Trang chủ

Tọa đàm khoa học giữa các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Việt Nam

Đăng ngày: 16-08-2019, 14:40 | Danh mục: Tin tức - Sự kiện

Ngày 15/8/2019, tại hội trường tầng 12, số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, nhómcác nhà khoa học Nhật Bản đã đến thăm Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và tham gia buổi tọa đàm khoa học về các vấn đề xoay quanh ba chủ đề chính: 1.Quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc; 2. Sáng kiếnVành đai, Con đường và Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở; 3. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Tham dự  tọa đàm, về phía Nhật Bản có GS. Shino Watanabe đến từ Đại học Sophia, Nhật Bản; GS. Hiroaki Shiga, nghiên cứu viên cao cấp của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA); GS. Sovannroeun Samreth đến từ Đại học Saitama, Nhật Bản. Về phía Việt Nam có PGS.TS. Phạm Hồng Thái, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á; PGS.TS.Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, các viện nghiên cứu quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các đơn vị liên quan.

Tại buổi tọa đàm, GS.Shino Watanabe đã trình bày kết quả nghiên cứu khoa học với chủ đề “Quan hệ Nhật - Trung và khu vực liên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Trong đó, GS. Shino Watanabe đã đề cập đến các động thái cải thiện quan hệ Nhật - Trung từ năm 2018, thể hiện chủ yếu qua các cuộc gặp thượng đỉnh và các chuyến thăm giữa các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước, đưa đến bước ngoặt mới trong quan hệ song phương giữa hai quốc gia. Giáo sư cũng chỉ ra những thác thức đối với Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Shinzo Abe thời gian tới trong việc đảm bảo an ninh quốc gia và tăng cường quan hệ đối ngoại trước những biến động của tình hình kinh tế - chính trị trong khu vực và trên thế giới.

Tọa đàm khoa học giữa các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Việt Nam
Tọa đàm khoa học giữa các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Việt Nam

Toàn cảnh tọa đàm

 

GS. Sovannroeun Samreth thuyết trình về chủ đề “Viện trợ và đầu tư của Trung Quốc tại Tiểu vùng sông Mekong”, trong đó đi sâu vào phân tích trường hợp viện trợ và đầu tư của Trung Quốc tại Campuchia. Theo Giáo sư, sau khi đề xuất Sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) năm 2013, vốn viện trợ và đầu tư của Trung Quốc đã tăng mạnh tại nhiều nước Đông Nam Á, đưa đến nhiều tác động kinh tế, chính trị, xã hội đối với khu vực này. Do đó, việc xem xét các tác động này (thông qua trường hợp cụ thể của Campuchia) từ quan điểm đa chiều là rất quan trọng.

GS. Hiroaki Shiga thuyết trình về chủ đề “Hợp tác phát triển khu vực Đông Nam Á”. Trong phần thuyết trình, GS. Hiroaki Shiga đã phân tích hoạt động đầu tư, viện trợ của Trung Quốc và một số quốc gia khác như Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á đã đưa đến sự thay đổi cục diện trong hợp tác phát triển khu vực này bao gồm cả cơ hội và rủi ro. Bên cạnh đó, Giáo sư cũng chỉ ra những thách thức đối với các nước ASEAN trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các quốc gia viện trợ và các cơ chế hợp tác như Sáng kiến Vành đai, Con đường hay Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở...

Tiếp theo phần thuyết trình, các nhà khoa học hai bên đã sôi nổi thảo luận, trao đổi quan điểm về các vấn đề như: vai trò của Ấn Độ trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở; triển vọng của “Sáng kiến Vành đai, Con đường”; viện trợ và các dự án đầu tư của Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á; viện trợ và đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam; vai trò của Việt Nam trong việc phối hợp với các nước ASEAN để thực hiện các chiến lược hợp tác phát triển toàn khu vực; vai trò của Nhật Bản trong hợp tác phát triển tại khu vực ASEAN (đặc biệt là ở tiểu vùng sông Mekong)...

Tọa đàm khoa học giữa các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Việt Nam

Các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại tọa đàm

 

Phát biểu kết thúc tọa đàm, PGS.TS. Phạm Hồng Thái cảm ơn các nhà khoa học Nhật Bản về những thông tin chia sẻ hữu ích, đồng thời hy vọng trong thời gian tới có thể đẩy mạnh hơn nữa các cuộc tiếp xúc, trao đổi quan điểm để tăng cường hiểu biết và mối quan hệ hợp tác giữa hai bên. PGS.TS. Phạm Hồng Thái cũng đánh giá cao sáng kiến tổ chức các cuộc tọa đàm như một diễn đàn trao đổi mở rộng, hữu ích giữa các chuyên gia, nhà khoa học xoay quanh các vấn đề liên quan đến quan hệ chính trị, kinh tế của các quốc gia Đông Bắc Á đối với khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng trước tình hình an ninh, chính trị khu vực và thế giới đầy biến động trong thời gian tới.

Phương Hoa

0thảo luận