Trang chủ

Tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ

Đăng ngày: 22-06-2020, 13:23 | Danh mục: Các tổ chức đoàn thể, Chi bộ

Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam vô cùng đồ sộ, phong phú, bao trùm trên nhiều lĩnh vực. Với tầm nhìn chiến lược, nội dung phát triển khoa học công nghệ cũng luôn là một trọng điểm mà Người nhấn mạnh vì mục tiêu kiến thiết, phát triển đất nước cũng như tạo dựng vị thế ngày càng vững mạnh cho Việt Nam. Tư tưởng của Người đối với vấn đề phát triển khoa học công nghệ thể hiện ở những điểm sau:

Xem trọng vai trò khoa học công nghệ đối với phát triển đất nước

Ngay từ khi còn là người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đi tìm con đường cứu nước, Người đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của khoa học công nghệ đối với phát triển đất nước và đỏi hỏi đối với nước đi sau muốn phát triển phải mở cửa và chủ động học hỏi tiến bộ khoa học từ những nước tiên tiến đi trước, trong một bài viết phản ảnh sự khác biệt giữa dân tộc An Nam và Nhật Bản, Người viết:

“Là phi lý nếu nghĩ rằng hai dân tộc láng giềng như dân tộc An Nam và dân tộc Nhật Bản lại có thể cứ tồn tại biệt lập đối với nhau. Nhưng người Nhật, nhờ ở chính phủ khôn khéo của họ, có các phương tiện rất đầy đủ, được trang bị tốt để tiến hành đấu tranh kinh tế; trong khi đó thì người An Nam - chúng tôi đã nói vì sao - lại hoàn toàn là con số không, xét về mặt tiến bộ hiện đại.”

Nguyễn Ái Quốc (2/8/1919), “Vấn đề dân bản xứ”, Báo L'Humanité[1].

Có thể thấy là Người đã sớm phát hiện ra rằng sự phát triển không nằm ở mầu da, chủng tộc mà chính là khả năng học hỏi, nhanh nhạy của người quốc gia đó với tiến bộ khoa học từ các nước đi trước. Cả Việt Nam và Nhật Bản cùng là máu đỏ da vàng, nhưng điều dẫn đến sự khác biệt về trình độ phát triển chính ở tầm nhìn, sự khôn ngoan của người đứng đầu đất nước trong học hỏi văn minh, áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ để phát triển đất nước. Cũng chính bài viết này đã cho thấy sự định hình quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò trọng yếu, quyết định của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế, mở rộng phúc lợi của quốc gia và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến.

Trong thời kỳ kiến thiết, xây dựng đất nước, trong nhiều sự kiện Người cũng luôn nhấn mạnh đến việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy cải tạo kinh tế. Trong các bài viết, bài nói chuyện ở nhiều sự kiện khác nhau, Hồ Chủ tịch luôn thể hiện quan điểm coi trọng cơ sở khoa học trong hoạch định chính sách phát triển đất nước. Trong bài “Xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội” trên báo Nhân dân số 2563 ngày 27/3/1961, Bác có viết: “Tiến nhanh, tiến mạnh không phải là phiêu lưu, làm ẩu. Phải thiết thực đi từng bước, phải tiến vững chắc. Phải nắm vững quy luật phát triển của cách mạng, phải tính toán cẩn thận những điều kiện cụ thể, những biện pháp cụ thể. Kế hoạch phải chắc chắn, cân đối. Chớ đem chủ quan của mình thay cho những điều kiện thực tế. Phải chống bệnh chủ quan, tác phong quan liêu, đại khái. Phải xây dựng tác phong điều tra, nghiên cứu trong mọi công tác cũng như trong khi định ra mọi chính sách của Đảng và của Nhà nước”[2]. Quan điểm của Người phản ánh quan điểm phát triển hiện đại, theo đó các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước phải được xây dựng trên nền tảng khoa học, không được chủ quan duy ý chí xa rời tình hình thực tế, và phải có lộ trình chiến lược, kế hoạch thực hiện cụ thể, khả thi.

Ngoài ra, công nghệ không thể được phát triển tách rời với đời sống mà phải gắn chặt với hoạt động sản xuất. Đặc biệt, trong hoàn cảnh của một đất nước non trẻ, đói ăn, nông nghiệp chiếm vai trò chủ yếu thì công nghệ phải tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, đảm bảo cho người dân có cái ăn. Nhân dịp cổ động phong trào sản xuất và tiết kiệm, Bác Hồ đã khẳng định: “Chỉ có liên hệ chặt chẽ với nông nghiệp, không rời xa sức tiết kiệm và ăn khớp với vốn liếng và sức hậu bị của ta - thì công nghệ mới làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của nó, là lãnh đạo và cải tạo kinh tế quốc dân”[3]. Trong các bài phát biểu tại các sự kiện khác nhau, Người luôn có quan điểm phát triển khoa học công nghệ phải đi vào những lĩnh vực thiết thực trong bối cảnh đất nước đang còn nhiều thiếu thốn, giới hạn rất nhiều về nguồn lực. Trong cuộc vận động “Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc” tháng 3/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói: “Chúng ta cần phải tập trung lực lượng làm cho nước ta sản xuất ngày càng nhiều lương thực; trồng càng nhiều cây công nghiệp; chăn nuôi càng nhiều trâu, bò, lợn, gà… Muốn có kết quả đó thì nhất định phải cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật”[4]. Tư tưởng của người cho thấy tầm nhìn trong phát triển khoa học công nghệ phải tương ứng với trình độ kinh tế của đất nước, không được xa rời hoàn cảnh của đất nước, mỗi giai đoạn phát triển cần có những trọng điểm phát triển khoa học công nghệ khác nhau.

Đặc biệt, đối với một quốc gia đi sau, chậm phát triển hơn, Bác luôn nhấn mạnh yêu cầu phải học hỏi khoa học công nghệ từ các nước tiên tiến, xây dựng trình độ văn hóa tri thức để đủ khả năng làm chủ các phương tiện và các quy trình kỹ thuật phức tạp, để từ đó có được khả năng sáng tạo và tạo ra các phát minh mới. Người nói: “Máy móc ngày càng tinh xảo, nếu không có trình độ văn hóa và kỹ thuật thì không thể điều khiển được. Trước đây làm việc theo lối thủ công, nhưng bây giờ làm bằng máy móc tinh xảo cả, nên việc học tập văn hóa, nâng cao trình độ kỹ thuật là rất cần thiết”[5]. Người cũng nhìn nhận tình hình trong nước và thế giới không ngừng biến đổi, kỹ thuật càng tiến bộ, muốn bắt nhịp với sự biến đổi này thì chúng ta phải không ngừng nghiên cứu, học tập lý luận và kỹ thuật.

Coi trọng nhân tài, đúng người đúng việc

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao nhân tài, những con người có tri thức có tầm nhìn và có đạo đức cách mạng trong kiến thiết và phát triển đất nước. Với Hồ Chủ tịch, dù thời nào đi nữa thì luôn là: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” (Thân Nhân Trung). Bác cũng sớm cho rằng các nguồn lực vật chất như tài nguyên, số lượng lao động, vốn đều là hữu hạn nhưng trí tuệ con người, ý chí con người, hay cách gọi vốn con người hiện nay mới là vô hạn. Trí thức dân tộc luôn được Hồ Chủ tịch coi trọng ngay từng những ngày đầu dựng nước. Khi đất nước mới thành lập, nhiều ý kiến có tư tưởng bài xích trí thức, tiểu tư sản, Người đã đăng Thông lệnh Tìm người tài đức: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”[6].

Sau đó, Người cũng đính chính trong buổi khai mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân chính ở cơ quan trung ương ngày 6/2/1953, Bác giải thích rõ: “muốn phát triển văn hóa thì phải cần thầy giáo, muốn phát triển sức khỏe của nhân dân thì phải cần thầy thuốc, muốn phát triển kỹ nghệ phải cần các kỹ sư…”[7].  Bên cạnh đó, Hồ Chủ tịch cũng rất nhấn mạnh phải sử dụng người trí thức đúng người đúng việc. Trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” (1947), Người nhấn mạnh việc sử dụng cán bộ cần thiết: “Phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà không dùng đúng tài của họ, cũng không được việc”[8]. Phải dùng người đúng vị trí bởi lẽ người trí thức là người lao động khoa học có chuyên môn cao nên việc bố trí công tác phải đúng với chuyên ngành đào tạo. Đồng thời, người tài phải đi đôi với đức, người trí thức cách mạng có tài nhưng không có đức thì cũng không làm được việc gì.

Quan điểm trọng dụng nhân tài của Người không hề bị giới hạn về Đảng phái, mà chú trọng tập hợp nhân tài trên tinh thần hòa hợp đoàn kết dân tộc, khách quan, không định kiến. Chính nhờ tư tưởng mở đó, nên ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, Người đã tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức từ nhiều thành phần, đảng phái, cả trong nước lẫn nước ngoài, cả trong Đảng cũng như ngoài Đảng cùng đóng góp cho sự nghiệp kiến thiết đất nước. Nhiều nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học tên tuổi như: Hồ Đắc Di, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Tố… theo tiếng gọi của Người đã tự nguyện từ bỏ cuộc sống đầy đủ, có triển vọng sự nghiệp lớn ở Hà Nội, Sài Gòn, Tokyo hay Paris tạo nên những kỳ tích về khoa học công nghệ trong kháng chiến. Những nhân sĩ này đều vì lòng yêu nước, từ sự cảm phục với con người Bác mà từ bỏ vinh hoa để để tham gia cách mạng, chịu hy sinh gian khổ đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, kiến thiết đất nước, vì mục tiêu độc lập dân tộc thống nhất đất nước.

Coi trọng vai trò của giáo dục và đào tạo

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn đặt vai trò trọng tâm của giáo dục đào tạo cả trong phát triển đất nước nói chung và nâng cao trình trình độ khoa học công nghệ nói riêng. Giáo dục cung cấp nền tảng tri thức cơ bản chung cả về lịch sử, văn hóa, và toán học khoa học để mỗi người dân có những kiến thức mới để có thể “biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”. Để thực hiện nội dung này, ngay từ khi mới thành lập nước Việt Nam non trẻ, Bác đã xác định ba loại giặc: giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm. Chỉ một tuần lễ sau khi đọc “Tuyên ngôn độc lập” ngày 8/9/1945, Người đã ký sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ nhằm thanh toán nạn mù chữ cho nhân dân. Sau đó, nhân dịp Tết năm 1960, người phát động Tết trồng cây, đồng thời cũng ví von “Vì sự nghiệp mười năm trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm trồng người”.

Có thể thấy rằng, trồng cây có ý nghĩa lớn trong cân bằng sinh thái, đảm bảo con người với thế giới tự nhiên phát triển hài hòa, trồng cây chỉ mất 10 năm là đã có thể có thành quả. Tuy nhiên, muốn để đất nước phát triển bền vững lâu dài thì phải chú trọng sự nghiệp trồng người, phải tập trung vào giáo dục, khoa học và công nghệ. Từ quan điểm của Người, tri thức có vai trò to lớn trong phát triển và tạo dựng vị thế của đất nước. Người nhìn nhận “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, “dốt thì dại, dại thì hèn”. Do đó, nhiệm vụ đầu tiên cho một đất nước có nạn mù chữ cao là phải xóa nạn mù chữ, khiến cho mọi người dân đều biết đọc biết viết, từng bước nâng cao dân trí. Hồ Chủ tịch nhận thấy rằng người dân có giáo dục thì mới có thể hiểu biết nhiệm vụ và quyền lợi của mình, có trình độ, hấp thụ được và từng bước làm chủ trình độ khoa học kỹ thuật trên thế giới. Quan điểm của Bác đối với giáo dục và coi trọng trí thức, nhân tài có thể thấy rất gần gũi với tầm nhìn của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu khi xem nguồn nhân lực là tài sản lớn nhất song hành với nỗ lực cung cấp các nền tảng tốt nhất để phát triển tài năng nhằm tạo dựng nền tảng chắc chắn cho sự vươn lên của Singapore. Tương tự, Người cũng cho rằng công tác giáo dục phải có tầm nhìn xa, bởi kết quả giáo dục hình thành nên vốn con người phải mất hàng thế hệ mới có thể phản ánh được trong kết quả tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Đáng chú ý, tư tưởng của Bác về giáo dục đã rất tiên tiến, tiệm cận các nước phát triển trên thế giới khi hướng vào 4 nội dung lớn: thể dục, trí dục, mỹ dục và đức dục. Trong thư gửi các em học sinh nhân ngày mở trường (24/10/1955), Bác đã chỉ rõ:

-         Thể dục: để làm thân thể khỏe mạnh, đồng thời cần giữ vệ sinh riêng và vệ sinh chung

-         Trí dục: Ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới.

-         Mỹ dục: Để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì không đẹp

-         Đức dục: là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công[9].

Bốn trọng điểm này đã hàm chứa các nội dung trong giáo dục hiện nay cần hướng đến. Một điểm đặc biệt là Bác nhắc đến đầu tiên là nội dung thể dục, rèn luyện sức khỏe như lời nhắc nhở đây cần thiết là nội dung phải chú trọng đầu tiên trong giáo dục. Bởi lẽ, mỗi cá nhân có thể chất tốt mới có khả năng chịu áp lực cao, thực hiện được các mục tiêu khát vọng phát triển đất nước. Nội dung trí dục, Bác cũng hướng đến hàm ý học tập không ngừng, học tập suốt đời – điều đang được Liên Hợp Quốc cùng nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đang thúc đẩy hiện nay. Bên cạnh đó, các điểm nhấn trong triết lý giáo dục của Bác rất gần với 4 trụ cột giáo dục của UNESCO: Học để biết, học để làm, học để tự khẳng định, và học để chung sống. Nội dung mỹ dục chính là phát triển tư duy thẩm mỹ, gắn với giáo dục khai phóng, thúc đẩy sáng tạo hiện tại. Nội dung đức dục của Bác được nhìn nhận như cái gốc, vô cùng quan trọng: Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Nội dung này hiện nay gắn trực tiếp với giáo dục công dân, giúp mỗi cá nhân có trách nhiệm đóng góp phần nhỏ bé của mình mang lại những giá trị mới cho xã hội, giúp cho đất nước ngày càng tươi đẹp hơn. Bên cạnh đó, người cũng nhắc nhở giáo dục phải phù hợp với mỗi độ tuổi khác nhau, phải kết hợp giữa lý thuyết với thực hành, thực nghiệm. Các quan điểm về giáo dục của Bác đã cho thấy tầm nhìn vượt thời đại nhằm tạo nền tảng thể chất, nhận thức, năng lực để có thể hấp thụ, cải tiến và phát triển khoa học công nghệ.

Đề cao vai trò của quản trị, kỷ luật, phát huy tính sáng tạo trong hoạt động sản xuất, đời sống

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, một điểm nhấn đáng kể là triệt để ngăn ngừa chủ nghĩa cá nhân, làm trong sạch bộ máy để có thể sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực khan hiếm. Gắn với vấn đề phát triển khoa học - kỹ thuật, Bác Hồ luôn nhấn mạnh vấn đề cải tiến quản lý và tổ chức. Người ví công tác quản lý, cải tiến kỹ thuật và cải tiến tổ chức như kiềng ba chân, phải cùng phối hợp thành một hệ thống chặt chẽ trong chỉnh thể kinh tế - xã hội thống nhất. Những bài nói chuyện của Bác cho thấy một mối quan tâm và chú trọng đặc biệt đối với chủ trương đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và quản lý khoa học, kỹ thuật. Cụ thể, trong bài căn dặn thanh niên trí thức trong thời đại khoa học phát triển, Người nhắn nhủ người làm khoa học phải có 6 “cái yêu”, là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu lao động, đặc biệt là yêu khoa học và yêu kỷ luật, bởi lẽ “tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có khoa học và kỷ luật”. Người cũng phát biểu: “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều. Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải tiến những cái đó”[10]. Người cũng nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa công nghệ với lề lối sản xuất, tác phong công nghiệp, khoa học công nghệ phải song hành với sự cải tiến về quản trị con người, quản trị sản xuất, quản trị xã hội mới tạo tiền đề nền tảng cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Bên cạnh đó, Bác có cái nhìn rất mở và thực tế đối với phát huy sáng kiến, kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động sản xuất và đời sống. Tại Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu tháng 5/1952, Bác Hồ có nói: “Trí khôn, sáng kiến, học hỏi, tiến bộ và tinh thần hy sinh của người ta không có giới hạn, nó cứ tiến mãi”, “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung của dân tộc. Không biết quý trọng và phổ biến kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc”. Người cũng cho rằng sáng kiến không phải cái gì cao xa khó thực hiện, không chỉ ở những người tài giỏi đặc biệt mà có thể đến từ những người bình thường. Bác quan niệm: “Sáng kiến không phải cái gì kỳ lạ. Nó chỉ là kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ trong những hoàn cảnh, trong những điều kiện rất tầm thường, rất phổ thông, rất thiết thực” và từ “bất kỳ ai, nếu có quyết tâm làm ích lợi cho quần chúng, lại chịu học, chịu hỏi quần chúng, óc chịu khó suy nghĩ, tay chịu khó làm thì nhất định có sáng kiến, nhất định làm được những việc có ích cho loài người” [11]. Những phát biểu của Bác đều cho thấy Người luôn nhấn mạnh vai trò của tính sáng tạo, phát huy sáng kiến mới trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ. Quan điểm của Bác rất gần gũi với lý luận của Joseph Schumpeter về đổi mới sáng tạo. Theo Schumpeter, sáng tạo có hai loại hình là sáng tạo tiệm tiến và sáng tạo đột phá; hình thức có thể là sáng tạo sản phẩm hay sáng tạo trong quá trình sản xuất. Ở các nước phát triển sau thì thường và nên chú trọng vào sáng tạo tiệm tiến, tập trung vào các cải tiến ở sản phẩm hay quy trình sản xuất, chỉ khi đã tạo dựng và làm chủ được năng lực khoa học công nghệ thì mới có thể tiến tới tạo nên những sáng tạo đột phá mới.

Đặc biệt, một tầm nhìn vượt thời đại của người là về vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên, ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ thiên nhiên. Khác với quan điểm phát triển kinh tế bằng mọi giá đang phổ biến trên thế giới lúc bấy giờ, tư tưởng của Người đối với mẹ thiên nhiên luôn hướng tới mối quan hệ con người - thiên nhiên hài hòa, rất gần quan điểm “xanh hóa” hiện nay. Từ năm 1959, Bác đã khởi xướng phong trào Tết trồng cây “người người trồng cây, nhà nhà trồng cây” để bảo vệ môi trường sinh thái. Quan điểm của Người cho rằng: Mỗi Tết trồng được 15 triệu cây thì trong 5 năm sẽ có 90 triệu cây và trong 10 năm tới thì nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn, góp phần quan trọng vào việc làm sạch môi trường sống, nâng cao sức khỏe và cải thiện đời sống nhân dân. Bác còn nhìn quan hệ giữa trồng cây với trồng người: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Thông qua cách ví von hình ảnh dung dị gần gũi, đầy sức mạnh thuyết phục, câu thơ của Người phản ánh cách nhìn thực sự rất hiện đại khi luôn xem trọng cả nhiệm vụ bảo vệ môi trường song hành với phát triển con người, coi con người như trung tâm của sự phát triển.

Tóm lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập ra Đảng ta, định hướng cách mạng nước ta, dẫn dắt Đảng và nhân dân ta giành độc lập dân tộc khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân - đã để lại di sản trên nhiều lĩnh vực định hướng cho sự cho sự nghiệp phát triển đất nước ta. Trong đó, cách nhìn nhận của Người đối với phát triển khoa học công nghệ, giáo dục và đạo tạo thực sự rất tiến bộ, và có nhiều quan điểm rất gần với các xu hướng chủ lưu hiện nay. Có thể thấy như tầm nhìn của Người về vai trò trọng tâm quyết định của khoa học công nghệ đối với phát triển kinh tế; khuyến khích sáng kiến sáng tạo ở mọi khâu trong hoạt động sản xuất, đời sống; tư tưởng phát triển xanh và tư tưởng giáo dục cần chú trọng cả thể dục, trí dục, mỹ dục và đức dục. Đặc biệt, tầm nhìn vượt thời đại của Người thể hiện ở sự chú trọng vấn đề kỷ luật và quản trị, cải thiện thể chế quản lý. Đây đang là một nút thắt quan trọng hiện nay cần phải cải cách để có thể hoàn thiện thể chế, xây dựng được hệ thống sáng tạo quốc gia, nền tảng cho việc tạo dựng nền kinh tế dựa trên sáng tạo cho Việt Nam hiện nay.

Phí Hồng Minh

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 



[1] Xem Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 1, tr.10; Hà Công Hải và Hoàng Thị Thu Hiền (15/10/2017) “Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế”, Tạp chí Tổ chức Nhà nước.

[2] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 10, tr. 315, tr. 103.

[3] Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 6, tr. 499.

[4] Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 11, tr. 32.

[5] Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 10, tr. 50.

[6] Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 504.

[7] Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 8, tr. 53.

[8] Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 274.

[9] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 10, tr. 191.

[10] Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 11, tr.77.

[11] Xem Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 6, tr. 471, 472.

0thảo luận