Trang chủ

Hội thảo khoa học “Hiện trạng lao động Việt Nam tại Nhật Bản trong trạng thái bình thường mới”

Đăng ngày: 22-11-2021, 10:13 | Danh mục: Hoạt động khoa học, Hội nghị - Hội thảo

Ngày 17/11/2021, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Hiện trạng lao động Việt Nam tại Nhật Bản trong trạng thái bình thường mới” do Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản tổ chức chủ trì. Tham dự tọa đàm có PGS.TS. Phạm Quý Long, Quyền Viện trưởng; TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; TS. Phan Cao Nhật Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á cùng toàn thể cán bộ viên chức của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lao động trọng yếu và hợp tác trong lĩnh vực này giữa Nhật Bản và Việt Nam ngày càng được coi trọng. Tính đến tháng 10/2020, số lao động Việt Nam tại Nhật Bản là 440.000 người, chiếm tới 10.63% trong tổng số lao động nước ngoài tại Nhật Bản. Đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đã gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và môi trường làm việc của lao động nước ngoài nói chung và lao động Việt Nam tại Nhật Bản nói riêng. Bối cảnh hiện nay khi Nhật Bản bước sang một giai đoạn bình thường mới, sống chung an toàn với dịch bệnh Covid-19 cũng tác động rất lớn đến hiện trạng lao động Việt Nam tại quốc gia này.

Tại Hội thảo, TS. Ngô Hương Lan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản đã trình bày bài tham luận đầu tiên với chủ đề “Lao động nước ngoài tại Nhật Bản trong đại dịch Covid–19”. Bài tham luận đã khái quát những nét cơ bản về tình hình lao động nước ngoài và lao động Việt Nam tại Nhật Bản, đi sâu phân tích những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến lao động nước ngoài; các biện pháp hỗ trợ lao động nước ngoài của Chính phủ Nhật Bản trong bối cảnh đại dịch. Trên cơ sở đó, tham luận đánh giá một số vấn đề còn tồn tại trong chế độ chính sách đối với lao động nước ngoài ở cả Nhật Bản và Việt Nam.

Hội thảo khoa học “Hiện trạng lao động Việt Nam tại Nhật Bản trong trạng thái bình thường mới”

TS. Ngô Hương Lan trình bày tham luận tại Hội thảo

Bài tham luận thứ hai với chủ đề “Lao động Việt Nam tại Nhật Bản: Thực trạng và triển vọng” do TS. Phan Cao Nhật Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á trình bày. Bài tham luận đã tập trung phân tích tình hình và đặc điểm lao động di cư ra nước ngoài tại một số khu vực trên thế giới; lý giải nguy cơ sức khỏe và nguy cơ sa thải đối với lao động di cư trong đại dịch. Tham luận cũng đi sâu tìm hiểu hiện trạng lao động, thực tập sinh, điều dưỡng, hộ lý… của Việt Nam sang Nhật Bản giai đoạn từ năm 2012 đến 2019; phân tích hiện trạng bình thường mới ở Nhật Bản trong đó ưu tiên áp dụng các chính sách mở cửa đón lao động nước ngoài quay trở lại Nhật Bản làm việc. Dựa trên các nội dung đã phân tích ở trên, tham luận đánh giá một số vấn đề kinh tế, xã hội đối với lao động Việt Nam tại Nhật Bản trong trạng thái bình thường mới như các vấn đề liên quan đến cuộc sống, việc làm, môi trường làm việc, thu nhập và chế độ đãi ngộ…

Hội thảo khoa học “Hiện trạng lao động Việt Nam tại Nhật Bản trong trạng thái bình thường mới”

TS. Phan Cao Nhật Anh trình bày tham luận tại Hội thảo

Sau phần trình bày tham luận của hai báo cáo viên, các cán bộ tham dự đã có những ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi về quan điểm, đặc điểm lao động Việt Nam tại Nhật Bản qua các thời kỳ; điều kiện lao động nước ngoài tại Nhật Bản; tỷ lệ phạm pháp của lao động Việt Nam tại Nhật Bản; trách nhiệm của gia đình, các cơ quan tổ chức đưa lao động ra nước ngoài và biện pháp của chính phủ hai nước đối với các vấn đề liên quan đến xuất khẩu lao động; các khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra đối với việc đưa lao động, thực tập sinh sang làm việc tại Nhật Bản…

Hội thảo khoa học “Hiện trạng lao động Việt Nam tại Nhật Bản trong trạng thái bình thường mới”

PGS.TS. Phạm Quý Long - Quyền Viện trưởng phát biểu tổng kết Hội thảo

 

Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS.TS. Phạm Quý Long đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo, khẳng định rằng các báo cáo và ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về hiện trạng lao động Việt Nam tại Nhật Bản trước đây và trong trạng thái bình thường mới, sống chung an toàn với dịch bệnh như hiện nay, trong đó đi sâu phân tích các chiều cạnh khác nhau cả tích cực, tiêu cực về đại dịch Covid-19 và tác động của nó đến người lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Trên cơ sở đó, hội thảo bước đầu đã đề xuất được một số đối sách quan trọng và các vấn đề cần tiếp tục được thảo luận, nghiên cứu trong thời gian tới.

Phương Hoa

0thảo luận