Trang chủ

CHỦ QUYỀN VIỆT NAM TRÊN BIỂN ĐÔNG VÀ HOÀNG SA - TRƯỜNG SA

Đăng ngày: 20-05-2020, 05:54 | Danh mục: Giới thiệu sách

 

Tác giả: Nguyễn Đình Đầu

Nhà xuất bản Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2014, 367 trang

Kí hiệu: Vt564

Trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được coi là những vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là phần lãnh thổ mà cha ông ta từ thế hệ này sang thế hệ khác đã dày công khám phá, khai khẩn và đổ biết bao mồ hôi, xương máu để bảo vệ, giữ gìn. Từ xưa đến nay, đã có rất nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia về biển đảo ở Việt Nam cũng như trên thế giới viết về hai quần đảo này, trong đó có tác giả Nguyễn Đình Đầu, một nhà nghiên cứu địa lý, lịch sử Việt Nam nổi tiếng với các công trình nghiên cứu về lãnh thổ Việt Nam qua các thời kì lịch sử. Cuốn sách “Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa” một lần nữa là lời khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Cuốn sách gồm 8 chương:

Chương I: Lịch sử Nam tiến và Biển Đông. Trong chương này, tác giả trình bày khái quát về vị trí địa lý, đặc điểm tài nguyên thiên nhiên trên Biển Đông, vấn đề khai thác khoáng sản biển và kinh tế biển của Việt Nam.

Chương II: Biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa thời hậu Lê, chúa Nguyễn và Tây Sơn (1428-1802). Tác giả nói đến bản đồ Alexandre de Rhodes 1650 và bản đồ Hồng Đức 1490 với địa điểm Hoàng Sa; trích bản đồ Võ Bị Chí về Giao Chỉ giới và biển Giao Chỉ. Tác giả nhấn mạnh, theo tài liệu của chính quyền Đàng Trong, Lê Quý Đôn đã khẳng định các chúa Nguyễn đã làm chủ Hoàng Sa - Trường Sa từ xưa. Bên cạnh đó, tác giả còn giới thiệu bản đồ thế giới Ricci; Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư; Bình Nam đồ; Hải Môn ca...

Chương III: Biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa dưới triều Nguyễn (1802-1884). Tác giả hệ thống lại các chứng liệu lịch sử về Hoàng Sa và Trường Sa được ghi chép trong sử Thực Lục, Châu bản triều Nguyễn, Hoàng việt địa dư chí, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Việt sử cương giám khảo lược, Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí, Địa bạ tỉnh Quảng Ngãi, Đồng Khánh địa dư chí. Đặc biệt, tác giả đã giới thiệu chi tiết về Thông quốc duyên cách hải chử; đưa ra những nhận định về Đại Nam thống nhất toàn đồ 1838 và một số bản đồ khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam như An Nam đại quốc họa đồ - Taberd 1838 hay An Nam quốc - Ngụy Nguyên 1842.

Chương IV: Biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa dưới thời Pháp thuộc (1884-1945). Trong chương này, tác giả trình bày về bờ biển và những đảo cận duyên; giới thiệu và phân tích những tư liệu và bản đồ Hoàng Sa - Trường Sa thời Pháp thuộc; giới thiệu khái quát về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Chương V: Biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa từ 1945 đến 1975. Tác giả đưa ra dẫn chứng lịch sử thể hiện trong các bản đồ như Bản đồ Hành chánh Việt Nam Cộng hòa, Bản đồ Việt Nam Cộng hòa, Bản đồ quần đảo Hoàng Sa do Chính quyền Việt Nam Cộng hòa phát hành, Bản đồ quần đảo Trường Sa do Chính quyền Việt Nam Cộng hòa phát hành, Bản đồ quần đảo Hoàng Sa.

Chương VI: Biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa từ 1975 đến nay. Trong đó tác giả giới thiệu hàng loạt các bản đồ, sơ đồ liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Bên cạnh đó, tác giả còn phân tích những đặc điểm địa lý của hai quần đảo này.

Chương VII: Bản đồ cổ và tư liệu Tây phương từ năm 1525 đều chứng minh Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Trong đó đáng chú ý là 11 bản đồ cổ Tây phương được lưu trữ tại bảo tàng Nhật Bản và việc bản đồ cổ Tây phương gây nhiều ngộ nhận khi phiên âm quốc hiệu nước ta.

Chương VIII: Những cuộc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa. Tác giả hệ thống lại những cuộc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa trong lịch sử và công cuộc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của nước ta.

Cuốn sách với những sự kiện và những nhận định sắc sảo, những chứng liệu và bản đồ của Việt Nam và nước ngoài được trình bày một cách khoa học, có hệ thống, đã thể hiện một cách rõ ràng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong tình hình tranh chấp trên Biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa như hiện nay, đây là một hệ thống tư liệu khoa học quan trọng, khách quan giúp cho các nhà khoa học, các nhà quản lý và người đọc hệ thống và hiểu một cách chính xác nhất các vấn đề liên quan. Đồng thời, đây cũng là chứng cứ khoa học hữu ích trong quá trình xử lý tranh chấp theo luật pháp quốc tế. Cuốn sách thực sự là nguồn tư liệu quý báu cho bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận