Trang chủ

QUAN HỆ KINH TẾ,VĂN HÓA GIỮA NHẬT BẢN VÀ CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM CỘNG HÒA (1955-1975)

Đăng ngày: 11-11-2020, 07:21 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: TS. Phạm Ngọc Anh

Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2020, 210 trang

Kí hiệu: Vv2929

Việt Nam và Nhật Bản có quan hệ từ rất sớm và đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Trong thế kỷ XX, đặc biệt là trong các thập niên 1950-1970, do những thay đổi hoàn cảnh lịch sử, nội dung và tính chất của mối quan hệ giữa hai bên đã biến đổi: không còn là mối quan hệ giữa hai quốc gia độc lập Việt Nam và Nhật Bản mà là mối quan hệ giữa Nhật Bản với chính quyền Việt Nam cộng hòa, nằm trong lãnh thổ quốc gia Việt Nam. Thực tế này đánh dấu một giai đoạn quan trọng của quan hệ Nhật Bản - Việt Nam trong một hoàn cảnh đặc biệt đối với cả hai bên. Nhật Bản từ một nước bại trận trong Chiến tranh Thế giới thứ hai từng bước khôi phục kinh tế và vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế. Trong thời gian này, chính quyền Việt Nam cộng hòa được thành lập (năm 1954) trong phạm vi lãnh thổ thuộc Nam Việt Nam nằm trong ý đồ của Mỹ. Trong chiến lược đối ngoại vào thời điểm này, Nhật Bản đánh giá cao vị trí của Đông Nam Á và Nam Việt Nam, một thị trường rộng lớn và tiềm năng có thể đáp ứng nhiều mặt cho nhu cầu kinh tế đa dạng của Nhật Bản. Vì vậy, trong các thập kỷ 1950-1970, quan hệ giữa Nhật Bản với chính quyền Việt Nam cộng hòa là quá trình phát triển đa dạng với tất cả những khía cạnh và biểu hiện cụ thể nhưng nổi bật trên hai lĩnh vực kinh tế và văn hóa. Những sự kiện bang giao trong khoảng hai thập niên ngắn ngủi này lại có ý nghĩa hết sức quan trọng, không những tiếp tục duy trì và giữ vững dòng chảy quan hệ Việt - Nhật mà qua đó còn góp phần phát huy mạnh mẽ ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực. Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề này, TS. Phạm Ngọc Anh đã nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách “Quan hệ kinh tế, văn hóa giữa Nhật Bản và chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1955-1975)”. Cuốn sách gồm 3 chương như sau:

Chương 1: Đường lối đối ngoại và quan hệ của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á trong các thập niên 1950-1970. Trong chương này, tác giả giới thiệu khái quát về Nhật Bản, tình hình Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, đường lối đối ngoại của Nhật Bản, quá trình quan hệ giữa Nhật Bản và Đông Nam Á trong các thập kỷ 1950-1970.

Chương 2: Quan hệ kinh tế, văn hóa giữa Nhật Bản và chính quyền Việt Nam cộng hòa (1955-1975). Ở đây, tác giả tập trung phân tích ý nghĩa, vai trò của việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và chính quyền Việt Nam cộng hòa. Đồng thời, tác giả cũng đi sâu vào thực trạng quan hệ kinh tế, văn hóa giữa Nhật Bản và chính quyền Việt Nam cộng hòa giai đoạn 1955-1975.

Chương 3: Hệ quả của quan hệ kinh tế, văn hóa giữa Nhật Bản và chính quyền Việt Nam cộng hòa (1955-1975). Phần này, tác giả đi sâu phân tích, đánh giá những tác động, hệ quả của mối quan hệ kinh tế, văn hóa giữa Nhật Bản và chính quyền Việt Nam cộng hòa đối với hai bên trên cả hai khía cạnh tích cực và hạn chế.

Với kết cấu được xây dựng dựa trên logic kết nối các vấn đề liên quan đến quan hệ giữa Nhật Bản và chính quyền Việt Nam cộng hòa trong giai đoạn 1955-1975, cuốn sách đã giúp bạn đọc có được những hiểu biết sâu sắc và toàn diện hơn về mối quan hệ này. Cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu vấn đề này.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận