Trang chủ

Một số biểu hiện của yếu tố phân tâm học trong tiểu thuyết của Haruki Murakami

Đăng ngày: 6-09-2022, 07:28 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 2

Tóm tắt: Vận dụng những lý thuyết của phân tâm học trong việc giải mã tác phẩm văn học nghệ thuật là một hướng tiếp cận được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước thể hiện trong các bài viết và công trình nghiên cứu. Trên cơ sở lý thuyết phân tâm học của S.Freud, chúng tôi tìm hiểu những biểu hiện của vô thức gắn với tình dục, giấc mơ, bản ngã - những khía cạnh của phân tâm học- trong một số tiểu thuyết của H. Murakami. Đây là một trong những vấn đề quan trọng góp phần tạo nên nét đặc sắc trong văn chương của ông.

Từ khóa: Tiểu thuyết Haruki Murakami, vô thức, tình dục, cái tôi đa ngã


1. Từ phân tâm học về văn học nghệ thuật[1]

Bước vào thế kỷ XX, nhân loại đã chứng kiến những phát minh làm đảo lộn đời sống tinh thần loài người: sự ra đời của chủ nghĩa Marx, thuyết tương đối của Albert Einstein và phân tâm học do Sigmund Freud khởi xướng. Là người đặt nền móng cho phân tâm học, S. Freud (1856-1939) đã có những đóng góp rất lớn không chỉ trong nghiên cứu tâm lý con người để chữa bệnh mà còn trong việc tìm hiểu, giải mã tác phẩm văn chương. Với lý thuyết phân tâm học, S. Freud trở thành người có nhiều ảnh hưởng đối với châu Âu và thế giới trong lĩnh vực tâm lý và văn học nghệ thuật. Ông được đánh giá “là một người mà tên tuổi mãi mãi đứng cùng hàng với tên tuổi như Darwin, Copernic, Newton, Marx và Einstein; một người đã thực sự làm biến đổi cách thức chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống và của xã hội con người”[2]. Nghiên cứu tâm lý con người, S. Freud chỉ ra rằng, ngay trong tầng vô thức của con người tồn tại bản năng sống, gắn với tính dục (Eros) và bản năng chết (Thatanos). Hai xung năng này song hành tồn tại cùng con người từ xưa tới nay. Và con người (đặc biệt là tuổi thơ) luôn mặc cảm về thân phận nên dường như suốt cuộc đời hành trình đi tìm lại bản thể của chính mình. S. Freud gọi đó là mặc cảm Oedipe, khái niệm được ông đặt dựa vào tên của nhân vật Oedipe trong bi kịch Hy Lạp cổ đại. Theo S. Freud, con người trong hiện tại thường bị dồn nén, ràng buộc bởi những quan niệm xã hội, gia đình tạo ra sự ẩn ức và họ luôn có xu hướng thoát ra để thăng hoa. Vì không thỏa mãn những nhu cầu của mình trong thực tại nên con người tìm sự giải thoát ở tầng vô thức thể hiện trong giấc mơ và trong tính dục khác giới hoặc đồng giới. Nhà phân tâm học S. Freud cũng đề cập đến bản ngã con người, chỉ ra những dạng thức khác nhau của sự tồn tại các bản ngã trong đời sống tinh thần.

Như vậy, phân tâm học và văn học đã có chỗ gặp gỡ nhau trong việc khám phá thế giới nội tâm, chỉ ra những bí ẩn, thầm kín trong sâu thẳm tâm hồn con người. Chính phân tâm học đã mở ra một hướng nghiên cứu mới cho văn học nghệ thuật và nó có ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng trong giới sáng tác và nghiên cứu văn học nhiều nước từ thế kỷ XX cho đến ngày nay. Văn học Nhật Bản nói chung và sáng tác của H. Murakami nói riêng cũng mang những dấu ấn của phân tâm học khá rõ nét (đặc biệt ở thể loại tiểu thuyết).

2. Đến những yếu tố phân tâm học trong tiểu thuyết H. Murakami

2.1. Vô thức và tình dục

Theo S. Freud, trong ba hệ thống kết cấu con người: hệ thống ý thức (conscient), hệ  thống tiền ý thức (preconscient) và hệ thống vô thức (inconscient), thì “hệ thống vô thức nằm ở tầng sâu của kết cấu tâm lý con người, là kho tàng trữ bản năng dục vọng sinh vật của con người”[3]. Vô thức không hề thụ động, nó có tác động mạnh mẽ đến tư duy, tình cảm con người và biểu hiện rất năng động.

Trong sáng tác của H. Murakami, nhà văn khai thác thế giới vô thức của nhân vật gắn với những hoạt động tình dục diễn ra trong thực tại lẫn giấc mơ. Chính những ẩn ức trong lòng xã hội Nhật Bản với những bất công, cấm kỵ và việc tác giả bị dồn nén đã tạo nên sự thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Hầu như trong tiểu thuyết của H. Murakami, các nhân vật thường sinh hoạt tình dục với nhau không chỉ vì tình yêu mà còn vì bản năng hưởng lạc, khám phá lẫn nhau. Họ là sản phẩm của xã hội Nhật Bản thời hậu công nghiệp, bị ảnh hưởng rất mạnh mẽ lối sống phương Tây (đặc biệt là thế hệ trẻ). Những quan hệ tình yêu- tình bạn- tình dục trong tiểu thuyết H. Murakami xuất hiện với một mức độ khá đậm đặc. Đó là những nhân vật như: Naoko, Kizuki, Watanabe, Reiko, Nagasawa (Rừng Na Uy); Hajime, Izumi (Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời); Sumire, Miu (Người tình Sputnik); Kafka, Saeki, Sakura (Kafka bên bờ biển); Okada, Kano Creta (Biên niên ký chim vặn dây cót). Các nhân vật của H. Murakami tìm đến tình dục không đơn thuần vì tình yêu mà còn để giải tỏa nỗi cô đơn, những trầm uất, ức chế trong cuộc sống với quá nhiều áp lực của xã hội, gia đình. Họ không chỉ quan hệ tình dục khác giới mà cả đồng giới, thậm chí cùng huyết thống (mẹ, chị). Trong Kafka bên bờ biểnBiên niên ký chim vặn dây cót, dưới hình thức những người tiên tri, nhà ngoại cảm, những lời sấm truyền mang tính định mệnh, nhà văn đã nói đến những bí ẩn của tâm hồn con người và mặc cảm tội lỗi xuất phát từ vô thức của nhân vật.

Những lời tiên tri của Honda và Kano Malta (Biên niên ký chim vặn dây cót) về cuộc đời và số phận của các nhân vật Mamiya, Yamamoto, Hamato mang tính linh nghiệm rất cao. Hầu hết các nhân vật đó đều có cuộc đời về sau kết thúc như “tiên tri” của Honda và K. Malta. Những tiên tri đó xuất phát từ vô thức khi con người “bừng ngộ”, “linh giác” được mà ý thức con người không thể làm được. Đó là những giải đáp về thế giới vô thức góp phần tạo nên sự hấp dẫn, ly kỳ của tác phẩm.

Kafka bên bờ biển, nhân vật Kafka khi bước vào tuổi mười lăm lại bị ám ảnh bởi một lời “sấm truyền” độc địa từ người cha là sẽ “giết cha và ngủ với mẹ và chị gái”. Bản năng mù quáng và độc ác của Koichi Tamura (bố Kafka), khi mà lý trí không kiểm soát nổi đã có lời nguyền định mệnh cho đứa con trai của mình. Nhìn từ góc độ phân tâm học, do không thỏa mãn được ham muốn bản năng và sự khoái cảm trong thực tế nên Koichi Tamura bị ức chế, dồn nén và dẫn đến việc muốn giải tỏa bằng cách truyền cái đó sang cho Kafka, bất chấp cả luân thường đạo lý. Với “mặc cảm Oedipe” và bị lời nguyền chi phối, Kafka tiến hành một cuộc hành trình chạy trốn, tìm lại chính bản thân, nhưng rốt cuộc cũng bị điều đó khuất phục dù cho diễn ra trong mơ.

Ở nhân vật Kafka, vô thức gắn với tình dục liên quan đến mẹ và chị gái (Saeki và Sakura). Cuộc gặp gỡ bất ngờ của Kafka với bà Saeki (giống mẹ Kafka) ở thư viện, nơi có treo bức tranh “Kafka bên bờ biển” và bức ảnh bà Saeki thời trẻ, dẫn đến việc Kafka thực hiện vế thứ nhất của lời nguyền (ngủ với mẹ). Và từ trong vô thức, Kafka đã làm tình với Saeki vì “nhìn thấy hình ảnh cô gái mười lăm tuổi bên trong bà”. Cô gái trong mơ đó chính là bóng ma của Saeki. Nếu ở các chương 23, 25, 27, nhà văn bắt đầu nói đến những dồn nén sinh lý nhân vật, thì đến chương 29, 31, 33..., tác giả giải tỏa những căng thẳng bằng cách cho Kafka nhiều lần ngủ với Saeki trong trạng thái thực mơ lẫn lộn. Ở đó “thực tại và mộng mơ trộn lẫn như nước biển và nước sông hòa vào nhau...” và “khi không còn gì trên người, bà buông mình xuống chiếc giường hẹp và quăng đôi tay trắng muốt ôm lấy tôi”[4]. Kết thúc một lần làm tình trong mơ giữa Kafka và Saeki, nhà văn mô tả cảnh đối lập đất - trời, tối - sáng, thực - mơ lẫn lộn: “Đằng xa, một tiếng quạ kêu. Trái đất vẫn tiếp tục quay chậm rãi. Nhưng bên kia những chi tiết ấy của thực tại có những giấc mơ. Và mỗi người đều đang sống trong giấc mơ của mình”[5].

Vế thứ hai của lời nguyền “ngủ với chị gái” cũng được H. Murakami mô tả bằng cảnh Kafka làm tình với Sakura. Bản năng tính dục của Kafka trỗi dậy và cậu ngủ với Sakura: “Tôi quyết định kéo cô quay về phía tôi... Tôi ôm Sakura và những khoái cảm làm cho hai người cảm thấy thăng hoa...” và Kafka đã thực hiện trọn vẹn lời nguyền của người cha “giết cha và cưỡng hiếp mẹ... và đang nhấn sâu vào bên trong chị gái”[6]. Thông qua lời nói của nhân vật Quạ (bản ngã thứ hai của Kafka), toàn bộ những hành động tình dục của Kafka với Saeki và Sakura đều là những giải tỏa bế tắc trong tâm lý được ngụy trang bởi một lời nguyền cay nghiệt. Như vậy, mặc cảm Oedipe có từ bi kịch cổ Hy Lạp lại được tái hiện trong thời hiện đại dưới dạng vô thức.

Trong Người tình Sputnik, khi đề cập đến mối tình đồng tính nữ giữa Miu và Sumire, tác giả một mặt phản ánh xu hướng hôn nhân hiện đại kiểu phương Tây xuất hiện ở Nhật Bản, mặt khác từ góc nhìn phân tâm học cũng thể hiện những áp lực cuộc sống dồn ép tâm lý dẫn đến những suy nghĩ và hành động của nhân vật do vô thức điều khiển. Khi đang ở trên chiếc đu quay tại công viên vào ban đêm, Miu đã rơi vào tình cảnh thật đặc biệt: “Miu há hốc mồm kinh ngạc, có một người đàn ông trần truồng trong phòng ngủ của chị... Người đàn ông đó là Ferdinando... Rồi một phụ nữ xuất hiện ở cửa sổ... Cái mà chị nhìn thấy chính là chị”[7]. Rõ ràng, dù cho cuộc sống bề ngoài có vẻ bình yên, toại nguyện, nhưng tận sâu trong tiềm thức của mình, Miu vẫn khát khao cháy bỏng về tình yêu khác giới. Và điều đó được thực hiện qua hình ảnh thực ảo của bản ngã khác.

Các nhân vật trong Rừng Na Uy là những sinh viên trẻ tuổi đầy sức lực và tham vọng về cuộc sống, nhưng dường như họ bị chìm đắm vào những đam mê tình dục. Bên cạnh những tình yêu đích thực dẫn đến hôn nhân, thì phần lớn những người trẻ tuổi trong tác phẩm này lấy tình dục như là một cứu cánh để giải tỏa sự cô đơn và những căng thẳng trong học tập, trong cuộc sống đối với họ. Watanabe lâm vào bế tắc trong cuộc sống hiện tại, nhất là sau cái chết của Kizuki, anh gục ngã và tìm đến sự giải tỏa bằng cách làm tình với Reiko và Naoko. Lần ngủ với Naoko đầu tiên của Watanabe dường như diễn ra trong vô thức và bất ngờ: “Thế rồi hoàn toàn chỉ là bản năng, tôi ôm nàng vào lòng... Đêm đó tôi đã ngủ với Naoko. Làm vậy có phải không ư? Tôi không biết nữa. Ngay cả bây giờ, gần hai mươi năm đã qua, tôi cũng không biết chắc. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết”[8]. Hành động Naoko khỏa thân một cách vô thức trước Watanabe trong màn đêm dưới ánh trăng mát dịu với những đường cong hấp dẫn: “khối tròn trịa căng phồng của cặp vú, hai đầu vú nhỏ xíu, chỗ lõm vào ở phần rốn, cặp xương hông và đám lông mu, tất cả tạo nên những bóng đổ li ti, lấm chấm mà hình dạng của chúng liên tục biến đổi như những gợn sóng lăn tăn trải dài trên mặt hồ phẳng lặng”[9] là một bức tranh phồn thực về vẻ đẹp khỏa thân của Naoko tựa tranh thời đại Phục hưng. Ở đây, việc “khoe thân” của Naoko là một hành động mà ý thức không kiểm soát được, là việc làm do bản năng điều khiển, mặt khác, đây cũng là khát vọng phơi mở, hòa nhập với cuộc sống hiện tại của nàng sau cái chết Kizuki.

Như vậy, trong tiểu thuyết H. Murakami, sự biểu hiện của vô thức gắn với tình dục được nhà văn phản ánh ở nhiều góc độ khác nhau. Những hành động tình dục của nhân vật phần lớn đều khởi phát từ trong vô thức và bị vô thức chi phối. Những khoái lạc (libido) nhục dục của bản năng tình dục luôn tồn tại trong mỗi nhân vật và nó xuất hiện khi bị rơi vào những hoàn cảnh bi kịch, dồn nén cần phải được giải tỏa.

2.2. Vô thức và giấc mơ

Theo S. Freud, người nghệ sĩ giải thoát những khát khao của mình bằng giấc mơ hay tưởng tượng và tác phẩm văn học, trước hết là một giấc mơ. Là “con đường hoàng đạo” dẫn đến vô thức, giấc mơ đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm thức con người và trong văn học. Trong cuốn Phân tâm học nhập môn, S.Freud cho rằng: “Những ham muốn hiện ra trong giấc mơ làm cho giấc ngủ không yên, chúng ta không hề biết trước, nhưng chỉ biết sau khi giải thích những giấc mơ... Chúng ta có thể tạm gọi chúng là vô thức theo nghĩa thông thường của từ này...”[10]. Bàn về vấn đề này, Lê Nguyên Cẩn [t1] cho rằng: “Hình thức giải tỏa quan trọng nhất, đó là giải tỏa bằng giấc mơ. Bản thân giấc mơ là sự ngụy trang, là hình thức đeo mặt nạ che đậy những khát vọng, những thèm muốn bản năng. Giấc mơ là con đường lý tưởng để dẫn tới thế giới vô thức”[11]. Trần Thanh Hà [t2] cũng nhận xét: “Giấc mơ là cái van tình cảm của chúng ta, giấc mơ giúp giải phóng tình cảm chúng ta ra khỏi những ám ảnh, những thèm muốn bị nhốt suốt cả ngày và nhờ giấc mơ, con người trút bỏ những căng thẳng”[12].

Trong tiểu thuyết của H. Murakami, nhà văn thường nói đến những giấc mơ, gắn với thế giới vô thức. Những giấc mơ luôn được biểu hiện dưới dạng hình ảnh tượng trưng, những ý tưởng được che đậy để thực hiện cái vô thức. Những giấc mơ trong tiểu thuyết H. Murakami biểu hiện dưới hai dạng: giấc mơ tình dục và giấc mơ khát vọng.

2.2.1. Giấc mơ tình dục

Thông qua nhân vật Sumire trong Người tình Sputnik, H. Murakami đã thể hiện quan niệm của mình về giấc mơ: “Mọi người phải làm gì nếu họ muốn tránh sự va chạm “ầm”... và câu trả lời là “những giấc mơ”. Trong mơ bạn không phân biệt vạn vật với nhau..., biên giới không tồn tại. Vì thế, trong mơ hiếm khi va chạm. Mà nếu có thì cũng không gây tổn thương. Thực thì lại khác. Thực tại làm đau đớn”[13]. Những gì không làm được trong hiện thực thì hãy để được giải tỏa trong giấc mơ.

Trong những tác phẩm Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển, Người tình Sputnik..., phần lớn nhân vật đều hoạt động tình dục trong những giấc mơ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở những tác phẩm trên, tần số xuất hiện những lần làm tình trong mơ như sau: Kafka bên bờ biển (3 cặp): cô giáo của Nakata - chồng, Kafka - Saeki, Kafka - Sakura; Biên niên ký chim vặn dây cót (2 cặp): Okada - Creta, Okada - người phụ nữ gọi điện (vợ); Rừng Nauy (1 cặp): Watanabe - Naoko; Người tình Sputnik (1 cặp): Miu - Ferdinando. Ở những nhân vật trên, do những nguyên nhân khác nhau trong cuộc sống gia đình, đôi lứa..., nên họ chỉ thỏa mãn khoái lạc của bản năng dục vọng trong những giấc mơ.

Cô giáo của Nakata (Kafka bên bờ biển) có giấc mơ làm tình thật thăng hoa với người chồng đang ở ngoài mặt trận. Đây là những giây phút hạnh phúc của người vợ khi gần gũi chồng và nó không chỉ kéo trong suốt giấc mơ mà sau khi tỉnh, nàng vẫn thấy dư âm thoải mái, dễ chịu. Điều này, một mặt phản ánh bản năng tình dục nói chung của người phụ nữ, đặc biệt những người có chồng ở xa; mặt khác, nó còn là hình thức nhằm lên án những cuộc chiến tranh phi nghĩa khiến gia đình ly tán trong xã hội Nhật Bản. Và họ chỉ có thể thực hiện được bản năng làm vợ của mình trong giấc mơ.

Trong Người tình Sputnik, mặc dù yêu người tình đồng giới nữ Sumire, nhưng Miu lại mơ thấy cảnh mình làm tình với Ferdinando. Ở đây, những xung năng tình dục trong Miu đã chất chứa bấy lâu và nay bùng nổ để giải thoát khi cô nghĩ đến một cuộc làm tình thật thỏa mãn với Ferdinando, một người đàn ông Tây Ban Nha đẹp trai, cao lớn đã ly hôn mà cô mới gặp vài lần tại một thị trấn nhỏ ở Thụy Sĩ. Trong mơ màng qua ống nhòm nhìn về phía căn phòng của mình, Miu thấy: “Ferdinando ôm chị và bế lại giường... Anh ta tận hưởng cảm giác thích thú. Chị không chống cự... để mặc anh ta muốn làm gì thì làm, hoàn toàn tận hưởng niềm khoái cảm đang dâng lên... Trống rỗng... Miu không nhớ. Ký ức chị đứt đoạn”[14].

Thông qua giấc mơ, nhà văn đi vào khai thác tầng sâu vô thức để tìm kiếm, soi rọi mọi ngõ ngách của con người bản năng luôn bị kìm nén bởi con người lý trí. Trong giấc mơ, con người bản năng hoàn toàn được giải phóng khỏi ý thức để đáp ứng những dục vọng nằm ở tầng vô thức. Những nhân vật như cô giáo của Nakata, Kafka, Saeki, Sakura, Miu, Watanabe... dường như được trở lại sống với bản năng con người thực của mình khi thực hiện các hành động tình dục trong mơ. Bằng cách cho nhân vật tận hưởng khoái cảm tình dục trong cõi vô thức (thông qua giấc mơ), nhà văn H. Murakami đã góp phần lột tả chiều sâu tâm lý, sự đa chiều của tâm thức con người.

2.2.2. Giấc mơ khát vọng

Theo lý giải của S. Freud và những môn đệ của ông, giấc mơ khát vọng nhằm hướng con người đến những điều tốt đẹp, cao cả trong cuộc sống.

Nhân vật Okada (Biên niên ký chim vặn dây cót) trải qua những giấc mơ triền miên mỗi khi anh ta xuống giếng. Nhờ những giấc mơ đó, Okada tìm lại chính mình, tìm thấy những mắt xích liên hệ với thế giới nội tại để tìm ra con đường chân lý đúng đắn mà anh cần phải “dấn thân”, “nhập cuộc”. Từ giếng cạn Okada mơ về căn phòng 208, về Wataya Noboru và Kimiko: “Trước bình minh lên, dưới đáy giếng, tôi nằm mơ... Tôi đang đi một mình. Bộ mặt của Wataya Naboru chường ra trên màn tivi lớn đặt giữa một gian tiền sảnh rộng... sắp tuyên bố điều gì đó quyết định vận mệnh của tất cả”[15]. Cũng qua giấc mơ, Okada không chỉ khám phá ra nhiều sự thật mà còn tìm thấy Kimiko - vợ của anh và hóa giải được lời nguyền đè nặng lên Mamiya. Vợ chồng Okada - Kimiko gặp lại nhau, Mamiya tìm thấy hạnh phúc gia đình của mình với Creta và có con - đó chính là mong ước, là khát vọng mà nhân vật Okada luôn nung nấu và đấu tranh để thực hiện.

Trong Rừng Na Uy, Toru Watanabe có nhiều giấc mơ gắn với hình ảnh Naoko. Đối với anh, Naoko - một người con gái đẹp, có nghị lực, nhưng chịu nhiều thiệt thòi, gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống nên cần được chia sẻ, bù đắp. Vì thế, sau khi Kizuki - người yêu Naoko qua đời, Watanabe trở thành người gần gũi, thân thiết của Naoko. Trong hữu thức cũng như vô thức (giấc mơ), Watanabe luôn vắt kiệt sức mình cố gắng giúp để Naoko trở lại cuộc sống bình thường sau nhiều biến cố làm cho nàng sắp gục ngã. Những việc làm của Watanabe trong thực tại lẫn trong mơ đã phần nào làm cho Naoko cảm động và biết tin yêu cuộc sống để tiếp tục đi tiếp trên con đường khó khăn đến tương lai.

Những giấc mơ khát vọng đã thể hiện niềm tin vào cuộc sống, tương lai tốt đẹp ngày mai của các nhân vật đối lập với thực tại đầy rẫy những bất công, cạm bẫy và tội lỗi. Từ những “giấc mơ đẹp”, các nhân vật của H. Murakami như được tiếp thêm sức mạnh, tự tin vào bản thân, hướng đến tương lai, để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây cũng là cuộc hành trình của con người đến với những giá trị chân thiện mỹ.

2.2.3. Cái tôi đa ngã

Ở tiểu thuyết H. Murakami, một số nhân vật có những cái tôi khác nhau, đối lập, song hành và có mối quan hệ biện chứng với nhau. Đó là các cặp: cái tôi bản năng - cái tôi lý trí, cái tôi thể xác - cái tôi linh hồn, cái tôi hữu thức - cái tôi vô thức... Chính cái tôi đa ngã này tạo nên sự phong phú, đa chiều nhằm giải thích bản thể con người ở tầng sâu vô thức. Những nhân vật như Kafka, Saeki (Kafka bên bờ biển); Okada, Kano Creta, Wataya Noboru, Akasaka Quế (Biên niên ký chim vặn dây cót) và Miu (Người tình Sputnik)... có những cái tôi khác nhau, tồn tại ở những hoàn cảnh khác nhau.

Nhân vật Kafka có cuộc đấu tranh quyết liệt giữa con người bản năng và con người lý trí, con người hiện hữu (Kafka) với tiếng nói từ vô thức (Quạ). Nếu con người lý trí ràng buộc, chế ngự Kafka trong khuôn khổ vốn có của cuộc sống và đạo đức xã hội, thì con người bản năng luôn có xu hướng vi phạm, phá bỏ những quy tắc của con người lý trí. Con người bản năng đã thôi thúc Kafka bỏ nhà ra đi vào ngày sinh nhật tuổi mười lăm, làm tình với Miss Saeki (mẹ), Sakura (chị gái) và giết bố trong mơ khi biến thành con quạ. Ngược lại, con người lý trí - là tiếng vọng trong lòng, lại đưa ra những lời khuyên, trách móc, đánh giá, thậm chí chửi bới để níu kéo nhân vật trở về với thực tại, với những chuẩn mực đạo đức định sẵn. Kết thúc tác phẩm Kafka bên bờ biển, dù tìm ra được hòn đá thiêng đậy cửa hang - nơi lưu giữ những bí mật, nhưng Nakata chết, còn Kafka trở thành “một bộ phận của một thế giới mới toanh”. Tiếng nói từ bên trong thông qua nhân vật Quạ - bản ngã thứ hai của Kafka, đã đối lập con người bản năng và con người ý thức trong Kafka.

Trong nhân vật Miss Saeki cũng xuất hiện cái tôi đa ngã, nhưng cách biểu hiện và hành động lại không giống như Kafka. Ở Saeki, cái tôi quá khứ tuổi thanh xuân đối lập cái tôi hiện tại ngoài ngũ tuần, cái tôi già nua gần với cái chết với cái tôi trẻ trung nhiều đêm đến với Kafka. Chính Kafka đã yêu cái tôi tuổi mười lăm hiện hữu trong thân xác Saeki. Vì thế, khi ngủ với Saeki, Kafka luôn có sự hứng khởi, sung mãn. Sống trong hiện tại, nhưng Saeki thường hoài niệm về thời quá khứ của tuổi thanh xuân gắn với bức chân dung, bức tranh vẽ Kafka và những bản nhạc.

Những nhân vật Okada, Kano Creta... (Biên niên ký chim vặn dây cót) cũng có nhiều cái tôi. Nếu ở Okada có sự đối lập giữa con người thực tại - con người khi ở dưới giếng; với Kano Creta là cái tôi nhân văn, khoan dung - cái tôi vô cảm, thì con người hai mặt của Naboru lại được che đậy dưới một bộ mặt “bóng bẩy”. Con người trên thực tế của Okada đối mặt với gia đình, công việc rất căng thẳng, mệt mỏi, còn khi ở giếng anh ta đã lột xác phiêu diêu khắp nơi để tìm vợ và con mèo bị mất. Nhà văn cũng chỉ ra một Akasaka Quế, thực tế là một chàng trai thông minh, đẹp trai nhưng mang hình bóng của cậu bé đã mất đi giọng nói từ khi lên sáu. Tiếng nói của Quế mãi mãi đi vào quá khứ gắn với lịch sử đầy đau thương, biến động của dân tộc đã hằn sâu vào ký ức của cậu. Ở đây, thông điệp mà nhà văn muốn nói qua nhân vật: con người dù có hoàn hảo, trọn vẹn đến đâu cũng không tránh khỏi những khiếm khuyết, thiếu hụt và trên đời mọi cái chỉ là tương đối.

Trong Người tình Sputnik, nhân vật Miu và Sumire xuất hiện với nhiều cái tôi khác nhau. Đó là một Miu trẻ trung, tràn đầy sức sống, đam mê âm nhạc và một Miu già nua, xơ cứng về tâm hồn, mất hết niềm tin vào cuộc sống. Mặc dù nhiều lần né tránh tình cảm của Ferdinando (con người lý trí), nhưng rồi con người bản năng trỗi dậy (trong mơ màng), Miu thỏa mãn tình dục với anh ta: “Chị không chống cự... cho phép anh ta chạm đến bất kỳ chỗ nào trên người mình... Tôi ở ngay chỗ này, còn cái tên khác ở kia. Và người đàn ông đó - Ferdinando - đang làm đủ trò với cái tôi kia”[16]. Trong nhân vật Miu, nếu con người lý trí tỉnh táo bao nhiêu thì con người vô thức bản năng lại “vùng lên” xé rào mạnh mẽ, bứt tung những ràng buộc để thỏa mãn dục vọng bấy nhiêu. Xây dựng loại nhân vật có cái tôi đa ngã, nhà văn H. Murakami muốn qua đó nhấn mạnh, khai thác bản năng con người, đào sâu hơn thế giới nội tâm nhân vật.

Sáng tạo và thưởng thức tác phẩm văn học nghệ thuật là một hoạt động tinh thần mang tính thẩm mỹ cao. Là một văn bản nghệ thuật, tác phẩm văn học được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, mang lại những giá trị đa chiều. Xem xét tiểu thuyết H. Murakami từ góc nhìn phân tâm học cũng là một cách tiếp cận tác phẩm, nhằm giải mã những ký hiệu mà nhà văn ký thác vào văn bản nghệ thuật. Đào sâu vào tầng vô thức của nhân vật, H. Murakami đã sáng tạo nên những nhân vật có cá tính, mang tính khái quát. Vì thế, tác phẩm của ông tuy “khó đọc”, nhưng những vấn đề được đặt ra luôn có giá trị, vượt không gian đến với hàng triệu người đọc trên thế giới.

Hà Văn Lưỡng1

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Nguyên Cẩn (2011), Nghệ thuật tự sự trong sáng tác của Honore de Balzac, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

2. S. Freud (2005), Các bài viết về giấc mơ và giải thích giấc mơ, Nxb Thế Giới, Hà Nội.

3. S. Freud (2002), Phân tâm học nhập môn, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.

4. Trần Thanh Hà (2008), Học thuyết S. Freud và sự thể hiện của nó trong văn học Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.

5. H. Murakami (2006), Rừng Na Uy, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

6. H. Murakami (2008), Người tình Sputnik, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

7. H. Murakami (2007), Kafka bên bờ biển, Nxb Văn học, Hà Nội.

8. H. Murakami (2006), Biên niên ký chim vặn dây cót, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

9. Đỗ Lai Thúy (2004), Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

10. David Stafford - Clark (1998), Freud đã thực sự nói gì (Bản dịch của Lê Văn Luyện và Huyền Công), Nxb Thế giới, Hà Nội.

 

Some Manifestations of the Psychoanalysis Factor in Haruki Murakami’s Novels

Ha Van Luong

Applying theories of psychoanalysis in decoding literary and artistic works is an approach shown by domestic and foreign researchers in their articles and research works. On the basis of the psychoanalysis theory of S. Freud, we investigate the manifestations of unconscious associated with sex, dreams and ego - aspects of psychoanalysis - in some novels of H. Murakami. This is one of the important issues contributing to his literary identity.

Keywords: Novel H. Murakami, Unconsciousness, Sexuality, Multi-self

Địa chỉ liên lạc:

Hà Văn Lưỡng

Địa chỉ: 8/35 Lê Hồng Phong, phường Phú Nhuận, thành phố Huế

SĐT: 0914066061


[1] Giảng viên chính, Trường Đại học Khoa học Huế

[2] David Stafford – Class (1988), Freud đã thực sự nói gì? (Bản dịch của Lê Văn Luyện và Huỳnh Giang), Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 35.

[3] Trần Thanh Hà (2008), Học thuyết S. Freud và sự thể hiện của nó trong văn học Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 31.

[4] H. Murakami (2007), Kafka bên bờ biển, Nxb Văn học, Hà Nội.

[5] H. Murakami (2007), Kafka bên bờ biển, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 341.

[6] H. Murakami (2007), Kafka bên bờ biển, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 421.

[7] H. Murakami (2008), Người tình Sputnik, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tr. 208.

[8] H. Murakami (2006), Rừng Na Uy, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tr. 91.

[9] H. Murakami (2006), Rừng Nauy, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tr. 215.

[10] Freud (2002), Phân tâm học nhập môn, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr. 132.

[11] Lê Nguyên Cẩn (2011), Nghệ thuật tự sự trong sáng tác của Honore de Balzac, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr. 126.

[12] Trần Thanh Hà (2008), Học thuyết S. Freud và sự thể hiện của nó trong văn học Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr. 50.

[13] H. Murakami (2008), Người tình Sputnik, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tr. 181.

[14] H. Murakami (2008), Người tình Sputnik, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tr. 209, 210.

[15] H. Murakami (2006), Biên niên ký chim vặn dây cót, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tr. 281.

[16] H. Murakami (2008), Người tình Sputnik, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tr. 209, 210.

 

0thảo luận