Trang chủ

NÓI CHUYỆN THÚ VỊ NHƯ NGƯỜI NHẬT

Đăng ngày: 25-11-2020, 03:59 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Teruyuki Yoshida

Dịch giả: Nguyễn Phương Hoa

Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 2020, 207 trang

Kí hiệu: Vv2928

Trong cuộc sống hàng ngày, nghệ thuật giao tiếp luôn được nhiều người quan tâm. Kĩ năng truyền đạt điều bản thân muốn nói, truyền tải tâm tư tình cảm của mình để người nghe thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ là điều mọi người đều muốn đạt được trong giao tiếp. Cuốn sách “Nói chuyện thú vị như người Nhật” sẽ chia sẻ với bạn đọc những kĩ năng giao tiếp thực tế thường thấy trong cuộc sống hàng ngày, cách nói chuyện sao cho cuốn hút, thú vị và được người nghe chú ý. Cuốn sách gồm 5 chương:

Chương 1: Vì sao cách nói chuyện của bạn kém hấp dẫn? Những sai lầm thường mắc phải khi muốn trò chuyện vui vẻ với người khác. Trong đó, tác giả chỉ ra điểm khác biệt của một người có khả năng tạo sự hấp dẫn cho câu chuyện và phân tích 5 nhận thức sai lầm trong giao tiếp.

Chương 2: 7 công thức tán ngẫu để kéo dài mọi cuộc hội thoại. Đó là, tránh nói câu “tôi cũng vậy”; không đặt những câu hỏi mà chỉ có thể trả lời là “không” hoặc “có”; sử dụng những câu hỏi “tại sao?”, “như thế nào?” thay vì “khi nào?”, “ở đâu?”; hình tượng hóa câu chuyện của đối phương để nảy ra câu hỏi; không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận câu chuyện của đối phương; cụ thể trong câu trả lời; khi được đối phương đặt câu hỏi, hãy hỏi lại họ về vấn đề đó.

Chương 3: 12 công thức thay đổi cách nói chuyện giúp câu chuyện trở nên thú vị hơn. Theo tác giả, để câu chuyện trở nên thú vị hơn thì người nói cần luôn luôn thay đổi cách diễn đạt; phải tìm được “sự mâu thuẫn” và “ý nghĩa khác” trong câu chuyện; dùng kinh nghiệm của bản thân để phản bác chuyện đối phương cho là tốt; cần phác họa cụ thể “có nhịp điệu”; loại bỏ sự khó xử bằng “chủ đề tủ”. Bên cạnh đó, tác giả đã đưa ra ba đối sách để ứng biến khi gặp phải những phản ứng không như mong đợi.

Chương 4: 20 công thức nói chuyện của người thú vị trong mỗi tình huống phân tích từng tình huống giao tiếp cụ thể như tán gẫu với bạn bè, giao tiếp nơi công sở, nói chuyện với cấp trên và tiền bối, nói chuyện với cấp dưới và người ít tuổi; hay giao tiếp trong cuộc họp, khi tiếp khách hàng, trong buổi giao lưu, tiệc chiêu đãi và ngay cả trong hẹn hò, tìm đối tượng kết hôn. Tác giả cũng đưa ra cách xử lý tình huống khi có sự cố không ngờ tới hay tình huống không khí buổi nói chuyện bị chùng xuống.

Chương 5: 10 công thức khiến mọi người đều lắng nghe khi diễn thuyết - dẫn chương trình. Tác giả cho rằng, không cần cố gồng mình lên khi diễn thuyết mà chỉ cần nói đúng bản chất của sự việc, nói đơn giản, nói ra điều trái ngược với sự thật, kể về những câu chuyện cụ thể hay câu chuyện thất bại. Còn khi dẫn chương trình - điều hành, nếu khán giả đã hào hứng thì đừng cố kéo dài bầu không khí, mà tiến ngay đến phần tiếp theo; khôn khéo sử dụng hình ảnh bản thân mà đối phương đang thấy.

Có thể thấy rằng, cuốn sách không chứa đựng những kiến thức mang tính học thuật, mà cung cấp những kĩ năng giao tiếp thực tế, thường thấy trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, không giới hạn trong một ngành nghề nào. Cuốn sách sẽ giúp bạn đọc có thể thực hiện những cuộc hội thoại thường nhật một cách dễ dàng, thoải mái. Đây thực sự là tài liệu tham khảo hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề này.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận