, 귀머리 3년, 장님 3년). Lee Suk In[9]cũng nhắc đến nguyên tắc ngôn từ của phụ nữ trong thời đại phong kiến: “lời nói của người phụ nữ không được vượt qua hàng rào,… phụ nữ phải tiết chế lời nói, nói nhiều sẽ bị coi là không có lễ nghĩa”. Vì thế, ngay cả trong gia đình nơi mình sinh sống, họ cũng phải sống câm lặng theo những bất công của thời đại.

2.2. Ngoài xã hội

Trong gia đình, phụ nữ đã phải tiết chế ngôn từ thì ngoài xã hội, phụ nữ càng phải chú ý hơn về hành động của bản thân:

여인주조할지라도언어를조심하라

착한사람본을받고흉한사람 경계하면

잇에못참은말후회한들미칠소냐

참기를위주하고속너르기힘을써라

진정으로하여라식사는 헛일이라

훼언듣고자책하면훼언이예언되네

Nữ chủ nhân khi nói chuyện với ai, hãy chú ý lời ăn tiếng nói

y noi gương những người làm tốt, hãy cảnh giác với người xấu xa

Nếu nóng nảy nhất thời để lỡ lời, hối hận về sau sẽ không có ích

Hãy cố gắng tập tính nhẫn nhịn, nhớ luôn luôn rộng lượng thứ tha

y luôn luôn làm việc chân thành, mọi giả dối ắt sẽ nghechê bai và tự mình nhìn lại, chê bai dần dần thành tiếng khen ngợi

Những điều chỉ dạy trên đây không chỉ đúng với hoàn cảnh lúc bấy giờ mà còn đúng cho cả thời đại của chúng ta: noi gương người tốt, cảnh giác người xấu, tập nhẫn nhịn và rộng lượng thứ tha, biết lắng nghe lỗi lầm để sửa sai. Tuy nhiên, trong thời kỳ này, phụ nữ không những không được tự do bộc lộ ý kiến của mình mà còn phải tiết chế tối đa để tránh những phiền phức gây ra cho gia đình.

Kết luận

Qua những phân tích trên, có thể thấy, người phụ nữ được giáo huấn để trước khi kết hôn trở thành người con hiếu thảo, sau khi kết hôn trở thành người mẹ hiền, người vợ ngoan, người con dâu thảo trong gia đình. Việc phụng dưỡng cha mẹ chồng, tôn thờ chồng,giáo dục con cái, trở thành điều hiển nhiên phải làm sau khi về sống chung với nhà chồng. Ngoài ra, phụ nữ còn phải biết học cách để chăm lo đời sống gia đình như chuẩn bị cho việc thờ tự, tiếp đón khách, quản lý nô bộc cũng như việc chi tiêu, sản xuất trong gia đình. Phụ nữ luôn phải chú ý hành thấtnhư ngôn từ, hành động để giữ gìn những đức hạnh của một người phụ nữ. Tuy nhiên, bất công thể hiện khi người phụ nữ thường phải tuân thủ một chiều những điều nam giới đặt ra để áp chế khiến cho họ phải câm lặng sống phụ thuộc vào đàn ông và thời đại.

 

Nguyễn Thị Trang1

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban biên soạn giáo trình Hàn Quốc học (2009), Lịch sử Hàn Quốc, Nxb Đại học Quốc gia Seoul (bản dịch tiếng Việt của Lê Thị Thu Giang và nhóm dịch giả).

2. Phan Thị Thu Hiền (chủ biên, 2017), Hợp tuyển văn học cổ điển Hàn Quốc, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

3. 권영철 (1980), 규방가사연구, 이우출판사, 7-14쪽 (Kwon Young Cheol (1980), Nghiên cứu ca từ khuê phòng, Nxb Iwoo, Hàn Quốc, tr. 7-14).

4. 이숙인책임기획 (2013), 조선여성의일생, 글항아리 (Lee Suk In (chủ nhiệm,2013), Cuộc sống của phụ nữ Joseon, Nxb Gulhangari, Hàn Quốc).

5. 이혜순외 (2000), 한국고전문학여성작가연구, 태학사출판사 (Lee Hye Sun và nhóm tác giả (2000), Nghiên cứu tác giả nữ văn học cổ điển Hàn Quốc, NxbTaehaksa, Hàn Quốc).

 

Gyenyeoga – Gasa of teaching women before marriage

Nguyen Thi Trang

Gyubanggasa is a literary form that takes the life of noble women in the Joseon period as the subject. There are many different genres of this type, each of themreflects different aspects of women's life, primarily focusing on marital life. This article uses the literary work 'Gyenyeoga', which is a genre of Gyubanggasa to give teaching to Joseon women before they get married. Since then, it generally depicts social issues affecting the life of noble women in particular and of Joseon ones in general.

Keywords: Korean literature, Gyubanggasa, Gyenyeoga, Joseon women,

 

Thông tin liên hệ:

Nguyễn Thị Trang,

Khoa Ngoại ngữ và Khoa học xã hội,Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu

Địa chỉ: số 80 Trương Công Định, phường 3, thành phố Vũng Tàu.

Điện thoại: 0976 560 350

Email: thytrang1110@gmail.com.

 

 


[1]Khoa Ngoại ngữ và Khoa học xã hội, Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu

[2]Những trích dẫn trong phần này sử dụng tác phẩm Gyenyeoga trong Kwon Young Cheol (1980), Nghiên cứu ca từ khuê phòng, Nxb Iwoo, Hàn Quốc, tr. 7-14 (권영철 (1980), 규방가사연구,이우출판사, 한국, 7-14쪽).

[3] Lee Suk In, (2010) cũng trích dẫn đoạn trong Liệt nữ truyện – một tài liệu giáo huấn phụ nữ được mang về từ nhà Minh (Trung Quốc): “không nằm nghiêng sang một bên, không ngồi nghiêng một bên, không đứng bằng một chân, không ăn đồ thiu hỏng, không ăn đồ cắt không thẳng thớn, không ngồi chỗ nghiêng lệch, không nhìn những thứ xấu xa, không nghe những âm thanh thô tục, tối học thuộc tiểu kinh, chỉ nói những điều đúng đắn, nếu làm như thế này khi đứa trẻ sinh ra mặt mày sẽ tuấn tú và thông minh hơn người” (tr. 234).

[4] Dẫn theo điển tích của Trung Quốc. Một người con hiếu thảo đời Tấn tên là Vương Tường, khi mẹ bị bệnh nặng và nói muốn ăn cá chép, đã không quản giá lạnh mùa đông, cởi áo, đào băng tìm cá chép. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo ấy, tảng băng đã tan để lộ ra con cá chép cho Vương Tường bắt về.

[5] Dẫn theo điển tích của Trung Quốc. Một người con hiếu thảo tên là Mạnh Tông đời Tam Quốc, khi mẹ bị bệnh nói muốn ăn măng vào mùa đông, ông không có cách nào tìm được măng đành ngồi khóc trong rừng tre. Cảm động trước tấm lòng ấy, bỗng dưng có một cây măng đội lên từ tuyết trắng cho ông hái mang về.

[6] Trai giới: chỉ việc giữ gìn tâm hồn và cơ thể sạch sẽ, tránh xa những thứ được coi là “ác”, “bẩn”, để thực hiện các nghi lễ mang tính tôn giáo.

[7]이숙인책임기획 (2013), 조선여성의일생, 글항아리 (Lee Suk In (chủ nhiệm,2013), Cuộc sống của phụ nữ Joseon, Nxb Gulhangari, Hàn Quốc).

[8] Gà mái gáy vào buổi sáng, ý chỉ phụ nữ nói nhiều làm náo loạn không khí trong nhà.

[9]Lee Suk In (2013), Tlđd, tr. 21.


 

0thảo luận