Trang chủ

NHẬT BẢN - NHỮNG BÀI HỌC LỊCH SỬ

Đăng ngày: 16-04-2019, 14:37 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Tiến Lực

Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, 2018, 398 trang

Kí hiệu: Vt 552

Lịch sử Nhật Bản chứa đựng biết bao điều kì diệu khi một đất nước lạc hậu hơn so với khu vực vào thời cổ đại đến nay đã trở thành một cường quốc, đạt đến trình độ của các quốc gia văn minh nhất khu vực và thế giới. Vào thời Minh Trị, Nhật Bản tạo ra những bài học quý giá, có giá trị đến tận ngày nay thông qua các chính sách như cử phái đoàn đi thị sát các nước phương Tây, cử người đi nước ngoài du học, mời chuyên gia nước ngoài đến Nhật Bản làm việc để học cái hay nhất, cái tốt nhất của nhân loại, áp dụng ngay vào công cuộc duy tân và mang đến thành công rực rỡ. Từ một nước bại trận trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật Bản đã tập trung sức mạnh để phát triển kinh tế và đạt được những thành tự to lớn được thế giới đánh giá là “thần kỳ”, trở thành một quốc gia giàu có, văn minh, được toàn thế giới ngưỡng mộ. Cuốn sách “Nhật Bản - những bài học từ lịch sử” của PGS. TS. Nguyễn Tiến Lực xuất bản nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2018), giới thiệu một số nhân vật lịch sử, dấu ấn, sự kiện lịch sử mà cho đến nay vẫn có tầm ảnh hưởng đến sự phát triển của một cường quốc - một đất nước phát triển với những nét văn hóa riêng biệt mang dấu ấn sâu đậm về đất nước và con người Nhật Bản. Cuốn sách gồm 12 chương như sau:

Chương 1: Thái tử Shotoku và nền tảng văn minh Nhật Bản

Chương 2: Khiển Đường sứ (Kentoshi) và sự tiếp nhận văn minh Trung Hoa

Chương 3: Mậu dịch Châu ấn thuyền - sự khám phá thị trường mậu dịch mới của Nhật Bản

Chương 4: Sakoku (Tỏa quốc) và giao lưu quốc tế của Nhật Bản

Chương 5: Nhật Bản mở cửa (Kaikoku)

Chương 6: Nhật Bản duy tân

Chương 7: “Duy tân Tam kiệt”

Chương 8: Chuyến đi sứ Âu - Mỹ của Sứ đoàn Iwakura

Chương 9: Chính sách du học của Nhật Bản thời Minh Trị

Chương 10: Chuyên gia nước ngoài với sự nghiệp cận đại hóa Nhật Bản

Chương 11: Fukuzawa Yukichi và tư tưởng khai sáng Nhật Bản

Chương 12: Sự phát triển thần kỳ của kinh tế Nhật Bản (1952-1973): thành tựu và nguyên nhân.

Phần kết: Những giá trị Nhật Bản từ lịch sử.

Những nội dung được đề cập trong cuốn sách đều mang tính học thuật, miêu tả, đánh giá khách quan các sự kiện, để cho các sự kiện, hiện tượng trong lịch sử Nhật Bản tự nói lên những giá trị của nó. Từ đó giúp người đọc có thể suy ngẫm về những việc người Nhật đã làm cho đất nước họ và tự rút ra những bài học cho riêng mình, hoặc có thể liên tưởng, suy ngẫm về những vấn đề của đất nước mình. Cuốn sách là tài liệu thực sự hữu ích đối với bạn đọc khi nghiên cứu về đất nước Nhật Bản.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận