Trang chủ

VIỆT NAM TRONG CHÍNH SÁCH HƯỚNG NAM MỚI CỦA TỔNG THỐNG HÀN QUỐC MOON JEA-IN

Đăng ngày: 11-11-2020, 07:27 | Danh mục: Ấn Phẩm

Tác giả: PGS. TS. Phạm Hồng Thái chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2020, 247 trang

Kí hiệu: Vv2932

Tháng 11/2017, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã công bố Chính sách hướng Nam mới trong chuyến thăm Indonesia, Việt Nam và Philippines nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và các cuộc họp Hội nghị cấp cao ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á cùng năm. Đây là một sáng kiến ngoại giao lớn nhằm thúc đẩy, nâng cao quan hệ chiến lược của Hàn Quốc với ASEAN và Ấn Độ lên ngang tầm với bốn đối tác ngoại giao lớn, truyền thống của nước này là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Chính sách hướng Nam mới không chỉ nhằm xây dựng một khu vực hòa bình, thịnh vượng và tự do trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân mà còn nhằm mở ra triển vọng về nền hòa bình và an ninh bền vững cho bán đảo Triều Tiên, hướng tới thống nhất hai miền Nam Bắc Triều Tiên trong tương lai. Việt Nam là một quốc gia thành viên ASEAN có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, được Hàn Quốc đánh giá cao, coi như một trọng tâm trong quá trình triển khai Chính sách hướng Nam mới. Do vậy, việc nghiên cứu Chính sách hướng Nam mới cũng như vị trí, vai trò của Việt Nam trong quá trình triển khai chính sách này của Hàn Quốc là rất cần thiết. Được sự tài trợ của Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc, nhóm tác giả đã nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách “Việt Nam trong Chính sách hướng Nam mới của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in”. Cuốn sách có kết cấu 4 chương với những nội dung chính như sau:

Chương 1: Chính sách hướng Nam mới của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in trình bày bối cảnh ra đời của chính sách, phân tích mục tiêu, nội dung, quá trình triển khai và bổ sung Chính sách hướng Nam mới.

Chương 2: Đánh giá Chính sách hướng Nam mới đối với các nước ASEAN. Trong đó, các tác giả trình bày khái quát về ASEAN và quan hệ Hàn Quốc - ASEAN; đánh giá quá trình triển khai Chính sách hướng Nam mới tại ASEAN cũng như đối với các quốc gia thành viên ASEAN hiện nay.

Chương 3: Vị thế của Việt Nam trong triển khai Chính sách hướng Nam mới. Các tác giả tập trung phân tích vị thế của Việt Nam trong ASEAN, vai trò của Việt Nam trong quan hệ Hàn Quốc - ASEAN cũng như tiềm năng của Việt Nam trong tiến trình thúc đẩy phi hạt nhân hóa và xây dựng nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên.

Chương 4: Nâng cao và phát huy vị thế của Việt Nam trong bối cảnh thực hiện Chính sách hướng Nam mới. Trong phần này, các tác giả đề xuất các giải pháp để tăng cường hơn nữa vị thế của Việt Nam trong bối cảnh thực hiện Chính sách hướng Nam mới trong những năm tới, cụ thể là trong hợp tác quốc tế, hợp tác chính trị - an ninh, trong thúc đẩy giao lưu con người và văn hóa.

Việc triển khai Chính sách hướng Nam mới có tác động rất đáng kể đến mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc, nhất là đến quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong thời gian tới. Việc nghiên cứu Chính sách hướng Nam mới cũng như vị trí, vai trò của Việt Nam trong quá trình triển khai chính sách này của Hàn Quốc hiện nay không chỉ góp phần nhận thức rõ hơn chính sách của Hàn Quốc đối với khu vực, nhất là đối với Việt Nam, mà còn đóng góp thêm cơ sở lí luận cho việc hoạch định chính sách nhằm phát huy những tác dụng tích cực của Chính sách hướng Nam mới đối với quá trình phát triển của Việt Nam, đáp ứng lợi ích bền vững của cả hai bên. Cuốn sách là nguồn tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu vấn đề này.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận