Trang chủ

CHÍNH SÁCH BIỂN CỦA VIỆT NAM TRONG TIẾN TRÌNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ - LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

Đăng ngày: 18-07-2019, 09:53 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: TS. Nguyễn Thanh Minh

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2018, 1121 trang

Kí hiệu: Vv2909

Đối với Việt Nam, biển và hải đảo và một bộ phận cấu thành lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Cùng với đất liền, biển và hải đảo đã tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển kinh tế của quốc gia. Việc xây dựng và triển khai chính sách biển để quản lý biển, phát triển kinh tế biển, bảo vệ quyền lợi biển là vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Qua đó góp phần giữ vững môi trường chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay. Chính sách biển của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế - lý luận và thực tiễn là công trình nghiên cứu chính sách biển của Việt Nam trong thời kỳ đổi với có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Cuốn sách gồm 9 chương như sau:

Chương 1: Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan đến chính sách biển của Việt Nam đưa ra những nghiên cứu chính sách và pháp luật về biển, nghiên cứu lĩnh vực quốc phòng - an ninh, lịch sử và văn hóa biển. Trong chương này tác giả cũng đề cập đến nghiên cứu liên quan đến diễn biến trên Biển Đông; tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông trên phương diện luật pháp quốc tế và lịch sử; một số công trình của học giả Trung Quốc nghiên cứu về Biển Đông trên lập trường lợi ích quốc gia dân tộc.

Chương 2: Nhà nước và công cụ quản lý của nhà nước đối với biển đảo. Trong chương này tác giả phân tích lý luận chung về nhà nước; công cụ quản lý của nhà nước đối với biển đảo; hoạch định chính sách biển; quá trình hoạch định chính sách biển; tổ chức thực thi chính sách biển; phân tích chính sách biển.

Chương 3: Khái luận về khoa học chính sách biển đi sâu tìm hiểu đối tượng và nội dung nghiên cứu của khoa học chính sách biển; chức năng và nhiệm vụ nghiên cứu của khoa học chính sách biển; phương pháp nghiên cứu và ý nghĩa của việc nghiên cứu chính sách biển.

Chương 4: Những quan điểm, học thuyết xây dựng chính sách biển. Tác giả đưa ra những nhận thức chung về học thuyết xây dựng chính sách biển; một số quan điểm, học thuyết về xây dựng chính sách biển trên thế giới; sự tích hợp tính khoa học và tính chính trị trong nghiên cứu khoa học chính sách biển.

Chương 5: Chính sách biển của một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm. Trong chương này, tác giả đi sâu tìm hiểu chính sách biển của một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ... và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách biển.

Chương 6: Cơ sở hình thành và nội dung chính sách biển của Nhà nước Việt Nam. Bên cạnh tổng quan về đại dương, vị trí địa lý, vai trò của biển đảo và tài nguyên biển đối với sự phát triển kinh tế, tác giả cũng nêu rõ khái niệm chính sách biển và những nội dung chính sách biển của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đến nay.

Chương 7: Quá trình triển khai chính sách biển của Nhà nước Việt Nam. Trong đó, tác giả phân tích quá trình triển khai chính sách biển trên sáu lĩnh vực là quốc phòng - an ninh trên biển đảo, kinh tế biển, hợp tác quốc tế về biển, phân định biển, bảo vệ môi trường biển và văn hóa biển.

Chương 8: Một số nhận xét về quá trình triển khai chính sách biển của Nhà nước Việt Nam. Tác giả đưa ra một số thành tựu và hạn chế trong quá trình triển khai chính sách biển, phân tích nguyên nhân của thành tựu và hạn chế đó, chỉ ra một số kinh nghiệm trong quá trình triển khai chính sách biển.

Chương 9: Những định hướng cơ bản của chính sách biển Việt Nam và một số giải pháp. Tác giả phân tích vai trò và nguyên tắc tổng thể cũng như các nguyên tắc cơ bản của chính sách biển Việt Nam; quan điểm, mục tiêu và những định hướng cơ bản của chính sách biển; hoạch định và triển khai chính sách biển trong tình hình mới; đồng thời đưa ra một số giải pháp về hoàn thiện chính sách biển trong tình hình mới.

Cuốn sách là công trình khoa học có nội dung phong phú, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cuốn sách là nguồn tham khảo vô cùng hữu ích cho bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận