Trang chủ

Tọa đàm khoa học “Chính sách hướng Nam mới của Đài Loan”

Đăng ngày: 1-07-2020, 13:07 | Danh mục: Hoạt động khoa học

Ngày 10/6/2020, tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, ThS. Trương Phan Thanh Thủy, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Mông Cổ và các vùng lãnh thổ Đông Bắc Á đã trình bày một số kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2020 với nhan đề “Chính sách hướng Nam mới của Đài Loan”.

Tọa đàm khoa học “Chính sách hướng Nam mới của Đài Loan”
Báo cáo trình bày khái quát về chính sách hướng nam cũ và bối cảnh ra đời chính sách hướng nam mới của Đài Loan, từ đó đi sâu tìm hiểu nội dung và thực tiễn triển khai chính sách hướng nam mới; đưa ra một số đánh giá về tác động của chính sách hướng Nam mới đến Đài Loan, quan hệ giữa vùng lãnh thổ Đài Loan và các nước ASEAN, Nam Á, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan; so sánh chính sách hướng  Nam cũ và mới; đồng thời trình bày những vấn đề đặt ra đối với chính sách hướng Nam mới của Đài Loan.

Trong những năm gần đây, xu hướng và tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến chuyển sâu sắc, đặc biệt là sự nổi lên của thị trường Đông Nam Á và Nam Á, đòi hỏi Đài Loan phải liên tục đổi mới, sáng tạo, thay đổi tư duy để thích nghi với cục diện mới. Trong thế kỷ XXI, châu Á là trung tâm toàn cầu của các lực lượng kinh tế, với sự phát triển dân số và tăng trưởng kinh tế ấn tượng và là động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế thế giới.

Sau khi đắc cử vào năm 2016, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đã đề ra chính sách hướng nam mới nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ giữa vùng lãnh thổ Đài Loan với các nước ASEAN và Ấn Độ và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế. Đây không phải là lần đầu tiên Đài Loan ưu tiên Đông Nam Á trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của mình. “Chính sách hướng Nam mới” được xây dựng dựa trên những nỗ lực trước đó, do nhà lãnh đạo tiền nhiệm Lý Đăng Huy đề ra. Việc chính quyền của bà Thái Anh Văn thêm chữ “mới” vào tên gọi của chính sách này cho thấy mối quan tâm mới đối với phát triển quan hệ kinh tế giữa vùng lãnh thổ Đài Loan với các nước ASEAN và 6 nước Nam Á. Việc nghiên cứu “Chính sách hướng Nam mới của Đài Loan” có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu, đánh giá chính sách đối ngoại một số nước và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á, từ đó làm cơ sở cho việc định hướng chính sách đối ngoại phù hợp của Việt Nam đối với vùng lãnh thổ Đài Loan.

Các cán bộ tham dự đã thảo luận sôi nổi, đánh giá cao tính cấp thiết và ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài, đồng thời đưa ra nhiều góp ý để chủ nhiệm đề tài tiếp tục hoàn thiện đề tài trước khi nghiệm thu chính thức.

Phương Hoa

0thảo luận