Trang chủ

POLITICAL SOCIOLOGY OF JAPANESE PACIFISM

Đăng ngày: 12-06-2019, 12:02 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Yukiko Nishikawa

Nhà xuất bản: Routledge, 2019, 209 trang

Kí hiệu: Lv877

Mặc dù chủ nghĩa hòa bình của Nhật Bản thường được coi là một chính sách quốc gia hoặc một ý thức hệ bắt nguồn từ quy định tại Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản, nhưng không thể hiểu một cách đầy đủ tư tưởng này nếu không nắm bắt được các học thuyết xã hội Nhật Bản về hòa bình, chiến tranh và công lý. Quan điểm của xã hội học chính trị cung cấp một sự hiểu biết sâu sắc hơn về chủ nghĩa hòa bình của Nhật Bản và giúp chúng ta tìm ra lý do cho những thay đổi quan trọng đã xảy ra trong các chính sách của Nhật Bản từ giữa những năm 2000. Những thay đổi này bao gồm việc gửi lực lượng phòng vệ của Nhật Bản tới Iraq và Afghanistan ngoài các nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc và việc ban hành luật an ninh mới năm 2015. Yukiko Nishikawa khám phá chủ nghĩa hòa bình của Nhật Bản từ góc độ xã hội học chính trị trong bối cảnh sự thay đổi của tình hình trong nước và khu vực. Nắm bắt các cơ sở chính trị xã hội, tác giả xem xét liệu Nhật Bản muốn duy trì một quốc gia hòa bình hay giữ lại hình ảnh hòa bình của mình trong bối cảnh khu vực và toàn cầu đang thay đổi.

Cuốn sách này nghiên cứu một cách toàn diện về chủ nghĩa hòa bình của Nhật Bản thông qua việc xem xét hành động của các lực lượng xã hội. Sử dụng cách tiếp cận đa ngành, cuốn sách góp phần vào cuộc tranh luận lý thuyết về xã hội học chính trị cũng như các nghiên cứu về Nhật Bản và châu Á. Nhật Bản đang trong giai đoạn chuyển tiếp quan trọng và chủ nghĩa hòa bình của Nhật Bản là câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đang biến đổi.

 

Cuốn sách xoay quanh các vấn đề chủ yếu như chủ nghĩa hòa bình và xã hội học chính trị; Điều 9 và hiến pháp của Nhật Bản: cấu trúc của nhà nước Nhật Bản; Liên minh Nhật Bản - Hoa Kỳ: một mặt khác của cấu trúc nhà nước Nhật Bản; nguồn gốc và bản chất của chủ nghĩa hòa bình Nhật Bản; xã hội học chính trị của chủ nghĩa hòa bình Nhật Bản; tranh cãi về chủ nghĩa hòa bình Nhật Bản. Với những nội dung như vậy, cuốn sách là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề này.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận