Trang chủ

Chính sách phát triển đội ngũ công chức tài năng của Hàn Quốc và hàm ý cho Việt Nam

Đăng ngày: 28-08-2022, 08:37 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 1

Tóm tắt: Những năm qua, Chính phủ kiến tạo đã tạo nên những chuyển biến rất mạnh mẽ trong điều hành và đạt được kết quả ấn tượng trên nhiều mặt, đặc biệt có được sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục đúng như nhận xét của đại diện Ngân hàng Thế giới rằng: “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời đang tỏa sáng ở Việt Nam”. Tuy vậy, những hạn chế về cán bộ, chính sách cán bộ và bộ máy hành chính khiến cho sự vận hành của Chính phủ kiến tạo chưa được trơn tru, thông suốt và bởi vậy, "mặt trời tỏa nắng nhưng không đồng đều". Trên tinh thần tìm kiếm bài học cho Việt Nam, bài viết phân tích các chính sách nổi bật của Hàn Quốc trong phát triển đội ngũ công chức tài năng, từ đó rút ra một số gợi mở cho Việt Nam trong việc thiết kế chính sách phát triển đội ngũ công chức tài năng làm nòng cốt để vận hành hiệu quả bộ máy hành chính thúc đẩy Chính phủ kiến tạo tạo nên “Kỳ tích sông Hồng”, hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2030, trở thành nước phát triển vào năm 2045.

Từ khóa: Chính phủ kiến tạo, công chức tài năng, cơ chế tuyển chọn

 

H

àn Quốc tạo nên "Kỳ tích sông Hàn" trở thành nước phát triển chỉ sau một thế hệ. Quá trình phát triển bứt phá thần tốc của Hàn Quốc khởi đầu khi chính quyền quân sự của cố Tổng thống Park Chung-hee lên[1]cầm quyền từ cuộc đảo chính quân sự năm 1961. Với quyết tâm phát triển đất nước, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển, chính quyền của cố Tổng thống Park đã đặt mục tiêu ưu tiên lớn nhất cho phát triển kinh tế, theo đó,  Nhà nước phát triển ra đời để hiện thực hóa mục tiêu đó.

Song, do bộ máy chính quyền và đội ngũ công chức khi đó rất tồi tệ. Phần lớn quan chức cấp cao đều tham nhũng, trình độ học vấn thấp, chỉ có 2/3 cán bộ cấp trung trong chính phủ tốt nghiệp phổ thông trung học và không được đào tạo lại, 80% cán bộ cấp cao được đề bạt do thâm niên công tác. Họ không có ý chí, thiếu tinh thần đổi mới. Mọi thứ đã có từ trước đều được coi là tập quán, thông lệ phải theo. Tham nhũng tràn lan khắp hệ thống chính quyền. Người dân mất niềm tin và xa rời bộ máy chính quyền[2].

Bởi vậy, nhằm làm trong sạch, tươi mới hình ảnh đội ngũ công chức, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, chính quyền của cố Tổng thống Park đã nhanh chóng tiến hành thanh lọc cán bộ tham nhũng, cán bộ không đủ năng lực, thay thế họ bằng những nhân sự mới có tài thông qua cơ chế thi tuyển quốc gia nghiêm ngặt, cạnh tranh, công khai và cơ chế tuyển dụng đặc biệt, không qua thi tuyển. Thực hiện một loạt cơ chế, chính sách đột phá tạo động lực to lớn cả về vật chất và tinh thần, xây dựng môi trường làm việc thuận lợi để thu hút người tài vào bộ máy hành chính và động viên họ làm việc, cống hiến vì sự phát triển của đất nước.

Kết quả là Hàn Quốc nhanh chóng có được đội ngũ công chức tài năng, chuyên nghiệp để vận hành hiệu quả bộ máy hành chính thúc đẩy Nhà nước phát triển tạo nên sự phát triển bứt phá thần tốc, giúp Hàn Quốc nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển. Học giả Evans (1995), chuyên gia nghiên cứu về Hàn Quốc, đã rất đúng khi cho rằng Hàn Quốc có được sự phát triển bứt phá thần tốc là do nhà nước tuyển chọn được người tài ra làm việc nước từ những người giỏi nhất ở các đại học danh tiếng nhất.

Khủng hoảng tài chính năm 1997 đã cho thấy sự lạc hậu, của các phương thức cũ trong điều hành bộ máy nhà nước và do vậy, đòi hỏi những thay đổi cơ bản để vực lại nền kinh tế, theo đó, nền công vụ và hệ thống công chức được Chính phủ Hàn Quốc chú trọng cải cách nhằm gia tăng cạnh tranh, minh bạch và công khai trong tuyển chọn công chức, nhất là công chức cấp cao. Năm 1999, hệ thống chức danh cạnh tranh mở (Open Competitive Position System) được ban hành để tuyển chọn nhân tài và chuyên gia từ cả khu vực tư nhân và khu vực công vào hệ thống công chức cấp cao. Theo đó, các bộ phải dành 20% các chức danh từ bậc 4 trở lên là chức danh cạnh tranh mở, theo đó, có 142 chức danh trong 40 cơ quan chính phủ được chọn là chức danh cạnh tranh mở. Khi có chức danh trống thì tiêu chuẩn tuyển chọn chức danh đó phải được thông báo công khai trên các tờ nhật báo và các phương tiện truyền thông khác. Bất cứ ai đáp ứng tiêu chuẩn đều có thể đăng ký và được tuyển chọn công bằng[3].

Ngày nay, Hàn Quốc có đội ngũ công chức tinh nhuệ và bộ máy hành chính với hệ thống thông tin hiện đại bậc nhất thế giới. Tại thời điểm 31/3/2018, Hàn Quốc có 1.057.223 công chức, trong đó có 1.030.645 công chức hành pháp, chiếm tới 96,12%,  4.064 người thuộc ngành lập pháp, 19.357 thuộc ngành tư pháp, 306 người thuộc Tòa án Hiến pháp, 2.851 người thuộc ủy ban bầu cử quốc gia. Trong số hơn 1 triệu người thuộc ngành hành pháp như trên, có 646.443 người thuộc cơ quan trung ương (chiếm 63,4%), gồm công chức hành chính 99.918 người, giáo viên 335.375 người, cảnh sát 160.222 người, công chức bưu điện 30.928 người. Cảnh sát, giáo viên cũng là công chức. Tính cả các đối tượng này thì tỷ lệ công chức trên dân số là khoảng 1/50, tức là 50 người dân có một công chức[4].

Bộ máy hành chính của Hàn Quốc có mạng lưới hạ tầng thông tin thuộc loại tốt nhất thế giới, với hệ thống điện tử xử lý công việc hành chính nội bộ kết nối các cơ quan hành chính, các dịch vụ công, kể cả dịch vụ hành chính được cung cấp thông qua mạng internet và điện thoại di động, việc xử lý, giải quyết các vấn đề của người dân, doanh nghiệp được công khai trên mạng internet…

1.  Các chính sách cơ bản trong phát triển đội ngũ công chức tài năng của Hàn Quốc

1.1. Chính sách tạo sự hấp dẫn, thu hút người tài vào bộ máy hành chính

Ngay khi lên cầm quyền sau cuộc đảo chính quân sự năm 1961, cố Tổng thống Park với tầm nhìn sáng suốt và nhận thức hết sức đúng đắn rằng đội ngũ công chức tài năng là một trong ba trụ cột[5] quyết định sự sinh tồn của nhà nước, đã nhấn mạnh rằng để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế có hiệu quả cao, phải có được đội ngũ công chức tài năng, chuyên nghiệp và bộ máy hành chính hiệu quả. Bởi vậy, ông đã dành ưu tiên số một và quyết tâm chính trị cao độ cho việc cải cách nhân sự. Chính quyền của cố Tổng thống Park đã nhanh chóng thanh lọc cán bộ tham nhũng, cán bộ không đủ năng lực, thay thế họ bằng những nhân sự mới có tài để làm tươi mới và nâng cao năng lực của bộ máy hành chính. Thực tế, hơn 35.000 công chức đã bị sa thải và một số lượng lớn nhân sự mới có tài được tuyển dụng thông qua cơ chế thi tuyển quốc gia nghiêm ngặt, cạnh tranh, công khai[6].

Cùng với đó, chính quyền của cố Tổng thống Park đã thực hiện một loạt cơ chế, chính sách đột phá tạo động lực to lớn cả về vật chất và tinh thần, xây dựng môi trường làm việc thuận lợi để thu hút giới ưu tú vào bộ máy hành chính, động viên họ làm việc và cống hiến phụng sự đất nước. Chính sách đột phá trong cải cách tiền lương được thực hiện, tăng mạnh tiền lương để công chức được hưởng lương cao. Thực tế, lương công chức chính phủ khi đó tăng với tốc độ phi mã, cụ thể, từ năm 1964 đến năm 1967, lương công chức chính phủ tăng từ 30 đến 40% mỗi năm, đây là sự đột phá chưa từng có tiền lệ, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách của Hàn Quốc khi đó rất eo hẹp do mọi nguồn lực đều dồn vào đầu tư để công nghiệp hóa. Cùng với lương cao, công chức chính phủ còn được hưởng nhiều lợi ích và ưu đãi khác như chế độ hưu trí tốt, rất nhiều loại phụ cấp khác nhau, công việc ổn định, được xã hội tôn trọng và có nhiều quyền quyết định...

Chính quyền của cố Tổng thống Park còn triển khai các hoạt động nhằm làm gia tăng niềm kiêu hãnh của người công chức tài năng.  Các phương tiện truyền thông và các quỹ nhà nước rầm rộ tiến hành trao giải thưởng vinh danh các công chức xuất sắc[7].

Cũng bởi vậy dù lương công chức Hàn Quốc không cao bằng lương ở tập đoàn tư nhân, chỉ bằng khoảng 75 đến 80%, nhưng giới ưu tú Hàn Quốc vẫn thiên về làm công chức hơn là làm việc cho tập đoàn tư nhân. Họ lựa chọn như vậy vì niềm kiêu hãnh của người công chức, vì công việc ổn định, có nhiều lợi ích khác ngoài lương và được xã hội tôn trọng do vị thế người công chức đem lại. Ngày nay, giới trẻ Hàn Quốc mê trở thành công chức hơn là làm ngôi sao giải trí.

1.2. Chính sách tuyển chọn công chức tài năng

Để tuyển chọn những người xuất sắc nhất vào bộ máy hành chính, chính quyền của cố Tổng thống Park thực hiện hai cơ chế chính: cơ chế thi tuyển quốc gia nghiêm ngặt, cạnh tranh, công khai và cơ chế tuyển dụng đặc biệt, không qua thi tuyển.

Cơ chế thi tuyển quốc gia nghiêm ngặt, cạnh tranh, công khai

Từ khi trở thành quốc gia độc lập năm 1949 cho đến chính quyền quân sự của cố Tổng thống Park cầm quyền năm 1961, việc tuyển dụng cán bộ cũng như việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý trong bộ máy nhà nước của Hàn Quốc chủ yếu được thực hiện theo kiến nghị hay chỉ định đặc biệt. Cơ chế này không làm tăng trình độ chuyên môn, năng lực của cán bộ. Thông thường thì bằng cách nào đó người không có trình độ, năng lực lại được tuyển dụng và được đề bạt, bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý. Bởi vậy, chính quyền đã thực hiện cơ chế thi tuyển quốc gia nghiêm ngặt, cạnh tranh, công khai để tuyển chọn những người xuất sắc nhất vào bộ máy hành chính và để tuyển chọn quan chức. Những công chức vượt qua kỳ thi cạnh tranh khốc liệt được phân bổ về những bộ quan trọng giữ vai trò chủ chốt trong việc định hình chính sách kinh tế như Ủy ban kế hoạch kinh tế, Bộ Tài chính... Với kiến thức chuyên môn của mình, họ có thể xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế. Họ được bổ nhiệm công chức khi còn trẻ, theo thời gian, tích lũy kinh nghiệm về chính sách công và quản lý công, trưởng thành dần và có thể trở thành các nhà lãnh đạo đất nước.

Công chức muốn được đề bạt, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, phải vượt qua kỳ thi bậc 3B, cấp bậc khởi đầu của hệ thống công chức cấp cao. Thực tế, chính quyền của cố Tổng thống Park đã tuyển chọn số lượng lớn các quan chức bậc 3B thông qua cơ chế thi tuyển quốc gia cạnh tranh. Đây là kỳ thi cạnh tranh vô cùng khốc liệt với tỷ lệ chọi trung bình 1/52 trong giai đoạn 1963-19798. Bắt đầu từ chính quyền của Tổng thống Chun Doo hwan (1980-1987), hệ thống 5 bậc được thiết kế trong thời kỳ chính quyền của cố Tổng thống Park được chuyển thành hệ thống 9 bậc (bậc 1 cao nhất) và hiện nay, hệ thống 9 bậc này vẫn đang được sử dụng. Cơ chế thi tuyển quốc gia cạnh tranh, công khai được thực hiện đối với bậc 9, bậc 7 và bậc 5. Bậc 5 là bậc khởi đầu của hệ thống công chức cấp cao. Hầu hết các công chức cấp cao bắt đầu sự nghiệp từ bậc 5. Năm 2008, khoảng 80% công chức cấp cao của Hàn Quốc bắt đầu sự nghiệp từ bậc 5, họ phải vượt qua kỳ thi quốc gia cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Do vậy, được xếp vào bậc 5 là một vinh dự rất to lớn, được hưởng lương cao và có nhiều quyền quyết định9.

Cơ chế tuyển dụng đặc biệt, không qua thi tuyển

Cùng với cơ chế thi tuyển quốc gia nghiêm ngặt, cạnh tranh, công khai, chính quyền của cố Tổng thống Park thực hiện cơ chế tuyển dụng đặc biệt, không qua thi tuyển nhằm bổ trợ, khắc phục những hạn chế của cơ chế thi tuyển quốc gia và nhắm tới tuyển chọn những chuyên gia, nhà khoa học tài năng đã được xã hội biết đến và thừa nhận.  Khi đó nguồn chủ yếu là từ quân đội, Đại học Quốc gia Seoul và Hàn kiều. Thực tế, trong thập kỷ 1960, chính quyền của cố Tổng thống Park dành số lượng đáng kể những vị trí cao cấp cho những tài năng xuất thân từ quân đội, cụ thể, từ tháng 12/1963 đến tháng 12/1970, có tới 21/89 bộ trưởng xuất thân từ các học viện quân sự. Về sau, vì mục tiêu phát triển kinh tế, chính quyền của cố Tổng thống Park tăng cường sử dụng những chuyên gia ngoài quân đội, chủ yếu là các chuyên gia xuất thân từ các  đại học danh tiếng như Đại học Quốc gia Seoul. Từ 1966 đến 1978, hơn 20% công chức cao cấp xuất thân từ Đại học Quốc gia Seoul10. Đội ngũ chuyên gia tài năng này được hưởng mức lương và điều kiện làm việc tuyệt vời, quyền cao chức trọng, họ thường được bố trí làm việc với cương vị là cán bộ hoạch định chính sách, phụ trách các dự án quốc gia về nghiên cứu và phát triển hoặc những nhiệm vụ đặc biệt.

Cơ chế này rất hiệu quả trong tạo việc động lực cho sự tăng trưởng kinh tế. Điển hình như Ủy ban Kế hoạch kinh tế tuyển chọn các chuyên gia kinh tế học ở Mỹ về, họ được giao toàn quyền hoạch định chiến lược. Nhờ đó, Ban Kế hoạch kinh tế có thể kiểm soát các bộ khác nhằm phát triển kinh tế.

Ngày nay, với mục tiêu thu hút tài năng vào đội ngũ 1.500 cán bộ nòng cốt của hệ thống công chức, cán bộ trung cao cấp (từ vụ trưởng/tương đương trở lên), Hàn Quốc tìm kiếm và tuyển chọn công chức tài năng từ mọi nguồn. Hàn Quốc thiết kế cơ chế mở, minh bạch trong tuyển chọn, cho phép người tài có thể tự ứng cử hoặc được đề cử vào các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước, kể cả vị trí bộ trưởng. Xây dựng hệ thống dữ liệu nguồn cán bộ, trong đó các ứng viên tự ứng cử từ khu vực tư nhân chiếm trên 50%. Mọi người dân trong nước cũng như kiều dân ở nước ngoài đều có thể ứng cử tham gia vào cơ sở dữ liệu hồ sơ này và vị trí ứng cử tới chức vụ bộ trưởng.

1.3. Chính sách đào tạo và bồi dưỡng công chức tài năng

Chính quyền của cố Tổng thống Park cũng rất chú trọng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ công chức tài năng luôn sẵn sàng phục vụ cho sự nghiệp quốc gia, nhất là đội ngũ công chức bậc trung và công chức cấp cao. Ngay từ năm 1961, Viện Đào đạo công chức trung ương (Central Officials Training Institute – COTI) đã được thành lập để đào tạo và bồi dưỡng công chức trung ương.

Cùng với đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, đào tạo phát triển năng lực, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, năng lực xây dựng chính sách, Hàn Quốc đặc biệt chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về tư tưởng, đạo đức, tinh thần và thái độ, như bồi dưỡng tinh thần phát triển đất nước,  giáo dục đạo đức công vụ và thái độ phục vụ trong thực thi công việc, phục vụ nhân dân. Công chức tài năng được đào tạo để thấm nhuần và luôn có niềm tin sâu sắc rằng công việc nhà nước không đơn thuần là một nghề kiếm sống mà đó là công việc phục vụ nhân dân, sứ mệnh phụng sự đất nước, trách nhiệm dẫn dắt công cuộc tái thiết đất nước, nhanh chóng đưa Hàn Quốc phát triển hùng cường.

Ngày nay, nhằm có được đội ngũ công chức đẳng cấp thế giới để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của công chức trên trường quốc tế, Hàn Quốc đặc biệt chú trọng việc đào tạo ngoại ngữ,  kỹ năng đàm phán và thuyết trình quốc tế cho đội ngũ công chức.

2. Một số hàm ý cho Việt Nam

Một là, quyết tâm chính trị là điều kiện tiên quyết trong thực hiện cải cách xây dựng và phát triển đội ngũ công chức tài năng

Thực tiễn tương phản giữa các chính quyền trước với chính quyền của cố Tổng thống Park là minh chứng sinh động và rõ ràng rằng quyết tâm chính trị mạnh mẽ, tầm nhìn sáng suốt, tinh thần và bản lĩnh dám hành động đột phá của giới lãnh đạo đất nước đóng vai trò tiên quyết đối với việc phát triển đội ngũ công chức tài năng vận hành hiệu quả bộ máy hành chính thúc đẩy Nhà nước phát triển tạo nên “Kỳ tích sông Hàn”.

Quyết tâm mạnh mẽ “dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí của mình đã mang lại độc lập cho dân tộc, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 mặc dù đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ tưởng chừng không thể vượt qua. Quyết tâm của cố Tổng Bí thư Trường Chinh cùng với đội ngũ của mình đã mang lại công cuộc đổi mới toàn diện đất nước năm 1986. Bởi vậy, giờ đây, hơn bao giờ hết, để xây dựng và phát triển đội ngũ công chức tài năng vận hành hiệu quả bộ máy hành chính thúc đẩy Chính phủ kiến tạo tạo nên “Kỳ tích sông Hồng”, hiện thực hóa khát vọng sánh vai cùng “các cường quốc năm châu” của dân tộc Việt Nam, đòi hỏi giới lãnh đạo đất nước một quyết tâm chính trị mạnh mẽ, tầm nhìn sáng suốt, tinh thần và bản lĩnh dám hành động đột phá vì sự phát triển bứt phá của đất nước.

Hai là, thiết kế chính sách tạo sức hấp dẫn, thu hút người tài vào bộ máy hành chính là yêu cầu thiết yếu

Chúng ta cần thay đổi nhận thức về nghề nghiệp công chức, cần nâng cao vị thế và cải thiện hình ảnh của người công chức tài năng để hấp dẫn, thu hút những người xuất sắc, đặc biệt là giới trẻ ưu tú theo đuổi sự nghiệp người công chức tài năng. Trước hết, công chức tài năng được hưởng lương cao để  có cuộc sống đàng hoàng, sung túc. Bởi lẽ, công chức tài năng không thể toàn tâm, toàn ý với công việc khi mức lương không đủ sống cho bản thân chưa nói gì đến lo cho gia đình, cũng không thể kiêu hãnh khi phải tìm mọi cách để kiếm tiền từ vị trí của mình, kể cả việc cố ý gây khó khăn để vòi tiền.

Xây dựng môi trường hoạt động chuyên nghiệp, lành mạnh để công chức tài năng phát huy được năng lực sở trường, không bị chính trị hóa, tha hóa và biến chất, môi trường tạo những điều kiện thuận lợi và tốt nhất để công chức tài năng làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp, xã hội và đất nước. Người công chức tài năng cũng cần được biết về lộ trình phát triển nghề nghiệp rõ ràng của mình, đó là một tương lai sáng lạn đang ở phía trước nếu thực sự có tài và không ngừng nỗ lực phấn đấu, sự bất công trong thăng tiến kiểu “mười năm phấn đấu không bằng một lần cơ cấu” cần bị loại bỏ triệt để và do vậy, tạo được niềm tin người tài đức luôn có địa vị cao, được trọng dụng trong bộ máy hành chính.

Cùng với đó, cần có các hoạt động thiết thực để thay đổi hình ảnh, vị thế của người công chức, gia tăng lòng tự hào, niềm kiêu hãnh của người công chức tài năng về nghề nghiệp của mình, đồng thời tăng cường sự nhận thức công chúng và sự tôn trọng của xã hội về hình ảnh và vị thế của người công chức tài năng. Chẳng hạn, có các giải thưởng công chức xuất sắc nhất năm, công chức liêm chính nhất năm, giải thưởng công chức cống hiến…

Ba là, thi tuyển quốc gia nghiêm ngặt, cạnh tranh, công khai là cơ chế phù hợp để tuyển chọn công chức tài năng

Sự thành công ngoạn mục của cơ chế thi tuyển quốc gia nghiêm ngặt, cạnh tranh và công khai để tuyển chọn những người xuất sắc nhất vào bộ máy hành chính để vận hành hiệu quả Nhà nước phát triển được thực hiện từ thời kỳ Park Chung-hee là bài học hết sức có giá trị đối với Việt Nam hiện nay. Cơ chế này cho phép bất cứ ai cũng có thể tham gia nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn và kết quả thi là tiêu chí duy nhất công nhận trúng tuyển. Thời gian và địa điểm thi được quyết định trên cơ sở tạo sự thuận tiện nhất cho thí sinh. Thông tin về cuộc thi (chi phí, số việc làm…) được công bố trong thời gian đủ dài để nhiều người biết đến và thí sinh có đủ thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng. Minh bạch hóa về tiêu chuẩn trình độ cho vị trí công chức và những ứng viên xuất sắc nhất được lựa chọn ra sao và vào lúc nào…

Cơ chế thi tuyển quốc gia nghiêm ngặt, công khai, cạnh tranh khốc liệt không những giúp tuyển chọn được những cá nhân xuất sắc nhất và do vậy nâng cao năng lực của bộ máy hành chính, mà còn tạo cho những người vượt qua kỳ thi này tự nhận thấy sự chính danh, niềm tự hào, kiêu hãnh về công việc và do vậy, hun đúc lòng tự trọng, quý trọng công việc của mình, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc, người dân, xã hội và đất nước. Đồng thời ngăn chặn, không để lọt những kẻ bất tài vào bộ máy công quyền, tránh được vòng luẩn quẩn “ngưu tầm ngưu mã tầm mã” gây tổn hại cho bộ máy hành chính.

Giáo sư Cho Chang Hyun (2003) đã rất đúng khi cho rằng cơ chế thi tuyển quốc gia nghiêm ngặt chính là sự dân chủ hóa tài năng, sự dồn lực vào sức mạnh của giáo dục để thay đổi số phận trong xã hội mà những người bình thường cũng có thể tận hưởng sự tôn trọng của xã hội và nhiều đặc quyền khác của tầng lớp cao nhất bằng cách vượt qua kỳ thi công chức/Kwageo. Vượt qua kỳ thi công chức như là tấm vé thay đổi số phận, là chìa khóa mở cánh cổng sự nghiệp của những thành niên ưu tú nhất11. Sự dân chủ hóa tài năng này đã giúp Hàn Quốc chuyển hóa truyền thống khoa bảng và tinh thần “quyết chí ắt làm nên” thành đội ngũ công chức tài năng tạo nên sự phát triển bứt phá thần tốc, giúp Hàn Quốc nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển.

Bốn là, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức tài năng nên thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tế

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng lực quản lý hành chính, năng lực điều hành, tổ chức thực hiện, nhất là năng lực xử lý những tình huống, vấn đề thực tiễn, rèn luyện năng lực thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới ngày nay. Cần đặc biệt chú trọng đào tạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, kỹ năng đàm phán và thuyết trình quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước.

Cùng với đó, đội ngũ công chức tài năng cần được vun đắp và thấm nhuần tinh thần phát triển đất nước, vun đắp lòng tự hào, niềm kiêu hãnh được trở thành người công chức tài năng để phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân, vun đắp khát khao cháy bỏng và niềm vinh dự vì góp phần làm nên “Kỳ tích sông Hồng”.

Đội ngũ công chức tài năng cũng cần được bồi dưỡng, vun đắp tinh thần tự ý thức về bổn phận và trách nhiệm không chỉ nỗ lực nâng cao trình độ, năng lực cho bản thân mà còn nâng cao trình độ, năng lực cho những người khác. Những người còn lại cũng cần được bồi dưỡng, vun đắp tinh thần tự ý thức rằng không nên gây trở ngại cho người công chức tài năng vì thói đố kỵ hay thứ chủ nghĩa bình quân lạc lối.

Kết luận

Câu chuyện thành công của Hàn Quốc trong xây dựng và phát triển đội ngũ công chức tài năng vận hành hiệu quả bộ máy hành chính thúc đẩy Nhà nước phát triển tạo nên “Kỳ tích sông Hàn” là minh chứng sinh động và rõ ràng rằng việc tuyển chọn được những cá nhân xuất sắc, chế độ đãi ngộ thỏa đáng, đặt trong một môi trường làm việc thuận lợi, sử dụng khoa học sẽ tạo nên một sức mạnh phi thường. Sự thành công của Hàn Quốc không hẳn là một “khuôn mẫu” hay “cách làm phổ quát”, song là bài học hết sức quý giá cho Việt Nam tham khảo trong thiết kế chính sách xây dựng và phát triển đội ngũ công chức tài năng để vận hành hiệu quả bộ máy hành chính thúc đẩy Chính phủ kiến tạo làm nên “Kỳ tích sông Hồng”, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển.

Hàm ý quan trọng nhất đối với Việt Nam hiện nay là, một mặt, chúng ta cần tiến hành cuộc tổng “sát hạch” để sàng lọc, loại bỏ bộ phận “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” để thay thế bằng nhân sự mới tài năng và đức độ. Tổng rà soát những đối tượng hưởng ngân sách, mạnh tay gạt bỏ những đối tượng không phù hợp như các hội, đoàn thể, tổ chức xã hội để giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước. Đặc biệt, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng để làm trong sạch bộ máy công quyền, lấy lại niềm tin của nhân dân. Mặt khác, cần tập trung xây dựng đội ngũ công chức tài năng, tinh nhuệ đảm nhiệm những vị trí then chốt để vận hành hiệu quả bộ máy hành chính. Giỏi quản lý hành chính và thấm nhuần tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp và tinh thần phát triển đất nước là năng lực và phẩm chất thiết yếu của đội ngũ công chức tài năng. Thi tuyển quốc gia nghiêm ngặt, cạnh tranh và công khai là cơ chế phù hợp để tuyển chọn công chức tài năng.

Dân tộc Việt Nam đang đứng trước vận hội phát triển mới đòi hỏi giới lãnh đạo đất nước có tầm nhìn sáng suốt, quyết tâm chính trị mạnh mẽ, tinh thần và bản lĩnh dám hành động đột phá để xây dựng và phát triển đội ngũ công chức tài năng vận hành hiệu quả bộ máy hành chính thúc đẩy Chính phủ kiến tạo tạo nên sự phát triển bứt phá thần tốc, hiện thực hóa khát vọng sánh vai cùng “các cường quốc năm châu” của dân tộc Việt Nam, xứng tầm với một đất nước có quá khứ oai hùng với lịch sử ngàn năm văn hiến.

 

Phạm Mạnh Hùng1


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cho Chang Hyun (2003), “Professional Civil Service of Korean Government”, http://unpan1.un.org/intradoc/groups/public/documents/apcity/unpan014202.pdf.

2. Kim Byung kook và Vogel F.Ezra (2015), Kỷ nguyên Park Chung hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc, Nxb Thế giới, Hà Nội.

3. Kim Dongwook, Lê Huy Đoàn và Nguyễn Văn Thành (2012), “Những chiến lược nhằm phát triển nguồn nhân lực đẳng cấp cao trong khu vực công của Việt Nam”, chương 2, trang 572-615, trong cuốn sách Chương trình chia sẻ tri thức (KSP) của Hàn Quốc với Việt Nam (2009-2011), Viện Chiến lược phát triển, Hà Nội.

4. Lê Quân (Chủ biên) và nhóm tác giả (2016), Khung năng lực lãnh đạo, quản lý khu vực hành chính công, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

5. Lee Soo Young and Lee Seulki (2014) “Civil Service Reforms and the Development of Korea”, The Korean Journal of Policy Studies, Vol.29, No.1, pp.47-67.

6. Ngô Thành Can (2015), “Đặc điểm của hệ thống công vụ chức nghiệp Hàn Quốc”, http://tcnn.vn/news/detail/20852/Dac_diem_cua_he_thong_cong_vu_chuc_nghiep_Han_Quocall.html.

7. Nguyễn Sỹ Dũng (2018), “Quản trị nhân lực công”, Tạp chí Tia sáng bản điện tử,  http://tiasang.com.vn/-dien-dan/Quan-tri-nhan-luc-cong-12646.

8. Trần Văn Ngợi “Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về thu hút và trọng dụng người có tài năng cho nền công vụ”, http://isos.gov.vn/News_Detail/tabid/179/ArticleId/1037/language/en-US/Default.aspx.

9. Vũ Hoàng Công (2019), “Hệ thống công chức và đào tạo công chức với sự phát triển của đất nước Hàn Quốc”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 4-2019.


Chính sách phát triển đội ngũ công chức tài năng của Hàn Quốc và hàm ý cho Việt Nam

Phạm Mạnh Hùng1


Abstract: For a number of years, the tectonic government has made dramatic changes in operations and achieved impressive results in many areas, including tremendous economic growth. However, the limitations on cadres  and cadre management as well as administrative apparatus make the operation of the tectonic government inharmonious and difficult and thus the improvements achieved are uneven, many places have seen no improvement. Based on a clear analysis of the South Korea’s experiences in developing its talented civil servant workforce to operate effectively its administrative apparatus to push developmental State to make “Miracle on the Han River”, this paper will draw implications for Vietnam to develop its talented civil servant workforce, allocating and appointing them to pivotal positions in the administrative apparatus, to push the tectonic government to make “Miracle on the Red River”.

Keywords: Tectonic government,   talented civil servants, recruitment mechanism…

 



[1] TS, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] Kim Dongwook, Lê Huy Đoàn và Nguyễn Văn Thành (2012), “Những chiến lược nhằm phát triển nguồn nhân lực đẳng cấp cao trong khu vực công của Việt Nam”, chương 2, tr.581, trong cuốn sách “Chương trình chia sẻ tri thức (KSP) của Hàn Quốc với Việt Nam (2009-2011), Viện Chiến lược phát triển, Hà Nội.

[3] Cho Chang Hyun (2003), “Professional Civil Service of Korean Government”, http://unpan1.un.org/intradoc/ groups/public/documents/apcity/unpan014202.pdf.

[4] Vũ Hoàng Công (2019), “Hệ thống công chức và đào tạo công chức với sự phát triển của đất nước Hàn Quốc”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 4-2019.

[5] Cố Tổng thống Park cho rằng có ba trụ cột quyết định sự sinh tồn của nhà nước. Thứ nhất, lực lượng quân đội đủ mạnh để đảm bảo an ninh cho nhà nước. Thứ hai, công chức cần nhiệm vụ của mình. Cuối cùng, tư doanh cần là nền tảng của kinh tế.

[6] Lee Soo Young and Lee Seulki (2014) “Civil Service Reforms and the Development of Korea”, The Korean Journal of Policy Studies, Vol.29, No.1, p.53.

[7] Kim Dongwook, Lê Huy Đoàn và Nguyễn Văn Thành (2012), “Những chiến lược nhằm phát triển nguồn nhân lực đẳng cấp cao trong khu vực công của Việt Nam”, chương 2, tr. 588, trong cuốn sách “Chương trình chia sẻ tri thức (KSP) của Hàn Quốc với Việt Nam (2009-2011), Viện Chiến lược phát triển, Hà Nội.

8 Kim Byung kook và Vogel F.Ezra (2015), Kỷ nguyên Park Chung hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 309.

9 Kim Dongwook, Lê Huy Đoàn và Nguyễn Văn Thành (2012), “Những chiến lược nhằm phát triển nguồn nhân lực đẳng cấp cao trong khu vực công của Việt Nam”, chương 2, trang 603, trong cuốn Chương trình chia sẻ tri thức (KSP) của Hàn Quốc với Việt Nam (2009-2011), Viện Chiến lược phát triển, Hà Nội.

10 Kim Dongwook, Lê Huy Đoàn và Nguyễn Văn Thành (2012), “Những chiến lược nhằm phát triển nguồn nhân lực đẳng cấp cao trong khu vực công của Việt Nam”, chương 2,tr. 587, trong cuốn Chương trình chia sẻ tri thức (KSP) của Hàn Quốc với Việt Nam (2009-2011), Viện Chiến lược phát triển, Hà Nội.

11 Cho Chang Hyun (2003), “Professional Civil Service of Korean Government”, http://unpan1.un.org/intradoc/ groups/public/documents/apcity/unpan014202.pdf.

0thảo luận