Trang chủ

“Thích ứng an toàn với COVID-19” - Chuyển hướng chiến lược ứng phó kịp thời của Việt Nam trước tình hình mới

Đăng ngày: 15-10-2021, 05:16 | Danh mục: Tin tức - Sự kiện

Sau nhiều tháng thực thi các biện pháp đóng cửa, giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn các chuỗi lây nhiễm dịch bệnh đặc biệt là ở hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội, tình hình lây nhiễm về cơ bản đã từng bước được kiểm soát song mục tiêu xoá bỏ hoàn toàn dịch bệnh đã không còn khả thi. Cùng với mức độ lây lan nhanh mạnh của biến chủng Delta, các nỗ lực chống dịch kéo dài đã gây áp lực kinh tế, chi phí vô cùng lớn lên cả hệ thống kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Trong khi đó, nhiều quốc gia đã phải từ bỏ chiến lược ngăn chặn COVID-19 triệt để và thay bằng cách tiếp cận mới, nới lỏng hơn và thích ứng hiệu quả hơn với dịch bệnh. Trước tình hình mới này, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã kịp thời điều chỉnh chiến lược ứng phó với dịch bệnh.

Cụ thể, trong cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 sáng 25/9/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận sau gần 2 năm chống dịch, ta đã có kinh nghiệm và hiểu biết về virus rõ hơn. Từ kinh nghiệm thực tiễn chống dịch thời gian qua, Ban chỉ đạo đã đi đến thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, thực hiện vừa chống dịch hiệu quả vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2021, các giải pháp cho chiến lược “thích ứng an toàn” mới này tiếp tục được bản thảo rõ ràng và đưa ra các hướng dẫn thực hiện chi tiết hơn[1]. Cách thức đối phó với dịch bệnh của Việt Nam sẽ dựa trên 3 trụ cột là cách ly – xét nghiệm – điều trị; trên cơ sở 5K + vaccine + thuốc + công nghệ + ý thức người dân để vận dùng phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn mỗi địa phương, song vẫn phải đảm bảo nguyên tắc nhất quán, tránh ách tắc cục bộ. Tiếp đó, tại Hội nghị Trung ương 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định dịch bệnh thời gian qua là chưa có tiền lệ, khó có thể xử lý triệt để song nước ta đã bình tĩnh, tỉnh táo xử lý kịp thời, đúng đắn để có thể vừa đảm bảo mục tiêu chống dịch với phục hồi và phát triển kinh tế[2]. Sự điều chỉnh mới này là đúng đắn, kịp thời trước tình hình mới, bởi lẽ:

Các biện pháp giãn cách kéo dài cùng chi phí chống dịch tổn kém đang gây tổn thất kinh tế trước mắt và tiềm ẩn hệ quả lâu dài

Từ khi những ca nhiễm SARS-Cov-2 đầu tiên phát hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc) tháng 12/2019, thế giới đã trải qua gần hai năm chật vật chiến đấu với đại dịch COVID-19 song triển vọng trở lại cuộc sống bình thường như trước dịch đang là viễn cảnh vẫn còn khá xa vời. Khủng hoảng COVID-19 càn quét toàn cầu không chỉ gây nên những thảm hoạ y tế trầm trọng mà nó còn gây tổn hại kinh tế sâu rộng hơn cả các cuộc khủng hoảng đã diễn ra như Đại khủng hoảng 1929-30, Khủng hoảng châu Á 1997-98 hay Khủng hoảng tài chính 2007-08 cùng nhiều hệ quả xã hội – nhân đạo mà các chính phủ sẽ mất nhiều năm để giải quyết. Trước mắt, có thể thấy khủng hoảng COVID-19 đã gây tổn hại vô cùng lớn đến các ngành dịch vụ đặc biệt là khu vực du lịch, giao thông vận tải, nhà hàng, khách sạn. Với Việt Nam, các biện pháp chống dịch khắc nghiệt đã dẫn đến những thiệt hại kinh tế rất lớn. Nếu như kinh tế Việt Nam năm 2020 với tốc độ tăng trưởng 2,91% được xem như một điểm hình chống dịch thành công, thì quý III/2021 đã chứng kiến lần đầu tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ 2020. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng chỉ đạt 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương: “Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay”[3].

 

“Thích ứng an toàn với COVID-19” - Chuyển hướng chiến lược ứng phó kịp thời của Việt Nam trước tình hình mới

Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gdp-viet-nam-quy-iii-tang-truong-am-617-20210929093109998.htm

 

Hơn thế, gánh nặng chi phí xét nghiệm để duy trì hoạt động, đứt gãy thị trường, gián đoạn chuỗi cung ứng cũng có ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến hoạt động của doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào vòng xoáy nợ nần, phá sản. Thiệt hại kinh tế trầm trọng đã khiến 14 hiệp hội ngành nghề trong nước[4] và nhiều Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam như Amcharm, EuroCham, KoCham, ASEAN USABC[5] cùng gửi kiến nghị lên Thủ tướng về nhu cầu bức thiết phải điều chỉnh chiến lược ứng phó nhằm duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế. Với người lao động, đại dịch đã có những tác động tiêu cực về thu nhập, hơn thế nó còn ảnh hưởng trầm trọng đến sinh kế của nhiều người đặc biệt là những lao động trong khối ngành dịch vụ. Không chỉ vậy, những con số thiệt hại kinh tế còn chưa đo lường được những hệ luỵ âm thầm từ đại dịch với các tác động dai dẳng về kinh tế, xã hội và sức khoẻ con người trong nhiều năm tới. Tình trạng thất nghiệp và việc làm khó khăn thời buổi dịch bệnh cũng gây ra ra các tác động tiêu cực đến cơ hội nghề nghiệp và quá trình tích luỹ kỹ năng kinh nghiệm đối với sinh viên và các lao động trẻ, đồng thời cũng gia tăng bất bình đẳng cơ hội ở nhóm lao động này. Ngoài ra, sự thiếu tương tác, tù túng trong không gian hẹp, ít tiếp xúc với không gian bên ngoài đang tiềm ẩn hệ quả gia tăng các vấn đề sức khoẻ tâm thần ở nhiều lứa tuổi, nhất là trẻ em đang ở lứa tuổi trải nghiệm và học hỏi từ thế giới bên ngoài.

Nhiều quốc gia thừa nhận sự thất bại của chiến lược “Zero COVID-19” và chuyển hướng chính sách “sống chung với COVID-19”

Hiện tại, biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh chóng đã hiện diện trên 170 quốc gia tính đến tháng 9/2021, đang trở thành nguyên nhân chủ chốt của làn sóng bùng nổ COVID-19 mới trên toàn thế giới. Trước tình hình mới này, tại khu vực châu Á, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ vốn triệt để thực thi chiến lược loại bỏ COVID-19 đã phải cân nhắc điều chỉnh cách tiếp cận với dịch bệnh. Có thể thấy như Singapore, New Zealand, Australia, Hàn Quốc trước kia thực hiện các chiến lược ngăn chặn với kết hợp các chính sách xét nghiệm cùng với cách ly tập trung cùng giãn cách xã hội nghiêm ngặt để chặn đứng đà lây lan của dịch bệnh với mục tiêu đưa ca COVID-19 về không đã phải chấp nhận sự thật là chiến lược “không COVID" (zero-COVID) với các biện pháp hạn chế trong thời gian dài đã không chấm dứt được đợt bùng phát dịch mới trong khi gây tổn hại kinh tế-xã hội quá lớn. Singapore sau thời gian dài thực thi cách tiếp cận “zero-COVID1-9” cũng đã điều chỉnh sang chiến lược sống chung với COVID-19 (living with COVID-19), theo đó ứng xử với virus như một rủi ro có thể kiểm soát và có thể xem như dịch bệnh có mức đe doạ thấp như cúm mùa. Tương tự, Thủ tướng New Zealand J. Ardern thừa nhận biến chủng Delta đã thay đổi cuộc chơi, không thể loại bỏ hoàn toàn virus mà thay vào đó cần phải học cách sống chung với nó. Nhiều quốc gia châu Á khác cũng chuyển hướng chiến lược chống dịch sang xây dựng miễn dịch cộng đồng, tăng độ phủ vaccine song hành với nâng cấp hệ thống y tế đủ năng lực xử lý các đợt bùng phát mới.

Cần có lộ trình nới lỏng thận trọng từng bước một chứ không thể mở cửa hoàn toàn ngay lập tức

Mặc dù đã có nhiều vaccine được cấp phép khẩn cấp, song sự xuất hiện của nhiều biến chủng như Alpha phát hiện ở Anh, Beta ở Nam Phi, Gamma ở Brazil, Delta ở Ấn Độ cùng nhiều chủng mới khác đang tiềm ẩn nguy cơ chạy đua giữa chương trình phát triển vaccine và đà tiến hoá của virus. Bên cạnh đó, sự bùng nổ liên tục các làn sóng COVID-19 cho thấy các biện pháp đóng cửa không phải là cách thức tối ưu ứng phó với dịch bệnh trong một thế giới mở và hội nhập sâu rộng như hiện nay. Nguy cơ virus xâm nhập luôn hiện hữu và giãn cách xã hội dài hạn sẽ khiến quốc gia phải đánh đổi chi phí kinh tế-xã hội lớn cả trong ngắn-, trung- và dài-hạn.

Dù vậy, không thể ngay lập tức mở cửa hoàn toàn mà các quốc gia sẽ thực hiện nới lỏng từng bước theo nguyên tắc xuống thang, kết hợp dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế dù số ca nhiễm chưa giảm, song song với tăng tỷ lệ tiêm chủng vaccine và đánh giá định kỳ xem xét mở cửa trở lại các hoạt động. Bởi lẽ ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao, sự mở cửa nhanh chóng với nhiều hoạt động có nguy cơ lây nhiễm mạnh có thể khiến số ca nhiễm tăng vọt trở lại gây áp lực lớn với hệ thống y tế. Điều này phản ánh trong trường hợp Singapore, một trong những quốc gia ít ỏi có khoảng 82% người dân đã tiêm đầy đủ hai mũi – đây được xem như một chỉ dấu quan trọng cho tiến trình tái mở cửa. Ngay khi quốc gia trên lộ trình tái mở cửa, nới lỏng nhiều hoạt động đã phải đối mặt với tình hình dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng với 3.486 ca mắc mới và 9 ca tử vong trong ngày 5/10/2021. Đây được xem là mức kỷ lục sau đợt dịch cao điểm hồi tháng 5/2021, thậm chí vẫn cao vọt khi so với cao điểm dịch tháng 4/2020 (đỉnh là 1.037 ca ngày 23/4/2020). Với tỷ lệ ca nhiễm cao vọt ở các cụm cơ quan xí nghiệp cũng như các trung tâm thương mại, nhà ở [6], tình hình dịch căng thẳng của Singapore cho thấy song hành với tiêm chủng, các biện pháp mở cửa thận trọng từng bước vẫn cần phải xem xét kết hợp với việc đánh giá định kỳ mức độ dịch bệnh và năng lực đáp ứng của hệ thống y tế cũng như giám sát chặt chẽ các cụm lây nhiễm tránh nguy cơ lây lan rộng rãi.

Nhìn chung, sự thay đổi cách tiếp cận chống dịch chuyển sang “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” là định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong tình hình mới. Bởi lẽ trong khi thế giới đang thay đổi quan điểm với cách tiếp cận “sống chung với COVID”, xem nó như một loại dịch bệnh lây nhiễm có thể kiểm soát, thì một nền kinh tế mở và hội nhập kinh tế sâu rộng không thể duy trì bảo vệ chính sách cũ mà cần linh hoạt điều chỉnh. Cho đến nay, chỉ còn một số ít ỏi quốc gia tiếp tục duy trì chính sách loại bỏ hoàn toàn, triệt để COVID-19 điển hình là Trung Quốc, song mục tiêu này sẽ đòi hỏi đất nước tiêu tốn nguồn lực lớn và phải đánh đổi các lợi ích kinh tế đáng kể, nhất là khi mùa đông – môi trường thuận lợi cho virus lây lan đang đến gần và Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 đang trên lộ trình chuẩn bị đón nhận lượng lớn vận động viên từ khắp nơi trên thế giới. Điều này đã được phản ánh trong trường hợp Nhật Bản, Olympic Tokyo 2020 dù mang đến hình ảnh điển hình về cách thức một quốc gia tổ chức sự kiện thể thao toàn cầu trong bối cảnh dịch bệnh, song nó gây nên đợt bùng phát COVID dữ dội nhất khiến Nhật Bản phải thực thi nhiều biện pháp cứng rắn khẩn cấp để ứng phó với các cụm lây nhiễm diện rộng với số ca nhiễm đỉnh điểm lên đến 25.000 ca/ngày. Hiện tại, tình hình dịch bệnh của Nhật Bản cơ bản đã được kiểm soát, Nhật Bản cũng chính thức dỡ lệnh tình trạng khẩn cấp đầu tháng 10/2021, song việc kéo dài phong toả nhiều tháng đã dẫn đến những thiệt hại kinh tế thực tế và tiềm ẩn lớn cho quốc gia mặt trời mọc./.

Phí Hồng Minh

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á



[6] Iwamoto, Kentaro; and Loh Dylan (17/9/2021) Singapore surge test “live with COVID” strategy: 5 things to know, Nikkei, https://asia.nikkei.com/Spotlight/Coronavirus/Singapore-surge-tests-live-with-COVID-strategy-5-things-to-know.

0thảo luận