Trang chủ

Đề xuất biện pháp kinh tế ứng phó với cú sốc Covid-19 ở Nhật Bản

Đăng ngày: 15-04-2020, 04:01 | Danh mục: Tin tức - Sự kiện

Tính đến thời điểm đầu tháng 3/2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với cuộc sống người dân Nhật Bản ngày càng trở nên nghiêm trọng. Tất cả hoạt động kinh tế, xã hội đã được yêu cầu giảm quy mô nhằm hạn chế tối đa tiếp xúc giữa người với người, qua đó giảm thiểu sự lây lan virus Covid-19. Bên cạnh những ảnh hưởng trực tiếp do Chính phủ Nhật Bản hạn chế tổ chức các sự kiện và đóng cửa trường học, tâm lý bất an, lo ngại của người dân cũng là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc.

Tình trạng xấu đi của hoạt động kinh tế bao gồm 2 loại: chi phí phát sinh trực tiếp từ các biện pháp phòng chống dịch và ảnh hưởng gián tiếp do tâm lý bất an của người dân.

Chi phí phát sinh trực tiếp là chi phí Chính phủ Nhật Bản buộc phải chấp nhận, được tính toán bao gồm những thiệt hại kinh tế do hạn chế các hoạt động thể thao, âm nhạc…, ảnh hưởng của các biện pháp như tổ chức thi đấu không khán giả, phát sóng qua internet...

Ảnh hưởng gián tiếp bao gồm sụt giảm cầu do cổ phiếu mát giá và hoạt động kinh tế trì trệ, “khủng hoảng niềm tin”, do hoạt động kinh tế ngày càng trì trệ. Tuy nhiên, ảnh hưởng này hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng các chính sách kinh tế phù hợp, đó là “Chính sách hỗ trợ mua cổ phiếu của Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước Nhật Bản” và “Gói cho vay khẩn cấp hỗ trợ sinh hoạt đối với gia đình thu nhập thấp”. Nội dung và ý nghĩa của hai chính sách này như sau:

1. Chính sách hỗ trợ mua cổ phiếu là đúng đắn và cần thiết

Mục đích cần đạt được hiện nay của các chính sách kinh tế là: (i) ngăn chặn tính không xác thực và tâm lý bi quan về tình hình kinh tế; (ii) không đi ngược lại các chính sách phòng chống dịch bệnh (không cổ súy việc tổ chức các sự kiện tập trung đông người…).

Hỗ trợ mua cổ phiếu chính sách trực tiếp nhất, có thể giúp chặn đứng hiệu ứng lan tỏa tâm lý bi quan của thị trường. Chứng khoán Nhật Bản không rơi vào tình trạng bong bóng trước Corona-shock (giả thiết này là sai, thực tế có thể đã ở tình trạng bong bóng, tuy nhiên xin bỏ qua khả năng này trong bài phân tích). Phần cổ phiếu sụt giảm do các chỉ số kinh tế cơ bản đi xuống sau khi chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 là không thế tránh khỏi, tuy nhiên Chính phủ phải có các biện pháp ngăn chặt sự sụt giảm tiếp sau đó.

Khó có thể biết rõ đâu là điểm dừng của sự sụt giảm cơ bản. Tuy nhiên, có thể giả định: Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Nhật Bản vừa tính toán bảo đảm sự ổn định của thị trường, vừa tiến hành hỗ trợ mua cổ phiếu thông qua giao dịch ETF để mức giá cổ phiếu trung bình NIKKEI không thấp hơn 20.000 yên (mức thấp hơn khoảng 10% so với giá cổ phiếu trung bình của 24 tháng trước đó). Việc Chính phủ Nhật Bản mua ETF tại thời điểm cổ phiếu rớt giá, sau đó bán lại khi cổ phiếu phục hồi còn giúp tăng nguồn thu ngân sách.

Trước đây, khi xảy ra tình trạng vỡ bong bóng kinh tế hoặc khủng hoảng tài chính, việc đầu cơ của các đối tượng tham gia thị trường là một trong những nguyên nhân khiến giá cổ phiếu sụt giảm. Tuy nhiên, trong lần này, nguyên nhân khiến giá cổ phiếu sụt giảm là do dịch bệnh, mà không phải trách nhiệm của bất cứ đối tượng tham gia thị trường nào. Từ góc độ đạo đức, so với các tình huống trước đây, việc chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước Nhật Bản “ra tay cứu thị trường” chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân.

2. Chính sách “Gói cho vay khẩn cấp hỗ trợ sinh hoạt đối với hộ gia đình có thu nhập thấp” là “đơn giản dễ làm”

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các hoạt động kinh tế ngay lập tức bị thu hẹp, kéo theo việc người lao động không chính thức, hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ không kịp trở tay, thậm chí bị cắt nguồn thu nhập, ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng cuộc sống. Những cá nhân/hộ gia đình như trên buộc phải cắt giảm mạnh mức chi tiêu, khiến tổng cầu của nền kinh tế bị sụt giảm quá mức. Nhằm phòng ngừa hiện tượng sụt giảm không cần thiết của nền kinh tế, việc đưa ra những chính sách hỗ trợ sinh hoạt cho các cá nhân/hộ gia đình là rất cần thiết.

Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản không biết và không thể xác định thực tế cá nhân nào, chịu ảnh hưởng ở mức độ như thế nào. Nhưng không vì vậy mà Chính phủ chỉ đặt trọng tâm hỗ trợ đối với các doanh nghiệp hay các ngành công nghiệp, nhất là trong lần này. Lý do được đưa ra là tại thời điểm hiện tại là: Chính phủ không thể xác định được doanh nghiệp nào, ngành nào “còn” hay “mất” sau ảnh hưởng của corona-shock. Giả sử nếu dịch Covid-19 ăn sâu vào cuộc sống như một bệnh thời tiết, thì các ngành du lịch, văn hóa, nghệ thuật, cũng như các hình thức giao dịch thương mại thông thường có thể sẽ có sự thay đổi lớn. Trong trường hợp đó, sẽ có ngành bị suy thoái và sẽ hình thành một mô hình kinh tế mới. Trong bối cảnh không ai dự đoán được diễn biến của dịch Covid-19 như hiện nay, việc Chính phủ quyết định hỗ trợ một ngành nghề hay doanh nghiệp cụ thể nào là rất khó. Do vậy, tại thời điểm hiện tại, Chính phủ cần đặt trọng tâm hỗ trợ không phải với doanh nghiệp, mà dành cho các cá nhân.

Khó khăn của người dân gặp khó khăn trong sinh hoạt hiện nay là “thiếu tính lưu động” = không có khả năng chi trả tiền sinh hoạt trong khoảng thời gian bị thay đổi công việc sau ảnh hưởng của corona-shock. Giải pháp lý tưởng nhất là ngân hàng cung cấp các khoản vay dành cho sinh hoạt cá nhân/hộ gia đình. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh đang gia tăng, tính thiếu xác thực của tổng thể nền kinh tế, các ngân hàng không thể tăng mức cho vay một cách đẩy đủ nhất. Do đó, vấn đề “thiếu tính lưu động” chỉ có thể được giảm thiểu, nếu khu vực công thực hiện cho vay cá nhân.

Ý tưởng cho vay cá nhân là một đề xuất “đơn giản và dễ làm” căn cứ theo khai báo nhu cầu hỗ trợ cá nhân. Cụ thể như sau:

Cá nhân bị mất thu nhập, gặp khó khăn trong sinh hoạt bởi corona-shock sau khi khai báo mã số cá nhân, có thể được cấp khoản vay 100.000 yên/tháng trong vòng 1 năm (12 tháng) với tiêu chí “3 không”: không cần thẩm tra, không cần tài sản đảm bảo, không cần điều kiện. Không cần thẩm tra vì là khoản cho vay khẩn cấp. Tuy nhiên, để phòng tránh gian dối trong khai báo thu nhập, Chính phủ Nhật Bản (cơ quan thuế) được phép tiến hành kiểm tra, nếu thấy cần thiết sau khi cho vay. Cho phép chậm hoàn trả khoản vay với lãi suất 0% trong vòng 3 năm cho đến năm 2024. Sau năm 2024, bắt đầu áp dụng mức lãi suất 1% đối với phần tiền vay còn lại chưa trả (có thể áp dụng tương tự mức lãi suất thực hưởng của trái phiếu chính phủ 30 năm).

Tóm lại, các cá nhân được vay khẩn cấp sẽ không phải chịu bất kỳ lãi suất nào, nếu hoàn trả toàn bộ khoản vay trong vòng 3 năm và sẽ phải chịu một mức lãi suất nhất định như một khoản chi phí nếu trả chậm. Chế độ cho cá nhân vay khẩn cấp được quản lý bằng mã số cá nhân, kết hợp thiết lập cơ chế cho phép hoàn trả khoản vay cùng với việc đóng thuế. Nếu cá nhân được cho vay tiếp tục trả chậm trong thời gian dài, có thể áp dụng cơ chế khấu trừ khoản vay vào tiền lương hưu nhận hàng tháng sau khi nghỉ hưu. Bằng các hình thức trên, Chính phủ có thể giảm thiểu rủi ro nợ xấu. Ngoài ra, có thể cân nhắc đưa thêm cơ chế hỗ trợ miễn trừ khoản vay đối với người có lương hưu thấp.

Giả sử chế độ cho vay trên được áp dụng cho 10 triệu người, thì Chính phủ Nhật Bản cần chuẩn bị khoản ngân sách ban đầu trị giá khoảng 12 nghìn tỷ yên (khoảng 100 tỷ USD) thông qua phát hành trái phiếu chính phủ. Trong bối cảnh corona-shock như hiện nay và người dân cắt giảm chi tiêu, tập trung vào tiết kiệm thì hoàn toàn không khó trong việc kêu gọi người dân mua lượng trái phiếu chính phủ trên. Mặt khác, trong tương lai, hơn một nửa trong số 12 nghìn tỷ yên trên sẽ được hoàn lại ngân sách kèm theo lãi suất. Do đó, gần như sẽ không phát sinh bất cứ gánh nặng chi phí nào cho người dân Nhật Bản.

Trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19, việc đưa ra các chính sách kinh tế hợp lý có vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ cơ bản cho kinh tế, để tránh hiện tượng suy giảm không cần thiết. Đề xuất về chế độ cho vay khẩn cấp nêu trên mặc dù mới chỉ là một ý tưởng, tuy nhiên, thiết nghĩ Chính phủ Nhật Bản nên tập hợp các ý tưởng, ý kiến trải rộng từ lý thuyết kinh tế đến thực tiễn chính sách, qua đó cân nhắc sớm áp dụng các biện pháp và chính sách phù hợp.

 

Trần Xuân Nguyên

Bí thư thứ ba, Thư ký Đại sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản

(Nguồn: Theo Mr. Kobayashi Keiichiro, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược toàn cầu Canon - CIGS)

0thảo luận