Trang chủ

Tọa đàm khoa học: “Một vài phân tích so sánh mô hình ứng phó với Covid-19 của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan”

Đăng ngày: 29-10-2021, 03:40 | Danh mục: Hoạt động khoa học, Hội nghị - Hội thảo

Ngày 26/10/2021, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức Tọa đàm khoa học: "Một vài phân tích so sánh mô hình ứng phó với Covid-19 của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan" do TS. Phí Hồng Minh, đại diện Chi đoàn cơ sở Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á trình bày. Tham dự tọa đàm có PGS.TS. Phạm Quý Long, Quyền Viện trưởng; TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng cùng toàn thể cán bộ viên chức của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Virus corona mới lần đầu tiên xuất hiện vào cuối tháng 12/2019 tại một chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) và đến ngày 31/12/2019, Trung Quốc đã chính thức công bố với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về một chủng virus mới lây lan nhanh từ người sang người. WHO đã công bố Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào ngày 30/1/2020, và cuối cùng là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3/2020. Đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới chao đảo, tác động và làm thay đổi toàn bộ cấu trúc chính trị, kinh tế, xã hội của thế giới nói chung và các quốc gia Đông Bắc Á nói riêng. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan là ba chủ thể có biên giới mang tính đảo, bán đảo tạo thuận lợi cho việc kiểm soát dịch bệnh. Trong thời gian qua, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã xây dựng nhiều hệ thống phản ứng nhanh và có nhiều kinh nghiệm dịch tễ hiệu quả nhằm kiềm chế sự lây lan bùng phát của Đại dịch Covid-19 và từng bước khôi phục kinh tế - xã hội.

Tại Tọa đàm, TS. Phí Hồng Minh đã khái quát về tình hình dịch bệnh Covid-19 và mức độ lây nhiễm tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thời gian qua. Các chiến lược ứng phó của các chủ thể này có thể chia thành ba xu hướng chính: Một là chiến lược ngăn chặn với mục tiêu nỗ lực đưa số ca Covid-19 về 0 (Zero Covid); Hai là chiến lược làm dịu với mục tiêu giảm thiểu tỷ lệ lây lan, hướng tới xây dựng miễn dịch cộng đồng từ sớm  thông qua tự nhiễm và tiêm vaccine; Ba là chiến lược phối hợp hai chiến lược nêu trên. Cụ thể, Hàn Quốc áp dụng chiến lược ngăn chặn 3T (testing – xét nghiệm, Tracing – truy vết, Treatment – điều trị) và dần chuyển sang chiến lược kết hợp chiến lược làm dịu với ngăn chặn dịch bệnh. Nhật Bản áp dụng mô hình làm dịu, kiểm soát theo cụm, chủ yếu theo tinh thần tự nguyện và ý thức vệ sinh của người dân. Đài Loan thực hiện chiến lược Zero-Covid điển hình, từ các hệ thống phòng vệ khẩn cấp, thực thi ngăn chặn sớm triệt để để đưa số ca nhiễm về 0. Tuy nhiên cho đến hiện tại, trong khi cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều xác định sống chung Covid-19 và có lộ trình đẩy mạnh bao phủ vaccine, nâng cấp hệ thống y tế và năng lực chữa trị thì Đài Loan do hạn chế trong tiếp cận vaccine và phản ứng của người dân nên các bước nới lỏng vẫn hết sức thận trọng.

 

 

Tọa đàm khoa học: “Một vài phân tích so sánh mô hình ứng phó với Covid-19 của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan”

TS. Phí Hồng Minh trình bày báo cáo tại Tọa đàm

 

Sau phần trình bày của TS. Phí Hồng Minh, các cán bộ tham dự Tọa đàm đã có những ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi về ưu điểm, nhược điểm, điều kiện áp dụng của ba chiến lược ứng phó Covid-19 của các quốc gia được trình bày trong báo cáo; các biện pháp ứng phó dịch bệnh và hồi phục kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch của một số quốc gia Đông Bắc Á trên cơ sở phân tích so sánh với Việt Nam; ý thức người dân trong việc tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh tại các quốc gia; bài học kinh nghiệm cho Việt Nam…


 

Tọa đàm khoa học: “Một vài phân tích so sánh mô hình ứng phó với Covid-19 của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan”

TS. Trần Hoàng Long – Phó Viện trưởng phát biểu, đóng góp ý kiến tại Tọa đàm

Phát biểu tổng kết Tọa đàm, PGS.TS. Phạm Quý Long, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đánh giá cao chủ đề của Tọa đàm, đồng thời khẳng định rằng các báo cáo và ý kiến của các chuyên gia tại Tọa đàm sẽ giúp ích cho tác giả trong việc hoàn thiện nghiên cứu, góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về mô hình ứng phó đại dịch Covid-19 tại quốc gia, từ đó đưa ra nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị và cung cấp những tư vấn chính sách hiệu quả cho Chính phủ Việt Nam trong hoàn cảnh nước ta đang bước vào “trạng thái bình thường mới”, vừa tập trung chống dịch, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tọa đàm khoa học: “Một vài phân tích so sánh mô hình ứng phó với Covid-19 của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan”

PGS.TS Phạm Quý Long – Quyền Viện trưởng phát biểu tổng kết Tọa đàm

 

Phương Hoa

0thảo luận