Trang chủ

NGƯỜI CHÂU Á CÓ BIẾT TƯ DUY? VIỄN CẢNH CHÂU Á TRONG THIÊN NIÊN KỶ MỚI

Đăng ngày: 18-06-2020, 09:19 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Kishore Mahbubani

Dịch giả: Quế Chi

Nhà xuất bản Thế giới, 2019, 326 trang

Kí hiệu: Vt565

Xuất bản lần đầu tiên vào năm 1998, cuốn sách “Người châu Á có biết tư duy” đi sâu đánh giá về các xã hội ở châu Á, tập trung lí giải vì sao châu Á lại đi sau, thụt lùi so với xã hội châu Âu. Trong lần tái bản thứ tư này, tác giả đã cập nhật những thông tin cho phù hợp với hiện tại của châu Á. Nội dung cuốn sách gồm 4 phần như sau:

Phần I: Sự trở lại của châu Á. Trong phần đầu này, tác giả chủ yếu thảo luận về quá khứ, hiện tại và tương lai của châu Á với những bài viết về chủ đề thiên niên kỷ đã mất của châu Á hay điều làm nên châu Á hiện đại.

Phần II: Phương Tây và phần còn lại. Ngoài những bài viết đã được giới thiệu từ lần tái bản trước như “Quan điểm của châu Á về nhân quyền và tự do báo chí”; “Phần còn lại của thế giới có thể dạy gì cho phương Tây” hay “Định mệnh của châu Âu”, tác giả đã bổ sung thêm hai bài viết mới về châu Âu: “Châu Âu phải nhanh chân lên nếu không muốn lỡ mất chuyến tàu thế kỷ châu Á” và “Châu Âu là chú lùn về mặt địa chính trị”.

Phần III: Châu Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc hiện nay, trong ấn phẩm tái bản lần này, tác giả đã bổ sung bài viết “Sức mạnh thông minh, phong cách Trung Quốc” để có thể cung cấp những thông tin mới nhất cho bạn đọc về sự phát triển của châu Á.

Phần IV: Mối quan tâm toàn cầu. Với sự phát triển của châu Á, trật tự thế giới mới đang được hình thành. Bên cạnh những bài viết về Liên Hợp Quốc và Hoa Kỳ, tác giả đã phân tích mười điều  răn cho các nước đang phát triển trong thập niên 1990. Bên cạnh đó, tác giả đã bổ sung bài viết về việc cần phải phát triển các dạng thức quản trị toàn cầu mới, đó là “Cần truy nã: tư duy mới không phải tư duy chắp vá”.

Với những nội dung nêu trên, cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc những thông tin bao quát về sự phát triển của châu Á trong bước tiến chung của thế giới. Cuốn sách không đưa ra câu trả lời cho câu hỏi “người châu Á có biết tư duy?” mà hướng độc giả tới một cách nhìn nhận, một tư duy mới phù hợp với sự phát triển của thế giới hiện đại. Cuốn sách là nguồn tham khảo hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề này.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận