Trang chủ

Tổ chức xã hội ở Hàn Quốc và mối quan hệ với nhà nước

Đăng ngày: 28-08-2022, 08:32 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 1

Tóm tắt: Sự phát triển của tổ chức xã hội ở Hàn Quốc có mối quan hệ chặt chẽ với tiến trình dân chủ hóa chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở nước này. Nếu trước những năm 1980, tổ chức xã hội ở Hàn Quốc chưa thật sự phát triển, thì thập niên 1980 đến nay, tổ chức xã hội ở Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ và giữ vai trò quan trọng trong quản trị quốc gia. Xu thế chủ yếu trong mối quan hệ giữa tổ chức xã hội với Nhà nước ở Hàn Quốc là chuyển từ mối quan hệ mang tính đối kháng trong thời kỳ trước thập niên 1980 sang quan hệ hợp tác từ sau thập niên 1980 đến nay. Bài viết này khái lược quá trình phát triển của tổ chức xã hội cũng như phân tích mối quan hệ giữa tổ chức xã hội và Nhà nước ở Hàn Quốc từ năm 1987 đến nay.

Từ khóa: Tổ chức xã hội, mối quan hệ, Nhà nước

 

T

heo quan điểm của Salamon, tổ chức xã hội có tính chính thức, tính độc lập tương đối, tính dân gian, phi lợi nhuận, tính tự trị, tự quản, tự[1]nguyện và thuộc tính[2]lợi ích công[3]. Cụ thể là, tổ chức và hoạt động của tổ chức xã hội đều dựa trên hệ thống thể chế và quy định của pháp luật, các thiết chế mang tính chất tạm thời hoặc sự tập hợp thành viên phi chính thức không phải là tổ chức xã hội. Tổ chức xã hội độc lập tương đối với Nhà nước; nó không phải là một bộ phận của bộ máy nhà nước, các tổ chức này có cơ chế tổ chức và cơ chế quản lý của riêng mình, có sự độc lập về mặt tài chính. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tổ chức xã hội không thể tiếp nhận sự ủng hộ hoặc trợ giúp rõ ràng nào từ nhà nước. Hoạt động của các tổ chức xã hội không phải là để tạo ra lợi nhuận cho bản thân mình; trong thời gian cụ thể, các tổ chức xã hội có thể có lợi nhuận từ hoạt động hợp pháp nào đó, song lợi nhuận này được sử dụng vào việc thực hiện nhiệm vụ cơ bản của tổ chức, mà không phải là phân phối cho những người cung ứng nguồn tài chính ở trong tổ chức. Đây là sự khác nhau lớn nhất giữa tổ chức xã hội với doanh nghiệp tư nhân. Các tổ chức xã hội tự tổ chức và kiểm soát hoạt động của mình, có trình tự quản trị nội bộ, mà không tiếp nhận sự khống chế của đoàn thể bên ngoài. Việc tham gia vào tổ chức xã hội của thành viên không phải là bắt buộc, mà là hoàn toàn tự nguyện. Các tổ chức xã hội phục vụ cho mục đích công, thông qua hoạt động của mình để tham gia giải quyết các vấn đề xã hội và cung ứng dịch vụ công.

Ở Hàn Quốc, tổ chức xã hội còn được gọi là tổ chức phi chính phủ (NGO, để phân biệt với cơ quan chính phủ hoặc nhà nước). Tổ chức xã hội ở Hàn Quốc có một số đặc điểm chung như quan điểm của Salamon đã nêu trên và ngoài ra còn có một số đặc điểm khác như tính phi chính trị. Các tổ chức xã hội Hàn Quốc không phải là đảng chính trị nên không đặt mục tiêu giành quyền lực nhà nước, mà chỉ gây ảnh hưởng đối với chính trị và nhà nước. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội Hàn Quốc còn có tính phi tôn giáo, có nghĩa là hoạt động của các tổ chức này không lấy truyền giáo làm mục đích[4].

1. Quá trình phát triển của tổ chức xã hội ở Hàn Quốc

Có thể nói, sự phát triển của tổ chức xã hội ở Hàn Quốc có mối quan hệ chặt chẽ với quá trình dân chủ hóa chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở Hàn Quốc. Có thể thấy, sự phát triển của tổ chức xã hội ở Hàn Quốc qua ba giai đoạn chủ yếu như sau:

- Giai đoạn thứ nhất từ đầu thế kỷ XX đến trước năm 1945. Đây là thời kỳ manh nha các tổ chức xã hội ở Hàn Quốc. Thời kỳ này xuất hiện một số tổ chức tự nguyện của người dân, sớm nhất là tổ chức  Hiệp hội thanh niên Cơ Đốc (YMCA thành lập năm 1903), Hội Chữ thập đỏ (thành lập năm 1905)... Hoạt động của tổ chức xã hội ở thời kỳ tập trung vào hai phương diện chủ yếu là góp phần cải cách xã hội, cứu tế và tham gia phong trào chống sự xâm lược của Nhật Bản (từ năm 1910 đến năm 1945). Thời kỳ này, các tổ chức xã hội chủ yếu do tầng lớp trí thức thành lập và tham gia.

- Giai đoạn thứ hai từ khi chính quyền quân sự được thành lập (thập niên 60 của thế kỷ XX) đến năm 1987. Vào thập niên 60 của thế kỷ XX, sau khi chính quyền quân sự được thành lập, thì “đảm bảo sự an toàn của quốc gia” và “phát triển kinh tế” đã trở thành mục tiêu lựa chọn số một của Hàn Quốc. Để duy trì sự ổn định và thực hiện mục tiêu chính trị của mình, chính quyền quân sự của Park Chung-hee đã thực hiện sự  kiểm soát chặt chẽ đối với đối với các tổ chức xã hội. Hoạt động của tổ chức xã hội chịu sự kiểm soát chặt chẽ và gặp phải nhiều trở ngại. Các tổ chức xã hội thời kỳ này có thể phân thành ba loại. Thứ nhất là loại hình các tổ chức xã hội có mối quan hệ mật thiết với chính phủ (hay các tổ chức xã hội “thân” chính phủ). Có nghĩa là những tổ chức xã hội này do nhà nước trực tiếp hoặc gián tiếp thành lập nên, cung cấp kinh phí hoạt động[U1] , cử người đứng đầu tổ chức cũng như can thiệp vào các công việc chủ yếu. Chính phủ hỗ trợ và hậu thuẫn hoạt động của các tổ chức này nhằm mục đích thông qua đó vận động sự ủng hộ từ người dân. Điển hình cho loại hình tổ chức xã hội này là Hiệp hội Trung ương Phong trào Làng mới (thành lập năm 1980). Thứ hai là loại hình các tổ chức xã hội không phải tổ chức chính trị nhưng mang tính chính trị. Những tổ chức này chịu sự giám sát và kiểm soát chặt chẽ của nhà nước, đồng thời, bị hạn chế tham gia các hoạt động mang tính chính trị. Tổ chức xã hội loại này ở thời kỳ này có phạm vi hoạt động rất hạn chế. Thứ ba là loại hình tổ chức xã hội mang tính không hợp pháp. Chính quyền quân sự nghiêm cấm mọi hoạt động đối với các tổ chức xã hội loại này nên được xem là các tổ chức xã hội phi pháp.

- Giai đoạn thứ ba từ tháng 6 năm 1987 (thời điểm đánh dấu đấu tranh dân chủ hóa) đến nay. Sau phong trào đấu tranh cho dân chủ hóa diễn ra với quy mô lớn năm 1987, tiến trình dân chủ hóa ở Hàn Quốc được thúc đẩy một cách mạnh mẽ. Trong bối cảnh này, số lượng các tổ chức xã hội ở Hàn Quốc phát triển một cách nhanh chóng. Sự phát triển của tổ chức xã hội ở Hàn Quốc thời kỳ này thể hiện 5 đặc điểm nổi bật.

Một là, số lượng tổ chức xã hội tăng lên nhanh chóng. Theo đó, trong tổng số các tổ chức xã hội ở Hàn Quốc thì số lượng các tổ chức xã hội được thành lập sau năm 1987 chiếm 77,5%. Cụ thể là, số tổ chức xã hội được thành lập trước thập niên 1960 chiếm 4,2%; số tổ chức xã hội được thành lập vào thập niên 1960 chiếm 4,5%; số tổ chức xã hội được thành lập vào thập niên 1970  chiếm 5,7%; số tổ chức xã hội được thành lập trong giai đoạn từ 1980 – 1986 chiếm 8,2%; số tổ chức xã hội được thành lập từ năm 1987 đến năm 1992 chiếm 21,6%; số tổ chức xã hội được thành lập trong giai đoạn từ năm 1993 đến 1996 chiếm 29,8%; số tổ chức xã hội được thành lập sau năm 1997 chiếm 36,1%[5].

Hai là, lĩnh vực hoạt động của các tổ chức xã hội ngày càng đa dạng. Sau năm 1987, lĩnh vực hoạt động của tổ chức xã hội ở Hàn Quốc ngày càng đa dạng. Theo đó, các tổ chức xã hội không chỉ tham gia cung ứng hàng hóa và dịch vụ công, mà còn tham gia vào quá trình chính sách cũng như giám sát đối với nhà nước và doanh nghiệp.

Ba là, các tổ chức xã hội ở địa phương phát triển. Cùng với việc mở rộng quyền tự chủ và tự quản ở địa phương, các tổ chức xã hội ở địa phương thời kỳ này cũng phát triển, đồng thời phát huy vai trò quan trọng trong quản trị địa phương. Có thể thấy sự phân bố của tổ chức xã hội cấp độ địa phương ở Hàn Quốc qua bảng 1.

Bốn là, xây dựng và  hoàn thiện pháp luật nhằm điều chỉnh hoạt động của các tổ chức xã hội. Để đáp ứng yêu cầu hoạt động của tổ chức xã hội, giai đoạn này, Hàn Quốc đã ban hành các luật như: “Luật về công khai thông tin của các cơ quan công quyền” (1996); “Luật trình tự hành chính” (1999); “Luật phòng chống tham nhũng” (2001), sửa đổi “Luật lập hội và biểu tình” (ban hành năm 1962) vào năm 1999. Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn ban hành “Luật đoàn thể xã hội và phi lợi nhuận” (2000); sửa đổi “Luật hạn chế quyên góp” (được ban hành năm 1955).

Năm là, giảm thiểu sự hỗ trợ tài chính của nhà nước đối với các tổ chức xã hội “thân” Nhà nước. Sau thập niên 90 của thế kỷ XX, sự ủng hộ và hỗ trợ tài chính của Nhà nước đối với các tổ chức xã hội “thân” Nhà nước đã giảm đáng kể. Hơn nữa, sau khi Luật đoàn thể xã hội và phi lợi nhuận được thực hiện, các tổ chức xã hội “thân” Nhà nước cũng phải thông qua cạnh tranh công khai mới có thể nhận được sự các hợp đồng mua sắm dịch vụ công từ Nhà nước. Trong bối cảnh này, các tổ chức xã hội “thân” Nhà nước cũng buộc phải đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động.

 

Bảng 1: Phân bố tổ chức xã hội ở địa phương của Hàn Quốc (%)

Phân loại hoạt động

Trung ương

Địa phương

Quốc tế

88,6

11,4

Kinh tế

89,8

10,2

Giáo dục, khoa học

60,2

39,8

Lao động, ngư nghiệp

49,8

50,2

Văn hóa

60,8

39,2

Phục vụ xã hội

48,2

51,8

Tôn giáo

83,2

16,8

Phát triển vùng

47,0

53,0

Tự trị địa phương

15,3

84,7

Môi trường

34,8

65,2

Khác

81,0

19,0

Nguồn: Kim Dong – chun, Kim Soo – hyun, What is NGO, Arche Publishing House, 2000.

Căn cứ theo lĩnh vực hoạt động, tổ chức xã hội ở Hàn Quốc hoạt động chủ yếu ở 20 lĩnh vực (bảng 2).

Bảng 2: Bảng phân bố lĩnh vực hoạt động của các tổ chức xã hội ở Hàn Quốc

Lĩnh vực hoạt động

Số tổ chức

Lĩnh vực hoạt động

Số tổ chức

Chính trị

9

Phụ nữ

63

Giáo dục

30

Giảm nghèo

28

Kinh tế

4

Dịch vụ xã hội

63

Y tế, sức khỏe

30

Nhi đồng

17

Người tiêu dùng

44

Thanh thiếu niên

54

Môi trường

121

Người tàn tật

88

Quyền con người

33

Người cao tuổi

26

Hoạt động  cứu trợ

71

Người lao động

31

Hòa bình thống nhất

43

Ngư dân

17

Phát triển vùng

71

Khác

3

Tổng số

846

Nguồn: Park Chun – hee, What is NGO, Hanul Publishing House, 2001.

 

846 tổ chức xã hội nói trên không bao gồm các tổ chức xã hội hoạt động ở địa phương. Hiện nay, các lĩnh vực hoạt động của tổ chức xã hội ở Hàn Quốc phân bố trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội.

2. Mối quan hệ giữa tổ chức xã hội và Nhà nước ở Hàn Quốc

Nhìn một cách tổng thể, trước năm 1987, mức độ hậu thuẫn và ủng hộ của Nhà nước đối với tổ chức xã hội không cao, thậm chí là ở vào trạng thái đối lập. Cùng với quá trình dân chủ hóa về chính trị và chuyển đổi mô hình kinh tế - xã hội, mối quan hệ giữa các tổ chức xã hội và nhà nước ở Hàn Quốc đã có sự thay đổi theo hướng tăng cường sự hợp tác giữa hai bên. Đối với các tổ chức xã hội, việc tìm kiếm sự hợp tác với Nhà nước không chỉ có lợi cho sự phát triển của các tổ chức này, mà còn có lợi cho việc thực hiện các mục tiêu hoạt động và gây ảnh hưởng đối với Nhà nước. Về phần mình, Nhà nước cũng từng bước nhận thức được rằng, tổ chức xã hội không phải là thế lực thách thức đối với Nhà nước; nếu có chính sách đúng đắn thì tổ chức xã hội là đối tác hợp tác cần thiết của Nhà nước. Có thể khái lược mối quan hệ giữa tổ chức xã hội và Nhà nước ở Hàn Quốc qua các giai đoạn từ năm 1987 đến nay như sau:

Thứ nhất, giai đoạn quan hệ xung đột giữa tổ chức xã hội và Nhà nước trước tháng 6 năm 1987. Trước năm 1987, có một số tổ chức xã hội “thân” Nhà nước (được Nhà nước hậu thuẫn về mọi mặt) có mối quan hệ hợp tác với Nhà nước, nhưng số tổ chức xã hội như vậy không nhiều. Do đó, nhìn tổng thể, quan hệ giữa tổ chức xã hội và Nhà nước giai đoạn trước tháng 6 năm 1987 vẫn là quan hệ đối lập. Có nghĩa là, phần lớn các tổ chức xã hội lấy việc lật đổ chính quyền Park Chung-hee làm mục tiêu, cự tuyệt việc đối thoại và hợp tác với Nhà nước. Trong bối cảnh này, chính quyền Park Chung-hee đã tiến hành trấn áp các phong trào vận động dân chủ hóa do các tổ chức xã hội khởi xướng; chỉ những tổ chức xã hội “thân Nhà nước” và phục tùng nhà nước mới có thể tồn tại và hoạt động.

Thứ hai, giai đoạn tìm kiếm mối quan hệ tương tác, hợp tác giữa tổ chức xã hội và Nhà nước từ năm 1983 – 1993. Từ cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, quan hệ giữa tổ chức xã hội và Nhà nước bắt đầu chuyển sang giai đoạn tìm kiếm mối quan hệ tương tác, hợp tác. Khác với giai đoạn trước, hoặc là một số tổ chức xã hội phục tùng nhà nước hoặc là đối lập với Nhà nước, thì trong thời kỳ này, mục tiêu, tôn chỉ và nội dung hoạt động của tổ chức xã hội ở Hàn Quốc chuyển từ trạng thái đối kháng với Nhà nước sang giai đoạn giám sát đối với Nhà nước. Trong khi đó, Nhà nước cũng bắt đầu có thái độ ôn hòa và bao dung hơn đối với một số tổ chức xã hội. Điển hình trong hoạt động của tổ chức xã hội thời kỳ này là hoạt động của Liên minh công dân vì sự công bằng về kinh tế (Citizens coalition for economic justice), được thành lập tháng 5 năm 1989 dưới sự khởi xướng của hơn 500 nhân sĩ tôn giáo. Từ khi được thành lập đến nay, tổ chức này đã phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự công bằng về kinh tế. Vào cuối thời kỳ Roh Tae-woo làm tổng thống, tuy tổ chức này chưa thật sự hoàn thiện trên nhiều phương diện, song những kiến nghị chính sách do tổ chức này đưa ra về cải cách chính trị, phòng chống tham nhũng, công khai minh bạch… đã có ảnh hưởng và tác dụng quan trọng. Một tổ chức khác là Hiệp hội vận động thực hiện bầu cử công khai và công bằng (thành lập năm 1991) cũng đã có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy công khai, công bằng trong bầu cử cũng như ngăn ngừa một số tiêu cực trong bầu cử. Bên cạnh đó, vào thời kỳ này, một số tổ chức xã hội “thân” Nhà nước trước đây như Hiệp hội nông dân, Hiệp hội người lao động cũng không ngừng mở rộng cơ sở quần chúng của mình cũng như nâng cao tính tự chủ trong hoạt động của mình[6].

Thứ ba, giai đoạn quan hệ hợp tác giữa tổ chức xã hội và Nhà nước từ năm 1993-1998. Từ năm 1993, Hàn Quốc chính thức từ bỏ chính quyền quân sự. Chính quyền Kim Young-sam cũng nhấn mạnh cải cách theo hướng mở rộng tự quản địa phương cũng như thực hiện chiến lược toàn cầu hóa của mình. Giai đoạn này, thái độ của Nhà nước đối với tổ chức xã hội cũng có sự thay đổi về căn bản. Ngay cả đối với một số tổ chức xã hội có xu hướng đối kháng với nhà nước vẫn nhận được sự ủng hộ về mặt chính sách và tài chính của nhà nước; đồng thời nhà nước cũng thông qua các phương thức nhất định để hợp tác với các tổ chức xã hội. Tháng 9 năm 1994, khoảng 300 nhân sĩ trí thức hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau đã thành lập “Hội đoàn kết người dân vì tham gia dân chủ” (People's solidarity for participatory democracy). Mục tiêu của tổ chức này là góp phần thúc đẩy lợi ích công, công bằng xã hội và thực hiện dân chủ. Hoạt động của tổ chức này gồm bốn phương diện cơ bản là thúc đẩy sự tham gia của người dân, tập hợp và đoàn kết hội viên, thực hiện giám sát và nêu sáng kiến chính sách. Điểm chung của tổ chức này và “Liên minh công dân vì sự công bằng về kinh tế” là đều nhấn mạnh cải cách chính trị. Sự phát triển của tổ chức xã hội ở Hàn Quốc giai đoạn này đã tạo cơ sở quan trọng cho việc cải cách theo hướng dân chủ hóa của Chính phủ Hàn Quốc. Chính những sáng kiến chính sách về cải cách chính trị do một số tổ chức xã hội, như “Hội đoàn kết người dân vì tham gia dân chủ” và “Liên minh công dân vì sự công bằng kinh tế” nêu lên mà những ý tưởng cải cách chính trị của một số nhân vật cấp tiến trong Chính phủ Hàn Quốc dễ nhận được sự đồng thuận của xã hội. Sau khi Kim Young-sam trở thành tổng thống, Hàn Quốc nêu lên ba mục tiêu và nội dung cải cách quan trọng, đó là “thủ tiêu tham nhũng, chấn hưng kinh tế và hoàn thiện hệ thống pháp luật” để giải quyết những vấn đề đang đặt ra. Để thúc đẩy việc thực hiện các biện pháp cải cách này, Chính phủ Hàn Quốc nhấn mạnh việc phát huy vai trò tham gia, giám sát và đồng hành của các tổ chức xã hội, nhất là “Hội đoàn kết người dân vì tham gia dân chủ” và “Liên minh công dân vì sự công bằng kinh tế”.

Thứ tư, giai đoạn hiệp đồng giữa tổ chức xã hội và Nhà nước từ sau 1998 đến nay. Tháng 2 năm 1998, thông qua bầu cử, Kim Dae-jung trở thành tổng thống thứ 15 của Hàn Quốc. Sau khi trở thành tổng thống, Kim Dae-jung cũng dành sự quan tâm đặc biệt đối với hoạt động của các tổ chức xã hội. Phát biểu trong các sự kiện do tổ chức xã hội tổ chức, ông đều khẳng định tác dụng và vai trò quan trọng của tổ chức xã hội trong xây dựng dân chủ ở Hàn Quốc. Điều này đã tạo thuận lợi cho việc tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các tổ chức xã hội và Nhà nước. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc tiếp nhận rộng rãi nhân viên của các tổ chức xã hội vào làm việc trong các cơ quan nhà nước thông qua thi tuyển; còn các tổ chức xã hội tham gia rất tích cực vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách của chính phủ. Sự hợp tác giữa tổ chức xã hội và Nhà nước thể hiện trên nhiều phương diện, chủ yếu là các phương diện như:

Một là, phối hợp giữa cơ quan Nhà nước và tổ chức xã hội nhằm nắm bắt ý kiến của người dân đối với các dự án, chính sách quan trọng. Chẳng hạn, năm 1997, Bộ Giao thông Xây dựng Hàn Quốc phối hợp với cơ quan liên quan công bố dự định xây dựng dự án đập Đông Giang. Sau khi thông tin này được công bố công khai, các tổ chức xã hội về bảo vệ môi trường đã phối hợp với giới tôn giáo, hiệp hội phóng viên, công đoàn và các tổ chức khác đã khởi xướng phong trào “Bảo vệ Đông Giang” nhằm ngăn chặn việc triển khai dự án này. Để giải quyết vấn đề này, tháng 9 năm 1999, Tổng thống Kim Dae-jung đã thành lập một tổ điều tra gồm đại diện cơ quan chính phủ và 33 thành viên là đại diện của tổ chức xã hội về bảo vệ môi trường nhằm đánh giá lại mức độ khả thi của dự án đập Đông Giang. Thông qua việc đánh giá và khảo sát với thời gian 2 năm 6 tháng, tổ điều tra đã đưa ra kết luận về ý kiến của người dân đối với dự án đập Đông Giang. Báo cáo điều tra cho rằng, 81,2% người dân phản đối việc triển khai dự án đập Đông Giang. Từ kết quả điều tra này, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định dừng việc triển khai dự án này.

Hai là, các tổ chức xã hội và Nhà nước phối hợp trong phòng chống tham nhũng cũng như thực hiện ý tưởng về các cải cách chính trị.

Ba là, các tổ chức xã hội hợp tác với nhà nước trong xây dựng chính sách và đánh giá các cơ quan hành chính. Thời kỳ Roh Moo-hyun làm tổng thống, Hàn Quốc nhấn mạnh việc xây dựng chính phủ theo mô hình “chính phủ mở” để tăng cường sự hợp tác giữa nhà nước và các tổ chức xã hội. Để thực hiện điều này, Chính phủ Hàn Quốc thành lập các ủy ban tư vấn là đại diện của các tổ chức xã hội để thực hiện chức năng tư vấn chính sách cho chính phủ. Thông qua phương thức này, các tổ chức xã hội có thể phản ánh một trực tiếp ý nguyện và mong muốn của người dân đối với Chính phủ. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc còn tạo lập cơ chế cần thiết để các tổ chức xã hội tiến hành đánh giá, chấm điểm đối với các cơ quan hành chính.

Bốn là, Nhà nước hợp tác với các tổ chức xã hội thông qua việc Nhà nước mua sắm dịch vụ công từ các tổ chức xã hội. Để thúc đẩy xã hội hóa hoạt động cung ứng dịch vụ công, Chính phủ Hàn Quốc đã tăng cường mua sắm dịch vụ công từ các các tổ chức xã hội. Phương thức này không những góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng cung ứng dịch vụ công, mà còn góp phần giải quyết kinh phí hoạt động cho các tổ chức xã hội. Thống kê cho thấy, vào thời kỳ này, mức kinh phí nhà nước do hỗ trợ cho các tổ chức xã hội thông qua hoạt động mua sắm dịch vụ công chiếm 1/5 tổng nguồn thu của các tổ chức xã hội[7].

3.  Một số hạn chế của tổ chức xã hội ở Hàn Quốc hiện nay và định hướng đổi mới

Bên cạnh những ưu điểm và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Hàn Quốc, các tổ chức xã hội ở Hàn Quốc cũng đang gặp phải một số khó khăn, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Cụ thể, những khó khăn, hạn chế của tổ chức xã hội ở Hàn Quốc hiện nay tập trung vào bốn điểm chủ yếu.

Thứ nhất, mức độ tham gia của người dân đối với tổ chức xã hội suy giảm. Hoạt động của tổ chức xã hội tùy thuộc rất lớn vào sự tham gia của hội viên cũng như người dân, nhất là hoạt động tình nguyện. Nếu sau thập niên 1970, người dân tham gia khá nhiệt tình đối với các hoạt động do các tổ chức xã hội triển khai, thì đến sau thập niên 1980 do nhiều nguyên nhân nên mức độ tham gia và sự hưởng ứng của người dân đối với các hoạt động của tổ chức xã hội suy giảm. Sau thập niên 1990, dù ở Hàn Quốc xuất hiện nhiều tổ chức tình nguyện, song phạm vi hoạt động của các tổ chức này tương đối hẹp và mang tính ngắn hạn.

Thứ hai, kinh phí hoạt động của các tổ chức xã hội gặp nhiều khó khăn. Do mức độ tham gia của hội viên và người dân đối với tổ chức xã hội suy giảm nên đã hạn chế nguồn thu từ hội phí và các khoản đóng góp của xã hội. Bên cạnh đó, việc mua sắm dịch vụ công của nhà nước đối với tổ chức xã hội đôi khi chưa thật công bằng, dẫn đến việc một số tổ chức xã hội khó tiếp cận được các nguồn tài trợ, hỗ trợ của nhà nước.

Thứ ba, mức độ ảnh hưởng của tổ chức xã hội ở địa phương chưa cao. Từ những thập niên 90 của thế kỷ XX, sau khi mở rộng quyền tự chủ cho địa phương, số lượng các tổ chức xã hội ở địa phương tuy tăng lên đáng kể, nhưng nhìn chung, hoạt động của các tổ chức xã hội ở địa phương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, thậm chí một số tổ chức xã hội chỉ tồn tại trên danh nghĩa mà không triển khai các hoạt động, chưa phát huy được vai trò cần có của mình trong quản trị địa phương.

Thứ tư, có biểu hiện “thị trường hóa” trong hoạt động của các tổ chức xã hội. Trong bối cảnh sự hỗ trợ về mặt kinh phí của Nhà nước đối với tổ chức xã hội giảm xuống và sự cạnh tranh giữa các tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công tăng lên, một số tổ chức xã hội  đã “cấu kết” với thế lực chính trị để mưu cầu lợi ích cho tổ chức mình, từ đó dẫn đến một số vấn đề tiêu cực.

Để giải quyết những khó khăn, hạn chế nói trên và đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, những định hướng về đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội ở Hàn Quốc tập trung vào một số phương diện sau: (i) nâng cao chất lượng của các tổ chức xã hội, nhất là tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các tổ chức xã hội trên cơ sở đổi mới quản lý nguồn nhân lực của các tổ chức xã hội; (ii) hướng dẫn tổ chức xã hội đề ra kế hoạch lâu dài nhằm đảm bảo tính ổn định và liên tục trong hoạt động; (iii) đổi mới thể chế nhằm tăng cường hơn nữa sự tham gia của các tổ chức xã hội đối với chính sách công cũng như nâng cao năng lực tham gia của các tổ chức xã hội đối với quá trình quản trị nhà nước; (iv) tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các tổ chức xã hội trong nước với các tổ chức phi chính phủ ở bên ngoài nhằm tranh thủ thêm nguồn lực trong hoạt động.

Tóm lại, từ năm 1987 khi bắt đầu tiến trình dân chủ hóa chính trị đến nay, các tổ chức xã hội ở Hàn Quốc đã phát triển rất mạnh mẽ. Trong quan hệ với Nhà nước, nếu trước năm 1987, nhìn tổng thể quan hệ giữa tổ chức xã hội với Nhà nước là quan hệ đối lập, thì từ năm 1987 đến nay xu thế chung là giữa các tổ chức xã hội và nhà nước có mối quan hệ tương tác, hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm thúc đẩy việc thực hiện lợi ích công. Thực tiễn Hàn Quốc cho thấy, để phát huy vai trò của tổ chức xã hội trong đời sống chính trị - xã hội cần nhiều điều kiện khác nhau, trong đó thái độ, trách nhiệm của Nhà nước đối với các tổ chức xã hội cũng như mức độ mở trong hoạt động của Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng.

 

Nguyễn Trọng Bình1, Nguyễn Thị Ngọc Anh2

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. L. M. Salamon, America’s nonprofit sector, New York: Foundation Center.

2. 郑准镐:《韩国社会组织及其在国家治理中的作用》,中国人民大学出版社,2008年 (Zheng Zhun-gao:  Tổ chức xã hội ở Hàn Quốc và vai trò của nó trong quản trị quốc gia”, Nxb Đại học Nhân dân Trung Quốc, Bắc Kinh, năm 2008).

3. Park Chun-hee: What is NGO, Hanul Publishing House.

4. Kim Dong – chun, Kim Soo – hyun (2000), What is NGO, Arche Publishing House.

5. Yang Young–Hee (1998), “Funds for activities of social organizations and plans to improve membership management”, Asian Institute for Social Organization.

 

 

Tổ chức xã hội ở Hàn Quốc và mối quan hệ với nhà nước

Nguyễn Trọng Bình1, Nguyễn Thị Ngọc Anh2

 

SOCIAL ORGANIZATION IN KOREA

AND RELATIONSHIP WITH THE GOVERNMENT

Abstract: The development of social organizations in Korea has a close relationship with the process of political democratization and socio-economic development in the country. If before the 80s of the twentieth century, social organizations in Korea had not really developed, then after the 80s of the twentieth century until now, social organizations in South Korea flourished and played a role. important in national governance. The main trend in the relationship between social organizations and the State in Korea is to move from a countervailing relationship in the period before the 1980s to a cooperation relationship after the 1980s. now. The article summarizes the development process of social organizations as well as analyzes the relationship between social organizations and the State in Korea from 1987 to the present.

Keywords: social organization; relationship; Government

 

Nguyễn Trọng Bình1, Nguyễn Thị Ngọc Anh2

Số điện thoại: 099 367 6632; email: trongbinh195@yahoo.com

 



[1] TS., Học viện Chính trị khu vực IV

[2] ThS., Học viện Chính trị khu vực IV.

[3] L. M. Salamon: America’s nonprofit sector, New York: Foundation Center.

[4] 郑准镐:《韩国社会组织及其在国家治理中的作用》,中国人民大学出版社,2008年第15页 (Zheng Zhun-gao:  Tổ chức xã hội ở Hàn Quốc và vai trò của nó trong quản trị quốc gia”, Nxb Đại học Nhân dân Trung Quốc, Bắc Kinh, năm 2008, tr. 15).

[5] Park Chun - hee: What is NGO, Hanul Publishing House, 2001.

[6] Kim Dong – chun, Kim Soo – hyun: What is NGO, Arche Publishing House, 2000.

[7] Yang Young-hee (1998), “Funds for activities of social organizations and plans to improve membership management ”, Asian Institute for Social Organization.


[U1]Sử dụng đúng và thống nhất chính phủ hay nhà nước. Chính phủ và nhà nước giống và cũng khác nhau

0thảo luận