Trang chủ

NGHỆ THUẬT KINH DOANH CỦA NGƯỜI NHẬT

Đăng ngày: 18-06-2020, 09:16 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Kotatsu Saito

Dịch giả: Dương Phương Linh

Nhà xuất bản Lao động, 2019, 383 trang

Kí hiệu: Vv2924

Cuốn sách “Nghệ thuật kinh doanh của người Nhật” tập hợp những kĩ năng tư duy nhanh và dự đoán trước tình huống của người làm kinh doanh. Những kiến thức cơ bản không thể thiếu để tư duy khi làm việc bao gồm suy nghĩ logic cơ bản đến những tư tưởng mới nhất, đi từ lý thuyết cổ điển đến lý thuyết hiện đại. Nội dung cuốn sách gồm 9 phần như sau:

Phần 1: Tư duy đột phá. Tác giả đưa  ra tiêu chuẩn nhận biết sự tăng trưởng của kinh doanh hay những ý tưởng mang tính chất “thung lũng silicon”; điều kiện để chuyển hướng kinh doanh; mục tiêu tạo lợi nhuận thông qua việc hạn chế rủi ro; sự sinh lời từ chênh lệch giá cả thị trường.

Phần 2: Tư duy mô hình kinh doanh. Ở đây, tác giả đã phác họa bức tranh mô hình kinh doanh, nhấn mạnh đến chia sẻ - chìa khóa thay đổi từ cạnh tranh đến sở hữu chung hay mạng lưới hiệu quả, nguyên lý kinh tế và chiến lược dựa trên giá trị.

Phần 3: Tư duy chiến lược. Trong phần này, tác giả tập trung phân tích chiến lược đại dương xanh, khung phân tích SWOT, năm áp lực cạnh tranh của Porter, RBV, CAGE, AAA và 3C trong tư duy chiến lược trong kinh doanh.

Phần 4: Tư duy quảng cáo. Trong đó, tác giả nhấn mạnh đến việc phân loại, lựa chọn và thu hút khách hàng, vấn đề xây dựng thương hiệu, câu chuyện marketing, 4P, hay AIDMA, AISAS trong lĩnh vực quảng cáo.

Phần 5: Tư duy tổng hợp. Tác giả phân tích giá trị mong đợi và quy luật đại số; quy luật phân phối chuẩn; giá trị trung bình, giá trị trung vị; mối quan hệ tương quan, phân phối hồi quy; và nguyên tắc Pareto.

Phần 6: Tư duy giả thuyết. Trong phần này, tác giả giới thiệu về PAC - 3 yếu tố cơ bản khi tranh luận mang tính lý luận; MECE - vũ khí tư duy dựa trên nền tảng số 0 khi  truy tìm kho báu; vấn đề lập kế hoạch kịch bản.

Phần 7: Cạm bẫy tư duy. Phần này đề cập vấn đề câu nệ thời gian và tiền bạc một cách vô ích; sự sai lệch về kiến thức dẫn đến những phán đoán không chính xác; những mâu thuẫn trong nhận thức.

Phần 8: Tư duy kế toán. Phần này tập trung vào các báo cáo tài chính trên cơ sở tổng hợp, so sánh với quá khứ và đối thủ; báo cáo lợi nhuận và tổn thất; bảng cân đối kế toán; tỷ suất xoay vòng tổng tài sản; tỷ suất lợi nhuận kinh doanh và dòng tiền.

Phần 9: Tư duy tài chính. Tác giả đi sâu phân tích giá trị doanh nghiệp, chi phí vốn, IRR (tỷ suất lợi nhuận nội bộ).

Với những nội dung nêu trên, cuốn sách không chỉ giúp bạn đọc nắm vững lý thuyết mà còn có thể ứng dụng vào công việc. Ưu tiên lý giải mang tính trực quan hơn là chặt chẽ về mặt học thuật, cuốn sách sử dụng những ví dụ gần gũi, giải thích bằng những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu. Những kĩ năng được giới thiệu  trong cuốn sách này là không thể thiếu trong tư duy và làm giàu thêm vốn kiến thức thực tế. Nếu chỉ biết phương pháp tư duy thì để giải quyết được vấn đề trong kinh doanh là chuyện không đơn giản, nhưng sử dụng phương pháp tư duy đó trong quá trình đưa ra giải pháp là cực kì hiệu quả.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận