Trang chủ

Thuyết trình khoa học “Giảng dạy tiếng Nhật ở Đông Nam Á nhìn từ góc độ tuyển dụng và đánh giá năng lực giảng dạy: Nghiên cứu trường hợp Việt Nam”

Đăng ngày: 3-05-2019, 14:38 | Danh mục: Hoạt động khoa học

Ngày 3/5/2019, GS. Kayako Hashimoto, giảng viên Đại học Queensland (Australia) đã có buổi thuyết trình tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á với chủ đề “Giảng dạy tiếng Nhật ở Đông Nam Á nhìn từ góc độ tuyển dụng và đánh giá năng lực giảng dạy: Nghiên cứu trường hợp Việt Nam”. Buổi thuyết trình do PGS.TS. Phạm Quý Long – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á chủ trì, với sự tham gia của các cán bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

 

Thuyết trình khoa học “Giảng dạy tiếng Nhật ở Đông Nam Á nhìn từ góc độ tuyển dụng và đánh giá năng lực giảng dạy: Nghiên cứu trường hợp Việt Nam”

Giáo sư Hashimoto đang phụ trách chương trình giảng dạy tiếng Nhật của khoa Ngôn ngữ và văn hóa, Đại học Queensland. Lĩnh vực nghiên cứu chính của bà là chính sách ngôn ngữ và bà cũng đang tham gia giảng dạy nghiên cứu sinh trong lĩnh vực này. Bà là tác giả và đồng tác giả một số cuốn sách như: “Tiếng Nhật và quyền lực mềm ở châu Á” (2007); “Đào tạo giáo viên tiếng Anh ở châu Á” (2018). Bài thuyết trình là một phần dự án nghiên cứu của bà khi đến Việt Nam công tác lần này.

 

Phần thuyết trình của GS. Hashimoto tập trung vào các nội dung sau:

Thứ nhất là mối liên hệ giữa nghiên cứu việc giảng dạy tiếng Nhật như là một môn ngoại ngữ tại các trường đại học tại Việt Nam và xu hướng giáo dục ngôn ngữ nói chung tại Nhật Bản, Việt Nam, các nước ASEAN và trên toàn thế giới.

Thứ hai là tìm hiểu các chính sách ngôn ngữ của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản đối với lực lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản; đánh giá sự phổ biến của CEFR (khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu) tại Việt Nam.

Thứ ba là xem xét các vấn đề giáo dục tiếng Nhật tại các trường đại học thích ứng với nhu cầu tuyển dụng; cách nhìn của các học sinh, giáo viên các trường đại học và các cơ quan tuyển dụng về năng lực ứng dụng ngôn ngữ và hệ thống đánh giá của nó. Cuối cùng là phân tích tầm quan trọng của học vấn và sự hiểu biết của giáo viên đối với hệ thống đánh giá năng lực ngoại ngữ của học viên.

Các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam hiện là nơi có số người học, số trường và số giáo viên giảng dạy tiếng Nhật lớn thứ hai thế giới. Theo công bố của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản về kết quả kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ y tá và điều dưỡng năm 2019, Việt Nam là nước đỗ cao nhất với tỷ lệ lên tới 47,9%. Số lượng du học sinh Việt Nam đến Nhật Bản cũng tăng mạnh. Theo số liệu từ Bộ Tư pháp Nhật Bản, năm 2018, số du học sinh Việt Nam chiếm tới 25%, đứng thứ hai trong tổng số du học sinh tại Nhật Bản, chỉ sau Trung Quốc. Tuy số lượng người học tiếng Nhật tại Việt Nam tăng cao song kỳ thi năng lực tiếng Nhật, hay hệ thống đánh giá năng lực học tập, nhận thức của giáo viên và học viên vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.

Kết thúc bài thuyết trình, GS. Hashimoto bày tỏ hy vọng nghiên cứu của mình sẽ góp tiếng nói đối với các chính sách ngôn ngữ của chính phủ rằng phương pháp đào tạo và phương pháp đánh giá vô cùng quan trọng trong việc đào tạo ngôn ngữ. Bên cạnh đó việc nâng cao trình độ và năng lực đánh giá của giáo viên giảng dạy ngôn ngữ cũng rất cần thiết.

Các cán bộ tham dự buổi thuyết trình đã đặt nhiều câu hỏi trao đổi với GS. Hashimoto xung quanh các vấn đề lien quan đến kỹ năng dạy và học tiếng Nhật. Buổi thuyết trình đã thành công tốt đẹp, nối tiếp chuỗi giao lưu học thuật giữa Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á nói riêng, học giả Việt Nam nói chung với các nhà khoa học Nhật Bản, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Nhật Bản./.

Phương Hoa

0thảo luận