Trang chủ

QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - TRUNG QUỐC TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP

Đăng ngày: 11-12-2018, 05:31 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: TS. Trịnh Thị Thanh Thủy, TS. Nguyễn Anh Sơn đồng chủ biên

Nhà xuất bản Công thương, 2017, 243 trang

Kí hiệu: Vv 2895

Từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt - Trung phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Nhằm hướng đến một quan hệ đối tác chiến lược lâu dài giữa hai nước, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết nhiều thỏa thuận và hiệp ước nhằm mở đường và thúc đẩy quan hệ kinh tế nói chung và thương mại nói riêng. Trong 10 năm gần đây, Trung Quốc liên tục nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất, đồng thời cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN. Quan hệ thương mại song phương đạt được những bước tiến to lớn, nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại không ít thách thức. Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, Việt Nam liên tục nhập siêu từ thị trường này và thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng. Mặc dù vvai trò và tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc với Việt Nam đã được khẳng định, quy mô thương mại giữa hai quốc gia đang tăng trưởng nhanh chóng, song đến nay Việt Nam vẫn chưa giải quyết được các vấn đề trong quan hệ thương mại song phương, thậm chí nhiều vấn đề có xu hướng ngày càng trầm trọng. Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, nhóm tác giả đã nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách “Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh hội nhập”. Nội dung cuốn sách được gói gọn trong 4 chương như sau:

Chương 1: Tình hình phát triển kinh tế, thương mại của Trung Quốc giai đoạn 2001-2016, như tên của nó, là chương được các tác giả dành để phân tích tình phát triển kinh tế, tình hình đầu tư và phát triển thương mại của Trung Quốc giai đoạn 2001-2016.

Chương 2: Tình hình phát triển kinh tế, thương mại của Việt Nam giai đoạn 2001-2016. Ở đây, các tác giả phân tích tình tăng trưởng kinh tế và cơ cấu kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2001-2016; tình hình đầu tư của Việt Nam giai đoạn 2001-2016; thương mại quốc tế và thương mại nội địa của Việt Nam giai đoạn 2001-2016.

Chương 3: Thực trạng quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2001-2016. Các tác giả tập trung phân tích nhóm nhân tố khách quan và nhóm nhân tố chủ quan ảnh hưởng đến phát triển quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc; thực trạng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc; nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc của Việt Nam; cán cân thương mại của Việt Nam với Trung Quốc; đánh giá chung về quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2001-2016.

Chương 4: Xu hướng và giải pháp phát triển quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2001-2016. Trong phần này, các tác giả nhận diện xu hướng thương mại quốc tế của Trung Quốc thời gian tới; cơ hội và thách thức đối với phát triển quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc; xu hướng phát triển quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc; giải pháp phát triển quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh mới từ năm 2017 đến 2025.

Với những nội dung nêu trên, cuốn sách giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cuốn sách là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề này.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận