Trang chủ

Tọa đàm khoa học dành cho nhà nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam kỳ tháng 8 năm 2020: “Một số vấn đề về Chính phủ điện tử ở Hàn Quốc”

Đăng ngày: 1-09-2020, 08:35 | Danh mục: Hoạt động khoa học

Trong khuôn khổ chuỗi “Tọa đàm khoa học dành cho nhà nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam”, tiếp nối thành công của buổi tọa đàm đầu tiên vào tháng 7, tọa đàm “Một số vấn đề về Chính phủ điện tử ở Hàn Quốc” được tổ chức tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á vào ngày 25/08/2020. Chuỗi tọa đàm do TS. Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên làm chủ nhiệm với sự tài trợ của Văn phòng Quỹ Korea Foundation tại Hà Nội và Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á chủ trì.

Tọa đàm kỳ tháng 8 lần này đặc biệt chào mừng sự tham gia của TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Về phía khách mời có ông Shin Sang-yeol, Tham tán Công nghệ và ICT, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; ông Woo Hyoung-min, Giám đốc Văn phòng Quỹ Korea Foundation tại Hà Nội; TS. Nguyễn Ngọc Tú, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương. Về phía Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á có PGS.TS. Phạm Quý Long, Phó viện trưởng phụ trách; PGS.TS Nguyễn Duy Lợi, Phó viện trưởng cùng các nhà nghiên cứu của Viện. Báo cáo tại tọa đàm ThS. Nguyễn Ngọc Mai, nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc - Triều Tiên.

Tọa đàm khoa học dành cho nhà nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam kỳ tháng 8 năm 2020: “Một số vấn đề về Chính phủ điện tử ở Hàn Quốc”
Các đại biểu tại Tọa đàm

Bài báo cáo của ThS. Nguyễn Ngọc Mai tập trung vào 3 nội dung chính: (1) Quan điểm của Hàn Quốc về Chính phủ điện tử; (2) Nhanh chóng tiến hóa để chuyển sang chính phủ số; (3) Một số thành tựu và hạn chế của Chính phủ điện tử Hàn Quốc. Trong phần I, diễn giả đã trình bày quan điểm về Chính phủ điện tử của các tổ chức quốc tế, của Việt Nam và Hàn Quốc. Cụ thể, theo Điều 2 của Luật Chính phủ điện tử của Hàn Quốc, Chính phủ điện tử là chính phủ sử dụng công nghệ thông tin và điện tử hóa các nghiệp vụ của cơ quan hành chính công, nhằm thực hiện một cách có hiệu quả các dịch vụ hành chính dành cho nhân dân và giữa các cơ quan nhà nước với nhau. Còn theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1.0, Chính phủ điện tử là chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Phần II tập trung vào 5 giai đoạn hình thành và phát triển Chính phủ điện tử tại Hàn Quốc, bao gồm: giai đoạn mở đầu (1978-1986), giai đoạn hình thành nền tảng cơ bản (1987-1996), giai đoạn xúc tiến thực hiện (1997-2002), giai đoạn phát triển Chính phủ điện tử với tốc độ cao (2003-2012), giai đoạn chính phủ 3.0 (2012 - nay). Trong từng giai đoạn, tác giả nêu rõ cơ cấu tổ chức, luật/quy định, mục tiêu/nhiệm vụ, các kế hoạch/chương trình hành động và ngân sách của Hàn Quốc. Đáng chú ý, Hàn Quốc đã nhanh chóng vượt qua 3 giai đoạn đầu và đang nhanh chóng chuyển sang giai đoạn chính phủ số. Phần III là một số nhận xét, đánh giá của tác giả về những thành tựu, cũng như hạn chế của Chính phủ điện tử Hàn Quốc. Đáng chú ý, từ Giai đoạn phát triển Chính phủ điện tử với tốc độ cao đến nay, hoạt động của Chính phủ điện tử Hàn Quốc đã trở nên rõ ràng hơn và được quốc tế đánh giá cao. Nhờ đó, Hàn Quốc đã xuất khẩu  Chính phủ điện tử, với lượng xuất khẩu đạt 9,8 triệu USD vào năm 2007, 148 triệu USD vào năm 2010 và 235 triệu USD vào năm 2011.

Kết luận của bài báo cáo cũng cho thấy, khi xem xét sự thành công của mô hình Chính phủ điện tử tại Hàn Quốc để áp dụng cho Việt Nam, chúng ta có thể thấy phát triển cơ sở hạ tầng và trình độ tin học, cũng như những hiểu biết cơ bản về hệ thống Chính phủ điện tử là điều kiện tiên quyết giúp các cán bộ, công viên chức nước ta có thể thực hiện việc thông tin hóa và vi tính hóa các nghiệp vụ hành chính được dễ dàng. Ngoài ra, chúng ta cũng cần kể đến các yếu tố quan trọng khác, như niềm tin và sự lãnh đạo mạnh mẽ của chính phủ, hành lang pháp lý phù hợp, sự đầu tư bền vững vào ngân sách Chính phủ điện tử, sự kết hợp hiệu quả giữa cơ quan công quyền và tư nhân trong việc phát triển hệ thống máy tính và mạng quản trị.

Sau phần trình bày là phần thảo luận. Các khách mời và người tham dự đã thể hiện sự quan tâm lớn đến nội dung báo cáo, đồng thời cũng đưa ra nhiều bình luận và góp ý có giá trị. TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, hoan nghênh Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên đã tích cực duy trì các hoạt động khoa học bổ ích và kỳ vọng Viện sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt khoa học trong thời gian tới. Về Chính phủ điện tử, cá nhân ông đánh giá Việt Nam đang phát triển tương đương giai đoạn 3 của Hàn Quốc và hiện đang có những chuyển biến, tăng tốc mạnh; tuy nhiên, Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế về dữ liệu, do cơ sở dữ liệu bị phân mảnh, chưa đồng bộ. Ông cũng thể hiện sự ấn tượng đối với trình độ phát triển Chính phủ điện tử của Hàn Quốc và cho rằng Hàn Quốc là một hình mẫu đáng học hỏi cho Việt Nam.

Tọa đàm khoa học dành cho nhà nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam kỳ tháng 8 năm 2020: “Một số vấn đề về Chính phủ điện tử ở Hàn Quốc”
TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, thảo luận tại tọa đàm

PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, đánh giá cao phần trình bày giàu thông tin của tác giả và nhận định rằng đây là một chủ đề khó, do đề cập đến nhiều khía cạnh kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, thể chế,... đồng thời, đề xuất tác giả cần đi sâu nghiên cứu các trường hợp, tình huống cụ thể hơn. TS. Nguyễn Ngọc Tú, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, nhận định bài trình bày đã giúp hệ thống lại các văn bản, chính sách về Chính phủ điện tử của Hàn Quốc và thể hiện mong muốn tiếp tục được lắng nghe những bài học về phát triển Chính phủ điện tử từ các quốc gia khác, với tư cách là cán bộ trực thuộc đơn vị đang thực hiện Chính phủ điện tử của Việt Nam. TS. Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên nhận xét chủ đề của buổi tọa đàm có ý nghĩa thực tiễn cao, tuy nhiên, tác giả nên có góc độ tiếp cận rõ ràng hơn, cụ thể là trên cơ sở chuyên môn của tác giả, cần tiếp cận trên góc độ kinh tế học, để đưa ra những gợi ý chính sách cụ thể và thiết thực hơn cho Việt Nam.

Tọa đàm khoa học dành cho nhà nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam kỳ tháng 8 năm 2020: “Một số vấn đề về Chính phủ điện tử ở Hàn Quốc”
Tham tán Shin Sang-yeol phát biểu tại Tọa đàm

Trong phiên thảo luận tổng hợp, ông Shin Sang-yeol, Tham tán Công nghệ và ICT, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng Hàn Quốc là một trong những nước có trình độ phát triển Chính phủ điện tử hàng đầu thế giới và từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, ông cho rằng Việt Nam có thể rút ngắn quá trình, mà không cần trải qua cả 5 giai đoạn như Hàn Quốc. Ông Woo Hyoung-min, đại diện Quỹ Korea Foundation tại Hà Nội, đánh giá cao những nỗ lực của tác giả và tin tưởng những ý kiến tại buổi tọa đàm là cơ hội giúp tác giả có những góc nhìn đa chiều hơn để hoàn thiện và đào sâu thêm nghiên cứu của mình trong tương lai.

Sau một thời gian thảo luận sôi nổi và đưa ra kết luận tổng hợp, buổi tọa đàm đã kết thúc tốt đẹp. Thay mặt Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, PGS.TS. Phạm Quý Long gửi lời cảm ơn tới các vị khách quý đã dành thời gian tham dự tọa đàm, đồng thời, kì vọng chuỗi tọa đàm sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển đội ngũ nghiên cứu về Hàn Quốc tại Việt Nam./.

 

Lương Hồng Hạnh

0thảo luận