Trang chủ

Tọa đàm khoa học dành cho nhà nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam kỳ tháng 10 năm 2020: Diễn ngôn nữ quyền trong sáng tác của Shin Kyung -sook (trường hợp “Cô gái viết nỗi cô đơn” và “Hãy chăm sóc mẹ”)

Đăng ngày: 5-11-2020, 03:31 | Danh mục: Hoạt động khoa học

Ngày 30/10/2020, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức buổi tọa đàm thứ tư nằm trong khuôn khổ chuỗi “Tọa đàm khoa học dành cho nhà nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam” do TS. Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc - Triều Tiên làm chủ nhiệm, với sự tài trợ của Văn phòng Quỹ Korea Foundation tại Hà Nội.

Tham dự buổi tọa đàm có PGS.TS. Phạm Quý Long, Phó Viện trưởng phụ trách; PGS.TS Nguyễn Duy Lợi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; TS. Ngô Văn Vũ, Quyền Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, cùng các nhà nghiên cứu của Viện và các giảng viên - nhà nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Buổi tọa đàm lần này có chủ đề “Diễn ngôn nữ quyền trong sáng tác của Shin Kyung-sook (trường hợp: Cô gái viết nỗi cô đơn và Hãy chăm sóc mẹ)” do học viên cao học Tạ Thanh Loan, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày, tập trung vào ba nội dung chính: (1) Giới thuyết về diễn ngôn nữ quyền và sáng tác của Shin Kyung-sook; (2) Sự kiến tạo hình tượng người phụ nữ của Shin Kyung-sook; (3) Nghệ thuật kiến tạo hình tượng người phụ nữ của Shin Kyung-sook.

Tọa đàm khoa học dành cho nhà nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam kỳ tháng 10 năm 2020: Diễn ngôn nữ quyền trong sáng tác của Shin Kyung -sook (trường hợp “Cô gái viết nỗi cô đơn” và “Hãy chăm sóc mẹ”)

Toàn cảnh buổi tọa đàm

 

Trong phần I, báo cáo viên Tạ Thanh Loan trình bày về lý thuyết diễn ngôn, diễn ngôn nữ quyền và sáng tác của nhà văn nữ Shin Kyung-sook. Về lý thuyết diễn ngôn, diễn giả phân tích khái niệm diễn ngôn của Sara Mills, Bakhtin, I.P.Ilin, Foucault được đề cập trong các nghiên cứu của họ. Về diễn ngôn nữ quyền, theo Foucault, là một diễn ngôn cụ thể theo kiểu định nghĩa những phát ngôn hoặc văn bản có nghĩa và có hiệu lực trong đời sống thực – nhấn mạnh khả năng tạo nghĩa và tác động của nó đến thế giới khách quan. Trên diễn đàn văn học Hàn Quốc những năm gần đây có sự gia tăng đáng kể số lượng các nhà văn nữ với các tác phẩm về những vấn đề đa dạng trong cuộc sống. Trong đó, phải kể đến nhà văn Shin Kyung-sook với hai tác phẩm “Cô gái viết nỗi cô đơn” và “Hãy chăm sóc mẹ”. Nghiên cứu diễn ngôn nữ quyền trong sáng tác của Shin Kyung-sook có thể mở rộng thêm một cách thức tiếp cận mới về văn học Hàn Quốc hiện đại, giúp bạn đọc Việt Nam có được những hiểu biết lí thú về đất nước, con người cũng như văn hóa Hàn Quốc.

Phần II tập trung phân tích sự kiến tạo hình tượng người phụ nữ của Shin Kyung-sook trong các mối quan hệ gia đình, xã hội và với chính bản thể. Hình tượng người phụ nữ trong mối quan hệ với gia đình trong hai tác phẩm của Shin Kyung-sook là người hiện thân cho vẻ đẹp truyền thống với những phẩm chất tần tảo, đảm đang, hy sinh, tận hiến, cùng cảm thức về tình, hận, cô đơn- những cảm thức đặc trưng của người Hàn Quốc.

Tọa đàm khoa học dành cho nhà nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam kỳ tháng 10 năm 2020: Diễn ngôn nữ quyền trong sáng tác của Shin Kyung -sook (trường hợp “Cô gái viết nỗi cô đơn” và “Hãy chăm sóc mẹ”)

Các đại biểu tại tọa đàm

 

Phần III đề cập đến nghệ thuật kiến tạo hình tượng người phụ nữ của Shin Kyung-sook trên một số khía cạnh như không gian và thời gian nghệ thuật, thế giới biểu tượng, kết cấu trần thuật, hình thức trần thuật… Không gian nghệ thuật nổi bật trong tác phẩm của Shin Kyung-sook là thiên nhiên làng quê và nhà máy ở thành phố. Hai không gian ấy không chỉ đơn thuần tạo dựng “nơi cư trú” cho các nhân vật mà còn là khởi đầu cho chuỗi sự kiện, tình tiết, đồng thời là nơi chứng kiến những bước chuyển tâm lý quan trọng của nhân vật.

Trong phần kết luận, tác giả cho rằng lí thuyết diễn ngôn và lí thuyết nữ quyền là cùng hướng tới  tìm lời giải đáp cho các biểu hiện ở ngữ cảnh trong tác phẩm cũng như khai phá mỗi quan hệ giữa chúng với những điều kiện bên ngoài.

TS. Trần Thị Thục, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá cao phần trình bày của tác giả và nhận định đây là một nghiên cứu có tính mới đó là ứng dụng lí thuyết diễn ngôn nữ quyền để phân tích tác phẩm của Shin Kyung-sook. Hiện tại, mảng nghiên cứu văn học Hàn Quốc tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặc biệt nghiên cứu về tác phẩm của Shin Kyung-sook còn trống nên nghiên cứu của tác giả Tạ Thanh Loan sẽ lấp vào khoảng trống đó và mở đường cho những nghiên cứu tiếp theo về văn học Hàn Quốc. Tuy nhiên, báo cáo chưa phân tích được diễn ngôn nữ quyền, chỉ tập trung vào hình tượng người phụ nữ. Bên cạnh đó nên sử dụng thêm các phương pháp nghiên cứu văn hóa học, xã hội học hoặc có thể sử dụng lí thuyết diễn ngôn nữ quyền sinh thái gắn với hình tượng người mẹ thiên nhiên để phân tích. TS. Ngô Văn Vũ, Quyền Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á nhận định đây là đề tài quan trọng, cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa. Báo cáo giúp cho độc giả hiểu rõ hơn về nền văn học Hàn Quốc, về hình tượng người phụ nữ Hàn Quốc, từ đó soi chiếu với người phụ nữ Việt Nam với những đức tính tốt đẹp, đáng trân trọng. TS. Hà Minh Thành, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội bên cạnh việc công nhận kết quả nghiên cứu, năng lực của báo cáo viên, còn chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục để công trình nghiên cứu đạt kết quả cao hơn: chưa nói rõ được diễn ngôn nữ quyền,  phiên âm danh từ riêng, dịch nghĩa tiếng Hàn, cách diễn đạt, phân tích, chứng minh bằng những luận điểm xác thực, có tính khoa học. TS. Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên đánh giá cao năng lực của báo cáo viên và nhấn mạnh đây là thế hệ nghiên cứu, phát triển Hàn Quốc học trong tương lai, đồng thời chỉ ra một số hạn chế của báo cáo là chưa có sự thống nhất giữa lí thuyết diễn ngôn với hình tượng nhân vật, nên vận dụng thêm lí thuyết về diễn ngôn của Bakhtin và cần làm rõ được ba luận điểm chính của diễn ngôn nữ quyền là bình đẳng giới, vai trò người mẹ thiên nhiên, vấn đề phát triển bản thân của người phụ nữ. TS. Nguyễn Lệ Thu, Khoa Ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chia sẻ ý kiến đóng góp giúp cho tác giả bổ sung, nâng cao tính thuyết phục và tính khoa học của kết quả nghiên cứu, hướng đến hoàn thiện luận văn thạc sĩ.

Thay mặt Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, PGS.TS. Phạm Quý Long gửi lời cảm ơn tới các vị khách quý đã dành thời gian tham dự tọa đàm, đồng thời, hi vọng những trao đổi, góp ý trong buổi tọa đàm sẽ giúp ích cho tác giả trong việc hoàn thiện nghiên cứu, từ đó, góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển đội ngũ nghiên cứu về Hàn Quốc tại Việt Nam trong thời gian tới./.

Phan Thị Oanh

0thảo luận