Trang chủ

Hội thảo khoa học “Phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với chuỗi giá trị toàn cầu: Trường hợp Đài Loan”

Đăng ngày: 29-11-2021, 07:58 | Danh mục: Hoạt động khoa học, Hội nghị - Hội thảo

Ngày 23/11/2021, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với chuỗi giá trị toàn cầu: Trường hợp Đài Loan” do Trung tâm Nghiên cứu Mông Cổ và vùng lãnh thổ Đài Loan tổ chức chủ trì. Tham dự tọa đàm có PGS.TS. Phạm Quý Long, Quyền Viện trưởng; PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế Quốc dân; TS. Nguyễn Thị Phi Nga, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Trương Nãi Giới, Bí thư thứ ba Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam cùng toàn thể cán bộ viên chức của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Hội thảo khoa học “Phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với chuỗi giá trị toàn cầu: Trường hợp Đài Loan”

PGS.TS. Phạm Quý Long - Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân đã trình bày bài tham luận đầu tiên với chủ đề “Kinh nghiệm phát triển công nghiệp hỗ trợ của Đài Loan, tham chiếu với Việt Nam”. Bài tham luận đã khái quát các quan niệm trên thế giới và Việt Nam về công nghiệp hỗ trợ (CNHT), các mô hình phát triển CNHT từ đó trình bày kinh nghiệm phát triển CNHT theo mô hình hệ sinh thái của vùng lãnh thổ Đài Loan (Đài Loan). Với việc vận dụng mô hình hệ sinh thái đặc thù của CNHT, tiêu biểu như: chính sách hỗ trợ của chính phủ, thành lập các công viên khoa học, công viên công nghệ, thúc đẩy đào tạo nhân lực trong các viện nghiên cứu và trường đại học, môi trường kinh doanh lý tưởng, lập kế hoạch cụ thể và chú trọng phát triển chuyên môn… Đài Loan đã trở thành trung tâm đổi mới chất bán dẫn toàn cầu. Với những kinh nghiệm của phát triển CNHT ở Đài Loan, tác giả đã đưa ra năm hàm ý cho Việt Nam để thúc đẩy CNHT nói riêng và ngành công nghiệp nói chung.

Hội thảo khoa học “Phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với chuỗi giá trị toàn cầu: Trường hợp Đài Loan”

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng trình bày báo cáo tại Hội thảo

Bài tham luận thứ hai với chủ đề “Vai trò của Viện nghiên cứu công nghệ trong phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Đài Loan” do TS. Phí Hồng Minh, Trung tâm Nghiên cứu Mông Cổ và vùng lãnh thổ Đài Loan trình bày. Bài tham luận gồm 5 nội dung chính bao gồm: vị trí ngành CNHT Đài Loan trong chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển ngành CNHT nhìn từ hệ thống sáng tạo quốc gia; vai trò của Viện nghiên cứu công nghệ trong phát triển CNHT ở Đài Loan; nghiên cứu trường hợp Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Công nghệ (ITRI) và hàm ý cho phát triển CNHT ở Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ đặc biệt là công nghệ cao đối với phát triển các ngành công nghiệp nói chung và CNHT nói riêng, Đài Loan đã đề ra các chính sách đối với các Viện nghiên cứu công nghệ, phân cấp rõ ràng đối với các loại hình cơ quan học thuật gồm: Viện chính sách; Viện triển khai công nghệ và các phòng thí nghiệm; Trường Đại học. Bài tham luận đã tập trung nghiên cứu trường hợp cụ thể là Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Công nghiệp (ITRI). ITRI đóng vai trò như cầu nối và đối tác đối với các doanh nghiệp Đài Loan trong: dẫn dắt các dự án R&D; tạo thuận lợi cho sự lan toả công nghệ và thương mại hoá kết quả nghiên cứu (spin-off); thúc đẩy nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, quản lý lưu thông; là vườn ươm tinh thần khởi nghiệp. Trên cơ sở đó, tác giả cũng đã đưa ra một vài hàm ý đối với Việt Nam nhằm thúc đẩy quá trình học hỏi kỹ năng, tiếp cận và nâng cấp năng lực công nghệ để từ đó mang lại những lợi ích cho sự phát triển của các doanh nghiệp CNHT.

Hội thảo khoa học “Phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với chuỗi giá trị toàn cầu: Trường hợp Đài Loan”

TS. Phí Hồng Minh trình bày báo cáo tại Hội thảo

Sau phần trình bày tham luận của hai báo cáo viên, các đại biểu tham dự đã có những ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi về quan điểm, đặc điểm của ngành CNHT ở Đài Loan; vị trí và vai trò của ngành CNHT ở Việt Nam; xây dựng chiến lược phát triển ngành CNHT; đề xuất một số giải pháp để tăng cường sự hợp tác giữa Đài Loan và Việt Nam trong lĩnh vực phát triển CNHT như: thông qua việc trao đổi thông tin, trao đổi học giả, trao đổi sinh viên, xây dựng chiến lược hỗ trợ dài hạn, đào tạo chuyên gia, chuyển giao công nghệ… Các đại biểu đều nhấn mạnh rằng chủ đề phát triển các ngành CNHT cùng với việc thúc đẩy tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu là các nội dung lớn trong chính sách công nghiệp của Việt Nam trong nhiều năm qua và việc học tập kinh nghiệm của các nền kinh tế trên thế giới về phát triển CNHT là vô cùng cần thiết với Việt Nam, trong đó mô hình của Đài Loan là phù hợp hơn cả. Mặc dù được nhà nước hết sức coi trọng, song sự phát triển CNHT trong nước và mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của nước ta vẫn còn hết sức hạn chế. Trong khi đó, Đài Loan là một trong những nền kinh tế rất thành công trong xây dựng CNHT, thiết lập nền tảng công nghiệp phục vụ cho mục tiêu phát triển, duy trì tăng trưởng bền vững. Do đó, việc nghiên cứu về ngành CNHT ở Đài Loan có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng đối với Việt Nam.

Hội thảo khoa học “Phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với chuỗi giá trị toàn cầu: Trường hợp Đài Loan”

Ông Trương Nãi Giới - Bí thư thứ ba Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Phạm Quý Long đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo, khẳng định rằng các báo cáo và ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo đã cung cấp bức tranh tổng quát về phát triển CNHT của Đài Loan và gợi mở những hàm ý chính sách cho Việt Nam. Trên cơ sở đó, hội thảo bước đầu đã đề xuất được một số đối sách quan trọng và các vấn đề cần tiếp tục được thảo luận, nghiên cứu trong thời gian tới. Qua Hội thảo này, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á cũng mong muốn Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam sẽ dành nhiều thời gian và quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các lĩnh vực nghiên cứu về Đài Loan của cán bộ trong Viện, hy vọng quan hệ hợp tác giữa Viện và Văn phòng Đài Bắc sẽ ngày càng phát triển và khởi sắc hơn nữa.

Phan Huyền

0thảo luận