Trang chủ

BIỂN ĐÔNG TRONG “CHÍNH SÁCH HƯỚNG Á” CỦA AUSTRALIA TỪ GÓC NHÌN CƯỜNG QUỐC TẦM TRUNG

Đăng ngày: 11-11-2020, 07:15 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Huỳnh Tâm Sáng

Nhà xuất bản Văn hóa - Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, 272 trang

Kí hiệu: Vv2926

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Australia đã có những nỗ lực cụ thể để hiện thực hóa tư duy hướng Á, được đề xuất trong thập niên 70 của thế kỷ XX. Đứng trước bối cảnh mới gắn liền với thời cơ và thức thức mới, Australia xem khu vực Đông Nam Á gắn liền với những lợi ích chiến lược của mình. Trên cơ sở nhận thức đó, từ đầu thế kỷ XXI, Australia đã có những điều chỉnh chiến lược về mặt an ninh đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đặc biệt là Đông Nam Á, nơi Australia đã có những mối liên hệ gián đoạn trong lịch sử. Trong bối cảnh mới, đối với Australia, Đông Nam Á mang đến cơ hội lẫn thách thức; khu vực này vừa là cửa ngõ để hội nhập với châu Á, vừa gắn liên với thách thức về an ninh và phát triển. Sự thịnh vượng về kinh tế và vững mạnh về an ninh của Australia phụ thuộc vào khả năng hội nhập của quốc gia này với một khu vực có sức phát triển năng động về kinh tế và đang thu hút nhiều luồng đầu tư. Là một điểm nóng chiến lược của Đông Nam Á từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Biển Đông đã và đang trở thành vùng biển của những ưu tiên chiến lược, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn, mà Australia phải tính toán trong quan hệ quốc tế với các quốc gia tại khu vực.

Cuốn sách “Biển Đông trong “Chính sách hướng Á” của Australia từ góc nhìn cường quốc tầm trung” được tác giả tập hợp và biên tập lại từ các bài viết, tham luận hội thảo đã được xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành. Cuốn sách gồm 3 chương như sau:

Chương 1: Cơ sở hình thành sự tham dự của Australia vào vấn đề Biển Đông. Trong đó, tác giả phân tích tầm quan trọng của Biển Đông đối với Australia; khái quát về “Chính sách hướng Á” của nước này từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay; những tranh luận về lợi ích, vai trò và hành động của Australia tại Biển Đông.

Chương 2: Quá trình tham dự của Australia vào vấn đề Biển Đông. Trong chương này, tác giả tập trung đi sâu vào những chuyển động mới ở châu Á trong thế kỷ XXI; sự tham dự của Australia vào vấn đề Biển Đông từ góc nhìn cường quốc tầm trung; những nỗ lực thúc đẩy hợp tác an ninh của Australia ở Biển Đông.

Chương 3: Biển Đông trong quan hệ Australia - Việt Nam và những hàm ý địa chính trị cho khu vực. Ở đây, tác giả phân tích khái quát vị trí của Biển Đông trong quan hệ Australia - Việt Nam từ năm 2009 đến nay; tầm nhìn thúc đẩy an ninh và phát triển của nước này vào vấn đề Biển Đông; địa chính trị Biển Đông và tương lai của Australia.

Với lối trình bày khoa học, dễ hiểu, cuốn sách mang đến cho bạn những hiểu biết toàn diện và sâu sắc hơn về quan hệ quốc tế, về Biển Đông và Australia cũng như chính sách hướng Á của Australia. Cuốn sách là nguồn tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề này.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận