Trang chủ

BÀI GIẢNG CHUYÊN ĐỀ NGHIÊN CỨU NHẬT BẢN: GIỚI VÀ LUẬT

Đăng ngày: 11-11-2020, 07:10 | Danh mục: Ấn Phẩm

Tác giả: Nguyễn Phương Thúy chủ biên

Nhà xuất bản Thế giới, 2019, 462 trang

Kí hiệu: Vt562

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, cùng với phong trào đấu tranh đòi quyền tham chính cho phụ nữ lan rộng trên toàn thế giới, nghiên cứu về giới, bình đằng giới cũng phát triển và được tiếp cận từ nhiều góc độ. Ở Việt Nam, trước sự thay đổi trong nhận thức về quyền con người, sự quan tâm về giới của các nhà nghiên cứu cũng như của xã hội ngày càng nâng cao. Các luật và chính sách liên quan cũng dần được hoàn thiện. Tiếp tục dự án xuất bản Bài giảng chuyên đề nghiên cứu Nhật Bản được thực hiện tại Bộ môn Nhật Bản học, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cuốn sách về chủ đề này với nhan đề “Bài giảng chuyên đề nghiên cứu Nhật Bản: Giới và luật” đã ra đời.

Cuốn sách tập hợp 10 bài viết của các tác giả trong và ngoài nước xoay quanh chủ đề giới và luật dưới nhiều góc độ như văn học, xã hội học, luật học. Mở đầu, tác giả Nguyễn Anh Tuấn đưa bạn đọc vào “Không gian trong thơ ca của các nữ thi nhân trong Manyoshu” - tổng tập thi ca đầu tiên và có quy mô lớn nhất trong lịch sử văn học Nhật Bản và tìm hiểu về những mối liên hệ giữa các hình thức không gian với việc thể hiện cảm xúc, suy tư của nữ thi nhân và bối cảnh văn hóa - xã hội đương thời. Tác giả Hirooka Moriho thông qua một số tác phẩm văn học điển hình của Nhật Bản tiếp cận “Bình đẳng nam nữ trong tiểu thuyết tình yêu”. Tác giả Kato Chikako nói về việc xây dựng tư tưởng Mẫu hay tính Mẫu và phát huy chức năng của chế độ quốc dân quốc gia trong “Quốc gia dân tộc với “Mẫu”, “tính Mẫu” - tư tưởng ưu sinh và giáo dục gia đình”. Trong “Vấn đề không kết hôn của nam giới Nhật Bản hiện nay - nhìn từ góc độ vai trò giới”, sau khi khái quát hiện trạng và phân loại các dạng thức không kết hôn của nam giới Nhật Bản, tác giả Hạ Thị Lan Phi đã tìm hiểu nguyên nhân và giới thiệu các đối sách của Chính phủ Nhật Bản cũng như những vấn đề còn tồn tại.

Trong “Giới và luật - nhìn từ quan điểm xã hội học”, lấy xã hội Nhật Bản làm ví dụ, tác giả Ehara Yumiko đã khái quát sự liên quan của các hiện tượng pháp luật trong xã hội hiện đại với vấn đề xã hội của giới. Từ góc độ khác, tác giả Mitsunari Miho xem xét “Giới và luật - những vấn đề của Nhật Bản trong xu thế cộng đồng quốc tế” thông qua tóm lược các khuynh hướng của pháp luật quốc tế liên quan đến giới và khái quát những quy định pháp luật về giới của Nhật Bản từ thời cận đại đến nay. Cùng với đó, tác giả Nguyễn Phương Thúy dựa trên Luật cơ bản xã hội bình đẳng giới, Luật về thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị để giới thiệu về “Xã hội bình đẳng giới của Nhật Bản nhìn từ góc độ luật học”. Trong “Luật Gia đình và giới - những vấn đề của luật gia đình hiện đại”, trên cơ sở khảo sát những thay đổi trong Luật Gia đình và những biến đổi của gia đình ở Nhật Bản, tác giả Tanamura Masayuki trình bày suy nghĩ về Luật Gia đình của Nhật Bản, đồng thời bước đầu đề cập đến những triển vọng tương lai.

Với “Chuyển đổi giới tính từ góc nhìn luật và giới trong pháp luật Nhật Bản và Việt Nam”, tác giả Nguyễn Thị Phương Châm không chỉ giới thiệu luật về áp dụng giới tính đối với người rối loạn giới tính mà còn phân tích, so sánh với pháp luật về chuyển đổi giới tính mà Việt Nam đang trong quá trình bàn thảo. Bài viết cuối cùng của cuốn sách là nghiên cứu về giới tại Việt Nam. Sử dụng dữ liệu của đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu, phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới”, hai tác giả Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Thị Ánh Tuyết giới thiệu “Vai trò của phụ nữ đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam” đến bạn đọc.

Với những nội dung nêu trên, cuốn sách mang đến cho bạn đọc những hiểu biết sâu sắc hơn về vấn đề giới và luật của Nhật Bản thông qua các tác phẩm văn học cũng như các luật có liên quan. Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho bạn đọc, nhất là các nhà hoạch định chính sách, nhà lập pháp khi nghiên cứu về vấn đề này.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận