Trang chủ

NHẬT BẢN TRONG CHÂU Á

Đăng ngày: 11-11-2020, 07:19 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Tanaka Akihikio

Dịch giả: Võ Minh Vũ

Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2019, 359 trang

Kí hiệu: Vt568

Trong “Nhật Bản trong châu Á”, tác giả Tanaka Akihiko cho rằng từ nửa cuối thập niên 1970, châu Á (cụ thể hơn là Đông Á) đã bắt đầu dần dần trở thành một. Theo ông, có ba nguyên nhân quan trọng làm thay đổi khu vực châu Á, đó là quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế, sự kết thúc Chiến tranh Lạnh và quá trình dân chủ hóa. Đặc biệt, có lẽ nguyên nhân lớn nhất của quá trình thống nhất khu vực là toàn cầu hóa nền kinh tế. Do đó trong cuốn sách này, tác giả đã tập trung phân tích sự biến đổi trong mối quan hệ tương hỗ giữa ba nguyên nhân trên.

Cuốn sách gồm 10 chương với những nội dung chính như sau:

Chương 1: Dòng chảy ngầm hướng tới kết thúc Chiến tranh Lạnh

Chương 2: Chiến tranh Lạnh kết thúc và Đông Bắc Á

Chương 3: Sự kết thúc Chiến tranh Lạnh và Đông Nam Á

Chương 4: Thử nghiệm “Châu Á - Thái Bình Dương”

Chương 5: Sự trỗi dậy của Trung Quốc và khủng hoảng bán đảo Triều Tiên

Chương 6: Sự bùng phát của “lịch sử” và khủng hoảng quan hệ Nhật - Trung

Chương 7: Khủng hoảng tài chính châu Á

Chương 8: Chủ nghĩa khu vực Đông Á và Nhật Bản

Chương 9: Sự xuất hiện của Koizumi

Chương 10: “Cộng đồng Đông Á” và mối bất hòa giữa Nhật - Trung - Hàn

Theo tác giả, việc kết thúc Chiến tranh Lạnh đã làm giảm bớt đi rào cản về con người đối với dòng chảy gia tăng sự phụ thuộc về kinh tế. Ngoài ra, ông đã chỉ ra rằng, ý nghĩa thực sự của việc kết thúc Chiến tranh Lạnh ở châu Á không phải là sự sụp đổ của các quốc gia xã hội toàn trị mà là tiến hành mở cửa nền kinh tế và áp dụng nguyên lý thị trường. Trung Quốc hay Việt Nam, những quốc gia vừa duy trì chế độ một đảng cầm quyền vừa tiến hành mở cửa kinh tế, xây dựng nền kinh tế thị trường, đều đang đạt được những thành tựu phát triển kinh tế.

Đối tượng phân tích của cuốn sách này là mối liên quan giữa các sự kiện quan trọng ở khu vực châu Á và ngoại giao châu Á của Nhật Bản. Về ngoại giao châu Á của Nhật Bản, tác giả đã đưa ra các đánh giá về những nỗ lực ngoại giao của Nhật Bản đối với từng sự kiện những cũng đã chỉ ra rằng ngoại giao châu Á của Nhật Bản khuyết thiếu tính chiến lược, thống nhất.

Ở khu vực Đông Bắc Á, Liên Xô dưới thời kì Gorbachev tiến hành cải tổ và Trung Quốc cải cách mở cửa dưới thời Đặng Tiểu Bình, đều nhận thấy tầm quan trọng của việc hợp tác kinh tế với Hàn Quốc, quốc gia đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Tầm quan trọng đó gắn liền với xu hướng vượt qua rào cản ý thức hệ của Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, việc Xô - Hàn, Trung - Hàn bình thường hóa quan hệ đã khiến Triều Tiên cảm thấy bị cô lập trong cộng đồng quốc tế, kết quả là Triều Tiên tự tiến hành trang bị vũ khí hạt nhân. Điều này có thể khiến người ta cho rằng Chiến tranh Lạnh chưa kết thúc ở Đông Bắc Á.

Cuốn sách giúp bạn đọc có được những hiểu biết toàn diện và sâu sắc hơn về một châu Á trước và sau Chiến tranh Lạnh cũng như quan hệ ngoại giao của Nhật Bản với các nước ở châu Á. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới độc giả.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận