Trang chủ

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KHU VỰC BIÊN GIỚI VÂN NAM (TRUNG QUỐC) - LÀO CAI (VIỆT NAM) TRONG BỐI CẢNH MỚI

Đăng ngày: 20-08-2019, 03:11 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: TS. Nguyễn Đình Liêm chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2019, 386 trang

Kí hiệu: Vv2902

Do vị trí địa lý liền kề và nhiều nét tương đồng về đời sống văn hóa, xã hội, kể từ khi hai nước Việt Nam - Trung Quốc bình thường hóa quan hệ đến nay, khu vực biên giới giữa tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và tỉnh Lào Cai, Việt Nam đã có mối quan hệ tốt đẹp, phát triển từ thấp đến cao trên tất cả các lĩnh vực. Hoạt động giao thương về xuất - nhập khẩu, cả chính ngạch, tiểu ngạch, lối mở, đường mòn, chợ biên giới không ngừng được tăng cường. Đầu tư của Vân Nam vào Lào Cai gia tăng. Kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên mậu, khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới cũng như việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh biên giới... đạt được nhiều tiến bộ đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những hạn chế, yếu kém bộc lộ khá rõ nét như: nhiều cơ hội hợp tác mới chưa được khai thác; cơ chế hợp tác trong hoạt động thương mại còn nhiều vướng mắc, nhất là quan niệm về mậu dịch biên giới giữa hai bên thiếu sự nhất quán, gây khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng và chưa tận dụng được tính đặc thù của mỗi bên... Để góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển bền vững khu vực biên giới mà hai tỉnh Lào Cai, Vân Nam đang phải đối mặt, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách “Phát triển bền vững khu vực biên giới Vân Nam (Trung Quốc) - Lào Cai (Việt Nam) trong bối cảnh mới”. Cuốn sách có kết cấu 3 chương như sau:

Chương 1: Cơ sở lý luận, thực tiễn và bối cảnh tác động tới phát triển bền vững vững khu vực biên giới Vân Nam - Lào Cai. Trong đó, các tác giả đưa ra một số khái niệm có liên quan và cơ sở lý luận về phát triển bền vững; phân tích lợi thế về tự nhiên - xã hội và về kết nối của khu vực biên giới Vân Nam - Lào Cai cũng như sự ổn định của quan hệ Việt - Trung, nền tảng phát triển khu vực biên giới. Bên cạnh đó, các tác giả cũng đề cập tới bối cảnh quốc tế, khu vực và tình hình Trung Quốc - Vân Nam cũng như tình hình Việt Nam - Lào Cai.

Chương 2: Những nội dung cơ bản phát triển bền vững khu vực biên giới Vân Nam - Lào Cai. Ở đây, các tác giả đi sâu phân tích thực trạng phát triển bền vững trong các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường và quốc phòng - an ninh trên các khía cạnh cụ thể về cơ chế chính sách, kết quả đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân.

Chương 3: Định hướng phát triển và giải pháp kiến nghị. Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển trong các lĩnh vực, nhóm tác giả đưa ra định hướng phát triển bền vững khu vực biên giới Vân Nam - Lào Cai trên năm lĩnh vực cụ thể là định hướng phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường và quốc phòng - an ninh. Từ đó đưa ra nhóm giải pháp, kiến nghị phát triển bền vững cho từng lĩnh vực tương ứng nêu trên.

Cuốn sách cung cấp các luận cứ khoa học trong việc hoạch định chính sách phát triển bền vững khu vực biên giới Vân Nam - Lào Cai trong bối cảnh mới, là tài liệu tham khảo vô cùng hữu ích cho bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận