Trang chủ

Tọa đàm khoa học: “Quan hệ gia đình và xã hội ở Nhật Bản từ 1990 đến nay”

Đăng ngày: 30-09-2020, 08:58 | Danh mục: Hoạt động khoa học

Ngày 25/9/2020, tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, CN. Nguyễn Thị Hồng Vân, cán bộ phòng Nghiên cứu Văn hóa -  Xã hội đã trình bày một số kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2020 với nhan đề “Quan hệ gia đình và xã hội ở Nhật Bản từ 1990 đến nay”.

Tọa đàm khoa học: “Quan hệ gia đình và xã hội ở Nhật Bản từ 1990 đến nay”
Báo cáo tập trung làm rõ các cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề nghiên cứu. Cơ sở thực tiễn bao gồm các yếu tố về kinh tế, văn hóa, xã hội và toàn cầu hóa tác động đến sự biến đổi quan hệ gia đình và xã hội Nhật Bản từ sau năm 1990.  Đồng thời tìm hiểu thực trạng những thay đổi trong mối quan hệ giữa gia đình và xã hội ở Nhật Bản hiện nay trên các khía cạnh: cấu trúc các loại hình gia đình ở Nhật Bản; Quan hệ gia đình và dòng họ; Quan hệ giữa các thành viên gia đình với bạn bè, nơi làm việc; Quan hệ giữa gia đình với cộng đồng dân cư nơi cư trú. Báo cáo cũng đi sâu phân tích những tác động từ sự thay đổi trên đến đời sống xã hội Nhật Bản; tìm hiểu những giải pháp của Chính phủ Nhật Bản và liên hệ với tình hình Việt Nam.

Gia đình là tế bào của xã hội nhưng không tồn tại mà tập hợp lại trong một xã hội cụ thể, đồng thời biểu hiện đặc điểm, tính chất thông qua nhiều mối quan hệ với xã hội. Gia đình Nhật Bản cũng không phải là ngoại lệ. Những chuyển biến nhanh chóng và mạnh mẽ của các thể chế kinh tế, văn hóa, xã hội và toàn cầu hóa từ những năm 1990 đến nay đã tác động sâu sắc đến gia đình Nhật Bản. Sự biến đổi của các dạng thức gia đình dẫn đến những thay đổi không chỉ ở quan hệ trong gia đình mà còn phải kể đến các mối quan hệ giữa gia đình và xã hội. Những yếu tố nảy sinh trong xã hội hiện đại ở Nhật Bản như hiện tượng người cao tuổi cô đơn cho đến lúc mất, sự hạn chế các mối quan hệ xã hội của giới trẻ… đã buộc Nhật Bản phải xem xét lại các mối quan hệ trong gia đình, dòng họ, nơi làm việc và cộng đồng nơi cư trú. Ở một đất nước công nghiệp phát triển cao như Nhật Bản, có thể nhận thấy rõ các mối quan hệ giữa gia đình và xã hội chắc chắn sẽ là một chỉnh thể song hành đồng thời giữa bảo lưu giá trị đích thực và sự thay đổi.

Việt Nam đang trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bởi vậy, trước những tác động của lịch sử và yếu tố thời đại, mối quan hệ giữa gia đình và xã hội cũng đang chịu nhiều thách thức và luôn biến đổi, cả những mặt tích cực và tiêu cực. Việc xem xét những thay đổi ở Nhật Bản để từ đó có thể đối chiếu, so sánh và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam là rất hữu ích.

Các ý kiến góp ý tại buổi tọa đàm đánh giá về cơ bản báo cáo đã giải quyết được nhiệm vụ và mục tiêu nghiên cứu, giàu thông tin và có giá trị thực tiễn cao. Một số ý kiến cho rằng báo cáo nên làm rõ khái niệm gia đình, phân loại các loại hình gia đình và chức năng của gia đình với xã hội; bổ sung thêm cách tiếp cận lịch sử giai đoạn trước năm 1990 và xu hướng của mối quan hệ này trong thời đại ngày nay. Bên cạnh đó cũng có các ý kiến góp ý về kết cấu của báo cáo, theo đó nên tập trung triển khai dưới góc độ giữa các loại gia đình, các nhóm xã hội, giữa gia đình với doanh nghiệp hơn là tập trung vào các cá nhân trong gia đình.

Phương Hoa

0thảo luận