Trang chủ

Toàn Đảng, toàn dân đoàn kết chống đại dịch COVID-19

Đăng ngày: 11-08-2021, 08:37 | Danh mục: Tin tức - Sự kiện

Hiện nay, khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đang trở thành tâm điểm COVID-19 của thế giới. Tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan rất nhanh, gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống. Trước tình hình đó, toàn Đảng, toàn dân đang đồng lòng nỗ lực trong công tác phòng phòng chống đại dịch.

Kinh nghiệm từ nghiên cứu Đông Bắc Á

Các nước khu vực Đông Bắc Á như Nhật Bản và Hàn Quốc đã diễn ra tình trạng lây lan trở lại do thiếu quyết liệt trong phòng chống đại dịch. Tại Nhật Bản, sau khi tình trạng khẩn cấp đầu tiên được dỡ bỏ vào tháng 5 năm 2020, nền kinh tế chuyển sang phục hồi và tăng trưởng GDP trong cả quý 3, quý 4 năm 2020. Tuy nhiên, với việc kích hoạt các hoạt động kinh tế như vậy, tình trạng lây nhiễm đã tái diễn, nhưng Chính phủ Nhật Bản do dự thực hiện các biện pháp kiểm soát lây nhiễm như tạm dừng chiến dịch kích cầu du lịch nội địa vì nền kinh tế, Nhật Bản rơi vào tình cảnh buộc phải ban hành lại tuyên bố khẩn cấp đã được đưa ra vào đầu năm 2021. Cách thức ưu tiên mở rộng kinh tế ngay lập tức, sự cân bằng giữa việc ngăn ngừa lây lan lây nhiễm và hoạt động kinh tế đã bị phá vỡ, và nền kinh tế đã trở nên tồi tệ.

Tương tự Nhật Bản, giai đoạn đầu Hàn Quốc kiểm soát dịch bệnh khá tốt nhưng sau đó cũng mất cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế. Hiện nay, chính phủ Hàn Quốc đang đẩy nhanh mức độ tiêm chủng cho người dân, tuy nhiên, tỷ lệ được tiêm chủng vẫn còn một khoảng cách xa so với những gì được yêu cầu để hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, sở dĩ có tình trạng này là do chính phủ các nước trong khu vực đã cố gắng không đưa ra các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để giảm thiểu tác động đến sinh kế của người dân. Hiện tại, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều phải tăng cường siết chặt các biện pháp phòng chống nhằm kiểm soát đại dịch. Chính phủ các nước kêu gọi người dân tuân thủ hơn nữa các quy định chống dịch hiện hành đồng thời thúc đẩy mạnh chiến lược tiêm vắc-xin.

Quyết liệt hơn trong phòng chống dịch

Thực tế cho thấy, cuộc sống hiện nay là sống chung với COVID-19 và phát triển kinh tế phụ thuộc lớn vào tình trạng lây lan của COVID-19. Các biện pháp chống dịch phải quyết liệt hơn trước, chiến lược tiêm chủng vắc-xin cũng cần được tiến hành nhanh hơn nữa. Tuy nhiên, nếu còn có người thiếu ý thức trong phòng chống dịch, tiêm chủng vắc-xin thì hiệu quả bên ngoài này không sớm có được. Tâm lý do dự trong việc phòng chống dịch bệnh còn tồn tại, công tác kiểm soát đại dịch sẽ bị đình trệ.

Trong công tác phòng chống phải có sự chỉ đạo, đôn đốc nhất quán từ Đảng, chính phủ, các cấp các ngành. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 từ Trung ương tới cơ sở phải quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực; chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh; linh hoạt, sáng tạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công việc hệ trọng này.

Hơn một năm qua, kể từ khi đại dịch COVID -19 bùng phát đầu năm 2020, chưa bao giờ từ tinh thần “đoàn kết” của dân tộc lại được nhắc đến nhiều như vậy và hơn lúc nào hết, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam đã, đang và sẽ được phát huy bằng sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Từ Trung ương tới địa phương với các Bộ, Ngành ở các cấp, cùng đoàn thể và toàn dân ta chung tay, góp sức đối phó với đại dịch vốn đang hằng ngày, hằng giờ đe doạ đến sức khoẻ, tính mạng của người dân. Các tầng lớp nhân dân biểu hiện lòng yêu nước bằng những hành động thiết thực, hiệu quả; nhiều nguồn lực trong xã hội được huy động cho công tác phòng chống dịch.

Trong trận chiến chống dịch, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư là lời hiệu triệu cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19.

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận