Trang chủ

Tọa đàm khoa học “Phụ nữ tham chính ở Nhật Bản và liên hệ với Việt Nam”

Đăng ngày: 4-07-2020, 13:33 | Danh mục: Hoạt động khoa học

Đó là nhan đề báo cáo khoa học của ThS. Vũ Thị Phương Hoa trình bày tại buổi sinh hoạt khoa học ngày 3/7/2020 tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á. Báo cáo được thực hiện trên cơ sở một số kết quả của đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2020 do ThS Vũ Thị Phương Hoa làm chủ nhiệm.

Tọa đàm khoa học “Phụ nữ tham chính ở Nhật Bản và liên hệ với Việt Nam”
Báo cáo trình bày khái quát vị trí chính trị và phong trào đấu tranh giành quyền tham chính của phụ nữ Nhật Bản trước Chiến tranh Thế giới thứ hai và bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ hai; đồng thời đi sâu làm rõ hoạt động tham chính của phụ nữ Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, bao gồm quá trình bước vào nghị trường và tham gia chính quyền các cấp. Báo cáo cũng đưa ra một vài đánh giá về hoạt động tham chính của phụ nữ Nhật Bản từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay bao gồm thành tựu, hạn chế và lý giải nguyên nhân hạn chế; đồng thời làm rõ tình hình phụ nữ tham chính ở Việt Nam hiện nay; đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của vị thế chính trị của phụ nữ Việt Nam từ kinh nghiệm của Nhật Bản.

Ở Nhật Bản quyền bình đẳng nam nữ đã được quy định trong bản Hiến pháp được ban hành ngày 3 tháng 11 năm 1946. Theo Hiến pháp này, Nhật Bản phải xây dựng một hệ thống luật pháp và chế độ không tồn tại bất bình đẳng . Tuy nhiên, xét tại thời điểm tháng 5 năm 2009, có 44 nữ nghị viên trong Hạ nghị viện (chiếm 9,2%) và 44 nữ nghị viên trong Thượng nghị viện (chiếm 18,2%). Nếu so sánh tỷ lệ này với các nước trên thế giới thì có thể thấy, Nhật Bản đứng thứ 134 trong số 187 quốc gia. Tháng 12 năm 2012 số nữ nghị viên trọng Hạ nghị viện Nhật Bản chỉ có 38 người, chiếm vẻn vẹn 7,9% (thông tin từ trang chủ của cục Bình đẳng nam nữ thuộc phủ Nội các Nhật ). Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ nghị viên ở các nghị viện địa phương cũng không quá 10%. Tham gia chính trị bên cạnh việc trúng cử nghị viên, tham gia các vị trí trong bộ máy công quyền, thực hiện bầu cử còn có rất nhiều các hình thức hoạt động khác như tiếp xúc với các chính trị gia, các nhà chức trách,… Tuy nhiên trên thực tế, ngoài việc tham gia bỏ phiếu, các hoạt động tham chính ngoài bầu cử của phụ nữ Nhật ở mức rất thấp. Sự tham gia của phụ nữ vào chính trị ở Nhật Bản so với nam giới còn hạn chế khiến việc hoạch định chính sách ở trung ương cũng như địa phương chưa đáp ứng kịp sự thay đổi trong đời sống của phụ nữ.

Thúc đẩy phụ nữ tham chính là trao quyền cho phụ nữ về mặt chính trị, đảm bảo sự đại diện bình đẳng của phụ nữ trong chính trị. Đây chính là vấn đề cốt lõi gắn liền với sự thịnh vượng và phát triển bền vững của một quốc gia. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến dài trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, tuy nhiên cũng giống như Nhật Bản, tỷ lệ phụ nữ tham chính vẫn còn ở mức thấp. Việc nghiên cứu và đánh giá một cách sâu sắc và toàn diện về tình hình phụ nữ tham chính tại Nhật Bản là cần thiết để rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất những gợi ý chính sách cho công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong chính trị.

Phương Hoa

0thảo luận