Trang chủ

KỸ NĂNG QUẢN LÝ HIỆU SUẤT CÔNG VIỆC CỦA NGƯỜI NHẬT

Đăng ngày: 18-06-2020, 09:14 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Massataka Urabe

Dịch giả: Nguyễn Cường

Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, 2019, 279 trang

Kí hiệu: VV2919

Trong thời đại hiện nay, là cấp  trên, các bạn có đang gặp khó khăn trong việc tiếp xúc, trò chuyện với cấp dưới của mình không? Bởi thực tế, chỉ cần nói gì đó hơi nghiêm khắc với cấp dưới là lập tức bị  coi là cấp trên lạm dụng quyền lực. Tại công sở, có lẽ không ít người vẫn băn khoăn, lo lắng không biết nên nói chuyện với cấp dưới như thế nào? Cuốn sách “Kỹ năng quản lý hiệu suất công việc của người Nhật” sẽ giúp bạn đọc tháo gỡ được những nút thắt này. Với kết cấu 5 chương và chương mở đầu, cuốn sách gồm những nội dung chính như sau:

Chương mở đầu: Thế nào là bài pep-talk chạm tới trái tim

Chương 1: Không biết nên nói chuyện với cấp dưới như thế nào

Chương 2: Không biết nên giao việc cho cấp dưới như thế nào

Chương 3: Không biết nên khơi gợi tinh thần làm việc của cấp dưới như thế nào

Chương 4: Không biết nên khen ngợi, biểu dương cấp dưới như thế nào

Chương 5: Không biết nên phê bình cấp dưới như thế nào

Ở thời điểm 30 năm trước, giá trị quan về “một cấp trên thì phải như thế này” đã ăn sâu và ổn định trong suy nghĩ của nhiều người. Nếu phải nêu ra một người đóng vai trò chính, chủ chốt trong một tổ chức thì đó là cấp trên, là người lãnh đạo. Để người lãnh đạo có thể làm việc tốt, nâng cao hiệu quả kinh doanh, những cấp dưới với vai trò hỗ trợ, giúp đỡ nếu biết tuân thủ các chỉ thị một cách nghiêm túc thì các nghiệp vụ hàng ngày sẽ diễn ra suôn sẻ. Nhưng bước vào thế kỷ 21, cũng là khi sự đa dạng hóa các giá trị quan được tung hô mạnh mẽ như một sự tất yếu, thì rõ ràng vai trò chủ chốt trong tổ chức hiện nay chính là cấp dưới. Do vậy việc thay đổi cách nói chuyện giữa cấp trên và cấp dưới sẽ tạo ra những thay đổi tích cực.

Trong nhiều trường hợp, động lực thúc đẩy cấp dưới trên thực tế lại là những câu nói mạnh mẽ vượt trên cả lý thuyết của cấp trên. Đặc biệt, trong tương lai những câu nói ngắn gọn nhưng có thể khơi dậy tinh thần làm việc, mong muốn cống hiến nằm sâu trong lòng cấp dưới, thúc đẩy họ quyết tâm tiến thêm một bước về phía trước sẽ đóng vai trò hết sức quan  trọng. Yếu tố căn bản tạo ra những câu nói mạnh mẽ đó chính là kiểu nói chuyện pep-talk, là những câu nói ngắn gọn nhằm nhanh chóng nâng cao động lực của đối phương, giúp tạo ra hiệu quả trong hoạt động. Hãy sử dụng thật tốt những câu nói ngắn gọn để chạm đến trái tim của các cấp dưới, tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn, gắn kết với những hành động có hiệu quả và cùng đem lại niềm vui, sự hứng khởi cho nhau. Đây chính là thông điệp mà cuốn sách này muốn gửi tới bạn đọc. Cuốn sách là nguồn tham khảo vô cùng hữu  ích cho các bạn đọc, nhất là đối tượng lãnh đạo, quản lý.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận