Trang chủ

Tọa đàm khoa học: Mười năm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc (2009 - 2019)

Đăng ngày: 1-06-2019, 21:34 | Danh mục: Tin tức - Sự kiện

Ngày 31/05/2019, với sự hỗ trợ của Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc Korea Foundation (KF), Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Mười năm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc (2009-2019)” trong khuôn khổ dự án nghiên cứu do TS. Nguyễn Thị Thắm chủ nhiệm, với mục đích tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi khoa học giữa những người quan tâm về nghiên cứu Hàn Quốc và hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc.

Tham gia buổi tọa đàm, về phía Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á có PGS.TS. Phạm Hồng Thái, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; PGS.TS. Phạm Quý Long, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; TS. Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên; TS. Võ Hải Thanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mông Cổ và các vùng lãnh thổ Đông Bắc Á, cùng các cán bộ nghiên cứu củaViện.

Về phía khách mời có ông Woo Hyoung-min, Giám đốc Văn phòng KF Hà Nội, TS. Lê Thị Thu Giang, giảng viên khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, ThS. Nguyễn Hồng Nhung, Trưởng phòng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế (Bộ Khoa học và Công nghệ) và ThS. Trương Quang Hoàn, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á.

Tọa đàm khoa học: Mười năm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc (2009 - 2019)
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Tọa đàm khoa học: Mười năm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc (2009 - 2019)
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm

Buổi tọa đàm tập trung vào chủ đề của hai bài báo cáo: (1)“Mười năm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc trong lĩnh vực khoa học công nghệ”do ThS. Nguyễn Hồng Nhung trình bày và (2)“Mười năm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc trong lĩnh vực thương mại” do ThS. Trương Quang Hoàn trình bày.

Trong báo cáo thứ nhất, ThS. Nguyễn Hồng Nhung đã nêu ra những mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai nước, các đối tác chính, những thuận lợi và khó khăn trong hợp tác khoa học và công nghệ, từ đó đưa ra một số kiến nghị về chính sách cho Việt Nam. Tác giả đặc biệt nhấn mạnh mức độ ưu tiên trong hợp tác của Việt Nam với Hàn Quốc là mức cao nhất - mức độ 1, cho thấy Việt Nam đánh giá cao vị thế của Hàn Quốc khi so sánh với các quốc gia khác.

ThS. Nguyễn Hồng Nhung cho rằng điểm nhấn về hợp tác khoa học và công nghệ gần đây là việc thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (V-KIST) theo Nghị định số 50/2015/NĐ-CP ngày 18/05/2015, với tổng đầu tư là 70 triệu USD. Đây là dự án viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Hàn Quốc dành cho Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai nước. Dự án này được chính thức khởi động ngày 21/11/2017 và hoạt động theo mô hình của Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST). V-KIST được kỳ vọng trở thành nhà cung cấp công nghệ, giải pháp cho các doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường tại Việt Nam. Ngoài ra, hai nước đã có hợp tác về sở hữu trí tuệ từ năm 2010 giữa Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (NOIP) và Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO).

Trong báo cáo, tác giả cũng chỉ ra những khó khăn từ phía Việt Nam trong hợp tác khoa học và công nghệ như: thủ tục xin giấy phép đầu tư còn phức tạp, hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin công nghệ còn sơ sài, mức độ tuân thủ về sở hữu trí tuệ chưa cao,… từ đó tác giả đưa ra các kiến nghị về chính sách đối với Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng, nâng cấp và chia sẻ các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, thư viện điện tử.

Trong báo cáo thứ hai, ThS. Trương Quang Hoàn đã khái quát sơ lược về hợp tác thương mại Việt Nam – Hàn Quốc từ sau khi thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược. Tác giả khẳng định rằng hợp tác Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực thương mại những năm gần đây đã tăng lên nhanh chóng nhưng mặt khác, thâm hụt thương mại giữa Việt Nam – Hàn Quốc lại đang ở mức rất cao. Tín hiệu đáng mừng là kể từ năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đã có sự chuyển biến về chất lượng: giảm nhanh tỷ trọng nhóm hàng nguyên vật liệu thô và hàng thâm dụng yếu tố tài nguyên, tăng mạnh tỷ phần của nhóm hàng máy móc và thiết bị điện tử thâm dụng công nghệ cao và vốn – trí tuệ. Xu hướng này có đóng góp nhất định đến sự cải thiện cấu trúc thương mại của Việt Nam với Hàn Quốc.

Tác giả nhận định sự phát triển, cải thiện trong quan hệ, cơ cấu thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hàn xuất phát từ nhiều yếu tố như: cơ cấu kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc chủ yếu mang tính bổ sung; Việt Nam đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong thu hút nguồn vốn FDI, đặc biệt từ phía các doanh nghiệp Hàn Quốc vào các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến; xu hướng liên kết kinh tế giữa các nước Đông Á không ngừng gia tăng;… Tác giả cho rằng trong tương lai, Việt Nam cần khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc thực hiện yêu cầu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa theo lộ trình cụ thể và mở rộng liên kết với các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Sau phần trình bày, các khách mời và những người tham dự đã có những thảo luận sôi nổi và thẳng thắn, có nội dung tập trung chủ yếu đến thực trạng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam của các công ty Hàn  Quốc, sự lo ngại về thâm hụt thương mại của Việt Nam với Hàn Quốc và mong muốn học hỏi các kinh nghiệm của Hàn Quốc (về phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nội địa hóa công nghệ của nước ngoài, khắc phục thâm hụt thương mại với Nhật Bản),… Ông Woo Hyoung-min, Giám đốc Văn phòng KF Hà Nội cũng đưa ra nhận xét về sự phụ thuộc của Việt Nam với Hàn Quốc về công nghệ và vốn. Ông khẳng định rằng 20 - 30 năm trước, Hàn Quốc cũng phải mua công nghệ từ các quốc gia phát triển như Mỹ và Nhật Bản; tuy bối cảnh Việt Nam hiện nay và Hàn Quốc của 20 - 30 năm trước có sự khác biệt nhưng vẫn có nhiều điểm có thể trao đổi, học hỏi nhau, đồng thời, thể hiện sự kỳ vọng vào những phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong 10 năm tới. Ông cũng mong rằng, trong những buổi tọa đàm tới sẽ được nghe nhiều ý kiến và giải pháp hợp tác cụ thể hơn, ngoài những kiến nghị về cơ chế và chính sách vĩ mô.

Buổi tọa đàm đã thành công tốt đẹp. Kết thúc buổi tọa đàm, PGS. TS. Phạm Hồng Thái đã gửi lời cảm ơn đến những diễn giả, khách mời và đặc biệt gửi lời cảm ơn đến Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc đã nhiệt tình hỗ trợ những hoạt động của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á trong suốt thời gian qua.

Lương Hồng Hạnh

0thảo luận