Trang chủ

CHÂU Á CHUYỂN MÌNH: XU HƯỚNG VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Đăng ngày: 26-02-2019, 11:39 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: P. Hoontrakul, C. Balding, R. Marwah

Dịch giả: Vũ Anh Đức

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, 2018, 431 trang

Kí hiệu: Vt 550

Những năm gần đây, châu Á liên tục khẳng định là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, song cũng chứng kiến những diễn biến an ninh phức tạp và sự cạnh tranh ảnh hưởng nước lớn quyết liệt. Đã có một vài quan điểm chung về tương lai sáng của kinh tế châu Á, thậm chí người ta nói thế kỷ XXI là “thế kỷ của châu Á”. Cuốn sách “Châu Á chuyển mình: xu hướng và sự phát triển của các động lực tăng trưởng kinh tế” của nhóm tác giả P. Hoontrakul, C. Balding và R. Marwah, do dịch giả Vũ Anh Đức dịch, nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này. Cuốn sách gồm 9 chương với nội dung như sau:

Chương 1: Sự chuyển dịch cho một thế kỷ của châu Á: lựa chọn và thách thức khái quát lựa chọn và thách thức cho sự chuyển dịch của châu Á; phân tích sự phát triển và suy thoái của phương Tây cũng như sự vươn lên của châu Á, đồng thời đưa ra năm xu thế lớn tái định hình châu Á và năm yếu tố làm thay đổi cuộc chơi sẽ phát triển hoặc phá vỡ châu Á.

Chương 2: Động lực kinh tế và những áp lực chính trị đang dần hình thành ở châu Á. Ở đây, các tác giả phân tích bối cảnh chính trị và kinh tế châu Á; quyền lực kinh tế chuyển dịch sang phương Đông; địa chính trị xoay quanh trục cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc; thách thức của giới thượng lưu và mô hình mới cũng như chương trình nghị sự phía trước.

Chương 3: Đời sống sau chính sách nới lỏng định lượng. Trong phần này các tác giả đề cập đến các vấn đề tiền tệ; kinh doanh hàng hóa và dịch vụ chậm chạp; sự chuyển mình nhanh chóng trong ngành tài chính và ngân hàng cả phương Đông và phương Tây phải cân bằng lại các thứ tự ưu tiên.

Chương 4: Con đường nhanh nhất đến khu vực hóa và toàn cầu hóa. Ở đây các tác giả phân tích về đầu tư xuyên biên giới, các mối quan hệ thương mại và nhu cầu nội địa.

Chương 5: Khai thác sức mạnh của truyền thông xã hội và công nghệ di động tại châu Á. Các tác giả đi sâu phân tích tính kinh tế của dữ liệu không dây; nền kinh tế truyền thông xã hội; SMAC và những tác động của nó; vốn con người và bẫy thu nhập trung bình.

Chương 6: Sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ - các tác động. Phần này, các tác giả đề cập đến các cuộc cách mạng; vấn đề Trung Quốc và Ấn Độ lỗi bước trong những hướng đi khác nhau; và các vấn đề được lựa chọn để thảo luận.

Chương 7: Sự trỗi dậy của ASEAN 2.0 - cộng đồng kinh tế ASEAN và sự liên kết khu vực. Chương này khái quát về các tiềm năng kinh tế của ASEAN; những lợi ích kinh tế từ việc liên kết mạnh mẽ hơn; “điểm ngọt ngào” trong việc đô thị hóa.

Chương 8: Đổi mới năng nượng của châu Á sau cuộc cách mạng khí đá phiến. Trong đó, các tác giả đi sâu phân tích và dự báo tương lai của khí đá phiến tại châu Á; nền kinh tế xanh tại ASEAN và châu Á; tăng cường phát triển theo hướng tích cực - phát triển bền vững; vấn đề năng lượng ở Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ.

Chương 9: Thiên tai và các chuỗi cung ứng dễ bị phá vỡ: trận động đất lớn ở miền Đông Nhật Bản và lũ lụt ở Thái Lan năm 2011. Trong chương này các tác giả nêu ra vấn đề thiên tai ở châu Á mà nổi bật là trận động đất lớn ở miền Đông Nhật Bản và các trận lũ lụt lớn ở Thái Lan; so sánh hai thảm họa này và đưa ra những bài học cho tương lai.

Như vậy có thể thấy, cuốn sách đã giúp bạn đọc có được những hiểu biết sâu sắc và toàn diện hơn về các động lực tăng trưởng kinh tế của châu Á cũng như những xu hướng phát triển trong tương lai. Cuốn sách là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc về vấn đề này.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận