Trang chủ

BIỂN VIỆT NAM VÀ CÁC MỐI GIAO THƯƠNG BIỂN

Đăng ngày: 20-08-2019, 03:15 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: GS. TS. Nguyễn Văn Kim

Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019, 555 trang

Kí hiệu: Vt560

Cuốn sách “Biển Việt Nam và các mối giao thương biển” là một trong những kết quả nghiên cứu của Nhóm Nghiên cứu Thương mại châu Á, Trung tâm Biển và Hải đảo thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Với chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu về biển đảo, các mối quan hệ hải thương, bang giao trên biển..., một số nhiệm vụ nghiên cứu đã và đang được Trung tâm Biển và Hải đảo triển khai trong quan hệ hợp tác với các địa phương, cơ quan khoa học trong nước và một số trường đại học, viện nghiên cứu quốc tế. Trong các hoạt động chung đó, nhiều nhà khoa học, giảng viên của Nhóm Nghiên cứu Thương mại châu ÁTrung tâm Biển và Hải đảo đã tiến hành các đợt khảo sát, khai quật khảo cổ học tại nhiều vùng duyên hải và các thương cảng, cùng với đó tổ chức một số hội thảo, tọa đàm khoa học nhằm góp phần mang lại những nhận thức ngày càng sâu sắc, toàn diện hơn về truyền thống biển Việt Nam; đặc tính của các không gian biển; tiềm năng tự nhiên, nhân văn của các vùng biển đảo; vai trò và vị thế của biển Việt Nam trong hệ thống hải thương châu Á, thế giới.

Cuốn sách gồm 3 phần chính với nội dung cụ thể như sau:

Phần 1: Từ một truyền thống hải thương: Tác giả phân tích huyền thoại về biển và cơ tầng văn hóa biển - nhận thức về biển đảo trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc; thương cảng Vân Đồn và hệ thống cảng bến vùng Đông Bắc; các thương cảng vùng Nghệ - Tĩnh và giao thương khu vực thế kỷ X-XIV; hệ thống thương cảng miền Trung thời đại Chămpa - cái nhìn từ lịch sử quan hệ Việt - Chăm; Óc Eo- Phù Nam vị thế lịch sử và các mối quan hệ khu vực.

Phần 2: Vai trò, vị thế biển Việt Nam: Ở phần này tác giả đi sâu phân tích về biển với lục địa - biển Việt Nam trong các không gian biển Đông Nam Á; vai trò của Việt Nam trong các tuyến hải thương Châu Á; xã hội Đại Việt thế kỷ XIII-XV và mối giao lưu gốm sứ khu vực Đông Á; quan hệ của vương quốc Ryukyu với Đại Việt thế kỷ XVI-XVIII qua một số nguồn tư liệu; quan hệ thương mại giữa các quốc gia Đông Á thế kỷ XVI-XVII.

Phần 3: Việt Nam và thời hoàng kim của hải thương châu Á: Trong phần này, tác giả đề cập đến hoạt động thương mại của người Hoa và người Nhật Bản ở Đàng Ngoài thế kỷ XVII-XVIII; xã hội Đại Việt và giao lưu gốm sứ Việt - Nhật thế kỷ XVI-XVII; giao thương giữa miền Trung Việt Nam với Nhật Bản và châu Á thế kỷ XVI-XVIII; quan hệ Việt Nam - Nhật Bản truyền thống một cách nhìn từ các không gian biển; mạng lưới giao thương Đông Á trước thời đại mở cửa và những hệ quả phát triển - trường hợp Hội An.

Với những nội dung nêu trên, cuốn sách giúp bạn đọc có được những hiểu biết sâu sắc và toàn diện hơn về biển Việt Nam cũng như các mối giao thương trên biển. Đây là tài liệu tham khảo thực sự cần thiết cho bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề này.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận